ĐGM. Raymond Poisson: Lời nói, cử chỉ, sự hiện diện của ĐTC chỉ cho Giáo hội Canada hướng phải đi
Theo Đức cha Poisson, huyến thăm Canada của Đức Thánh Cha là một chuyến thăm lịch sử vì nhiều lý do. Ngoài việc lắng nghe và đối thoại với các dân tộc Bản địa, bày tỏ sự gần gũi của ngài và đề cập đến sự tham gia của Giáo hội Công giáo trong hoạt động của các trường nội trú trên khắp Canada, chuyến thăm của Đức Thánh Cha sẽ là cơ hội để gặp gỡ cộng đoàn Công giáo rộng lớn hơn ở Canada.
Trước cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha đến Canada vào tuần tới, Đức Cha Raymond Poisson, giám mục giáo phận Saint-Jérôme-Mont-Laurier, thuộc tỉnh Québec, Chủ tịch Hội đồng giám mục Canada, đã trả lời phỏng vấn của hãng tin Omnes. Theo Đức cha, đây là một chuyến thăm lịch sử vì nhiều lý do. Ngoài việc lắng nghe và đối thoại với các dân tộc Bản địa, bày tỏ sự gần gũi của ngài và đề cập đến sự tham gia của Giáo hội Công giáo trong hoạt động của các trường nội trú trên khắp Canada, chuyến thăm của Đức Thánh Cha sẽ là cơ hội để gặp gỡ cộng đoàn Công giáo rộng lớn hơn ở Canada. Từ nhiều năm, cộng đoàn Công giáo Canada đã dấn thân trong một quá trình đón nhận, tha thứ, nhưng trên hết là xây dựng tương lai.
Trong cuộc trò chuyện này, Đức Cha Raymond Poisson chỉ ra rằng “lời nói, cử chỉ, sự hiện diện của Đức Thánh Cha sẽ chỉ cho chúng tôi đường hướng phải thực hiện” trên con đường khó khăn, nhưng cần thiết này.
Thưa Đức cha, Giáo hội Canada chuẩn bị cho chuyến viếng thăm này như thế nào?
– Đó là một công việc được thực hiện theo nhóm với nhiều cộng tác viên, ở cấp quốc gia-địa phương, phải được thực hiện trong thời gian kỷ lục.
Từ hơn ba năm nay, một nhóm bốn giám mục đã thường xuyên đồng hành với các sáng kiến của các giám mục Canada nhắm đưa ra những hành động và cử chỉ cụ thể của việc hòa giải với anh chị em bản địa của chúng tôi. Là một phần của nhóm này, tôi có thể làm chứng cho hành trình được thực hiện, điều thúc đẩy chúng tôi tổ chức cuộc gặp gỡ tại Roma của 3 phái đoàn – First Nations, Inuit và Métis – với Đức Thánh Cha Phanxicô.
Những cuộc gặp gỡ này lên đến đỉnh điểm trong cuộc tiếp kiến Đức Thánh Cha dành cho hơn 150 đại biểu bản xứ, trong đó Đức Thánh Cha đã hiệp với lời xin lỗi của các giám mục Canada vào tháng 9 năm 2021. Đức Thánh Cha đã nhận lời mời của các giám mục anh em của ngài đến Canada vào đầu tháng 7 năm 2022.
Các tổ chức quốc gia của các dân tộc bản địa tham gia vào việc lập kế hoạch cho chuyến thăm Canada của Đức Thánh Cha. Các cuộc trao đổi bắt đầu với việc các đại biểu trong ban chuẩn bị đến Vatican vào tháng 3 / tháng 4 năm 2022 và tiếp tục trong các cuộc gặp riêng với Đức Thánh Cha, cũng như với một nhóm làm việc của các giám mục Canada trong cuộc đối thoại liên tục.
Các anh em người bản địa cũng tham gia vào các chuyến thăm sơ bộ đến các địa điểm có thể cho chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha. Chương trình đã được hoàn thiện với sự cộng tác chặt chẽ của họ để đảm bảo rằng chuyến thăm sắp tới của Đức Thánh Cha là một bước quan trọng trên con đường chữa lành và hòa giải.
Chúng tôi cầu nguyện cho sức khỏe của Đức Thánh Cha khi chúng tôi bắt tay vào việc lập kế hoạch chuyên sâu cho chuyến thăm lịch sử này.
Như Đức cha đã chỉ ra, việc chuẩn bị cho chuyến đi này diễn ra rất nhanh chóng. Ngoài những công việc chuẩn bị “chính thức”, người tín hữu tham gia những công việc chuẩn bị như thế nào?
– Có rất nhiều cách để các tín hữu tham gia vào việc chuẩn bị cho chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha, vui mừng trong tình yêu của Thiên Chúa và thể hiện cách chúng ta hiệp cùng Đức Thánh Cha trong cam kết chữa lành và hòa giải.
Một số nhóm giáo xứ cầu nguyện cùng nhau, một số tham gia bằng cách làm thiện nguyện viên, một số đi tham dự một trong những sự kiện chung, v.v.
Chuyến thăm của Đức Giáo hoàng được đánh dấu bằng các báo cáo về cách cư xử đáng buồn của một số tổ chức giáo hội đối với người dân bản địa. Đức cha có nghĩ rằng chuyến thăm này sẽ đánh dấu một bước ngoặt trong lịch sử của Giáo hội Canada?
– Trong thời gian các phái đoàn đến Roma, chúng tôi đã nghe Đức Thánh Cha nói lời xin lỗi cùng với các giám mục anh em của ngài vì những hành vi của một số thành viên của Giáo hội trong các trường nội trú. Chúng tôi biết rằng chuyến thăm của ngài sẽ là một bước chữa lành và hòa giải.
Vấn đề này ảnh hưởng đến những người sống sót trong các trường nội trú, nhưng cũng ảnh hưởng đến bất kỳ ai đã phải chịu đựng nỗi đau hoặc chấn thương từ các thành viên của Giáo hội Công giáo. Nhưng chuyến viếng thăm này trên tất cả, thể hiện ý muốn của Giáo Hội sống với các anh chị em bản xứ của chúng ta những dự án hòa giải mới. Không chỉ là những lời xin lỗi.
Chuyến thăm của Đức Giáo hoàng cũng có thể có tác dụng giải phóng nào đó; điều này sẽ giúp có một bước tiến tới việc chữa lành một số đông các nạn nhân của các loại lạm dụng khác nhau, cũng như gia đình của các cựu học sinh, những người sống dưới tác động đa thế hệ.
Rõ ràng, không phải tất cả các nạn nhân sẽ được xoa dịu, nhưng đối với nhiều người, đây sẽ là cơ hội để lắng nghe và thấy Đức Thánh Cha xúc động trước những lời chứng đã được nghe.
Người bản địa rất coi trọng mối quan hệ, sự hiện diện. Do đó quan trọng là nó được tổ chức trên đất Canada và càng có nhiều người bản địa tham dự càng tốt.
Theo nghĩa này, cư dân bản địa sống tiến trình này thế nào, kể cả những người không Công giáo?
– Nói chung, sau hai năm đại dịch: gặp lại nhau đông người, sẽ vui biết bao!
Cần phải xây dựng lại các mối quan hệ và củng cố chúng, hiểu nhau hơn và tôn trọng lẫn nhau, hiểu rõ hơn về linh đạo của người bản địa, truyền thống của họ, đào sâu sự thật, để làm rõ cách nhìn của chúng ta về bản thân mình.
Có những định kiến và khuôn mẫu trong chúng ta, vì vậy việc đồng hành cùng nhau, người Công giáo và các hệ phái tôn giáo khác với toàn dân tộc, sẽ giúp chúng ta tạo ra một tương lai đoàn kết hơn. Có nghĩa là thay đổi cái nhìn của chúng ta về người khác. Chuyến thăm này là một cơ hội độc đáo dành cho toàn thể xã hội Canada.
Khẩu hiệu của chuyến thăm là “Bước đi cùng nhau”, như một phần của tiến trình hòa giải do các giám mục Canada khởi xướng từ nhiều năm trước. Quá trình này diễn ra như thế nào?
– Phái đoàn đến Roma vào tháng 4 vừa qua sau hơn ba năm đối thoại giữa các giám mục Công giáo của Canada và các anh chị em bản địa, bao gồm Hội đồng các Dân tộc Đầu tiên (AFN), Hội đồng Quốc gia Métis (MNC) và ‘Inuit Tapiriit Kanatami (ITK), với mục đích học hỏi và phân định cách tốt nhất để hỗ trợ họ trên con đường chữa lành và hòa giải.
Khi cuộc đối thoại này tiếp tục, chúng tôi đã thực hiện một số bước quan trọng để hỗ trợ một tương lai tươi sáng hơn, bao gồm việc công bố 30 triệu đô la hỗ trợ cho các sáng kiến chữa lành và hòa giải, cam kết bảo đảm sẵn sàng cung cấp các tài liệu liên quan đến trường nội trú cho những người sống sót và tiếp tục nỗ lực giáo dục các giáo sĩ, tu sĩ nam nữ, và giáo dân của chúng tôi trong các nền văn hóa và tâm linh bản địa.
Có một sự đồng thuận rõ ràng giữa các giám mục Canada rằng cần phải làm nhiều hơn nữa để giảm bớt những đau khổ trong lịch sử và hiện tại do hệ thống trường nội trú gây ra.
Chuyến đi của Đức Thánh Cha đến Canada sẽ cho phép chúng tôi ở bên nhau, cùng nhau bước đi, những thành viên của các cộng đồng bản địa và không phải người bản địa. Cùng nhau trải nghiệm những sự kiện mạnh mẽ, những điều nói thay cho chúng tôi, chúng tôi nghĩ rằng điều đó sẽ có lợi.
Lời nói, cử chỉ, sự hiện diện của Đức Thánh Cha sẽ hướng dẫn chúng tôi đi theo hướng chúng tôi phải đi, ngài sẽ mở ra những con đường để chúng tôi tiếp tục cùng nhau bước tới hòa giải, chữa lành, để có một tầm nhìn về tương lai.
Canada, giống như phần còn lại của phương Tây, đã trải qua một quá trình tục hóa rất lớn. Giáo hội ở Canada ngày nay như thế nào? Đức cha đã cảm nghiệm và đang trải nghiệm tiến trình thanh lọc này như thế nào, điều mà đôi khi có thể không thể hiểu nổi?
– Giáo hội, như là một thể chế, đại diện cho toàn thể dân tộc đang trên hành trình; nó là một sức mạnh của hành động. Nhưng nó cũng có một nguy cơ: không nên giới hạn Giáo hội trong phạm vi các tu sĩ hoặc giáo sĩ, nhưng là tất cả những người đã được rửa tội.
Qua những thử thách và tranh luận, những niềm vui và những dự án, Giáo hội cố gắng dành một vị trí trung tâm cho Chúa Kitô, Phúc Âm và các giá trị Phúc âm. Giáo hội được tạo nên từ con người và do đó không hoàn hảo.
Trong xã hội, người ta ngày càng đề cao tính xác thực của chứng tá của Giáo hội, với các mục tử và toàn bộ cơ cấu của Giáo hội, phải phục vụ cho nền tảng của xã hội. Các thành viên của Giáo hội thường bị khiển trách về tính xác thực này, “trung thành với sứ mạng, trong trường hợp các trường nội trú.”
Qua tư cách thành viên và việc tham gia vào Hội đồng Giám mục Công giáo Canada, tôi được truyền cảm hứng từ những tấm gương dấn thân và thánh thiện tuyệt vời trong hành trình truyền giáo của Dân Chúa tại Canada. Thế giới hiện đại đầy phức tạp, nhưng cũng có những lúc Lời Chúa có thể bén rễ trong xã hội.
Là giám mục, chúng tôi tin tưởng mọi thành phần Dân Chúa, bao gồm giáo sĩ, giáo dân và tu sĩ, tất cả những người đã được rửa tội, làm chứng tốt cho Phúc Âm trong đời sống hàng ngày.
Hồng Thủy – Vatican News
Nguồn: Vatican News Tiếng Việt