Đức Hồng y Quốc vụ khanh viếng thăm và cử hành thánh lễ cho dân tản cư
Tiếp tục cuộc viếng thăm ba ngày tại Nam Sudan, nhân danh Đức Thánh cha Phanxicô, hôm thứ Tư, ngày 06 tháng Bảy vừa qua, Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, đã đến thăm trại tị nạn tại Bentiu, cách thủ đô Juba 530 cây số đường chim bay ở mạn hướng bắc.
Trại này có hơn 140.000 người tị nạn chiến tranh, trong đó trên một nửa là trẻ em. Đức Hồng y đã đi máy bay 15 chỗ của Liên Hiệp Quốc và đến nơi sau gần hai giờ bay, vượt lên trên sông ngòi và rừng cây, trước khi đáp xuống vùng sa mạc, nóng 41 độ. Ngài được các phụ nữ và trẻ em, cùng với các thiếu niên nồng nhiệt đón tiếp, với những điệu vũ bộ lạc. Mọi người lên xe tiến về trại tị nạn cách đó 20 cây số, qua những con đường gập ghềnh với những ổ gà và mô đất. Dọc đường còn những xác xe thiết giáp.
Đến nơi, Đức Hồng y đã được hàng trăm người đổ ra đường đón tiếp, vỗ tay, ca hát chào mừng, trước khi tiến vào giáo xứ thánh Martino de Porres. Nhà thờ là một cái lều lớn. Lên tiếng trong dịp này, Đức Hồng y Parolin nói: “Tôi không đến vì ý riêng tôi, nhưng để mang đến anh chị em lòng quí mến của Đức Giáo hoàng Phanxicô. Tôi đến để chuẩn bị cho cuộc viếng thăm của ngài, giống như thánh Gioan Tẩy Giả. Đức Giáo hoàng muốn đến Nam Sudan, nhưng cuộc viếng thăm của ngài nhắm đến toàn thể đất nước, để gặp gỡ toàn dân”.
Diễn văn của Đức Hồng y được một linh mục dịch ra tiếng Nuer và ngài xin mọi người cầu nguyện cho Đức Giáo hoàng, đồng thời nói thêm rằng: “Tôi vui mừng được ở đây, chia sẻ đức tin với anh chị em, niềm vui của anh chị em. Anh chị em thực là những tín hữu Kitô, những tín hữu Công giáo tốt lành”.
Sau khi gặp các tín hữu, Đức Hồng y đã chào thăm đại diện tổ chức Liên Hiệp Quốc ở trại, gặp gỡ vị tỉnh trưởng địa phương, rồi ngài trở lại khu vực phía bắc của trại để cử hành thánh lễ tại một sân lớn tại đây.
Trong bài giảng bằng tiếng Anh, Đức Hồng y Quốc vụ khanh nói về hy vọng và nhấn mạnh rằng: “Chúng ta đang ở miền đất khó khăn, nhưng luôn được Thiên Chúa yêu thương. Niềm hy vọng theo tinh thần không phải là hy vọng trừu tượng, tách rời khỏi đau khổ, không biết tới những thảm trạng của con người, hoặc không để ý đến thực tại rất khó khăn của dân chúng tại Bentiu này. Trái lại, lịch sử chúng ta làm cho chúng ta kêu lên cùng Chúa, khiến chúng ta dâng lên trước bàn thờ Chúa những bất công, lạm dụng, bách hại vẫn còn tạo nên quá nhiều nạn nhân nơi chúng ta; nhưng chúng ta biết rằng tiếng kêu này được Thiên Chúa lắng nghe và cứu độ, một tiếng kêu mà chính Chúa sẽ biến thành một bài ca vui mừng, nếu chúng ta biết cách xin tha thứ cho những kẻ bách hại chúng ta và cầu nguyện cho những kẻ làm hại chúng ta”. (Vatican News 6-7-2022).
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
nguồn: vietnamese.rvasia.org