Nhà thờ Đức Bà Paris, bài học về sự tái sinh và hy vọng
Kỷ niệm ba năm Nhà thờ Đức Bà Paris bị hoả hoạn, Đức ông Patrick Chauvet, cha sở Nhà thờ Chính tòa cho biết công trình trùng tu đang ở giai đoạn thứ ba, phần khó nhất, và sẽ hoàn thành theo đúng kế hoạch, vào năm 2024.
Vào thứ Sáu Tuần Thánh 15/4/2019, một trận hoả hoạn kéo dài trong nhiều giờ đã gây thiệt hại nặng cho Nhà thờ Đức Bà Paris. Ngọn tháp hình mũi tên cao 93 mét có từ năm 1250 bị sụp đổ cùng với nhiều phần mái của nhà thờ. Trong tháp có 500 tấn gỗ và 250 tấn chì. Trên đầu ngọn tháp có hình con gà trong đó có 3 thánh tích: một mảnh mão gai của Chúa Giêsu, một thánh tích của thánh Denis và một của thánh nữ Geneviève.
Ngay ở thời điểm đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã cam kết sẽ phục dựng kiệt tác kiến trúc này trong vòng 5 năm, để hoàn thành đúng thời điểm Paris đăng cai Olympic 2024.
Vào ngày kỷ niệm ba năm Nhà thờ bị cháy, Đức ông Patrick Chauvet, cha sở của nhà thờ chính tòa cho biết công trình trùng tu đang ở giai đoạn thứ ba, phần khó nhất. Hiện đã có 90 hợp đồng do nhà nước tài trợ trong việc giúp dọn dẹp, trùng tu và tái xây dựng Nhà thờ Đức Bà. Tổng cộng sẽ có 130 hợp đồng để hoàn thành công việc trùng tu. Cụ thể, trong những tuần tới, thợ đá, thợ làm kính, thợ sắt nghệ thuật và thợ phục chế các bức tranh và tác phẩm điêu khắc sẽ vào bên trong công trình để phục chế những gì đã bị hư hại.
Nhưng không chỉ tại Paris, việc trùng tu Nhà thờ vẫn đang được phối hợp thực hiện tại các nơi khác: 1.000 cây sồi cần thiết để khôi phục Nhà thờ sắp hoàn tất ở 45 xưởng cưa ở Pháp; việc làm sạch và phục hồi đại phong cầm vẫn đang được tiếp tục ở Corrèze; việc khôi phục 22 bức tranh có niên đại từ thế kỷ 17 và 18 của nhà thờ hiện đang được khôi phục ở Essonne. Sau cùng là việc khai thác những viên đá cứng cần thiết để tái tạo mái vòm của các hầm bị sập tại một mỏ đá ở Oise vẫn đang tiếp diễn.
Nói về đời sống thiêng liêng của các tín hữu sau đại hoạ, cha sở Nhà thờ Chính toà nói: “Sau vụ hoả hoạn, tôi nhận ra tình cảm gắn bó của người Pháp đối với Nhà thờ Đức Bà. Nhà thờ đại diện cho lịch sử của Pháp. Rất nhiều người quan tâm đến việc tái thiết Nhà thờ, và mong muốn được sớm trở lại nơi đây để cầu nguyện. Chúng ta sẽ thấy lại màu sắc của những viên đá trắng của 850 về trước. Tôi hy vọng mọi người sẽ có một trải nghiệm niềm vui này”. Theo Đức ông Patrick Chauvet, qua hoạt động trùng tu, các tín hữu rút ra được bài học về sự tái sinh và niềm hy vọng.
Ngọc Yến
nguồn: Vatican News Tiếng Việt