THOÁNG NHÌN LẠI CUỘC VIẾNG THĂM
CỦA HAI VỊ GIÁO HOÀNG TẠI SÝP VÀ HY LẠP
Vatican News (21.11.2021) – Chỉ còn 12 ngày nữa, ĐTC Phanxicô lại lên đường tông du tại đảo Sýp và Hy Lạp từ ngày 2 đến 6/12 sắp tới, sau chuyến viếng thăm tại Iraq hồi tháng 3, sau đó tại Hungari và Slovakia hồi tháng 9 năm nay.
Sýp và Hy Lạp đã từng được hai vị Giáo Hoàng tiền nhiệm của ngài viếng thăm: ĐGH Biển Đức XVI là Giáo Hoàng đầu tiên trong lịch sử đến thăm đảo Sýp trong 3 ngày từ 4-6/6/2010, với cao điểm là buổi công bố tài liệu làm việc của Thượng HĐGM về Liban nhóm tại Roma hồi cuối năm đó.
Viếng thăm tại Sýp
Cuộc viếng thăm của ĐGH Biển Đức tuy ngắn ngủi, nhưng đã được xem là một thành công lớn về phương diện Đại Kết, nhất là trong quan hệ với Chính Thống giáo, và cũng lưu ý thế giới về tình trạng chia cắt đau thương của đảo Sýp từ năm 1974: Thổ Nhĩ Kỳ chiếm 1/3 ở miền Bắc, và 2/3 con lại thuộc cộng hòa Sýp. Giữa hai miền là khu vực trái độn do Quân đội LHQ trấn đóng.
Đảo Sýp xuất hiện trong sách Tông đồ Công vụ ít là 6 lần. Thánh Barnaba đến từ đảo này và là một trong những người đầu tiên gia nhập cộng đoàn tông đồ ở Jerusalem. Đa số dân hiện nay tại đây là tín hữu Chính Thống. Còn Cộng đồng Công giáo tại đảo Sýp chỉ có khoảng 25.000 người thuộc ba nghi lễ chính là Maronite, Armeni và La Tinh. Ngoài ra, gần đây có thêm nhiều tín hữu là công nhân nước ngoài từ Châu Á như Philippines, Sri Lanka, Ấn độ và từ Châu Phi như Camerun, Congo.
Ngoài cuộc gặp gỡ tổng thống, các giới chức ngoại giao và các đại diện dân sự, ĐGH Biển Đức đã có hoạt động như chủ sự buổi cầu nguyện Đại Kết chiều ngày 4/6 với Đức TGM Chrysostomos II của Giáo hội Chính Thống địa phương trước Vương cung thánh đường cổ kính của Kitô giáo hồi thế kỷ IV. Thánh đường dâng kính thánh nữ Ciciaca Chrisopolitissa, cạnh đó, có một di tích gọi là “Cột Thánh Phaolô” rất được các tín hữu tôn kính, nhắc nhớ một lưu truyền, theo đó, thánh Phaolô tông đồ đã cư ngụ tại đảo này.
Ngày 5/6 cùng năm 2010, ĐGH Biển Đức viếng thăm Đức TGM Chrysostomos II, Giáo Chủ Chính Thống toàn đảo Sýp, và dùng bữa trưa với Đức Tổng Giám mục. Ban chiều, ngài cử hành Thánh lễ với 350 người gồm các linh mục, phó tế, chủng sinh các tu sĩ nam nữ, giáo lý viên. Sáng hôm sau, Chúa Nhật 6/6/2010, ngài chủ sự thánh lễ trước sự hiện diện của 10.000 tín hữu ở thủ đô đô Nicosia, và cuối thánh lễ, ngài trao Tài liệu làm việc của Thượng HĐGM Trung Đông cho các Thượng phụ và Giám mục. Trong dịp này, ĐGH nói: “Tôi lập lại lời kêu gọi: hãy có một nỗ lực cấp thiết và có sự phối hợp của quốc tế để giải quyết những căng thẳng còn tồn đọng ở Trung Đông, nhất là tại Thánh Địa, trước khi các cuộc xung đột này dẫn tới các cuộc đổ máu rộng lớn hơn”.
ĐGH Gioan Phaolô 2 thăm Hy Lạp
10 năm trước cuộc tông du của ĐGH Biển Đức tại Sýp, Thánh Gioan Phaolô 2 đã viếng thăm Hy Lạp trong chương trình hành hương Năm Thánh trong 6 ngày từ 4-9/5/2001, theo dấu chân thánh Phaolo Tông Đồ với 3 trạm dừng lần lượt tại Hy Lạp, Syria và đảo Malta.
Ngài chỉ dừng lại tại Hy Lạp 24 tiếng đồng hồ, nhưng đoạn đường này được mô tả là khó khăn nhất trong 93 cuộc viếng thăm trước đó của ngài tại nước ngoài. Dầu vậy, chuyến viếng thăm đã diễn ra tốt đẹp, làm tan băng giá trong quan hệ khó khăn từ 10 thế kỷ giữa Công giáo và Chính Thống Hy Lạp, vốn được coi là thủ cựu nhất trong số 14 Giáo hội Chính Thống. Những thành kiến và đố kỵ nặng nề chống Công giáo trong giới Chính Thống tại Hy Lạp bắt đầu dịu đi dần dần.
Trong số hơn 10.000.000 người Hy Lạp, có 97% theo Chính Thống giáo, cũng là quốc giáo tại đây, tuy rằng mức độ thực hành đạo của tín hữu Chính Thống chỉ vào khoảng 5%. Số tín hữu Công giáo công dân Hy Lạp chỉ có hơn 50.000 người, không kể 150.000 tín hữu Công giáo kiều dân nước ngoài.
Chống đối
Trong 10 ngày trước cuộc viếng thăm của ĐTC, đã có một số cuộc biểu tình chống đối của một số người Chính Thống thủ cựu do các đan sĩ hướng dẫn, với những biểu ngữ và khẩu hiệu “ĐGH là người ‘đại rối đạo’, là ‘Ngụy Kitô’”.
Trước Năm Thánh 2000, trong thư ngày 29/6/1999 về cuộc hành hương tại các nơi đã ghi đậm vết tích lịch sử cứu độ, Đức Gioan Phaolo 2 đã bày tỏ ước muốn viếng thăm diễn trường Areopagus ở thủ đô Hy Lạp, nơi thánh Phaolô đã rao giảng. Giáo hội Công giáo đã chuyển đến Giáo hội Chính Thống Hy Lạp một lời thỉnh cầu không chính thức về dự án này, nhưng Giáo hội này đã từ chối và cũng đặt điều kiện: nếu muốn đến Hy Lạp thì Giáo Hoàng phải xin lỗi vì những xúc phạm của Công giáo đối với Chính Thống giáo qua dòng lịch sử, đặc biệt là vụ Đạo binh Thánh Giá thứ 4 vào năm 1204 đã chiếm thành Constantinople của Chính Thống giáo.
Nhưng rồi, hồi cuối tháng giêng năm 2001, Tổng thống Stephanopoulos của Hy Lạp đã đến thăm Italia và cũng thăm ĐGH tại Vatican. Ông đã chính thức mời ngài đến thăm Hy Lạp. Trước tình thế đó, Giáo hội Chính Thống Hy Lạp đành phải chấp nhận đón ĐGH để tránh sự đụng độ với chính phủ.
Thêm vào những khó khăn trên đây, còn có khó khăn từ nội bộ chia rẽ của Giáo hội Chính Thống Hy Lạp vì trào lưu cực đoan. Thực vậy, trong Giáo hội Chính Thống này có những phong trào cực đoan nhất quyết không chấp nhận sự xích lại gần nhau giữa các Giáo hội Kitô.
Tuy có những trào lưu chống đối như thế, nhưng nói chung, dân chúng Hy Lạp tò mò và cởi mở. Họ quý chuộng đường lối mục vụ của ĐGH khi tìm đến gặp gỡ dân chúng, tiếp xúc với đám đông tín hữu và điều này làm cho họ phấn khởi. Dân chúng ở Hy Lạp thường không nuôi dưỡng tâm tưởng chống Công giáo như hàng giáo sĩ Chính Thống.
Tiến hành cuộc viếng thăm
Sau khi viếng thăm tổng thống Hy Lạp, ĐGH Gioan Phaolô 2 đã đến thăm Đức TGM Christodoulos, Giáo chủ Chính Thống Hy Lạp, và Thánh Hội đồng của Giáo hội này.
Phía Chính Thống bày tỏ sự thanh tẩy quá khứ không đẹp giữa hai bên, và ĐGH đã đáp lại yêu cầu đó và nói rằng: “Hiển nhiên là cần có một tiến trình giải thoát qua sự thanh tẩy ký ức. Vì những dịp quá khứ và hiện nay, khi những người con của Giáo hội Công giáo phạm tội qua những hành động hoặc những thiếu sót chống lại các anh chị em Chính Thống, xin Chúa ban cho chúng tôi sự tha thứ mà chúng tôi cầu xin ngài.”
Các Giám mục Chính Thống và mọi người hiện diện đã nồng nhiệt liệt vỗ tay tán đồng đoạn diễn văn lịch sử trên đây của ĐTC. Trong cuộc gặp gỡ, hai vị lãnh đạo Công giáo và Chính Thống Hy Lạp đã ký vào một tuyên ngôn chung. Hai vị ôm hôn nhau trước những tràng pháo tay của những người hiện diện.
Đọc chung kinh Lạy Cha
Ngoài ra, mặc dù Thánh Hội đồng của Giáo hội Chính Thống Hy Lạp đã quyết định không có nghi thức cầu nguyện chung nào với ĐGH, dù là một kinh Lạy Cha cũng không. Tuy nhiên, tối thứ Sáu, 4/5/2001, khi Đức TGM Giáo Chủ Christodoulos và một phái đoàn 7 Giám mục của Giáo hội Chính Thống đến viếng thăm đáp lễ ĐTC tại tòa Sứ thần Tòa Thánh, trước khi chia tay, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô 2 đã hỏi các Giám mục Chính Thống:
– Chúng ta có thể đọc chung kinh Lạy Cha bằng tiếng Hy Lạp không?
Họ đáp:
– Thưa Đức Thánh Cha, có chứ!
Thế là các vị cùng cầu nguyện chung như Chúa Giêsu đã dạy.
Cuộc viếng thăm của Đức Gioan Phaolô 2 tại Hy lạp kết thúc với thánh lễ ngài cử hành sáng thứ Bảy 5/5/2001 cho 18.000 tín hữu thuộc Cộng đoàn Công giáo bé nhỏ tại nước này tại Hội trường thể thao thuộc Trung tâm thế vận Olympic ở thủ đô Athen. Ban tổ chức đã xin ban giám đốc Thao trường cho dùng hội trường có 80.000 chỗ, nhưng chỉ được chính phủ Hy Lạp cho hội trường 20.000 chỗ mà thôi, có lẽ vì nể nang Giáo hội Chính Thống tại đây. Vì không được chỗ bên trong, nên hàng ngàn tín hữu Công giáo đã phải tham dự thánh lễ từ bên ngoài. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử đài truyền hình của Nhà nước Hy Lạp trực tiếp truyền đi một thánh lễ Công giáo.
Đặc điểm cuộc viếng thăm của ĐTC Phanxicô
Điểm đặc biệt trong cuộc viếng thăm sắp tới của ĐTC Phanxico tại Sýp và Hy Lạp là mối quan tâm đặc biệt của ngài đối với người di dân: ngoài các cuộc gặp gỡ với chính quyền, các vị lãnh đạo Chính Thống, các Giám mục và các thành phần tín hữu Công giáo, ngài còn gặp gỡ những người di dân và tị nạn. Tại Sýp vào chiều ngày 3/12, ĐTC sẽ chủ sự buổi cầu nguyện Đại Kết với người di dân tại Nhà thờ giáo xứ Thánh Giá cũng ở Nicosia. Còn tại Hy Lạp, ngài sẽ dành trọn buổi sáng Chúa Nhật 5/12, đến đảo Lesbos để thăm những người di dân và tị nạn tại trại gọi là “Trung tâm tiếp đón và định danh”.
Giuse. Trần Đức Anh, O.P
Nguồn: vaticannews.va/vi/