TỰ DO TÔN GIÁO NGÀY CÀNG BỊ VI PHẠM TRÊN THẾ GIỚI
Vatican News (21.4.2021) – Theo báo cáo thứ 15 của Tổ chức Trợ giúp các Giáo hội Đau khổ được công bố hôm thứ Ba 20/4, giai đoạn 2018-2020: 67% dân số thế giới (5.200 tỷ) sống ở các nước có tình trạng vi phạm tự do tôn giáo nghiêm trọng. Covid-19 cũng có tác động mạnh mẽ đến tự do tôn giáo với những hạn chế không cân xứng trong việc thực hành tôn giáo, từ chối viện trợ nhân đạo cho các nhóm thiểu số tôn giáo, các nhóm tôn giáo bị cáo buộc làm lây lan virus.
Báo cáo cho thấy sự bách hại ngày càng gia tăng: Tự do tôn giáo bị vi phạm ở 62 nước (31,6%) trong tổng số 196 quốc gia trên thế giới. Thực tế, số người cư trú tại các quốc gia này là gần 5,2 tỷ người, vì trong số những quốc gia vi phạm nặng nhất có một số quốc gia đông dân nhất thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh và Nigeria.
Ở 26 trong số 62 quốc gia này, vi phạm tự do tôn giáo ở mức báo động đỏ. Dân số của 26 quốc gia này là 3,9 tỷ người, chiếm 51% dân số thế giới, gồm các quốc gia châu Phi như: Mali, Nigeria, Burkina Faso, Camerun, Niger, Chad, Congo, Eritrea, Mozambique, Djibouti, Somalia, Libya và hai quốc gia châu Á là Trung Quốc và Myanmar.
36 quốc gia có vi phạm tự do tôn giáo ở mức báo động cam. Với tổng số 1,24 tỷ dân (16% dân số thế giới), đây là những quốc gia về mặt hiến pháp quyền tự tôn giáo không được đảm bảo, như ở một số nước: Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Thổ Nhĩ Kỳ, Venezuela, Qatar, Iraq, Syria, Brunei, Kuwait, và Azerbaijan.
Theo Tổ chức Trợ giúp các Giáo hội Đau khổ, các nguyên nhân làm cho tự do tôn giáo ngày càng bị đàn áp, trước hết là mạng lưới thánh chiến xuyên quốc gia, khủng bố Hồi giáo. Tiếp đến, là các chính phủ độc tài và các nhóm theo chủ nghĩa cực đoan, tăng cường bách hại tôn giáo. Việc bãi bỏ giáo dục tôn giáo trong các trường học ở phương Tây đã tạo điều kiện cho sự phát triển xu hướng cực đoan và làm suy yếu hiểu biết tôn giáo nơi người trẻ.
Và có một nguyên nhân đặc biệt trong lần báo cáo này là sự bách hại liên quan đến đại dịch. Đó là những hạn chế không cân xứng đối với thực hành tôn giáo, từ chối trợ giúp nhân đạo cho các nhóm tôn giáo thiểu số. Đáng chú ý theo nghĩa này là trường hợp của Pakistan, nơi các hiệp hội bác ái Hồi giáo đã từ chối trợ giúp các Kitô hữu và thành viên của các nhóm khác.