Vai trò quan trọng của Giáo hội Camerun cho việc hòa giải đất nước
Trong một ghi chú gửi tới Hãng tin Fides, Đức cha Andrew Nkea Fuanya viết: “Giáo hội Công giáo ở Camerun có thể được coi là người tạo điều kiện cho cuộc đối thoại. Theo nghĩa này, chúng tôi là những người trung gian giữa hai bên ngay cả khi chỉ có họ mới có thể giải quyết vấn đề qua đối thoại. Tại các khu vực nói tiếng Anh, số Kitô hữu là 40% và sự hiện diện của chúng tôi giúp tạo điều kiện cho hòa bình. Chúng tôi làm việc rất nhiều với người dân địa phương, nhưng cũng hoạt động với quân đội và chiến binh ly khai để mong đối thoại có thể đem lại thành công. Hoạt động thúc đẩy hòa bình làm cho chúng tôi phải trả giá đắt: thiệt hại về nhân mạng, các linh mục và giáo dân phải chịu đựng bạo lực”.
Trong ghi chú, Đức Cha Andrew cũng nói về các cuộc xung đột, bạo lực, nghèo đói và khủng bố mà người dân ở những vùng nói tiếng Anh phải chịu đựng từ năm 2016; đồng thời giải thích tại sao các linh mục hoạt động cho sự hòa giải nhưng lại phải chịu bạo lực: “Đây là một sự hiểu lầm sâu sắc. Mọi người ở đây tin tưởng vào Giáo hội, nhưng có lúc chính phủ coi chúng tôi như ‘những người ủng hộ quân phản loạn’, và những người ly khai lại cho rằng chúng tôi là những người ủng hộ chính phủ. Sự hiểu lầm này đơn giản là vì chúng tôi lên án bạo lực đối với dân thường”.
Đức Tổng Giám mục nhắc đến chuyến viếng thăm gần đây của Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh và tin rằng sự kiện này là bước quyết định hướng tới hòa bình với nhiều hy vọng. Trong chuyến viếng thăm vào tháng 01 vừa qua, Đức Hồng y đã mang đến sự gần gũi của Đức Thánh Cha với những người dân đang đau khổ. Đó là niềm an ủi lớn cho toàn thể Giáo hội Camerun, một sự thúc đẩy mạnh mẽ cho các linh mục, tu sĩ và giáo dân, tiếp tục trung thành với sứ vụ.
Đức cha kết luận: “Chúng tôi biết Tòa Thánh đang theo sát và cố gắng thúc đẩy hòa bình, nói chuyện với cả hai bên. Sự dấn thân của Giáo hội phổ quát và địa phương là nền tảng. Chúng tôi, các giám mục ở đây thông tin cho Tòa Thánh về mọi bước và như thế Tòa Thánh có thể đóng góp, qua các hoạt động của các giám mục địa phương. Dân chúng có niềm tin lớn vào Giáo hội và vì điều này nhiều bên nhìn Tòa Thánh như một tác nhân đáng tin cậy có thể giúp đối thoại và hoà giải”.
Ngọc Yến
nguồn: Vatican News Tiếng Việt