Giới thiệu các thành phố Iraq Đức Thánh Cha sẽ viếng thăm
Baghdad (tiếng Ả Rập: بغداد ), nơi Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ cư ngụ trong suốt chuyến tông du từ ngày 5 đến 8 tháng Ba, là thủ đô của Iraq và là một trong những thành phố lớn nhất trong thế giới Ả Rập. So sánh với dân số đông đúc trên một một diện tích nhỏ bé chỉ có 673 km vuông, Baghdad là thành phố có mật độ dân cư lớn nhất trong vùng Trung Đông.
Nằm dọc theo sông Tigris, gần tàn tích của thành phố Babylon ở Akkadian và thủ đô Ctesiphon của Iran cổ đại, Baghdad được thành lập vào thế kỷ thứ 8 và trở thành thủ đô của đế chế Abbasid. Tuy nhiên, trước khi Baghdad trở thành một thành phố, vùng này đã có dân cư. Tên Baghdad đã có từ trước và trong tiếng Aramaic là ngôn ngữ Chúa Giêsu nói khi xuống thế làm người nó có nghĩa là “Được Chúa Ban”.
Trong một thời gian ngắn, Baghdad đã phát triển thành một trung tâm văn hóa, thương mại và tri thức quan trọng của thế giới Hồi giáo. Ngoài việc có một số cơ sở học thuật quan trọng, Baghdad cũng có một môi trường đa sắc tộc và đa tôn giáo, tạo cho thành phố danh tiếng trên toàn thế giới như là “Trung tâm Học tập”.
Baghdad là thành phố lớn nhất trên thế giới trong phần lớn thời đế chế Abbasid, là thời kỳ Hoàng kim của Hồi giáo, với dân số đạt đến mức cao nhất là hơn một triệu người. Thành phố đã bị phá hủy phần lớn dưới tay của Đế chế Mông Cổ vào năm 1258, dẫn đến sự suy tàn kéo dài qua nhiều thế kỷ do thường xuyên xảy ra dịch bệnh và sự thay đổi của nhiều đế chế kế tiếp nhau. Với việc Anh công nhận Iraq là một quốc gia độc lập vào năm 1932, Baghdad dần dần lấy lại một số vị trí nổi bật trước đây như một trung tâm văn hóa Ả Rập quan trọng, với dân số ước tính khoảng 6 hoặc hơn 7 triệu người.
Trong thời hiện đại, thành phố thường xuyên phải đối mặt với những thiệt hại nghiêm trọng về cơ sở hạ tầng, gần đây nhất là do cuộc xâm lược Iraq năm 2003 do Hoa Kỳ lãnh đạo, và Chiến tranh Iraq tiếp theo kéo dài đến tháng 12 năm 2011. Trong những năm gần đây, thành phố thường xuyên là địa bàn của của các cuộc biểu tình, và các cuộc tấn công khủng bố, làm mất đi đáng kể các di sản văn hóa và hiện vật lịch sử. Tính đến năm 2018, Baghdad được xếp vào danh sách những nơi nguy hiểm nhất để sinh sống.
2. Thành phố Najaf
Najaf (tiếng Ả Rập: ٱ لنجف), còn được gọi là Baniqia (tiếng Ả Rập: بانيقيا ), là một thành phố ở miền trung Iraq khoảng 180 km về phía nam Baghdad. Dân số ước tính là 1 triệu người. Đây là thủ phủ của tỉnh Najaf. Theo dự trù, sáng thứ Bẩy, 6 tháng Ba, Đức Thánh Cha sẽ đáp máy bay đi Najaf để có cuộc gặp gỡ với Grand Ayatollah, tức là Đại Giáo Trưởng, của Hồi Giáo Shiite, là Ali al-Sistani.
Najaf được coi là thành phố linh thiêng thứ ba của Hồi giáo Shiite, sau Mecca và Medina, thủ đô tâm linh của thế giới Hồi giáo Shiite và là trung tâm quyền lực chính trị của người Shiite ở Iraq.
Để hiểu tại sao Najaf quan trọng đối với người Hồi giáo Shiite, chúng tôi xin trình bày như sau. Tất cả người Hồi giáo tin rằng không có Chúa nào khác ngoài Allah, và rằng Mohammed là vị tiên tri cuối cùng của Ngài. Họ tin rằng kinh Koran là Lời Chúa mạc khải cho Mohammed. Bên cạnh niềm tin chung đó, họ cũng rất tương đồng trong cách thức thờ phượng. Tuy nhiên, người Hồi Giáo Sunni, chiếm khoảng 80 phần trăm người Hồi giáo, và người Shiite, từ 15-20 phần trăm, thường tiến hành những cuộc chiến tranh tôn giáo kinh hoàng chống lại nhau.
Sự khác biệt quan trọng giữa hai hệ phái Hồi Giáo này là một điều thuộc về tín lý: Người Shiite tin rằng sau khi Mohammed qua đời vào năm 632, quyền lãnh đạo tôn giáo do ông thành lập phải được truyền cho con cháu của ông bắt đầu với Ali, là con rể của ông ta. Họ cũng tin rằng hàng lãnh đạo tôn giáo, tức là các imams, phải được thần thánh lựa chọn. Trong khi đó, người Hồi Giáo Sunni tin rằng quyền lãnh đạo tôn giáo phải được trao cho những đồng chí thân cận nhất của tiên tri Mohammed. Khi thế hệ các đồng chí này qua đi, thì người ta bình bầu lên các vị Caliph, tức là những người được cho là ưu tú, và có đạo đức nổi bật, được người ta tôn lên làm các nhà lãnh đạo tôn giáo và chính trị, trực hệ hay không với tiên tri Mohammed không phải là vấn đề.
Sự khác biệt về tín lý này gây ra những hậu quả bi thảm. Mỗi nhánh Hồi Giáo nhìn nhánh khác như là những kẻ đi theo các nhà lãnh đạo giả mạo, và do đó, họ là những người bội giáo – những kẻ phản bội Hồi giáo. Những người cực đoan ở cả hai phía tin rằng những người Hồi Giáo phía bên kia phải bị tận diệt để “thanh tẩy đức tin”.
Ngay những từ đầu sau khi Mohammed qua đời, những imams Shiite đều bị hàng lãnh đạo Sunni tìm mọi cách tiêu diệt, và tất cả 11 nhà lãnh đạo đầu tiên của Hồi Giáo Shiite đều đã chết một cách thê thảm, thường là do bị ám sát.
Trong lịch sử, chính tại Iraq, người Hồi Giáo Shiite đã bị đại bại trong những trận đánh lớn diễn ra trong các thế kỷ thứ 7, thứ 8 và thứ 9, và do đó, mà cũng chính tại Iraq, người Hồi Giáo Shiite có các đền thờ lớn nhất – để vinh danh các nhà lãnh đạo bị thảm sát của họ.
Ali, con rể của tiên tri và cũng là Imam đầu tiên của người Hồi Giáo Shiite, đã bị tấn công và giết chết trong lúc đang cầu nguyện; và sau đó được chôn cất ở Najaf. Con trai của ông là Hussein, vị Imam thứ ba, cũng đã bị giết trong trận Karbala và được chôn cất ở đó.
Cho đến ngày nay, nhiều người Shiite vẫn mang theo bên cạnh họ một viên gạch nhỏ làm bằng đất sét lấy từ đất ở Karbala, nơi máu của Hussein đổ ra. Họ đặt viên gạch xuống đất ở bất cứ nơi nào họ cầu nguyện và nhấn trán của mình lên đó.
Al-Najaf được người Hồi giáo dòng Shiite coi là linh thiêng vì là nơi chôn cất Ali, con rể và anh họ của tiên tri Muhammad. Thành phố hiện là một trung tâm hành hương trên khắp thế giới của Hồi giáo Shiite. Người ta ước tính rằng chỉ có Mecca và Medina là hai nơi nhận được nhiều người hành hương Hồi giáo hơn.
Đền thờ Hồi Giáo Imam Ali nằm trong một công trình kiến trúc vĩ đại với mái vòm mạ vàng và nhiều đồ vật quý giá trên tường. Gần đó là nghĩa trang Wadi-us-Salaam, lớn nhất thế giới. Nó chứa các ngôi mộ của một số nhà tiên tri và nhiều người tín hữu Hồi Giáo từ khắp nơi trên thế giới mong muốn được chôn cất ở đó, để được sống lại từ cõi chết cùng với Imam Ali vào ngày Phán xét. Qua nhiều thế kỷ, nhiều nhà tế bần, trường học, thư viện và viện nghiên cứu đã được xây dựng xung quanh đền thờ để biến thành phố trở thành trung tâm học tập và thần học của Hồi giáo Shiite.
Chủng viện Al-Najaf là một trong những trung tâm giảng dạy quan trọng nhất trong thế giới Hồi giáo. Ayatollah Khomeini giảng dạy ở đó từ năm 1964 đến năm 1978. Nhiều nhân vật hàng đầu của phong trào Hồi giáo mới nổi lên ở Iraq, Iran và Li Băng trong những năm 1970 đã học tại Najaf.
Najaf, cùng với Karbala, được coi là một điểm đến hành hương đông đúc của người Hồi giáo Shiite và ngành công nghiệp hành hương trong thành phố bùng nổ sau khi kết thúc sự cai trị của Saddam Hussein. Tuy nhiên, do lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran, số lượng người hành hương Iran đã giảm đáng kể.
3. Thành phố Nasiriyah
Nasiriyah (tiếng Ả Rập: ٱ لناصرية ) là một thành phố ở miền Nam Iraq cách thủ đô Baghdad 350km về phía Đông Nam, cách Najaf 250km về phía Đông Đông Nam. Nó nằm dọc theo bờ sông Euphrates, khoảng 360 km về phía đông nam Baghdad, gần những tàn tích của thành phố cổ Ur. Dân số ở đây vào khoảng 560,000 người, khiến nó trở thành thành phố lớn thứ tư ở Iraq. Vào đầu thế kỷ 20, thành phố có một dân số đa dạng về tôn giáo gồm người Hồi giáo, người Manda và người Do Thái, nhưng ngày nay cư dân của thành phố này chủ yếu là người Hồi giáo Shiite.
Nasiriyah được thành lập bởi bộ tộc Muntafiq vào cuối thế kỷ 19 trong thời kỳ Ottoman. Nó đã trở thành một trung tâm giao thông vận tải lớn. Nasiriyah là trung tâm của khu vực trồng cây chà là. Các ngành công nghiệp tiểu thủ công của thành phố bao gồm đóng thuyền, làm mộc và làm các đồ trang trí bằng bạc. Viện bảo tàng thành phố có một bộ sưu tập lớn các hiện vật của người Sumer, Assyriô, Babylon và Abbasid. Tàn tích của các thành phố cổ đại Ur và Larsa nằm gần đó.
Vào ngày thứ Bẩy, 6 tháng Ba, sau cuộc viếng thăm xã giao với Đại Giáo Trưởng Ali al-Sistani của Hồi giáo Shiite, Đức Thánh Cha sẽ khởi hành bằng máy bay đi Nasiriyah.
Vùng đồng bằng Ur là quê hương ban đầu của tổ phụ Abraham trước khi ngài lên đường theo tiếng Chúa gọi để xây dựng quê hương mới ở Canaan.
Tại Nasiriyah, Đức Thánh Cha sẽ có cuộc gặp gỡ liên tôn với các tôn giáo lớn tại Iraq.
4. Thành phố Erbil
Erbil (tiếng Ả Rập:ھ ە ول ێ ر) được biết đến trong lịch sử cổ đại với danh xưng là Arbela, là thủ phủ và là thành phố đông dân cư nhất trong khu vực Kurdistan của Iraq. Thành phố có khoảng 1.5 triệu dân. Đây là thủ phủ của khu tự trị Kurdistan Iraq, cách Baghdad 370km về phía Bắc.
Con người đã có mặt tại Erbil từ thiên niên kỷ thứ 5 trước Chúa Giáng Sinh. Như thế, Erbil là một trong những khu vực có người sinh sống liên tục lâu đời nhất trên thế giới.
Thành phố có dân số đa dạng về sắc tộc gồm người Kurd, người Thổ, người Assyriô, người Ả Rập và người Armenia. Nó cũng đa dạng về tôn giáo không kém, với các tín đồ của Hồi giáo Sunni, Hồi giáo Shiite, Kitô Giáo, và các tín hữu Yazidi.
Sáng Chúa Nhật, 7 tháng 3, Đức Thánh Cha sẽ khởi hành bằng máy bay từ thủ đô Baghdad để bay đến Erbil.
Khi đến sân bay Irbil, ngài aẽ có cuộc gặp gỡ với các nhà lãnh đạo tôn giáo và dân sự của Khu tự trị người Kurdistan trong phòng khánh tiết của sân bay.
Sau cuộc gặp gỡ tại đây, Đức Thánh Cha sẽ khởi hành bằng trực thăng đến Mosul.
5. Thành phố Mosul
Mosul (tiếng Ả Rập: الموصل ) là một thành phố lớn ở miền bắc Iraq, nằm cách thủ đô Baghdad khoảng 400 km về phía bắc, và cách Erbil 80km về phía Tây Tây Bắc. Mosul nằm trên bờ tây của sông Tigris, đối diện với thành phố Ninivê cổ của người Assyriô ở bờ đông. Khu vực đô thị đã phát triển bao gồm các khu vực đáng kể ở cả hữu ngạn và tả ngạn của con sông Tigris.
Mosul, cùng với đồng bằng Ninivê gần đó, là một trong những trung tâm lịch sử của người Assyriô và các Giáo Hội của họ bao gồm Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Chanđê, Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Syria và các Giáo Hội Chính Thống Đông Phương của người Assyriô, có lăng mộ của một số nhà tiên tri trong Cựu ước như tiên tri Giôna, một số đã bị bọn khủng bố Hồi Giáo IS phá hủy vào tháng 7 năm 2014.
Mosul là thành phố lớn thứ hai của Iraq sau thủ đô Baghdad, và là nơi đã diễn ra một trận chiến kỳ lạ nhất trong lịch sử cận đại. Trước sự ngỡ ngàng của thế giới, đêm 9 rạng 10 tháng 6, 2014 30,000 quân Iraq đồn trú trong thành phố Mosul, cùng với gần 30,000 cảnh sát liên bang, tức là gần 60,000 quân đã bỏ chạy tán loạn trước sức tấn công của một lực lượng chỉ từ 800 đến 1,500 quân khủng bố Hồi Giáo IS. Kho bạc, các kho vũ khí, các chiến xa và các khí tài chiến tranh khác được bỏ lại gần như nguyên vẹn.
Chiến thắng Mosul tạo ra một thanh thế rất lớn cho bọn khủng bố Hồi Giáo IS đến mức nhiều thành phố, làng mạc khác lần lượt rơi vào tay chúng. Trong thời cực thịnh của IS, một nửa nước Iraq và một phần ba Syria rơi vào tay chúng. Có lúc, chúng đã áp sát được đến tận thủ đô Baghdad.
Hơn 2 năm sau thất bại tại Mosul, quân Iraq mới hoàn hồn và mới dám mở cuộc tấn công giải phóng Mosul từ ngày 16 tháng 10, 2016 và đến ngày 9 tháng 7, 2017 mới chính thức giải phóng được thành phố này.
Khi đến Mosul, Đức Thánh Cha sẽ cầu nguyện tưởng niệm các nạn nhân chiến tranh tại Hosh al-Bieaa, nghĩa là quảng trường nhà thờ.
Trong trận chiến tại Mosul, quân Iraq thiệt mất 1,200 quân và 5,000 quân nhân bị thương. Quân Kurd tham chiến bên cạnh quân Iraq thiệt mất 30 quân và 100 quân nhân bị thương. Hoa Kỳ có 2 quân nhân bị giết và 20 người khác bị thương, Quân Iran chiến đấu bên cạnh lực lượng dân quân Hồi giáo Shiite có 3 người bị giết.
Về phía thường dân có 6,400 người thiệt mạng và 17, 124 người bị thương.
6. Thành phố Bakhdida
Bakhdida (tiếng Ả Rập: بخديدا ) còn được gọi là Baghdeda, hay Qaraqosh, là một thành phố của người Assyriô ở miền bắc Iraq trong tỉnh Ninivê, tọa lạc khoảng 39 km về phía Đông Nam thành phố Mosul và 60 km về phía tây Erbil trong bối cảnh đất nông nghiệp, gần đống đổ nát của các thành phố Assyriô cổ đại Nimrud và Ninivê. Nó được kết nối với thành phố Mosul bằng hai con đường chính. Tuyến đầu tiên nối vào trục đường Mosul – Erbil chạy qua các thị trấn Bartella và Karamles. Tuyến thứ hai được xây dựng những năm 1990, dẫn thẳng đến Mosul.
Qaraqosh là tên do người Thổ Nhĩ Kỳ đặt dưới thời đế quốc Ottoman. Từ đầu vùng này có tên là Bakhdida, theo tiếng Aramaic có nghĩa là “Vùng đất của loài chim Kite”. Dân chúng trong vùng gần như toàn tòng theo Công Giáo nghi lễ Syria hay theo Chính Thống Giáo Syria. Đến nay họ vẫn dùng tiếng Aramaic là ngôn ngữ Chúa Giêsu nói khi xuống thế làm người.
Ngày 6 tháng 8, 2014, trước sức tấn công của bọn khủng bố Hồi Giáo IS, toàn bộ dân chúng dưới sự hướng dẫn của các linh mục dắt nhau bỏ chạy về thành phố Erbil. Thành phố không còn một ai nên có thời gọi là thành phố ma. Quân IS sau khi chiếm được thành phố đã nổi lửa đốt cháy toàn bộ các nhà thờ trong vùng. Ngày 19 tháng 10, 2016 thành phố mới được giải phóng.
Đức Thánh Cha sẽ có cuộc gặp gỡ với cộng đoàn địa phương tại nhà thờ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội ở Qaraqosh.
Ngôi nhà thờ này có một kỷ niệm đặc biệt với vị Hồng Y người Pháp nguyên Tổng Giám Mục Lyon là Đức Hồng Y Philippe Barbarin.
Ngày 29 tháng 7, 2014 tức là khi bọn khủng bố Hồi Giáo IS đã chiếm được Mosul hơn một tháng, Đức Hồng Y Philippe Barbarin đến thăm vùng này và dâng lễ với họ. Chỉ một tuần sau, dân chúng bỏ chạy về thành Erbil. Ngài ngậm ngùi gặp lại họ ở đó.
Ngay sau khi Mosul vừa được giải phóng, Đức Hồng Y đã quay lại gặp gỡ anh chị em giáo dân ở đây vào ngày 25 tháng 7, 2017.
Giảng trong thánh lễ, Đức Hồng Y ngậm ngùi nói: “Lần chót tôi đến đây là vào ngày 29 tháng 7 năm 2014. Nhà thờ thật huy hoàng, lộng lẫy, có cả một ca đoàn, lúc đó nhà thờ còn chật đầy người. Hôm nay trở lại sau bao nhiêu những bạo lực và cướp bóc, lòng tôi buồn khôn tả. Nhưng đồng thời thấy vùng đất đang được hồi sinh, tôi cũng tràn trề hy vọng.”
Bên ngoài một nhà thờ tại Mosul, ngài đã nhờ những người Iraq công kênh ngài lên để ngài tự tay đặt một tượng Đức Mẹ do ngài mang từ Lyon sang.
Đức Hồng Y nói: “Bức tượng nhỏ này là một biểu tượng đẹp cho tình huynh đệ mạnh mẽ mà tôi hy vọng đã thêm vào một điều gì đó mà trong trường hợp nào cũng có thể chuyển hoá chúng ta. Chúng tôi nhận thức rằng ta không thể sống bằng cách nhìn mọi thứ từ xa và đọc xem người ta đau khổ như thế nào trên báo chí. Chúng ta phải sống với họ.”