1. Các Công đồng trong thời kỳ sơ khai của Giáo Hội
Các tác giả Tân Ước trình bày Đức Giêsu là ai trong tương quan với chúng ta, và với Thiên Chúa. Các ngài dùng Cựu Ước như nền tảng để giải thích Đức Giêsu là ai trong lịch sử cứu độ. Tân Ước trình bày rõ ràng sự hiệp nhất giữa Chúa Cha và Đức Giêsu, là Đấng Thiên Sai, là Con Thiên Chúa.
Tuy nhiên, khi Hội Thánh phát triển ra ngoài biên giới của Israel, bối cảnh và văn hóa Do Thái giáo phai nhạt dần. Các tín hữu nói tiếng Hy Lạp, với não trạng ưa chuộng Triết Học, cố gắng giải thích Đức Giêsu là ai, theo các mô tả mang tính triết học hơn là những mô tả trong Kinh Thánh. Họ cố gắng giải thích Đức Giêsu là ai trong chính yếu tính và hữu thể của Ngài. Câu hỏi quan trọng nhất đối với họ: “Đức Giêsu Kitô có phải là Thiên Chúa không?”
Một trong những giám mục tiên khởi của Hội Thánh là Ariô dạy rằng Đức Giêsu Kitô không hoàn toàn là Thiên Chúa. Ông lý luận rằng chỉ có một Thiên Chúa duy nhất, nên Đức Giêsu bắt buộc phải thuộc về trật tự sáng tạo. Theo Ariô, Đức Giêsu Kitô là Người Con được sáng tạo bởi Thiên Chúa, và vượt trội trên hết các công trình sáng tạo, nhưng Ngài không phải là Thiên Chúa mà chỉ là Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và con người.
Công đồng Nicea, được triệu tập vào năm 325, đã bác bỏ lời dạy này của Ariô. Công đồng tuyên tín rằng Đức Giêsu là một trong cùng bản thể với Chúa Cha. Ngài không được tạo thành nhưng được “sinh ra” bởi Chúa Cha. Con Thiên Chúa không thuộc trật tự sáng tạo nhưng hiện hữu ngay trong chính bản thể của Thiên Chúa. Ngài là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa như chúng ta tuyên xưng qua Kinh Tin Kính Nicea trong các thánh lễ. [1]
Công đồng Nicea đặt một dấu chấm hết cho những tranh cãi liên quan đến thần tính của Đức Giêsu với tư cách là Con Thiên Chúa. Tuy nhiên, cũng còn một vấn đề nữa là vấn đề nhân tính của Ngài. Nestoriô, là Giám mục thành Constantinople, chủ trương rằng không nên gọi Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa (Theotokos) mà chỉ nên gọi Đức Mẹ là Mẹ của Đức Giêsu. Nói cách khác, ông cho rằng nơi Chúa Giêsu Kitô có hai bản tính Thiên Chúa và nhân loại, tách biệt nhau. Do đó, Công đồng Chalcedon được triệu tập vào năm 451 để khẳng định rằng Đức Giêsu Kitô hoàn hảo trong thần tính và cũng hoàn hảo trong nhân tính, là Thiên Chúa thật và cũng là con người thật kết hợp bởi linh hồn và thân xác có lý trí, đồng nhất với Chúa Cha trong cách thức hiện hữu của thiên tính và đồng nhất với chúng ta trong cách thức hiện hữu của nhân tính, giống như chúng ta trong mọi sự ngoại trừ tội lỗi. Các nghị phụ nói: “Chúng tôi tuyên xưng rằng Đấng ấy, cùng một Chúa Giêsu Kitô, Người Con duy nhất được sinh ra, phải được công nhận có hai bản tính, không lẫn lộn hay hoán đổi, không phân chia hay tách rời nhau… mọi đặc tính riêng liên quan đến mỗi bản tính đều được bảo toàn và chúng cùng tồn tại trong một con người và một ngôi vị duy nhất”. [2]
Các Công đồng như thế giúp chúng ta hiểu rõ hơn về đức tin. Tuy nhiên, có một điều không thể tránh khỏi là sau mỗi Công đồng như thế, Giáo Hội lại bị chia ra: những người ủng hộ phán quyết của Công đồng và những người chống lại.
Tình trạng đa dạng của các Giáo Hội tại Iraq tiêu biểu cho diễn trình lịch sử này. Tổng cộng tại Iraq có 17 giáo phận và tổng giáo phận, trong đó có một tổng giáo phận Công Giáo Latinh ở Baghdad, 10 giáo phận và tổng giáo phận theo nghi lễ Chanđê, bốn giáo phận theo nghi lễ Syriac, một giáo phận nghi lễ Armenia, và một giáo phận theo nghi lễ Melkite.[3]
Trong phần sau, chúng tôi xin đề cập đến hai Giáo Hội lớn nhất tại Iraq là Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Chanđê và Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Syriac.
2. Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Chanđê – Chaldean Catholic Church
Sách Tông Đồ Công Vụ cho biết trong ngày Lễ Ngũ Tuần, các Thánh Tông đồ đã rao giảng cho những người thuộc đế quốc Parthian. Miền này bao gồm Iran, kéo dài về phương Bắc đến tận phía Đông Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay, về phía Đông kéo dài đến tận Afghanistan, về phía Tây lấn qua một phần của Iraq ngày nay.
Các Thánh Tôma và Bácthôlômêo Tông đồ được xem là những vị đã sáng lập ra các Giáo Hội trong miền này thường được biết đến với danh xưng là Giáo Hội Babylon. Trong các nghi thức Phụng Vụ họ dùng ngôn ngữ Aramaic là ngôn ngữ Chúa Giêsu dùng khi xuống thế làm người. Tuy nhiên, họ pha trộn ngôn ngữ này với tiếng địa phương, tạo thành tiếng Syriac, cũng được gọi là Syriac Aramaic hay Syro Aramaic hay Syrian Aramaic.[4]
Vào năm 224 sau Chúa Giáng Sinh, đế quốc Ba Tư đánh bại đế quốc Parthian. Giáo Hội Babylon tiếp tục được phát triển nhưng các hoàng đế Ba Tư muốn quốc gia hóa Giáo Hội này.
Năm 431, khi xảy ra Công Đồng Êphêsô để chống lại lạc giáo Nestôriô, các hoàng đế Ba Tư đã dung nạp những người theo lạc giáo này. Giáo Hội Babylon tách dần khỏi Rôma.
Vào năm 1552, bên trong Giáo Hội Babylon lại xảy ra ly giáo. Giám Mục Yohannan Sulaqa tuyên bố trở thành Thượng Phụ và hiệp thông hoàn toàn với Tòa Thánh. Giáo Hội mới này được gọi là Giáo Hội Công Giáo của những người Chanđê, tiếng Latinh là Ecclesia Chaldaeorum Catholica. Cụm từ “người Chanđê” để chỉ những người trước đây trong Giáo Hội Giáo Hội Babylon nay trở thành người Công Giáo.
Tuy nhiên, vào năm 1672, vị Thượng Phụ đứng đầu Giáo Hội đó là Dinkha lại từ bỏ sự hiệp thông với Tòa Thánh. Những người từ bỏ sự hiệp thông với Tòa Thánh dùng danh xưng “Giáo Hội Assyriô Đông phương”.
Như vậy, từ một Giáo Hội Babylon ban đầu, ngày nay có 3 Giáo Hội là Chính Thống Giáo nghi lễ Syria, Giáo Hội Công Giáo Chanđê, và Giáo Hội Assyriô Đông phương. Phụng Vụ của cả 3 Giáo Hội đều dùng tiếng Syriac hay nói chính xác hơn là Syriac Aramaic, và được gọi là nghi thức Đông Syriac (East Syriac Rite) để phân biệt với nghi thức Tây Syriac (West Syriac Rite) hay nghi thức Antiôkia (Antiochene Rite) được dùng ở khu vực Syria và Li Băng.
Đức Thượng Phụ Công Giáo nghi lễ Chanđê hiện nay là Đức Thượng Phụ Louis Raphaël I Sako. Ngài được bầu làm Thượng Phụ vào ngày 31 tháng Giêng, 2013, và được Đức Thánh Cha Phanxicô tấn phong Hồng Y vào ngày 28 tháng 6, 2018.[5]
3. Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Syriac – Syriac Catholic Church
Giáo Hội Công Giáo Syriac tuyên bố nguồn gốc của mình xuất phát từ Thánh Phêrô. Ngài đã rao giảng tại Antiôkia trước khi khởi hành đến Rôma. Trong sách Tông Đồ Công Vụ, chúng ta được biết rằng chính tại Antiôkia, những người theo Chúa Giêsu lần đầu tiên được gọi là “Kitô hữu” (Cv 11:26). [6]
Vào thời các Công đồng đầu tiên, Thượng phụ Antiôkia nắm quyền tài phán đối với Giáo phận Đông Phương, từ Biển Địa Trung Hải đến Vịnh Ba Tư. Rao giảng bằng cả hai ngôn ngữ: tiếng Hy Lạp và tiếng Syriac, giáo phận này đã cung cấp cho thế giới và Giáo hội Hoàn vũ những vị thánh, học giả, ẩn sĩ, tử đạo và mục tử lỗi lạc. Trong số những người vĩ đại này có Thánh Ephrem, Tiến sĩ Hội Thánh, và Thánh Jacob thành Sarug.
Sau cuộc đại ly giáo (1054), Giáo Hội tại đây được gọi là Giáo Hội Chính Thống Syriac. Trong thời Thập tự chinh, có rất nhiều ví dụ về mối quan hệ nồng ấm giữa Chính thống giáo Syriac và Rôma. Một số giám mục ủng hộ việc hợp nhất với Rôma, nhưng không có sự thúc đẩy nào để thống nhất cho đến khi một sắc lệnh hợp nhất giữa Chính thống giáo Syriac và Rôma được ký tại Công đồng Florence ngày 30 tháng 9 năm 1444. Nhưng tác động của sắc lệnh này nhanh chóng bị một số Giám Mục Chính Thống chống đối và hủy bỏ.
Các nhà truyền giáo Dòng Tên và Capuchin truyền giáo ở Aleppo đã khiến một số tín đồ Chính thống giáo Syriac ở địa phương thành lập một phong trào ủng hộ hiệp nhất với Công Giáo trong Giáo Hội Chính thống Syriac. Năm 1667, Giám Mục Andrew Akijan, một người ủng hộ sự hợp nhất với Rôma, được bầu làm Thượng phụ của Giáo Hội Chính thống Syriac. Điều này gây ra sự chia rẽ trong cộng đồng, và sau cái chết của Đức Thượng Phụ Akijan vào năm 1677, hai Thượng Phụ đối lập nhau đã được bầu lên. Chú của Đức Thượng Phụ Andrew Akijan được chọn làm Thượng Phụ của nhóm ủng hộ sự hiệp nhất với Rôma. Tuy nhiên, khi ngài qua đời vào năm 1702, chính phủ Ottoman đã ủng hộ Chính thống giáo Syriac chống lại những người Công Giáo Syriac, và trong suốt thế kỷ 18, những người Công Giáo Syriac đã phải trải qua nhiều đau khổ và đàn áp. Do đó, đã có một thời gian dài không có giám mục Công Giáo Syriac nào có thể công khai hoạt động, vì vậy không thể bầu lên một Thượng phụ Công Giáo, và cộng đồng buộc phải hoạt động như một Giáo Hội hầm trú. Tuy nhiên, vào năm 1782, Thượng Hội đồng Chính thống giáo Syriac đã bầu Đức Tổng Giám Mục Michael Jarweh của Aleppo làm Thượng phụ. Ngay sau khi lên ngôi, ngài tuyên bố mình là người Công Giáo và hợp nhất với Đức Giáo Hoàng Rôma. Sau tuyên bố này, Đức Thượng Phụ Jarweh phải chịu nhiều tấn kích và cuối cùng đã tị nạn ở Li Băng và xây dựng tu viện Đức Mẹ vẫn còn tồn tại ở Sharfeh, và qua hành động đó, ngài trở thành Thượng phụ của Giáo Hội Công Giáo Syriac. Kể từ thời Đức Thượng Phụ Jarweh, đã có sự kế tục không gián đoạn các Thượng phụ Công Giáo Syriac.
Năm 1829, chính phủ Ottoman công nhận quyền tồn tại hợp pháp cho Giáo Hội Công Giáo Armenia, và vào năm 1845, Giáo Hội Công Giáo Syriac cũng được quy chế tương tự. Tòa Thượng phụ được chuyển đến Aleppo vào năm 1831. Tuy nhiên, sau cuộc thảm sát ở Aleppo năm 1850, Tòa Thượng phụ được chuyển đến Mardin vào năm 1854.
Sau khi được Chính phủ Ottoman chính thức công nhận vào năm 1845, Giáo Hội Công Giáo Syriac đã mở rộng nhanh chóng. Tuy nhiên, việc mở rộng đã bị kết thúc bởi các cuộc đàn áp và thảm sát diễn ra trong cuộc diệt chủng của người Assyriô trong Thế chiến thứ nhất. Sau đó, Tòa Thượng phụ Công Giáo Syriac đã được chuyển đến Beirut.
Đức Thượng Phụ Công Giáo Syriac hiện nay là Đức Thượng Phụ Ignatius Joseph Yonan Đệ Tam, được bầu vào ngày 20 tháng Giêng, 2009 và chính thức cai quản Giáo Hội từ ngày 15 tháng Hai, 2009.[7]