Giáo hội Campuchia: Đức tin, chứng tá và tình liên đới giữa đại dịch
***
Đức tin
Trước hết, Đức tin: Vào thời điểm ở trong nước các cử hành phụng vụ với sự tham dự của các tín hữu không được phép vì lý do sức khỏe, Đức cha cho biết động lực giúp các tín hữu giữ niềm tin đó là cầu nguyện: “Trong những ngày này, các tín hữu cầu nguyện nhiều hơn, đặc biệt cầu nguyện sốt sắng với kinh Mân côi và Đàng Thánh Giá. Hơn bao giờ hết tôi cảm thấy một phong trào cầu nguyện tuyệt vời đang lan tỏa trong cả Hạt đại diện Tông Tòa”.
Chứng tá
Tiếp đến, Đức cha Schmitthaeusler nhắc đến hai chứng nhân đức tin lớn ở Campuchia: Tôi tớ Chúa Chhmar Salas, Giám mục bản xứ đầu tiên qua đời năm 1977, và Đức cha Émile Destombes, linh mục đầu tiên trở về nước sau chế độ Polpot. Vị Đại diện Tông Tòa giải thích: “Năm nay chúng tôi kỷ niệm 45 năm ngày thụ phong giám mục của Đức cha Salas. Ngài được bí mật tấn phong vào ngày 14 tháng 4 năm 1975. Ba ngày sau, Khmer Đỏ tiến vào Phnôm Pênh và tân giám mục phải đi đến vùng đông bắc, và ở lại cho đến khi qua đời. Ngoài ra, năm 2020 cũng là năm kỷ niệm 30 năm Thánh lễ Phục Sinh do Đức cha Destombes chủ sự vào ngày 14 tháng 4 năm 1990, tại Phnôm Pênh, với sự hiện diện của 3 ngàn tín hữu. Vị Đại diện Tông tòa viết: “Tất cả những điều này cho thấy Chúa Giêsu hằng sống! Ngay cả trong thế giới của chúng ta bị bóng tối của cái chết, nỗi sợ hãi xâm chiếm và bị nỗi cô đơn do virus Covid-19 gây ra, thì Chúa Giêsu hằng sống”.
Tình liên đới
Cuối cùng, về tình liên đới: Đức cha Schmitthaeusler cho biết ngài đã mời Liên minh cho hoạt động bác ái và phát triển, các dòng tu, các văn phòng Hạt đại diện Tông Tòa hoạt động trong lĩnh vực y tế, giáo dục và xã hội để chuẩn bị cho giai đoạn hậu Covid -19. “Chúng tôi đã tham gia các buổi đào tạo cụ thể về vệ sinh và cách ly xã hội và những việc khác. Nhưng chắc chắn Covid-19 sẽ có hậu quả lâu dài với những người dễ bị tổn thương: mất việc, nợ nần… Chúng ta hãy cầu nguyện để qua tình liên đới, chúng ta có thể phục vụ những người khác, nhân danh Đấng Phục Sinh”.
Đức cha Schmitthaeusler kết thúc sứ điệp bằng lời cầu nguyện với Đức Trinh Nữ Maria, điều này được nhắc đến trùng với việc kỷ niệm 12 năm phát hiện ra bức tượng Đức Mẹ ở sông Mê Kông, ngày 16/4/2008. Vào năm 2008, một số ngư dân đã tìm thấy một bức tượng Đức Mẹ Lộ Đức trên bờ sông chạy dọc theo Phnôm Pênh.Tượng được làm bằng gang, cao một mét rưỡi và nặng 160 kg, tác phẩm điêu khắc tái xuất hiện từ dòng sông sau 33 năm bị mất. Các ngư dân đã bán bức tượng này và một số Kitô hữu cho rằng đó là tượng Đức Mẹ nên đã mua lại và mang đến giáo xứ Areaksat. Tin tức về việc tìm được bức tượng đã lan truyền ngay lập tức, và từ đó nơi đây mỗi năm trở thành nơi hành hương của hàng ngàn tín hữu. (CSR_2729_2020)
Ngọc Yến – Vatican
Nguồn: Vatican News Tiếng Việt