Hội thảo về lịch sử Giáo hội Hồng Kông
***
Ba tổ chức Công giáo Hồng Kông đang hợp tác để bảo tồn lịch sử Giáo hội địa phương và tổ chức những buổi hội thảo và hội nghị để giới thiệu về lịch sử Giáo hội địa phương trong thế kỷ XX.
Các buổi thảo luận về lịch sử, được tổ chức trong thời gian từ tháng 3 đến tháng 10, xuất phát từ sự kiện ĐTC Phanxicô công bố tháng 10.2019 là “tháng truyền giáo đặc biệt”. Giáo phận Hồng Kông nhận thức được tầm quan trọng của sự kiện này và đã chuẩn bị các hoạt động cho sự kiện.
Các thừa sai Pime và việc truyền giáo tại Hồng Kông
Buổi hội thảo đầu tiên với đề tài “Lịch sử việc truyền đạo Công giáo đến Hồng Kông” đã được tổ chức vào ngày 23.03, với bài thuyết trình của cha Gianni Criveller, chuyên viên về lịch sử Giáo hội. Cha đã trình bày về nguồn gốc của các nhà truyền giáo thuộc Hội Truyền giáo Giáo hoàng hải ngoại, quen được gọi là Pime, ở Hồng Kông.
Thực tế là lịch sử Giáo hội tại Hồng Kông trong thế kỷ XX gắn kết với cuộc truyền giáo của các thừa sai Pime. Năm 1858, nhà truyền giáo đầu tiên của Pime, cha Paolo Reina, đã đặt chân đến Hồng Kông; năm 1868, chủng viện vùng Lombardi đã thành lập hội truyền giáo cho Hồng Kông; và năm 1969, Đức cha Phanxicô Xu trở thành GM Trung quốc đầu tiên của Hồng Kông
Cha Criveller cho biết, đến nay đã có 212 truyền giáo của Pime phục vụ tại Hồng Kông. Cha phân chia việc truyền giáo của các thừa sai Pime thành 3 hình thức: qua việc thành lập các cộng đoàn Kitô hữu và các giáo xứ; bằng việc giáo dục và đào tạo; qua việc phục vụ xã hội và các hoạt động bác ái.
Cha Criveller còn trình bày 3 giai đoạn quan trọng trong lịch sử truyền giáo ở Hồng Kông: Đức cha Enrico Valtorta, GM đầu tiên của Hồng Kông, và những năm chiến tranh(1939-1945); Đức cha Lorenzo Bianchi được trả tự do dưới thời cộng sản Trung quốc vào ngày 17.10.1952; sự thay đổi lãnh đạo (1967-1969) khi Đức cha Bianchi khẳng định rằng Giáo hội địa phương đã trưởng thành để điều hành hàng giáo sĩ bản xứ.
Trong cuộc hội thảo cũng có những cuộc phỏng vấn về lịch sử truyền miệng của các linh mục, nữ tu và giáo dân. Nội dung các cuộc phỏng vấn sẽ được xuất bản trong một cuốn sách nhắm suy tư về hoàn cảnh xã hội, Giáo hội Hồng Kông, việc phục vụ của Giáo hội và cách thế bảo tồn lịch sử của Giáo hội.
(Hồng Thủy – Vatican)