Bề trên các dòng nữ trên thế giới học hỏi về đề tài lạm dụng quyền lực
***
Hơn 100 nữ tu trên toàn thế giới đã tham dự một cuộc học hỏi qua kết nối video trên internet để đào sâu giáo luật về đề tài lạm dụng quyền lực.
Minh bạch, hành động đúng, trách nhiệm
Trong phần chia sẻ của mình, sơ Merletti đã đào sâu vấn đề thi hành quyền lực và về “những vùng tối”; sơ nói: “Các biến cố mới đây trong Giáo hội, và đặc biệt là cuộc họp thượng đỉnh được tổ chức tại Vatican từ ngày 21-24.02 (về vấn đề lạm dụng tính dục trẻ em) đã nhấn mạnh đến một số từ khóa quan trọng trong cách thực thi quyền lực, ví dụ như minh bạch, hành động đúng, trách nhiệm.”
Về vấn đề lạm dụng quyền lực trong đời sống thánh hiến của các nữ tu, sơ Merletti nhấn mạnh: “Đây là một thời điểm mới để mở đôi mắt và vất bỏ đi những niềm tin sai lầm cũ: đó không phải là lúc để nản lòng mà là xắn tay áo.” Sơ đã nhấn mạnh đến những “vùng tối” khác nhau có thể xuất hiện trong những trường hợp khác biệt nhất, từ việc thành lập một tu viện đến quyền của bề trên tổng quyền trên các bề trên khác, từ việc bổ nhiệm vào các chức vị cho đến quyết định trên việc vào nhà tập và khấn tạm của các nữ tu tương lai, từ tự do lương tâm đến vai trò của quản lý.
Theo sơ Merletti, nhiều vấn đề được trình bày rõ ràng trong Bộ Giáo luật năm 1983 và vẫn còn hiệu lực, nếu được giải quyết tốt, thì những điều này sẽ trình bày cho thế giới một phong cách điều hành thanh thản trong sự minh bạch, can đảm trong việc thực hiện các hành động và khiêm tốn trong trách nhiệm. Sơ cũng cho biết là việc chuẩn bị cho các nhà lãnh đạo ngay từ thời kỳ đầu của việc đào tạo luôn là điều khẩn thiết.
Thẩm quyền trong Giáo hội không được hành xử cách tùy tiện
Trong phần trình bày của mình, sơ Paolini nói về các giới hạn và nhấn mạnh về việc Giáo luật chỉ rõ cách thế các giới hạn được xem là “các công cụ giúp đỡ cụ thể” cho việc ”thực hành tốt và đúng quyền lực”. Sơ giải thích, bản tính của Giáo hội giúp hiểu rằng “thẩm quyền trong Giáo hội không được hành xử cách tùy tiện, nhưng đồng hành với Giáo hội”, phương pháp “tập thể” cho thấy sự cần thiết phải đưa ra quyết định qua sự đồng thuận, và cuối cùng thẩm quyền đó phải có mục đích là làm tăng sự trung thành với ơn gọi. Sơ Paolini cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của “năng lực” trong các vai trò như vai trò của các quản lý.
(Hồng Thủy – Vatican)