Sứ điệp ĐTC gửi Hội nghị quốc tế về quản trị tại Dubai
***
ĐTC cầu mong các tham dự viên Hội nghị quốc tế về quản trị nhóm tại Dubai “bắt đầu các hoạt động của mình, đi từ những khuôn mặt của con người, nghe thấy tiếng kêu của các dân tộc, của người nghèo và suy tư về những câu hỏi của các trẻ em”.
Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong Sứ điệp Video gửi đến 4 ngàn tham dự viên Hội nghị gọi tắt là WGS (World Government Summit) nhóm tại thành phố Dubai từ ngày 10 đến 12-2 này. Các tham dự viên đến từ các lãnh vực công và tư thuộc 140 quốc gia. Đây là cuộc gặp gỡ thường niên của các nhà chính trị, các chuyên gia về kinh tế và kỹ thuật. Khóa họp năm nay bàn về các vấn đề tương lai trong các lãnh vực chính trị, phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, sử dụng kỹ thuật.
Câu hỏi căn bản để suy tư
Trong sứ điệp, ĐTC nói: “Tôi cầu mong rằng câu hỏi làm căn bản cho các suy tư tại hội nghị không phải là: đâu là những cơ may tốt nhất cần tận dụng, nhưng là: đâu là loại thế giới mà chúng ta muốn cùng nhau xây dựng? Đó là một câu hỏi giúp chúng ta làm việc đồng thời nghĩ đến các dân tộc và con người hơn là tư bản và các lợi lộc kinh tế. Đó là một câu hỏi không nhìn những gì ngay trước mắt, ngày mai và hôm nay, nhưng nhìn đến tương lai, nhìn đến trách nhiệm đè nặng trên chúng ta: trách nhiệm chuyển giao thế giới chúng ta ngày nay cho người đến sau chúng ta, bảo tồn thế giới này khỏi sự suy thoái về môi trường cũng như tránh được những thứ suy thoái khác, và trước đó là tránh sự suy đồi về luân lý”.
Đề cao tình liên đới trong phát triển
ĐTC không quên đề cao tầm quan trọng của tinh thần liên đới trong sự phát triển dài hạn và nhắc nhớ rằng “có lẽ ngày nay hơn bao giờ hết, việc suy tư và hành động đòi phải có sự đối thoại chân thành với người khác, vì không có người khác thì không có tương lai cho tôi, cho mỗi người chúng ta”.
Ca ngợi Emirati cởi mở
Trước đó trong phần đầu của sứ điệp ĐTC nhắc lại cuộc đón tiếp nồng nhiệt ngài đã nhận được tại Liên minh Emirati. Ngài nói: “Tôi đã gặp được một quốc gia tân tiến, nhìn tương lai mà không quên các căn cội của mình; một nước trong đó người ta tìm cách biến thành sự kiện và những sáng kiến cụ thể những từ “bao dung, huynh đệ, tôn trọng nhau, tự do”. Tôi cũng đã thấy trong sa mạc những hoa nảy mầm và tăng trưởng, và tôi trở về nhà với niềm hy vọng bao nhiêu sa mạc khác trên thế giới cũng có thể nở hoa. Tôi tin đó là điều có thể, nhưng chỉ với điều kiện chúng ta cùng nhau tăng trưởng, sát cánh với nhau, với tinh thần cởi mở và tôn trọng, sẵn sàng đảm nhận những gánh nặng các vấn đề của tất cả mọi người, trong thế giới hoàn cầu, đây cũng là những vấn đề của mỗi người”. (Rei 10-2-2019)
(Trần Đức Anh OP – Vatican)