Giải thưởng Cuore Amico năm 2018
***
Giải thưởng Cuore Amico năm 2018 được trao cho những nhà truyền giáo giữa chiến tranh và nghèo đói, đó là cha Gianpietro Carraro – nhà truyền giáo ở khu ổ chuột tại Braxin, Sơ Evelina Mattei – chia sẻ thảm kịch chiến tranh với người dân Phi châu và bà Carla Magnaghi – người mẹ của trẻ em khuyết tật.
Đối với cha Mario Passini, giải thưởng Cuore Amico tượng trưng cho giải “Nobel truyền giáo”, nơi người ta không tôn vinh sự khéo léo của con người, nhưng là vinh danh chứng tá và tình yêu Tin mừng dành cho những người rốt cùng mà những người truyền giáo đã truyền bá trên thế giới.
Cha Gianpietro Carraro – nhà truyền giáo ở khu ổ chuột tại Braxin
Giải thưởng năm 2018 được trao cho 3 người. Đầu tiên là cha Gianpietro Carraro. Cha sinh tại Sandon di Fossò, tỉnh Venezia, nước Ý, và được thụ phong linh mục năm 1987 tại Chioggia. Ngay từ những năm đầu đời linh mục, cha Gianpietro đã sống đam mê truyền giáo cách mạnh mẽ. Năm 1994, cha Gianpietro đã đến Belo Horizonte, nước Braxin, và cha làm việc trong giáo phận.
Trong một lần viếng thăm khu ổ chuột của thành phố, cha Gianpietro gặp một gia đình vô cùng nghèo khổ, một người mẹ có ba con nhỏ: một đứa bé trai đang mút sừng con bò đực, còn 2 bé khác đang khóc vì đói, nhưng bà mẹ không có gì để làm cho các con bớt đói. Sau một khoảnh khắc lúng túng, cha Gianpietro nhận ra trong mình nảy sinh một sức mạnh mới; cha đến gần và ôm chúng, bế chúng vào vòng tay cha. Cha nghe thấy trong tâm hồn mình một tiếng nói, nói với cha: “Ta ở đây còn con ở đâu, con muốn đi đâu?” Câu trả lời của cha Gianpietro là: “Người nghèo là gia đình của con, con không còn phải đi tìm kiếm nữa! Từ đây con sẽ không ra đi nữa”.
Giai đoạn này đánh dấu sự khởi đầu của một hành trình loan báo Tin mừng của nhà truyền giáo trong khu ổ chuột của nhân loại. Cha Gianpietro đã ở San Paolo một vài năm, và ở đây, cha đi vào khu ổ chuột, dành cả tuần lễ, cả ngày và đêm, trên vỉa hè, dưới những cây cầu, ngủ chung với “những người dân đường phố”: đó là những thanh thiếu niên đường phố, những người già và người khuyết tật vô gia cư, người nghiện ma túy và gái mại dâm.
Cha Gianpietro được sơ Chalida đồng hành trong sứ vụ giữa các khu ổ chuột, và vào năm 2005, cha đã cùng sơ thành lập Mission Belém, một phong trào muốn tái hiện phép lạ của Bethlehem ở giữa người nghèo, như người nghèo và người nghèo. Phong trào được giáo phận chính thức công nhận vào năm 2010. Ngày nay, đại gia đình Mission Belém này đón tiếp các trẻ em, người già, người bệnh, những người sống trên đường phố.
Tại San Paolo, Braxin, cha Gianpietro ao ước giúp đỡ nhiều anh em có một mái nhà và cha đã xây dựng một trung tâm đón tiếp. Với giải thưởng Cuore Amico mà cha được trao, cha sẽ mua các vật liệu xây dựng và các đồ dùng gia đình như giường tủ, ghế bàn và những thứ cần thiết để giúp cho người ta có thể cư trú ở đó.
Sơ Evelina Mattei – chia sẻ thảm kịch chiến tranh với người dân Phi châu
Người thứ hai nhận giải thưởng là sơ Evelina Mattei, 75 tuổi, dòng Dorotea. Hơn nửa cuộc đời sơ đã dành cho châu Phi, đầu tiên là Burundi rồi đến Cộng hòa dân chủ Congo. Năm 1975, sơ hoàn tất chương trình y tá và phụ sản và lên đường đến châu lục đen. Tại Rukago và Matara ở Burundi, sơ đã đón nhận rất nhiều trẻ em vào hai cơ sở truyền giáo. Đặc biệt, sơ giúp đỡ và khuyến khích các bà mẹ bằng cách dạy cho họ các ý niệm về vệ sinh và dinh dưỡng. Chiến tranh xảy ra buộc các nữ tu phải rời Burundi và di chuyển đến miền cự Zaire, ngày nay là Cộng hòa dân chủ Congo.
Tại Kaniola, trong khu rừng già nhiệt đới, sơ Evelina và các nữ tu cùng dòng đã lập một cộng đoàn mới. Tình hình trong khu vực đáng báo động: nhiều phụ nữ chết trong khi sinh do không được trợ giúp. Họ đã quyết định xây dựng một trung tâm thai sản, và sơ Evelina đã cống hiến hết tâm hồn mình với tất cả khả năng của sơ. Nhờ thế, nhiều sự sống có thể được chào đời, nhìn thấy ánh sáng, nhiều phụ nữ có thể tìm thấy một bàn tay thân hữu để khôi phục sức lực và vượt qua khó khăn.
Vào năm 2009, sơ Evelina đã đến Bukavu. Đây là thời kỳ chiến tranh bùng nổ khốc liệt nhất ở Zaire. Đó là những năm thảm kịch và sơ Evelina đã trực tiếp nhìn thấy cái chết, với những người lính trang bị dao phay sẵn sàng để phân thấy cả người lớn và trẻ em. Từ lúc đó, sơ làm việc trong trại tị nạn được thiết lập trong thành phố.
Ngày nay, tại Burhiba, nơi mà nhà tù đông chật tù nhân và không có thuốc men, sơ Evelina đã sử dụng chuyên môn y khoa và nụ cười của mình giúp cho người bệnh. Với cuộc sống của mình, sơ Evelina là một nhân chứng của Chúa Giêsu và thu thập đầy đủ di sản tinh thần của chân phước Don Luca Passi, đấng sáng lập hội dòng, với phương châm là: “Chúng ta cần trao tặng sự sống ngay cả vì sự cứu rỗi của chỉ một người”.
Với giải thưởng nhận được, sơ Evelina muốn cải thiện tình trạng sức khỏe của các tù nhân trong nhà tù trung tâm của thành phố. Sơ cũng muốn xây dựng một trung tâm xã hội để giúp đỡ cho phụ nữ Congo, giúp họ thoát khỏi mù chữ và có các dự án kinh doanh nhỏ tại 3 cơ sở họa động trong vùng Bukavu.
Bà Carla Magnaghi – người mẹ của trẻ em khuyết tật
Giải thưởng Cuore Amico được trao cho người thứ ba là bà Carla Magnaghi, sinh năm 1942 tại Cardano al Campo. Carla theo đuổi giấc mơ truyền giáo từ khi còn nhỏ và năm 18 tuổi, cô gia nhập Tu hội đời các Tông đồ bác ái, chuyên chăm sóc cho người khuyết tật.
Là một giáo viên, cô đam mê việc phục hồi chức năng chotrẻ khuyết tật và chuyên về tâm lý và trị liệu ngôn ngữ. Sau nhiều năm làm việc chuyên nghiệp tại Como và Varese, năm 1988 Carla xin đi đến Juba ở Nam Sudan, nơi tu hội muốn mở một văn phòng mới, trung tâm Usratuna, tiếng Ả rập nghĩa là gia đình của chúng ta. Vào thời điểm đó, Juba là một ngôi làng chủ yếu gồm các túp lều, chìm trong bối cảnh nghèo đói cùng cực. Năm tháng sau khi bà Carla đến, chiến tranh bùng vào năm 1991: ngôi làng bị các phiến quân tấn công và trung tâm Usratuna tràn ngập hơn ba nghìn thường dân tị nạn trú ẩn để chạy trốn các tay súng máy. Bà Carla trở thành chuyên gia về ngôn ngữ ký hiệu và đồng hành với trẻ em khiếm thính.
Với giải thưởng nhận được, bà Carla sẽ tăng cường các hoạt động của trung tâm Usratuna và đặc biệt là dịch vụ hỗ trợ xã hội (hỗ trợ cho bệnh nhân phải phẫu thuật, trị liệu ngôn ngữ và hỗ trợ người khuyết tật thất nghiệp), chỉnh hình, trợ giúp cho gia đình chống lại suy dinh dưỡng và suy dinh dưỡng trẻ sơ sinh và bệnh xá. Nhu cầu lớn hơn là hỗ trợ học tập cho trẻ em khuyết tật và mua máy móc mới cho hội thảo chỉnh hình, là thứ giúp cho người khuyết tật được tự lập. Tự lập và bao gồm là những điều bà Carla đã luôn chiến đấu, bất chấp chiến tranh.
(Hồng Thủy – Vatican)