Sinh hoạt Thượng HĐGM thế giới về giới trẻ – bài 6
***
Chiều 16-10-2018, Thượng HĐGM về giới trẻ đã nhóm khóa họp toàn thể thứ 13 và tiếp tục bàn về phần 3 của Tài liệu làm việc nói về việc “Chọn lựa: những con đường hoán cải mục vụ và truyền giáo.” Phần này đề nghị những hành trình cần thực hiện, sau khi đã nhận diện và phân tích thực trạng của giới trẻ ngày nay.
Trong khi đó, 12 nghị phụ thành viên ban soạn thảo tài liệu chung kết đã bắt đầu làm việc để tài liệu này được đại hội đồng các nghị phụ bỏ phiếu chung kết vào ngày áp chót, 27-10.
Trong cuộc họp báo trưa ngày 15-10-2018, Ông Paolo Ruffini, Bộ trưởng thông tin của Tòa Thánh và cũng là trưởng ban thông tin của Thượng HĐGM hiện nay, cho biết Văn kiện chung kết sẽ được bỏ phiếu từng đoạn có đánh số, và để được thông qua, mỗi đoạn phải được 2 phần 3 số phiếu của các nghị phụ, trước khi đệ lên ĐTC. Ông Ruffini chưa biết bản văn Tài liệu chung kết đưa ra bỏ phiếu sẽ được viết bằng tiếng nào, nhưng chắc chắn các nghị phụ sẽ có cơ hội hiểu nội dung mỗi đoạn trước khi bỏ phiếu.
Ý tưởng nổi bật: nên thánh
Ý tưởng nổi bật trong phiên khoáng đại thứ 13 chiều ngày 16-10-2018 là: nên thánh không phải chỉ là một lý tưởng xa vời. Thực vậy ngày nay cũng có bao nhiêu chứng tá của người trẻ về việc nên thánh. Trong nhiều bài phát biểu, các nghị phụ đã kể lại những tấm gương cảm động của những người trẻ sống trong những vùng trên thế giới, nơi các tín hữu Kitô chỉ là thiểu số và thường bị bách hại.
Người ta nghĩ ngay đến vùng Trung Đông, nơi bao nhiêu Kitô hữu bị giết vì niềm tin nơi Chúa Kitô; tiếp đến là những người Dalit, những người cùng đinh ở Ấn độ, những người không có quyền lợi, chỉ vì họ duy trì niềm tin nơi Chúa Kitô, và không được chính quyền trợ giúp như những người Dalit thuộc các tôn giáo khác. Đức tin là sự giàu sang duy nhất của họ và họ sẵn sàng chấp nhận tử đạo.
Nhiều cuộc trở lại nhờ chứng tá Kitô chân chính
Một số nghị phụ nhấn mạnh rằng do chứng tá của những vị thánh ngày nay, có nhiều cuộc trở lại đạo. Mỗi bạn trẻ khao khát sự thánh thiện và họ tỏ ra yêu sách về vấn đề này: họ cần những chứng nhân Kitô đích thực, là những điểm tham chiếu mà họ có thể noi theo; người trẻ muốn gặp được những vị mục tử sống tinh thần các mối phúc thật, những mục tử chuyên chăm cầu nguyện, suy gẫm, chứ không phải chỉ là những công chức của một cơ chế. Vì thế, cần có một sự hoán cải mục vụ. Giới trẻ không muốn những lời hoa mỹ, và họ cảm thấy bị xúc phạm vì những xì căng đan lạm dụng.
Các GM cần nhắn nhủ các mục tử hãy có đời sống trong sáng, minh bạch, và hãy vui mừng khẳng định rằng sự độc thân và khiết tịnh là những chọn lựa có thể thực hiện được nhờ ơn Chúa.
Giáo Hội ở trong trần thế nhưng không thuộc thế gian
Một ý tưởng khác được một số nghị phụ nhấn mạnh, đó là: Giáo hội ở trong trần thế nhưng không thuộc về thế gian. Giáo hội hãy bớt nói, và hãy tỏ ra hiếu khách, tiếp đón hơn, dành thời giờ và năng lực nhiều hơn cho người trẻ. Chân lý và lòng thương xót là hai điều không thể tách rời nhau và cả hai đều có trung tâm điểm là Chúa Kitô. Đó cũng là yếu tố quyết định mà vị linh hướng tốt lành cần phải có, nghĩa là tuy lên án tội lỗi, nhưng vị ấy phải đồng hành trong tình thương yêu với người mình có nhiệm vụ hướng dẫn. “Thiên Chúa đón nhận chúng ta như con người của chúng ta vốn có, nhưng Chúa không để nguyên chúng ta như thế,” Ngài biến đổi chúng ta thành những con người mới. Một số nghị phụ nhận xét rằng “Giáo hội giống như chiếc bè được gọi đi tới những người trẻ đang ở biển khơi, để cảm nghiệm những cơ cực của họ. Chúa Kitô là chiếc neo không để cho chúng ta bị đắm chìm.”
Chống lại văn hóa duy vật và khoái lạc
Trong bài tham luận, một số nghị phụ tố giác nền văn hóa duy vật, duy lạc thú ngày nay, thứ văn hóa tìm cách trục xuất Thiên Chúa ra khỏi tâm hồn con người bằng cách đề nghị những thần tượng giả dối như tiền bạc, ma tuý, khoái lạc nhất thời, và từ khước những lý tưởng cao thượng, những giá trị Kitô như gia đình. Đó là những thách đố mà Giáo hội không thể tránh né và Giáo hội phải chỉ rõ sức mạnh của Chúa Kitô Phục sinh, công bố Tin Mừng Chúa đã sống lại.
Người trẻ không sợ Thánh Giá
Trong bối cảnh đó, thánh giá không làm cho người trẻ kinh hãi, trái lại họ mong muốn sự loan báo Tin Mừng một cách rõ ràng, chứ không mơ hồ. Tiếng gọi của Chúa Giêsu chịu đóng đanh phải vang dội mạnh mẽ, không yếu nhược. Để có một Giáo hội được trẻ trung hóa, nên khích lệ các bạn trẻ đọc và suy gẫm kinh Mân côi, siêng năng lãnh nhận bí tích Hòa giải và Thánh Thể.
Thảm trạng người trẻ thất nghiệp
Trong phiên họp, có những nghị phụ lưu ý về thảm trạng người trẻ thất nghiệp. Giáo hội, như một gia đình, cần giúp đỡ những người trẻ không có công ăn việc làm. Có nghị phụ đề nghị Giáo hội hỗ trợ các dự án tiểu tín dụng, với xác tín rằng lao công giúp mang lại cho người trẻ ý nghĩa cuộc sống, và việc đầu tư nơi người trẻ có nghĩa là chuẩn bị một tương lai tốt đẹp hơn cho xã hội.
Vì thế các chủ chăn cần kêu gọi các chính quyền quan tâm hơn đến các thế hệ trẻ, nhất là những người buộc lòng phải xuất cư, bỏ gia đình và cội rễ của họ. Cần làm cho người trẻ trở thành những người giữ vai chính trong việc phát triển nhân bản toàn diện cho xã hội: thực vậy, tại nhiều nơi trên thế giới, người trẻ chứng tỏ trách nhiệm của họ đối với những người rốt cùng và môi trường.
Giáo hội đừng từ bỏ việc giáo dục Kitô
Thượng HĐGM cũng kêu gọi Giáo hội đừng từ bỏ quyền giáo dục người trẻ trong các trường học và đại học: đó là những nơi cởi mở, đối thoại, huấn luyện lương tâm và củng cố các giá trị luân lý. Cần cứu vãn các trường học đã có sẵn trước khi lập ra các trường mới.
Cần chống lại chủ trương chiêu dụ tín đồ, nhưng các chương trình học tại các trường Công giáo cần được củng cố vì không được thắp đèn rồi để dưới đáy thùng. Ngoài ra, các nghị phụ kêu gọi đừng quên bao nhiêu gia đình nghèo và kém may mắn, vì ý do kinh tế, không thể cống hiến cho con cái một nền giáo dục tốt.
Chứng từ của các dự thính viên
Trong phần chót của phiên họp, một số dự thính viên đã lên tiếng, trong đó có người chia sẻ kinh nghiệm hoán cải ở trong các phong trào mới của Giáo hội. Vài người khác nhấn mạnh sự cần thiết phải giao trách nhiệm nhiều hơn trong Giáo hội cho các thế hệ trẻ, phụ nữ và các gia đình.
Trong số các đề nghị, có đề nghị nên thiết lập những hình thức sống chung cho những người trẻ dấn thân trong một qui luật sống chung và đảm nhận các sáng kiến truyền giáo. Ngoài ra cũng có người kêu gọi canh tân kiểu huấn luyện trong các chủng viện, bớt lý thuyết và gia tăng thực hành và kinh nghiệm hơn, nghĩa là gần gũi hơn với thực tại của giới trẻ. (Rei 16-10-2018)
(Trần Đức Anh – Vatican)