Thư của ĐTC Phanxicô liên quan đến vấn đề giáo sĩ trị
Trong “Thư của Đức Giáo Hoàng Phanxicô gửi dân Chúa” ngày 20 tháng 8 năm 2018 [1], ngài có chỉ rõ một trong những nguyên nhân gây ra nạn lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên là hình thái giáo sĩ trị trong Giáo hội: “Hình thái giáo sĩ trị, dù được dung dưỡng bởi chính các linh mục hay bởi những người giáo dân, đều gây ra sự chia tách trong thân thể Giáo hội; sự chia tách này vừa khuyến khích vừa giúp duy trì nhiều sự ác mà ngày nay chúng ta tố giác. Nói không với những lạm dụng là dứt khoát nói không với mọi hình thái giáo sĩ trị”. Cũng trong thư này, ngài đã trích dẫn từ một thư khác của ngài gởi Đức Hồng Y Marc Ouellet ngày 19 tháng 3 năm 2016, vốn bàn sâu rộng hơn về vấn đề giáo sĩ trị. Để hiểu sâu sắc hơn suy tư của Đức Thánh Cha Phanxicô về vấn đề này, xin giới thiệu đến quý độc giả bản dịch lá thư vừa nêu.
THƯ CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ GỞI ĐỨC HỒNG Y MARC OUELLET,
CHỦ TỊCH UỶ BAN GIÁO HOÀNG VỀ CHÂU MỸ LA TINH
Gởi Đức Hồng y Marc Armand Ouellet, p.s.s.
Chủ tịch Uỷ ban Giáo hoàng về Châu Mỹ La Tinh
Kính Đức Hồng y,
Vào cuối cuộc họp mặt của Uỷ ban Giáo hoàng về Châu Mỹ La Tinh và vùng Caribê, tôi đã có dịp gặp gỡ tất cả tham dự viên tại cuộc họp mặt, ở đó, những ý tưởng và những ấn tượng về việc tham gia cộng đồng của người giáo dân vào đời sống của các dân tộc chúng ta đã được bàn thảo.
Tôi muốn nhắc lại điều đã được chia sẻ tại cuộc họp mặt này và tiếp tục ở đây dòng suy tư đã được trải nghiệm suốt những ngày gặp gỡ ấy, để tinh thần phân định và suy tư “không bị mất đi”; để những suy tư ấy trợ giúp chúng ta và tiếp tục khuyến khích chúng ta phục vụ dân thánh Chúa cách tốt hơn.
Chính từ hình ảnh này mà tôi thích bắt đầu suy tư của chúng ta về hoạt động cộng đồng của người giáo dân trong bối cảnh Mỹ-La Tinh của chúng ta. Nhắc đến dân thánh trung tín của Thiên Chúa là nhắc đến chân trời mà chúng ta được mời gọi hướng đến, và suy tư khởi từ chân trời ấy. Vì với tư cách là mục tử, chúng ta được mời gọi quan tâm, bảo vệ, đồng hành, trợ giúp và phục vụ dân thánh Chúa. Một người cha không thể trở thành cha nếu không có những đứa con. Anh ta có thể là một nhà chuyên môn tuyệt vời, một người chồng, một người bạn, nhưng điều làm cho anh ta trở thành cha lại mang một khuôn mặt rõ ràng: đó là những đứa con của anh ta. Cũng vậy đối với chúng ta là những mục tử. Một mục tử không thể trở thành mục tử nếu không có đoàn chiên mà vị mục tử được gọi đến phục vụ. Mục tử là mục tử của một dân và phục vụ giữa lòng cộng đoàn dân này. Nhiều khi mục tử phải đi trước để mở đường; khi khác mục tử phải quay bước trở lại để không bỏ rơi ai phía sau; và thường thì mục tử phải tiến bước giữa cộng đoàn dân Chúa để cảm nhận rõ mạch đập của họ.
Quan tâm đến dân thánh trung tín của Thiên Chúa và cảm nhận rằng chúng ta thật sự là thành phần của dân này sẽ định vị chúng ta cách khác đi trong cuộc sống, và bởi đó, trong những chủ đề làm chúng ta bận tâm. Điều đó giúp chúng ta không bị chìm đắm trong những suy nghĩ vốn tự nó có thể rất tốt, nhưng rốt cuộc lại chỉ áp đặt chuẩn mực cho đời sống của người dân và lý thuyết hoá đời sống của họ, đến nỗi lối suy diễn ấy cuối cùng giết chết hành động. Luôn quan tâm đến dân Chúa sẽ cứu chúng ta khỏi một số tuyên ngôn duy danh (những khẩu hiệu) vốn là những câu văn rất đẹp, nhưng chẳng thể trợ lực cho đời sống của các cộng đoàn của chúng ta. Chẳng hạn tôi nhớ đến câu nổi tiếng này: “Bây giờ đến thời của giáo dân“, nhưng hình như đồng hồ đã bị cho dừng lại.
Quan tâm đến dân Chúa có nghĩa là tự nhắc nhở rằng tất cả chúng ta đều bước vào Giáo hội như những giáo dân. Bí tích đầu tiên là bí tích Rửa Tội, bí tích ghi khắc mãi mãi căn tính của chúng ta và chúng ta phải luôn hãnh diện về bí tích này. Nhờ bí tích Rửa Tội và với việc xức dầu Thánh Thần, các tín hữu “được thánh hiến trở nên ngôi nhà thiêng liêng và hàng tư tế thánh” (Lumen gentium, 10). Ơn thánh hoá đầu tiên và nền tảng của chúng ta bắt nguồn trong bí tích Rửa Tội. Chẳng ai được rửa tội trong tư cách linh mục hay giám mục. Tất cả chúng ta đều được rửa tội trong tư cách giáo dân, và đó là ấn tín không ai có thể tẩy xoá được. Thật là điều tốt lành khi chúng ta nhớ rõ rằng Giáo hội không phải là đặc quyền của các linh mục, của những người sống đời thánh hiến, của các giám mục, nhưng tất cả chúng ta [giáo dân, linh mục, người sống đời thánh hiến, giám mục] cấu thành dân trung tín và thánh thiện của Thiên Chúa. Quên đi điều đó sẽ dẫn đến những nguy cơ và những lệch lạc trong kinh nghiệm về thừa tác vụ mà Giáo hội trao phó cho chúng ta, cả bình diện cá nhân lẫn cộng đoàn. Như Công Đồng Vaticanô II nhấn mạnh, chúng ta là dân Thiên Chúa, và căn tính của dân Chúa là “phẩm giá và tự do của con cái Thiên Chúa, và Thánh Thần ngự trong tâm hồn họ như trong đền thờ” (Lumen gentium, 9). Dân thánh trung tín của Thiên Chúa được xức dầu bởi ơn Chúa Thánh Thần. Vì thế, khi ngẫm nghĩ, suy tư, lượng giá và phân định, chúng ta phải hết sức chú ý đến việc xức dầu này.
Đồng thời, tôi phải nói thêm một yếu tố mà tôi cho là hậu quả của một lối sống sai lạc, xa rời Giáo hội học được Công Đồng Vaticanô II đề nghị. Chúng ta không thể suy tư về chủ đề giáo dân mà lại không ý thức một trong những lệch lạc trầm trọng nhất mà Châu Mỹ La Tinh phải đối diện – và tôi yêu cầu Đức Hồng Y cần chú ý đặc biệt đến lệch lạc này – đó là hình thái giáo sĩ trị (cléricalisme). Thái độ giáo sĩ trị không chỉ huỷ đi cá tính của người Kitô hữu, nhưng còn dẫn đến việc giảm thiểu và hạ thấp ơn bí tích Rửa Tội mà Chúa Thánh Thần đã đặt vào con tim của người tín hữu. Giáo sĩ trị dẫn đến việc áp đặt chuẩn mực cho giới giáo dân, bằng cách cư xử với họ như “kẻ thừa hành”. Giáo sĩ trị hạn chế những cố gắng và sáng kiến phong phú, và nếu tôi dám nói, những táo bạo cần thiết để mang Tin Mừng vào những lãnh vực khác nhau của hoạt động xã hội và nhất là hoạt động chính trị. Giáo sĩ trị, còn lâu mới tạo ra xung lực cho những đóng góp và sáng kiến khác nhau, đồng thời dập tắt dần ngọn lửa tiên tri mà Giáo hội toàn thể được mời gọi làm chứng tá trong tim người tín hữu. Giáo sĩ trị quên rằng tính hữu hình và tính bí tích của Giáo hội thuộc về toàn thể dân Chúa (x. Lumen gentium, 9-14), chứ không chỉ thuộc về những người được tuyển chọn và những người thông thái.
Có một hiện tượng rất lý thú đã diễn ra tại Châu Mỹ La Tinh, và tôi muốn kể ra đây điều mà tôi tin là một trong những không gian hiếm hoi trong đó dân Chúa đã thoát khỏi ảnh hưởng của hình thái giáo sĩ trị: tôi muốn nói đến mục vụ bình dân. Đó là một trong những không gian duy nhất nơi đó dân Chúa (bao gồm cả các mục tử) và Chúa Thánh Thần đã có thể gặp nhau mà không bị hình thái giáo sĩ trị kiểm soát và kiềm hãm việc xức dầu của Thiên Chúa trên con cái của Ngài. Chúng ta biết rằng mục vụ bình dân, như Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã viết trong tông huấn Evangelii nuntiandi, “chắc chắn có những giới hạn của nó. Mục vụ này thường mở đường cho nhiều thứ lệch lạc tôn giáo thâm nhập“, nhưng ngài viết tiếp, “nếu được hướng dẫn tốt, nhất là nhờ một lối sư phạm loan báo Tin Mừng, mục vụ bình dân mang nhiều giá trị. Mục vụ này thể hiện niềm khao khát Thiên Chúa mà chỉ có những người đơn sơ và những người nghèo mới biết được. Khi biểu lộ rõ nét đức tin, mục vụ này có thể giúp tín hữu nên quảng đại và hy sinh, đến cả nhân đức anh hùng. Mục vụ này cưu mang ý nghĩa sâu sắc về những thuộc tính sâu thẳm của Thiên Chúa, như tình phụ tử, sự quan phòng, sự hiện diện yêu thương và kiên trì. Mục vụ này sinh ra những thái độ nội tâm hiếm thấy cùng mức độ như thế ở nơi khác, như lòng kiên nhẫn, ý nghĩa của thập giá trong đời sống thường ngày, sự từ bỏ, cởi mở với tha nhân, lòng sùng kính. Vì những khía cạnh này, chúng ta gọi mục vụ này là “lòng đạo bình dân”, nghĩa là tôn giáo của dân chúng, hơn là tình cảm tôn giáo. Được hướng dẫn tốt, tình cảm tôn giáo bình dân ấy dần dần có thể trở nên cuộc gặp gỡ đích thật với Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô” (số 48). Đức Giáo Hoàng Phaolô VI dùng lối diễn tả mà tôi cho là nền tảng, đức tin của dân chúng ta: những khuynh hướng, những kiếm tìm, những khát vọng, những nhu cầu của họ, khi được lắng nghe và hướng dẫn, sẽ trở thành nơi biểu lộ sự hiện diện đích thật của Thần Khí. Chúng ta tin tưởng vào dân của chúng ta, vào ký ức của họ và vào “khứu giác” của họ; chúng ta tin tưởng việc Chúa Thánh Thần hành động trong dân và với dân; chúng ta tin rằng Thần Khí không chỉ là “sở hữu” của hàng giáo phẩm.
Tôi đã dùng mẫu mục vụ bình dân này như chìa khoá giải thích, có thể giúp chúng ta hiểu hơn hành động nẩy sinh khi dân thánh trung tín của Thiên Chúa cầu nguyện và hoạt động. Một hành động không chỉ liên kết với lãnh vực nội tâm của con người, nhưng ngược lại biến đổi thành văn hoá [lối sống]; “một văn hoá bình dân được Tin Mừng hoá cưu mang những giá trị của đức tin và của tình liên đới, có sức khơi dậy sự phát triển của một xã hội công bằng hơn và tín ngưỡng hơn, và chứa đựng một sự khôn ngoan đặc thù mà chúng ta phải biết nhìn nhận với cái nhìn đầy lòng biết ơn” (Evangelii gaudium, 68).
Từ đó chúng ta có thể tự hỏi: việc những người giáo dân hoạt động trong đời sống cộng đồng có ý nghĩa gì?
Ngày nay, có nhiều thành phố đã trở thành những nơi đấu tranh sinh tồn thực sự. Những nơi nào nền văn hoá vứt bỏ đã thống lĩnh thì dường như không còn chỗ cho niềm hy vọng. Chúng ta gặp thấy ở đó những người anh chị em của chúng ta, cùng với gia đình của họ, bị đẩy sâu vào những cuộc đấu tranh không chỉ nhằm cố gắng mưu sinh, nhưng còn để tìm kiếm Chúa và ước mong làm chứng cho Ngài, giữa những nghịch cảnh và bất công. Việc những người giáo dân hoạt động trong đời sống cộng đồng có ý nghĩa gì đối với chúng ta là những mục tử? Việc đó có ý nghĩa là [chúng ta cần] tìm kiếm cách thức để có thể khuyến khích, đồng hành và thúc đẩy mọi thử nghiệm và cố gắng vốn đã được thực hiện ngày nay, để duy trì sống động niềm hy vọng và niềm tin, đặc biệt cho những người cùng khốn và với những người cùng khốn, trong một thế giới đầy nghịch cảnh. Việc đó có nghĩa là, với tư cách mục tử, chúng ta phải dấn thân vào giữa dân của chúng ta, và với dân của chúng ta, nâng đỡ đức tin và niềm hy vọng của họ. Bằng cách mở ra những cánh cửa, hoạt động với dân, ước mơ với dân, suy nghĩ với dân và nhất là cầu nguyện với dân. “Chúng ta cần nhìn thành phố” – và bởi đó mọi không gian nơi diễn ra đời sống của dân – “bằng cái nhìn chiêm niệm, nghĩa là cái nhìn của đức tin có khả năng khám phá ra Thiên Chúa đang hiện diện trong những ngôi nhà, trên các đường phố, ở các công trường… Ngài sống giữa các đô thị đang cổ võ sự liên đới, tình huynh đệ, khát khao điều thiện, sự thật và công lý. Sự hiện diện này không phải do con người tạo ra, nhưng do Thiên Chúa tỏ hiện. Thiên Chúa không ẩn mình với những ai thành tâm tìm kiếm Ngài” (Evangelii gaudium, 71). Vị mục tử đừng bao giờ phán với người giáo dân điều gì họ phải làm hoặc phải nói, người giáo dân biết rõ điều đó hơn chúng ta. Vị mục tử đừng bao giờ áp đặt cho các tín hữu điều họ phải bày tỏ trong những môi trường khác biệt. Với tư cách là mục tử, hiệp nhất với dân của mình, thật tốt khi chúng ta tự hỏi làm thế nào để chúng ta khuyến khích và cổ võ đức ái và tình huynh đệ, khát khao điều thiện, sự thật và công lý. Chúng ta phải làm thế nào để cho sự băng hoại (corruption) không còn ẩn náu trong tim của chúng ta.
Thông thường, chúng ta bị rơi vào cám dỗ nghĩ rằng người giáo dân dấn thân là người hoạt động trong các công việc của Giáo hội và / hoặc trong những công việc của giáo xứ hay của giáo phận. Và chúng ta ít suy tư về cách thức đồng hành với một người đã được rửa tội trong đời sống cộng đồng và thường nhật của họ. Chúng ta cũng ít suy tư về cách thức giúp họ dấn thân vào đời sống cộng đồng với tư cách là Kitô hữu, trong hoạt động thường nhật của họ, với những trách nhiệm dành riêng cho họ. Không màng lưu tâm đến điều đó, chúng ta đã sản sinh ra một hạng giáo dân ưu tuyển khi cho rằng chỉ những giáo dân nào làm việc “giúp linh mục” mới là giáo dân dấn thân, và chúng ta đã bỏ rơi những tín hữu hằng nung nấu niềm hy vọng của họ trong cuộc đấu tranh thường nhật để sống đức tin, bằng cách rẻ rúng họ.
Đó là những hoàn cảnh mà hình thái giáo sĩ trị không thể nhìn thấy, vì hình thái ấy bận tâm về việc chiếm hữu các không gian hơn là tạo ra những tiến trình. Bởi đó chúng ta cần nhận thức rằng, bởi thực tại của họ, bởi căn tính của họ, vì họ được dìm sâu vào giữa lòng đời sống xã hội, cộng đồng và chính trị, vì họ thuộc về những hình thái văn hoá xuất hiện không ngừng, người giáo dân cần những hình thức tổ chức và cử hành đức tin mới mẻ. Những nhịp sống hiện nay khác xa (tôi không nói tốt hay xấu) so với nhịp sống ba mươi năm trước của chúng ta. “Điều đó đòi buộc chúng ta phải nghĩ tưởng ra những không gian cầu nguyện và hiệp thông với những đặc tính canh tân, có ý nghĩa và thu hút hơn đối với dân chúng thị thành” (Evangelii gaudium, 73).
Thật vô lý, thậm chí không thể tưởng rằng, với tư cách là mục tử, chúng ta muốn có độc quyền quyết định trước vô vàn thách thức mà cuộc sống hiện đại mang đến cho chúng ta. Ngược lại, chúng ta cần hiện diện giữa dân mình, bằng cách đồng hành với họ trong những kiếm tìm của họ, và bằng cách thúc đẩy sức sáng kiến của họ, một sức sáng kiến vốn có thể giải quyết được những vấn nạn hiện tại. Và chúng ta thực hiện điều đó bằng cách phân định cùng với dân của chúng ta, nhưng không bao giờ phân định thay cho dân của chúng ta hoặc phân định mà không có dân của chúng ta. Như điều thánh Inhaxiô đã nói: “theo những nhu cầu của nơi chốn, thời đại và con người“. Nói cách khác, không nên đồng bộ hoá.
Chúng ta không thể đưa ra những hướng dẫn chung để tổ chức dân Chúa giữa lòng đời sống cộng đồng của họ. Hội nhập văn hoá là một tiến trình mà chúng ta, những mục tử, được gọi để cổ võ, bằng cách khuyến khích người dân sống niềm tin của họ ngay nơi họ hiện diện và với những người họ gặp gỡ. Hội nhập văn hoá nghĩa là học biết làm thế nào để một phần dân Chúa cụ thể ngày nay, ở đây và giờ phút này của lịch sử, có thể sống, cử hành và loan truyền đức tin của họ; với một căn tính đặc biệt và trên nền tảng những vấn đề mà họ phải đối diện, cùng với mọi lý lẽ mang lại cho họ niềm vui sống. Hội nhập văn hoá là một việc thủ công mỹ nghệ, chứ không phải là một nhà máy sản xuất hàng loạt tiến trình được sử dụng cho việc “chế tạo ra các giới Kitô giáo hay vùng miền Kitô giáo“.
Ở giữa dân của chúng ta, chúng ta được đòi hỏi phải gìn giữ hai loại ký ức: ký ức về Đức Giêsu Kitô và ký ức về tổ tiên chúng ta. Trong rất nhiều trường hợp, chúng ta đã lãnh nhận đức tin như quà tặng từ tay những người mẹ và những người bà của chúng ta. Chính họ đã là ký ức sống động về Đức Giêsu Kitô giữa lòng gia đình chúng ta. Chính trong sự âm thầm của đời sống gia đình mà đa số chúng ta đã học biết cầu nguyện, yêu thương và sống đức tin. Chính ngay giữa lòng đời sống gia đình, rồi mở rộng ra với gia đình giáo xứ, gia đình trường học và gia đình cộng đoàn, mà đức tin đã đi vào đời sống chúng ta và đã mặc lấy thân xác chúng ta. Chính đức tin đơn sơ này đã bao lần đồng hành với chúng ta trong những nỗi thăng trầm khác nhau của đường đời chúng ta. Mất ký ức có nghĩa là tự đánh mất nguồn cội, nơi chúng ta xuất phát, và như thế chúng ta cũng chẳng biết rồi sẽ đi về đâu.
Đây là điều nền tảng. Khi chúng ta bứng một người giáo dân ra khỏi nguồn gốc đức tin của họ, khỏi đức tin của tổ tiên họ; khi chúng ta bứng một người giáo dân ra khỏi dân thánh trung tín của Thiên Chúa, chúng ta bứng họ ra khỏi căn tính bí tích Rửa Tội của họ và như thế tước đi khỏi họ ơn Chúa Thánh Thần. Cũng xảy ra điều tương tự với chúng ta là những mục tử: khi tự bứng mình ra khỏi dân của chúng ta, chúng ta sẽ hư mất. Vai trò của chúng ta, niềm vui của chúng ta, niềm vui của người mục tử, đích thực hệ tại ở việc trợ giúp và khuyến khích, như nhiều người đã làm điều đó trước chúng ta, những người mẹ, những người bà, nhưng người cha, những người chủ chốt đích thực của lịch sử.
Không phải nhờ sự nhượng bộ do thiện chí của chúng ta, nhưng bởi quyền và cương vị riêng: những người giáo dân là thành phần của dân thánh trung tín của Thiên Chúa và bởi đó, họ là những người chủ chốt của Giáo hội và của thế giới; chúng ta được gọi để phục vụ họ, chứ không phải để được họ phục vụ.
Suốt chuyến công du vừa qua của tôi tới đất Mêxicô, tôi đã có dịp ở lại một mình với Mẹ [Maria], và để Mẹ nhìn tôi. Trong thời gian cầu nguyện này, tôi cũng đã có thể dâng lên Mẹ trái tim con thảo của tôi. Vào lúc ấy, Đức Hồng Y cũng hiện diện ở đấy cùng với các cộng đoàn của ngài. Trong suốt thời gian cầu nguyện này, tôi đã khấn xin Đức Maria đừng ngưng trợ lực cho niềm tin của dân chúng ta, như Mẹ đã làm điều đó với cộng đoàn đầu tiên. Xin Đức Trinh Nữ Rất Thánh luôn cầu bầu, gìn giữ và đồng hành cùng Đức Hồng Y.
Từ Vatican, ngày 19 tháng 3 năm 2016
PHANXICÔ
Chuyển ngữ: Lm. Phaolô Nguyễn Thành Sang
© Copyright – Libreria Editrice Vaticana
Nguồn:
https://w2.vatican.va/content/francesco/fr/letters/2016/documents/papa-francesco_20160319_pont-comm-america-latina.html
https://w2.vatican.va/content/francesco/en/letters/2016/documents/papa-francesco_20160319_pont-comm-america-latina.html
[1] (x. http://hdgmvietnam.com/chi-tiet/thu-cua-duc-thanh-cha-phanxico-gui-dan-chua-34181)