Sứ Điệp Đức Thánh Cha nhân Ngày Thế Giới các bệnh nhân lần thứ 26
VATICAN. ĐTC kêu gọi các nhà thương Công Giáo tránh rơi vào thái độ duy xí nghiệp, chịu ảnh hưởng của thị trường, để rồi gạt bỏ những người nghèo.
Ngài đưa lời kêu gọi trên đây trong sứ điệp nhân ngày thế giới các bệnh nhân sẽ được cử hành vào ngày 11-2 năm tới, 2018, với chủ đề là: “Mẹ Giáo Hội: ‘Đây là con của Mẹ .. đây là Mẹ của con’. Từ lúc ấy môn đệ đón Mẹ về nhà mình” (Ga 19,26-27).
ĐTC khẳng định rằng lời trên đây của Chúa Giêsu là nguồn gốc sứ mạng của Mẹ Maria săn sóc nhân loại như người con và cũng là nguồn gốc ơn gọi làm mẹ của Giáo Hội đối với những người túng thiếu và các bệnh nhân. Ơn gọi đó được cụ thể hóa qua dòng lịch sử, trong rất nhiều sáng kiến giúp đỡ các bệnh nhân. Không được quên đi lịch sử lòng tận tụy ấy, lòng tận tụy còn được tiếp tục ngày nay trên thế giới. “Tại những nước có hệ thống y tế công cộng đủ, công việc của các dòng tu Công Giáo, các giáo phận và các nhà thương Công Giáo, không những cung cấp sự chăm sóc sức khỏe có chất lượng, nhưng còn tìm cách đặt con người ở trung tâm tiến trình trị liệu và thi hành việc nghiên cứu khoa trọng trong niềm tôn trọng sự sống và cá giá trị luân lý Kitô”.
“Tại những nước thiếu hoặc không có hệ thống y tế, Giáo Hội làm việc để cung cấp cho dân chúng bao nhiêu có thể việc chăm sóc sức khỏe, để loại trừ nạn trẻ em chết yểu, và chống lại một số bệnh tật lan rộng. Khắp nơi, Giáo Hội tìm cách săn sóc, cả khi không có thể chữa lành. Hình ảnh Giáo Hội như một ‘nhà thương dã chiến’, đón nhận tất cả những người bị thương tổn trong cuộc sống, là một thực tại rất cụ thể, vì tại một số miền trên thế giới, chỉ có các nhà thương của các thừa sai và các giáo cung cấp sự săn sóc trị liệu cần thiết cho dân chúng”.
ĐTC kêu gọi nhớ lại lịch sử dài việc phục vụ của các cộng đoàn Kitô dành cho nhân loại, nhưng nhất là cần nhìn lại quá khứ để được phong phú hơn. “Từ quá khứ ấy, chúng ta phải học hỏi lòng quảng đại cho đến độ hy sinh hoàn toàn của nhiều vị sáng lập các dòng phục vụ các bệnh nhân.. Gia sản quá khứ ấy giúp đề ra những dự phóng tốt đẹp cho tương lai. Ví dụ bảo tồn các nhà thương Công Giáo khỏi bị nguy cơ hành động như những xí nghiệp ở các nơi trên thế giới, muốn đưa việc săn sóc sức khỏe vào lãnh vực thị trường, và rốt cuộc gạt bỏ người nghèo.”
Về điểm này, ĐTC nhấn mạnh rằng: “Sự khôn ngoan có tổ chức và đức bác ái đòi phải làm sao để người bệnh được tôn trọng trong phẩm giá của mình và được đặt ở vị trí trung tâm trong tiến trình săn sóc. Những đường hướng này cũng phải là đường hướng của các tín hữu Kitô hoạt động trong các cơ cấu công cộng và, qua việc phục vụ, họ được kêu gọi làm chứng tá tốt điệp về Tin Mừng”.
Sau cùng, ĐTC tái khẳng định sự cần thiết của việc mục vụ sức khỏe như một công tác thiết yếu của Giáo Hội, cần phải thực thi với một đà tiến được đổi mới từ các cộng đoàn giaó xứ cho đến những trung tâm săn sóc tuyệt hảo nhất. Ngài viết thêm rằng: “Chúng ta không thể quên sự dịu dàng và kiên trì của nhiều gia đình chăm sóc con cái, cha mẹ và thân nhân, những người bị bệnh nặng hoặc khuyết tật nặng. Sự chăm sóc trong gia đình là một chứng tá đặc biệt về tình yêu thương đối với con người và cần phải được hỗ trợ bằng sự nhìn nhận thích đáng và với những chính sách thích hợp” (Rei 11-12-2017)
G. Trần Đức Anh OP