Đức Thánh Cha Phanxicô tông du Myanmar:
Gặp Ủy ban nhà nước Tăng già Maha Nayaka
Người Công giáo và Phật tử: cùng gieo hạt giống bình an và chữa lành, hạt giống từ bi và hy vọng
WHĐ (30.11.2017) – Ngày thứ ba trong chuyến tông du Myanamar, thứ Tư 29-11-2017, sau Thánh lễ buổi sáng tại Sân Kyaikkasan ở thành phố Yangon, vào lúc 4g15 chiều, Đức Thánh Cha Phanxicô đã có buổi gặp gỡ Uỷ ban nhà nước Tăng già Maha Nayaka tại Trung tâm Kaba Aye.
Trong bài diễn văn tại cuộc gặp này, Đức Thánh Cha bày tỏ thái độ của Giáo hội Công giáo sẵn sàng tiếp tục bước đi cùng với người Phật tử để gieo hạt giống bình an và chữa lành, hạt giống từ bi và hy vọng trên đất nước Myanmar.
Sau đây là toàn văn bài phát biểu (được chuyển ngữ từ vatican.va, bản tiếng Pháp) của Đức Thánh Cha.
* * *
Thật là một niềm vui lớn lao đối với tôi khi được ở đây với quý vị. Xin cảm ơn Hoà thượng Bhaddanta Kumarabivamsa, Chủ tịch Uỷ ban nhà nước Tăng già Maha Nayaka, về những lời chào mừng và những vất vả trong việc sắp xếp cho tôi đến thăm nơi này ngày hôm nay. Tôi chào mừng tất cả quý vị, và xin trân trọng kính chào Ngài Thura Aung Ko, Bộ trưởng Bộ Tôn giáo và Văn hoá Myanmar.
Cuộc gặp gỡ của chúng ta là một cơ hội quan trọng để canh tân và củng cố những mối dây bằng hữu và tôn trọng giữa các Phật tử và người Công giáo. Đây cũng là cơ hội để khẳng định sự dấn thân của chúng ta đối với hoà bình, tôn trọng nhân phẩm và công lý cho mọi người nam và nọi người nữ. Không chỉ ở Myanmar, mà trên khắp thế giới, người ta cần đến chứng từ chung này của các nhà lãnh đạo tôn giáo. Vì, khi chúng ta đồng thanh khẳng định giá trị lâu dài của công lý, hoà bình và phẩm giá cơ bản của mỗi con người, là chúng ta nói lên lời hy vọng. Chúng ta giúp cho các Phật tử, người Công giáo và tất cả mọi người đấu tranh vì sự hoà hợp hơn nữa trong cộng đồng của họ.
Thời nào nhân loại cũng nếm trải những bất công, những xung đột và bất bình đẳng giữa con người với nhau. Cả trong thời đại chúng ta, những khó khăn này dường như lại đặc biệt trầm trọng. Mặc dù xã hội đã có những tiến bộ công nghệ lớn lao và con người trên thế giới đang ngày càng ý thức hơn rằng họ có chung một tính nhân loại và chung một số phận, nhưng những vết thương của xung đột, nghèo đói và áp bức vẫn còn đó, và gây thêm những chia rẽ. Đứng trước những thách đố này, chúng ta không bao giờ được cam chịu. Dựa trên những nền tảng truyền thống thiêng liêng của mình, chúng ta biết rằng có một con đường để tiến lên phía trước, có một con đường dẫn đến việc chữa lành, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau. Một con đường dựa trên lòng thương xót và yêu thương.
Tôi muốn bày tỏ lòng kính trọng đối với tất cả những người ở Myanmar sống theo truyền thống tôn giáo của Phật giáo. Qua những lời dạy của Đức Phật, và chứng tá nhiệt thành của rất nhiều tăng ni, người dân trên miền đất này đã được đào luyện theo những giá trị của lòng kiên nhẫn, khoan dung và tôn trọng sự sống, cũng như một nền linh đạo quan tâm đến môi trường thiên nhiên của chúng ta và hết sức tôn trọng môi trường ấy. Như chúng ta đã biết, những giá trị này là rất cần thiết để xã hội được phát triển toàn diện, khởi đi từ đơn vị nhỏ bé nhất nhưng nền tảng nhất – là gia đình, rồi sau đó mở rộng ra đến những mạng lưới các mối tương quan đặt chúng ta vào trong mối liên hệ thân thiết – các mối tương quan bắt nguồn từ văn hoá, sắc tộc và quốc gia, nhưng xét cho cùng đều bắt nguồn từ việc thuộc về cộng đồng nhân loại. Trong một nền văn hoá gặp gỡ đích thực, những giá trị này có thể củng cố các cộng đồng của chúng ta và giúp chiếu toả ánh sáng cần thiết cho toàn xã hội.
Thách đố lớn nhất trong thời đại của chúng ta là giúp cho con người mở ra với siêu việt. Để có thể nhìn sâu vào trong nội tâm của mình và nhận biết chính mình hầu nhận ra sự liên kết giữa mọi người. Để nhìn nhận rằng chúng ta không thể sống tách biệt nhau. Nếu chúng ta phải đoàn kết với nhau, và đây là mục đích của chúng ta, thì điều cần thiết là phải vượt qua tất cả các hình thức hiểu lầm, bất khoan dung, thành kiến và thù hận. Làm sao chúng ta có thể làm được điều đó? Những lời của Đức Phật cho chúng ta một hướng dẫn: “Lấy không giận thắng giận, lấy thiện thắng không thiện,lấy thí thắng gian tham, lấy chơn thắng hư ngụy” (Kinh Pháp Cú, XVII, 223). Lời cầu nguyện được cho là của thánh Phanxicô Assisi cũng diễn tả những tâm tình tương tự: “Lạy Chúa, xin làm cho con trở thành khí cụ bình an của Chúa. Nơi đâu có hận thù con sẽ đem đến yêu thương, nơi đâu có xúc phạm con sẽ đem đến tha thứ … Nơi đâu có bóng tối con sẽ mang lại ánh sáng, và nơi đâu có buồn sầu con sẽ mang lại niềm vui”.
Mong sao Sự Khôn ngoan này tiếp tục truyền cảm hứng cho tất cả những nỗ lực cổ võ lòng kiên nhẫn và sự cảm thông, hàn gắn những vết thương của cuộc xung đột mà trong những năm qua đã chia rẽ con người thuộc các nền văn hóa, sắc tộc và tín ngưỡng tôn giáo khác nhau. Những nỗ lực này không hề là đặc quyền của các nhà lãnh đạo tôn giáo, và không phải là thẩm quyền độc quyền của Nhà nước. Nhưng toàn thể xã hội, tất cả những ai sống trong cộng đồng đều phải tham gia vào công việc vượt thắng xung đột và bất công. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo dân sự và tôn giáo có trách nhiệm cụ thể là bảo đảm cho mọi tiếng nói đều được lắng nghe, hầu cho những thách đố và nhu cầu hiện nay được thấu hiểu cách rõ ràng và được đáp ứng trong tinh thần công bằng và liên đới. Tôi hoan nghênh công việc mà Hội nghị Hoà bình Panglong thực hiện về mặt này, và tôi cầu nguyện cho những người hướng dẫn công việc này tiếp tục khích lệ tất cả những ai sống ở Myanmar tham gia nhiều hơn nữa. Điều này chắc chắn sẽ góp phần vào nỗ lực thúc đẩy hoà bình, an ninh và thịnh vượng cho mọi người.
Để cho những nỗ lực mang lại hoa trái lâu dài, chắc chắn cần có sự hợp tác hơn nữa giữa các nhà lãnh đạo tôn giáo. Về vấn đề này, tôi muốn các bạn biết rằng Giáo hội Công giáo sẵn sàng hợp tác. Các cơ hội gặp gỡ và đối thoại giữa các nhà lãnh đạo tôn giáo là một yếu tố quan trọng trong việc thúc đẩy công lý và hoà bình tại Myanmar. Tôi cũng biết rõ rằng hồi tháng Tư vừa qua, Hội đồng Giám mục Công giáo đã tổ chức một hội nghị kéo dài hai ngày về hoà bình, vớisự tham dự của nhiều vị lãnh đạo các cộng đồng tôn giáo khác nhau, cũng như các đại sứ và đại diện của các cơ quan phi chính phủ. Nếu chúng ta phải hiểu biết lẫn nhau sâu xa hơn và khẳng định rằng chúng ta có mối tương quan và số phận chung, thì các cuộc gặp gỡ này là rất cần thiết. Sự công bằng đích thực và hoà bình lâu dài chỉ có thể đạt được khi chúng được bảo đảm cho tất cả mọi người.
Các bạn thân mến, ước mong sao các Phật tử và các tín hữu Công giáo cùng đi với nhau trên con đường chữa lành, và cùng nhau làm việc vì thiện ích của từng người ở miền đất này. Trong Kinh thánh Kitô giáo, tông đồ Phaolô khuyên thính giả của mình vui với người vui, khóc với kẻ khóc (x Rm 12,5), bằng cách khiêm tốn mang lấy gánh nặng của nhau (x. Gl 6,2). Thay mặt những người anh chị em Công giáo của tôi, tôi xin bày tỏ rằng chúng tôi sẵn sàng tiếp tục bước đi cùng với các bạn để gieo hạt giống bình an và chữa lành, hạt giống từ bi và hy vọng trên miền đất này.
Một lần nữa, xin cảm ơn quý vị đã mời tôi đến đây hôm nay. Tôi cầu xin phúc lành thiêng liêng của niềm vui và bìnhan xuống trên tất cả quý vị.
Minh Đức chuyển ngữ