Vui mừng xen lẫn lo âu về chuyến thăm Myanmar sắp tới của Đức Thánh Cha
Myint Swe, Phật tử 74 tuổi, đang mong chờ chuyến viếng thăm Myanmar của Đức Thánh cha Phanxicô vì tin rằng chuyến viếng thăm của ngài sẽ giúp cải thiện sự hòa hợp liên tôn giáo và chữa lành vết thương của cuộc khủng hoảng Rakhine.
Ông Myint Swe, chủ tịch Hội Các Tôn giáo vì Hòa bình – nhóm liên tôn giáo có trụ sở ở Yangon, phát biểu Đức Thánh cha sẽ trải nghiệm một sự tiếp đón thể hiện lòng hiếu khách của các Phật tử địa phương đang mong chờ chuyến viếng thăm của ngài từ ngày 27-30/11.
“Cách đây 5 năm chúng tôi không thể tưởng tượng ra Đức Giáo hoàng sẽ viếng thăm Myanmar nhưng giờ đây giấc mơ này đã trở thành sự thật không chỉ đối với người Công giáo mà còn vì hạnh phúc và lợi ích đối với người Phật giáo chiếm đa số ở nước này”, ông Myint Swe phát biểu với ucanews.com.
“Thông điệp mà chúng tôi muốn chuyển tải trong chuyến viếng thăm của Đức Giáo hoàng là cách người dân thuộc các tôn giáo khác nhau cộng tác với nhau hướng đến hòa bình và hòa hợp”, ông Myint Swe, sẽ tham dự Thánh lễ ngoài trời vào ngày 29-11, chia sẻ.
Ngoài đọc kinh cầu nguyện để chuẩn bị tâm hồn đón chuyến viếng thăm của Đức Thánh cha, Giáo hội Công giáo còn chuẩn bị chăm lo nhu cầu hậu cần cho khách hành hương, cộng tác với các tôn giáo khác.
Các tu viện Phật giáo, nhà thờ Tin lành và Công giáo ở Yangon sẽ cung cấp chỗ ở cho hàng ngàn người Công giáo trên cả nước.
Thánh lễ chung do Đức Thánh cha chủ tế tại sân vận động Kyaikkasan ở Yangon vào ngày 29-11 dự kiến thu hút hơn 150.000 người Công giáo và tín đồ các tôn giáo khác.
Cha Joseph Mg Win, thành viên ban tổ chức chuyến viếng thăm của Đức Thánh cha, cho biết nhiều lãnh đạo tôn giáo sẵn sàng giúp đỡ.
“Chúng ta có quan hệ gần gũi với các tôn giáo khác ở Myanmar vì thế họ háo hức góp sức chuẩn bị cho chuyến viếng thăm của Đức Thánh cha”, cha Mg Win nói với ucanews.com. Ví dụ, Sangha (cộng đồng Phật giáo) Khu vực Yangon đã đề nghị dùng các đại sảnh của họ làm chỗ ở cho khách hành hương.
Cha Mg Win còn cho biết nhiều Phật tử thông báo với ngài rằng họ sẽ tham dự Thánh lễ chung do Đức Thánh cha chủ tế vào ngày 29-11.
Các tôn giáo tập trung cầu nguyện cho hòa bình
Chỉ một tháng trước khi Đức Thánh cha đến Myanmar, đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi tổ chức một cuộc tập trung cầu nguyện liên tôn giáo cầu cho hòa bình trên cả nước.
Linh mục, nữ tu, thầy dòng và giáo dân Công giáo cùng 30.000 người thuộc các tôn giáo khác nhau đến tham dự sự kiện chưa từng có tiền lệ tại Yangon hôm 10-10.
Zaw Min Latt, cư dân Hồi giáo ở Yangon tham gia các hoạt động liên tôn giáo, chia sẻ cùng nhau cầu nguyện cho hòa bình là việc làm tốt nhưng cần có việc làm cụ thể hơn.
“Chính phủ phải có hành động đối với những kẻ phổ biến các bài phát biểu hận thù, cho phép tự do tôn giáo mà không có sự phân biệt và đẩy mạnh xây dựng nhà nước pháp quyền”, Zaw Min Latt phát biểu với ucanews.com.
Ông chia sẻ chuyến viếng thăm của Đức Thánh cha Phanxicô sẽ mang lại hy vọng quyền tự do tôn giáo và tình hình nhân quyền ở Myanmar dành cho các nhóm thiểu số sẽ được cải thiện.
Trái với những gì được kỳ vọng, ông nói nạn kỳ thị và hận thù chống người Hồi giáo thiểu số tệ hại hơn dưới chế độ chính quyền do dân lãnh đạo.
“Chính phủ có trách nhiệm bảo vệ công dân của mình, quyền lợi của họ và đảm bảo pháp quyền được bảo vệ để không xảy ra nạn kỳ thị hay bạo hành đối với bất kỳ sắc tộc hay tôn giáo nào”, Zaw Min Latt kêu gọi.
Khủng hoảng Rakhine
Nhưng tin Đức Thánh cha viếng thăm đã gây ra giận dữ từ các nhóm Phật giáo bảo thủ vốn làm cho tình trạng phản đối và bạo lực giáo phái tồi tệ hơn, đặc biệt là tình trạng chống người Rohingya và những người Hồi giáo khác trong 5 năm qua.
Chủ nghĩa dân tộc và quan điểm chống Hồi giáo gia tăng thêm sau vụ các tay súng Rohingya tấn công các đồn bốt của chính phủ hôm 25-8, dẫn đến quân đội Myanmar mở cuộc đàn áp trong bang ảnh hưởng xung đột miền bắc Rakhine. Liên Hiệp Quốc miêu tả hành động của quân đội như một ví dụ về thanh trừng sắc tộc trong sách giáo khoa.
Trong 2 tháng qua, hơn 600.000 người Rohingya rời bang Rakhine chạy sang nước láng giềng Bangladesh.
Nhiều người Phật giáo bảo thủ lên tiếng phản đối chuyến viếng thăm của Đức Thánh cha. “Tại sao Giáo hoàng lại viếng thăm Myanmar? Đừng can thiệp vào chuyện chính trị vì ngài là lãnh đạo tôn giáo” và “Không có từ Rohingya vì vậy tại sao ông ấy lại dùng từ này”, là một vài ví dụ về những lời phản đối được đăng trên mạng.
Trong một hành động được cho là bất kính, Aye Ne Win, cháu trai của nhà cố độc tài Ne Win, hóa trang thành Giáo hoàng tham dự lễ hội Halloween. Hình ảnh của anh ta trong trang phục hóa trang này được phát tán nhanh trên mạng xã hội, khiến cộng đồng Công giáo cũng như một số Phật tử giận dữ.
U Wirathu, tu sĩ theo chủ nghĩa dân tộc quá khích ở Mandalay và là lãnh đạo của phong trào Phật giáo bảo thủ Ma Ba Tha, nói với tờ The New York Times rằng chuyến viếng thăm của Đức Thánh cha là “sự khiêu khích chính trị”.
“Không có nhóm sắc tộc Rohingya nào trong nước chúng ta, nhưng Giáo hoàng cho rằng họ xuất phát từ đây. Đó là điều sai lầm”, tờ The New York Times dẫn lời Wirathu nói hôm 22-8.
Một số người Công giáo quan ngại về việc đảm bảo an ninh cho Đức Thánh cha trong chuyến viếng thăm trong khi có người lo lắng, đặc biệt là nơi các lãnh đạo Công giáo của Myanmar, Đức Thánh cha có dùng từ Rohingya hay tránh dùng từ này như họ đề nghị hay không.
Việc dùng từ Rohingya, tên gọi được nhóm sắc tộc Hồi giáo tự đặt, là một vấn đề nhạy cảm ở Myanmar. Chính phủ và quân đội – cùng với nhiều công dân Myanmar – gọi nhóm người Rohingya gồm hơn một triệu người này là “Bengalis” và khẳng định họ đến từ nước láng giềng Bangladesh.
Nếu Đức Thánh cha dùng từ Rohingya trong các bài phát biểu của mình, giáo dân Công giáo quan ngại Giáo hội có thể gặp phải phản ứng dữ dội từ phía các nhóm Phật giáo cực đoan. Nhằm tránh tình trạng này xảy ra, các giám mục Công giáo đã khuyên Đức Thánh cha Phanxicô tránh dùng từ này.
Nhưng lãnh đạo Phật giáo Myint Swe không lo ngại.
“Tôi tin rằng Đức Giáo hoàng biết thực trạng của đất nước này. Ngay cả khi ngài dùng từ Rohingya, thì cũng chỉ là để chỉ nhóm người này, chứ không có động cơ chính trị”, ông Myint Swe nhận định.
Zaw Min Latt nói Đức Thánh cha Phanxicô có quyền nói từ Rohingya và nói về bất kỳ vấn đề nào ngài muốn.
“Tôi muốn hỏi nếu như Đức Giáo hoàng tránh dùng từ Rohingya như các lãnh đạo Công giáo đề nghị, liệu tự do tôn giáo và tín ngưỡng có cải thiện hơn cho các nhóm thiểu số như Kitô hữu và Hồi giáo không?” Zaw Min Latt hỏi.
Nguồn: Ucanews Tiếng Việt