Phương thuốc để tránh những cuộc hôn nhân vô hiệu
WHĐ (22.01.2017) – Trong dịp khai mạc Năm tư pháp mới hôm thứ Bảy 21-01-2017 tại Vatican, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ngỏ lời với các thẩm phán và luật sư của Toà Thượng Thẩm Rota để nhấn mạnh tính chất trọng yếu của việc chuẩn bị hôn nhân.
Trong bài huấn từ dành cho Toà Thượng Thẩm Rota, Đức Thánh Cha mong muốn sẽ có một sự thôi thúc mới trong việc chăm sóc mục vụ gia đình để đồng hành với các đôi vợ chồng, trước và sau khi họ cử hành hôn phối trước mặt Thiên Chúa. Nói cách khác, ngài đề nghị các thẩm phán và các luật sư của Toà Thượng Thẩm “những phương thuốc nhằm tránh để xảy ra nhiều cuộc hôn nhân vô hiệu và không bền vững”, cùng với những điểm đã nêu trong Tông huấn Amoris Laetitia.
Tăng triển đức tin của những người đính hôn
Phương thuốc thứ nhất là giáo dục người trẻ qua một tiến trình chuẩn bị thích hợp nhằm tái khám phá hôn nhân và gia đình theo kế hoạch của Thiên Chúa. Đối với cộng đồng Kitô hữu, thời gian này là “một cơ hội thực sự để Phúc âm hoá những người lớn” – những người thường rời xa Giáo hội. Trong rất nhiều trường hợp, hôn nhân là dịp cho các đôi vợ chồng trẻ tìm gặp lại đức tin vốn đã bị đẩy ra bên lề cuộc sống của họ từ lâu. Thế nên điều quan trọng là những người có trách nhiệm mục vụ gia đình phải giúp cho hành trình chuẩn bị của các đôi này đạt hiệu quả cao nhất có thể, “không chỉ về mặt phát triển con người, mà còn làm cho đức tin của những người đính hôn được lớn lên”.
Một giai đoạn dự tòng mới
Đức Thánh Cha muốn những người chuẩn bị kết hôn phải được đồng hành để họ “hội nhập dần dần vào Giáo hội và với Giáo hội”. Ngài đề cập đến sự cần thiết phải có một “giai đoạn dự tòng mới” giúp duy trì mối liên lạc thường xuyên với các đôi vợ chồng sau khi họ cưới nhau.
Phương thuốc thứ hai là giúp các đôi tân hôn bước đi trên con đường đức tin và trong Giáo hội, cả sau khi họ cử hành hôn phối. Chỉ vì những người trẻ không còn sinh hoạt ở giáo xứ, nên họ thường bị bỏ rơi sau khi cử hành lễ cưới. Điều này đặc biệt đúng sau khi họ sinh con. Nên đây là lúc mà cha mẹ cần đến sự gần gũi nhiều hơn nữa và sự nâng đỡ về tinh thần, cả trong việc giáo dục con cái.
Tình yêu đòi hỏi Chân lý
Vì thế, hơn bao giờ hết, cần phải đi sâu vào mối tương quan giữa Tình yêu và Chân lý. “Tình yêu đòi hỏi chân lý. Chỉ khi đặt nền tảng trên chân lý, tình yêu mới có thể bền vững với thời gian, mới vượt qua được những gì phù du chóng qua và đủ mạnh mẽ để kiên trì theo đuổi một cuộc hành trình chung. Nếu tình yêu không gắn với chân lý, nó sẽ trở thành miếng mồi cho những cảm xúc hay thay đổi và không thể đứng vững trước thử thách của thời gian. Tình yêu đích thực, trái lại, hợp nhất mọi yếu tố của con người chúng ta và trở thành một ánh sáng mới chỉ ra con đường hướng đến một cuộc sống viên mãn tuyệt vời. Nếu không có chân lý, tình yêu không thể thiết lập một liên kết chắc chắn; không thể giải thoát cái tôi tách biệt của chúng ta hoặc cứu nó ra khỏi khoảnh khắc chóng qua để tạo nên sự sống và sinh hoa trái”.
Kết thúc bài huấn từ dành cho các thành viên của Toà Thượng Thẩm Rota, Đức Thánh Cha nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đồng hành trước và sau hôn nhân, vì “thời đại chúng ta đang sống đòi hỏi muốn kết hôn phải có nhiều can đảm”.
Minh Đức