Trung Quốc:
Các tân giám mục được truyền chức đều có sự chuẩn nhận rõ ràng của Đức giáo hoàng
WHĐ (20.12.2016) – Quan hệ giữa Toà Thánh và Trung Quốc vẫn luôn là đề tài gây nhiều tranh cãi. Sau đây là nhận định của cha Phaolô Hàn Khánh Bình*, một linh mục Trung Quốc, về những bước đi của Toà Thánh nhằm cải thiện mối quan hệ này, đồng thời cha nêu thắc mắc rằng liệu các phương tiện truyền thông và các cá nhân phê phán Đức giáo hoàng Phanxicô và Đức hồng y Parolin, có thực sự tìm kiếm lợi ích của Giáo hội tại Trung Quốc không, hay chỉ nhân danh công ích để trút nỗi bực tức của cá nhân mình lên các ngài.
Bài viết của cha Hàn Khánh Bình đăng trên trang mạng Vatican Insider.
***
Mới đây, với bốn giám mục mới được truyền chức tại các giáo phận Trường Trị thuộc tỉnh Sơn Tây, An Khang thuộc tỉnh Thiểm Tây, cũng như Thành Đô và Tây Xương thuộc tỉnh Tứ Xuyên, Giáo hội Công giáo tại Trung Quốc đã một lần nữa chứng kiến một “mùa cao điểm truyền chức Giám mục”. Chính lễ phong chức Giám mục là một sự kiện vui mừng, nhất là đối với các giáo phận không có giám mục trong một thời gian khá lâu. Tuy nhiên, đối với Giáo hội Công giáo tại Trung Quốc vốn chịu nhiều áp bức vì cuộc xung đột kéo dài giữa Giáo hội và Nhà nước, không phải lễ truyền chức Giám mục nào cũng là một dịp vui mừng như vậy. Nguyên nhân sâu xa không là gì khác hơn vấn đề nổi cộm về các giám mục “bất hợp pháp” và các giám mục “của Giáo hội thầm lặng”: Đối với các giám mục bất hợp pháp không được Toà Thánh chuẩn nhận, dù cuộc lễ có long trọng đến mấy, không chỉ người được truyền chức, mà cả vị giám mục truyền chức –là các giám mục bị buộc phải tham gia–, phải cử hành toàn bộ lễ nghi với bộ mặt ảm đạm dưới sự bảo vệ nghiêm ngặt của cảnh sát. Liền sau đó, họ trở nên giống như những con chuột bị thù ghét chạy thoát khỏi đám đông đang la ó.
Đối với những giám mục “của Giáo hội thầm lặng”, là những người không được Nhà nước công nhận, họ phải tìm một nơi bí mật để cử hành lễ truyền chức cách âm thầm. Rồi họ trở thành “những kẻ nguy hiểm” dưới mắt của các cơ quan chính phủ và thỉnh thoảng bị đưa đi đâu đó với danh nghĩa “tham quan” và “nghiên cứu”, hoặc biến mất khỏi thế giới… Nói chung, nếu Giáo hội Công giáo tại Trung Quốc và chính phủ Trung Quốc không tìm được sự đồng cảm về việc truyền chức giám mục, thì tình trạng khó xử và hỗn loạn như thế vẫn cứ tiếp diễn, mà chẳng đem lại lợi ích gì cho đời sống bình thường của Giáo hội, cũng như để xây dựng một xã hội hài hoà.
Chính vì hiểu được nguyên nhân gốc rễ của vấn đề này, mà Đức giáo hoàng Phanxicô và Toà Thánh dưới quyền lãnh đạo của ngài đã cố gắng giải quyết vấn đề gai góc phức tạp về mặt lịch sử này từ khi ngài thi hành sứ vụ giáo hoàng, hy vọng sẽ có được một không gian rộng thoáng hơn cho cuộc sống bình thường của Giáo hội Công giáo tại Trung Quốc. Rõ ràng mục đích chính của Đức giáo hoàng Phanxicô là vì sự hiệp nhất của Giáo hội. Vì thế, ngài hy vọng sẽ có sự hiểu biết và hợp tác hơn nữa giữa Giáo hội, xã hội và văn hoá của Trung Quốc. Nhiều dấu chỉ cũng cho thấy rằng, trong ba năm qua, tình yêu, lòng kiên nhẫn và hy vọng của Đức giáo hoàng Phanxicô và Toà Thánh đã không lãng phí, nhưng đã mang lại cho chúng ta một thoáng hy vọng giải quyết được những xung đột và dựng lại những chiếc cầu nối. Là một thành viên của Giáo hội Công giáo ở Trung Quốc, tôi có thể thấy được điều này với đôi mắt của mình và cảm nhận được trong tim mình.
Tuy nhiên, sẽ luôn có những người thích vạch lá tìm sâu. Họ không chỉ không ưa những gì Đức Thánh Cha Phanxicô đã làm cho cả Giáo hội lẫn xã hội của Trung Quốc, mà cỏn thích sử dụng mọi phương tiện truyền thông để bác bỏ, chế giễu, coi thường và thậm chí còn đe dọa cả Đức giáo hoàng Phanxicô và Đức hồng y Quốc vụ khanh Parolin. Ngoài những lời ồn ào xấu xa và ác liệt của một số “vệ binh đỏ” ẩn nấp trong Giáo hội, như một số độc giả trên mạng đã chỉ ra, một số giáo sĩ cao cấp cũng không ngừng nói với thế giới qua các phương tiện truyền thông mạnh mẽ và có ảnh hưởng nhất của phương Tây rằng Đức giáo hoàng Phanxicô rất “ngây thơ”, “thật nực cười”, và có thể “phản bội Chúa Giêsu Kitô” khi tiếp xúc với chính quyền Trung Quốc. Những lời ấy nghe rất đáng ngạc nhiên và không thể tưởng tượng được ngay cả với những người bình thường. Đồng thời, dựa vào thực tế có một giám mục bất hợp pháp đã tham dự hai lễ truyền chức giám mục ở Tứ Xuyên, một số người ngay lập tức chỉ trích Toà Thánh về “nền ngoại giao quỵ luỵ đã thất bại”, nhưng họ cố tình bỏ qua những điều có liên quan: trong năm qua, Giáo hội Công giáo Trung Quốc đã truyền chức giám mục nhiều hơn so với bất kỳ năm nào trong những năm gần đây, và các tân giám mục này đều được truyền chức với sự chuẩn nhận rõ ràng của Đức giáo hoàng. Ngoại trừ một giám mục bất hợp pháp, các giám mục khác tham dự lễ truyền chức hai giám mục mới ở Tứ Xuyên đều hiệp thông trọn vẹn với Đấng kế vị Thánh Phêrô. Sự hiện diện của một giám mục bất hợp pháp trong nghi lễ truyền chức, mặc dù thực sự là một điều không hay, nhưng không ảnh hưởng đến bản chất bí tích (giá trị) của những lễ truyền chức giám mục này.
Vatican Insider cũng đã đăng tải một bài báo của phóng viên Gianni Valente với nhan đề “Trung Quốc: chuẩn bị tiến hành Đại hội Đại biểu Công giáo lần thứ 9”. Bài viết này đưa ra một đánh giá chi tiết về cuộc gặp gỡ ngoại giao lắt léo giữa Trung Quốc và Vatican như Valente kể lại: “Vào năm 2010, việc triệu tập Đại hội Đại biểu Công giáo Trung Quốclần thứ 8, được tổ chức từ 06 đến 08 tháng Mười Hai năm đó, chính thức đánh dấu sự biến chuyển từ điều đã là một giai đoạn đầy hứa hẹn, sang một giai đoạn thảm khốc trong mối quan hệ giữa hệ thống chính trị của Trung Quốc và Giáo hội Công giáo”.
Về những nguyên nhân chính của “những sự cố”, bài báo này kể ra hai điều: 1) Không chỉ kết quả đàm phán tích cực do trưởng đoàn đàm phán của Toà Thánh lúc ấy là Đức ông Parolin và phái đoàn của ngài đạt được đã bị một số quan chức Vatican và “chuyên gia” ở Hồng Kông lật đổ, mà chính Đức hồng y Parolin cũng “bị bổ nhiệm” làm Sứ thần Toà Thánh tại Venezuela vào năm 2009. 2) Vào tháng 3 năm 2010, Uỷ ban Toà Thánh về Giáo hội Công giáo tại Trung Quốc đã ra một tuyên bố kêu gọi các giám mục Trung Quốc không tham dự Đại hội Đại biểu Công giáo Trung Quốclần thứ 8, “lời kêu gọi” được một số giám mục coi là “không hợp với tinh thần của Giáo hội” nhưng lại khiến cho các ngài “rơi vào tình thế khó khăn”. Kết quả là, không chỉ mối quan hệ Trung Quốc-Vatican trở nên xấu đi, mà càng có thêm những cuộc truyền chức giám mục bất hợp pháp. “Giám mục” Lôi Thế Anh, theo một số nhà quan sát là người đã gây “ô nhiễm” các lễ truyền chức giám mục ở cả Thành Đô và Tây Xương, là một trong những hậu quả của “những sự cố” ấy.
Có người nói rằng sẽ lại tiếp tục có những lễ truyền chức giám mục bất hợp pháp, nhưng từ năm 2013, tình hình đã thay đổi 180 độ sau khi Đức hồng y Bergoglio được bầu làm giáo hoàng, Đức Tổng giám mục Parolin trở thành Quốc vụ khanh Toà Thánh, chịu trách nhiệm trực tiếp hoạt động của nhiều Bộ khác nhau và chính sách ngoại giao của Toà Thánh. Còn nữa, với nhiều lần Đức giáo hoàng chúc lành cho Trung Quốc từ trên máy bay và thái độ cởi mở của ngài với Trung Quốc, quan hệ Trung Quốc-Vatican một lần nữa cho thấy có dấu hiệu nồng ấm hơn và được cải thiện. Các chuyến viếng thăm và trình diễn văn hoá và nghệ thuật tại Vatican của nhiều nhóm cũng như của các cá nhân, và các cuộc họp báo của Bộ ngoại giao Trung Quốc, nhắc chúng ta nhớ đến buổi trình diễn lịch sử của Dàn nhạc Philharmonic của Trung Quốc dành tặng Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI vào ngày 07 tháng Năm 2008. Đối với nhiều người, bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy mối quan hệ trở nên nồng ấm hơn và được cải thiện thêm cũng cần được hoan nghênh và chúc mừng, nhưng điều làm cho người ta bối rối là một số phương tiện truyền thông và một số người như đã nói ở trên liên tục bày tỏ thái độ bất mãn, chế giễu, kể cả phỉ báng Đức giáo hoàng Phanxicô, Đức hồng y Parolin và thậm chí cả Toà Thánh.
Tuy nhiên, trước thực tế “ô nhiễm” không may ấy, tôi muốn nhấn mạnh rằng, nếu chúng ta xem xét sự “ô nhiễm” ấy trong thực tế, ít nhất chúng ta có thể đi đến ba kết luận này: 1) Tất cả bốn giám mục được truyền chức mới đây đều có sự chuẩn nhận của Toà Thánh và được chính phủ Trung Quốc công nhận, điều này không chỉ tránh được những hậu quả độc hại của việc truyền chức bất hợp pháp, mà còn giúp các tân giám mục thi hành sứ vụ của mình một cách công khai. 2) Chính phủ Trung Quốc đã không đưa một giám mục bất hợp pháp nào từ một tỉnh khác đến Sơn Tây và Thiểm Tây, là nơi hiện nay không có một giám mục bất hợp pháp nào, để cố tình “gây ô nhiễm” cho lễ truyền chức giám mục cho hai tân chức Đinh Lệnh Bân và Vương Hiểu Xuân như đã làm trước đây. 3) Trước khi có một thỏa thuận nào được ký kết, nếu Lôi Thế Anh (giám mục bất hợp pháp) đã không tham dự lễ truyền chức giám mục ở Tứ Xuyên là nơi giáo phận gốc của mình, hẳn là chính phủ Trung Quốc đã phủ nhận rõ ràng điều họ đã làm trong quá khứ; đây là điều không thể hình dung được vào lúc này.
Có thể đoán được rằng, sau khi thấy ba kết luận trên, có người sẽ nói rằng tôi hẳn là một người có hội chứng Stockholm(không căm ghét “kẻ bắt cóc mình”, nhưng lại quý mến kẻ ấy vì những ơn huệ nhỏ bé được ban cho). Câu trả lời của tôi cho lối “bắt mạch” này là: Xin đừng quên rằng, nhiều vấn đề của Giáo hội Công giáo ở Trung Quốc không phải từ trên trời rơi xuống trong một ngày, nhưng đã kéo dài hơn sáu mươi năm. Vả lại, những vấn đề ấy không phải do chính Đức giáo hoàng Phanxicô hay Chủ tịch Tập Cận Bình tạo ra. Nhưng cả hai vị đang tìm cách giải quyết thông qua đối thoại và đàm phán, chứ không phải thông qua đối đầu và kình chống nhau như một số người ở cả hai bên mong muốn. Có lẽ, cách tiếp cận này dường như chưa chín mùi và là lý tưởng trong giai đoạn đầu, nhưng phải có ai đó khởi sự tiến trình. Nếu ai đó thực sự quan tâm đến nỗi đau lâu dài của Giáo hội tại Trung Quốc, người ấy phải không ngừng cầu nguyện và hy vọng cho bất kỳ kiểu phục hồi và nỗ lực nào thực hiện theo chiều hướng này, dù nhỏ bé đến mấy, chứ không giống như những người Pharisêu dò xét những gì Chúa Giêsu nói và làm để tìm lý do giết Người. Còn đối với giới truyền thông và các cá nhân thích phê phán và lên án người khác, tôi muốn đặt cho các bạn một câu hỏi: Khi tìm kiếm những câu chữ nhằm thu hút sự chú ý để phê phán Đức giáo hoàng Phanxicô và Đức hồng y Parolin, các bạn có thực sự tìm kiếm lợi ích của Giáo hội tại Trung Quốc không, hay đang trút nỗi bực tức của cá nhân mình lên các ngài nhân danh công ích?!
––––––––––––––
* Cha Phaolô Hàn Khánh Bình là một linh mục Công giáo Trung Quốc, học ngành Truyền giáo và Lịch sử Giáo hội ở nước ngoài từ năm 1996 đến năm 2006. Sau khi thụ phong linh mục, cha trở về Trung Quốc và hiện làm việc trong một tổ chức bác ái mục vụ trợ cấp xã hội cho người nghèo và những người bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Cha cũng dạy Lịch sử Giáo hội tại một chủng viện và hướng dẫn tĩnh tâm cho giáo dân và các cộng đoàn dòng tu.
Minh Đức chuyển ngữ