ĐTC Phanxicô: Tương quan với Thiên Chúa đi ngang qua việc cho kẻ đói ăn cho kẻ khát uống
“Trên thế giới ngày này có biết bao nhiêu người đói khát, không có thực phẩm và nước uống. Trợ giúp họ là một bổn phận luân lý, vì nó diễn tả các quyền nền tảng đại đồng của con người. Tương quan của chúng ta vói Thiên Chúa đi ngang qua việc cho kẻ đói ăn cho kẻ khát uống”.
ĐTC đã nói như trên với hơn 60.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu trong buổi tiếp kiến sáng thứ tư 19.10.2016.
Trong bài huấn ĐTC đã bắt đầu khai triển các việc thương xót đối với thân xác, trước hết là “cho kẻ đói ăn cho kẻ khát uống”. ĐTC nói: “Một trong các hậu quả của cái gọi là “thoải mái” là việc dẫn đưa con người tới chỗ khép kín trong chính mình, thờ ơ với các đòi hỏi của tha nhân. Người ta làm mọi cách để lừa dối chúng bằng cách giới thiệu các mô thức sống phù du, biến mất sau vài năm, làm như thể cuộc sống của chúng ta là một mốt thởi thượng cần chạy theo và thay đổi theo mùa. Không phải thế. Cần tiếp nhận thực tại như nó là, và thường khi nó khiến chúng ta gặp các tình trạng cần cấp bách trợ giúp. Chính vì thế mà trong các công việc của lòng thương xót có nhắc tới sự đói khát: cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống. Ngày này có nhiều người đói khát lắm.
Biết bao lần các phương tiện truyền thông cho chúng ta biết tin tức liên quan tới các dân tộc khổ đau vì thiếu thực phẩm và nước uống, với các hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt đối với các trẻ em.
Trước vài tin tức và đặc biệt là trước vài hình ảnh, dư luận công cộng cảm động và thỉnh thoảng phát động các chiến dịch trợ giúp để kích thích tình liên đới. Các đóng góp quảng đại và nhờ đó có thể góp phần thoa dịu phần nào nỗi khổ đau của biết bao người. Hình thức bác ái này quan trọng, nhưng nó không liên lụy một cách trực tiếp. Trái lại, khi ra ngoài đường chúng ta gặp một người cần sự trợ giúp, hay khi có một người nghèo đến gõ cửa nhà chúng ta, thì rất khác, bởi vì tôi không đứng trước một hình ảnh, mà chính tôi bị liên lụy. Không còn có khoảng cách nào giữa tôi và người đàn ông hay người đàn bà đó nữa, nhưng tôi cảm thấy mình bị gọi hỏi. Sự nghèo khó trừu tượng không gọi hỏi chúng ta, nhưng khiến cho chúng ta suy tư, làm cho chúng ta than van; nhưng khi bạn trông thấy sự nghèo túng trên thịt xác một người nam, một người nữ, một trẻ em, điều này gọi hỏi bạn! Và vì thế cái thói quen mà chúng ta có là chạy trốn trước nguời nghèo, không tới gần họ, hay tô son đánh phấn một chút thực tại của các người nghèo với các thói quen của mốt thởi thượng biến mất. Bởi khi làm như thế là chúng ta xa rời thực tại đó. Trái lại, ở đây không còn có khoảng cách nào nữa giữa tôi và người nghèo khi tôi gặp họ.
Trong các trường hợp này, tôi phản ứng ra sao? Quay mặt nhìn đi nơi khác hay bỏ qua? Hay tôi dừng lại nói chuyện và lo lắng cho tình trạng của người ấy? Và nếu bạn làm điều này, thì sẽ không thiếu ai đó nói: “Ông này điên, nói chuyện với một người nghèo!” Tôi có xem mình có thể tiếp đón người ấy một cách nào đó, hay tìm cách tự giải thoát một cách mau chóng nhất hay không? Nhưng có lẽ người ấy chỉ xin điều cần thiết thôi: một cái gì đó để ăn hay để uống. Chúng ta hãy suy nghĩ một chút: có biết bao lần chúng ta đọc Kinh Lậy Cha, nhưng không thực sự chú ý tới các lời: “Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày”.
Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói: “Trong Thánh Kinh, có một thánh vịnh nói rằng Thiên Chúa là Đấng “ban lương thực cho mọi sinh vật” (Tv 136,25). Kinh nghiệm đói rất gay go. Ai đã sống trong thời chiến tranh hay đói kém thì biết nó. Tuy nhiên, kinh nghiệm này lập lại mỗi ngày bên cạnh sự trù phú và phung phí thực phẩm. Các lời của tông đồ Giacôbê vẫn còn luôn luôn thời sự: “Thưa anh em, ai bảo rằng mình có đức tin mà không hành động theo đức tin, thì nào có ích lợi gì? Đức tin có thể cứu người ấy được chăng? Giả như có người anh em hay chị em không có áo che thân và không đủ của ăn hằng ngày, mà có ai trong anh em lại nói với họ: “Hãy đi bình an, mặc cho ấm và ăn cho no”, nhưng lại không cho họ những thứ thân xác họ đang cần, thì nào có ích lợi gì?” (Gc 2,14-17): họ không có khả năng làm các công việc, sống bác ái, sống tình yêu…”
ĐTC nói thêm trong bài huấn dụ: “Luôn luôn có ai đó đói khát và cần đền tôi. Tôi không thể nhường trách nhiệm cho ai khác. Người nghèo này cần đến tôi, cần sự giúp đỡ của tôi, cần lời nói của tôi, cần sự dấn thân của tôi. Chúng ta tất cả đều bị liên lụy trong điềy này. Đó cũng là giáo huấn của trang Tin Mừng, trong đó Chúa Giêsu khi trông thấy biết bao dân chúng theo ngài từ nhiều giờ, nên xin các môn đệ: “Chúng ta có thể mua bánh ở đâu để họ có thể ăn?” (Ga 6,5). Và các môn đệ trả lời: “Không thể được, tốt hơn nên cho họ đi…”. Trái lại Chúa Giêsu nói với các ông: “Không. Các con hãy cho họ ăn đi” (Mc 14,16). Ngài khiến họ đưa cho Ngài ít chiếc bánh và cá họ có, chúc lành, bẻ ra và đưa cho các ông phân phát cho mọi người”. Và ĐTC nói: “Đây là một bài học rất quan trọng cho chúng ta. Nó nói với chúng ta rằng sự ít ỏi mà chúng ta có, nếu chúng ta giao phó trong tay của Chúa Giêsu và chia sẻ nó với lòng tin, thì nó trở thành một sự giầu có tràn đầy. Trong Thông điệp “Bác ái trong Chân lý” ĐTC Biển Đức XVI khẳng đinh rằng: “Cho kẻ đói ăn là một lệnh truyền luân lý đối với Giáo Hội, … Quyền có thực phẩm, cũng như có nước uống có một vai trò quan trọng đối với việc đạt các quyền khác… Vì thế cần chín mùi một ý thức liên đới duy trì thực phẩm và có nước uống như các quyền đại đồng của tất cả mọi người, không phân biệt, cũng không kỳ thị” (s. 27). Chúng ta đừng quên các lời của Chúa Giêsu: “Thầy là bánh sự sống” (Ga 6,35), và “Ai khát hãy đến cùng Thầy” (Ga 7,37). Chúng là một khiêu khích đối với tất cả chúng ta là tín hữu, các lời này, một khiêu khích thừa nhận rằng tương quan của chúng ta với Thiên Chúa đi ngang qua việc cho kẻ đói ăn cho kẻ khát uống, một Thiên Chúa đã mạc khải nơi Đức Giêsu gương mặt thương xót của Ngài…”
Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành toà thánh ĐTC ban cho mọi người.
ĐTC đã chào nhiều phái đoàn khác nhau.
Trong số các phái đoàn đến từ các nước Pháp, Thụy Sĩ và Bỉ, ĐTC đã đặc biệt chào các linh mục giáo phận Orléans do ĐC Jacques Blaquart hướng dẫn. Ngài cũng chào các phái đoàn đến từ Anh quốc, Êcốt, Ailen, Dan Mạch, Phần Lan, Hoà Lan, Malta, Ghana, Uganda, Nam Phi, Indonesia, Philippines, Nhật Bản, Trung quốc, Singapore và Hoa Kỳ.
Trong các nhóm nói tiếng Đức, ĐTC chào đặc biệt ca đoàn nhà thờ chính toà giáo phận Mainz, đông đảo bạn trẻ, các trẻ em giúp lễ và học sinh trường trung học Damme. Trong số các nhóm nói tiếng Bồ Đào Nha ngài chào tín hữu các giáo xứ Mogi Guaçu và Pereiras. ĐTC cầu chúc cuộc hành hương Roma trong Năm Thánh giúp họ sống ý thức Giáo Hội đại đồng và hăng say làm chứng tá cho lòng thương xót Chúa.
Chào các đoàn hành hương Ba Lan ĐTC nhắc tới lễ nhớ chân phước linh mục Popieluszko, tuyên uý Công đoàn Độc lập Liên Đới đã bị mật vụ Ba Lan bắt cóc và giết chết. Ngài là người đã đứng mũi chịu sào bệnh vực các công nhân và gia đình họ, bằng cách yêu cầu công lý, các điều kiện sống xứng đáng, tự do dân sự và tôn giáo cho họ. Khẩu hiểu mục vụ của ngài là lời thánh Phaolô nói với tín hữu Roma: “Đừng để cho sự dữ chiến thắng, nhưng hãy chiến thắng sự dữ với sự thiện” (Rm 12,21). ĐTC nói: “Ước chi các lời này hôm nay đối với anh chị em và tất cả mọi gia đình và toàn dân Ba Lan là một thách đố giúp xây dựng trật tự xã hội công bằng trong việc kiếm tìm sự thiện phúc âm trong cuộc sống thường ngày”.
Trong số các nhóm Hà Lan, ĐTC đặc biệt chào các chủng sinh tổng giáo phận Utrecht và các giáo phận Rotterdem và Breda, cũng như đại diện Hội Đồng Đại Kết các Giáo Hội Kitô Hoà Lan.
Trong số các đoàn hành hương Italia ngài chào tín hữu giáo phận Caltagirone do ĐC Calogeri Peri hướng dẫn về hành hương Roma nhân kỷ niệm 200 thành lập giáo phận; các trẻ em chịu phép Thêm Sức giáo phận Faenza-Modighiana, các tham sự viên khoá hội học do Đại học Thánh Giá tổ chức; giới trẻ Công giáo tiến hành giáo phận Brindisi-Ostuni; các nữ tu Thánh Gioan Tẩy Giả về Roma dự lễ phong thánh Đấng sáng lập là cha Alfonso Maria Fusco; các sĩ quan trường huấn luyện Modena; và các thành viên của nhiều hiệp hội, trong đó có hiệp hội người tàn tật.
Nhắc tới lễ nhớ thánh Phaolô Thánh Giá sáng lập viên dòng các Cha Khổ Nạn hôm qua, ĐTC cầu chúc các bạn trẻ biết suy niệm cuộc Khổ Nạn của Chúa để học biết tình yêu cao cả Chúa dành cho nhân loại; các người bệnh biết vác thánh giá kết hiệp với Chúa Kitô để được vơi nhẹ trong thử thách; và các cặp vợ chồng mới cưới biết dành thời giờ cầu nguyện để cuộc sống hôn nhân trở thành con đường hoàn thiện kitô. Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lậy Cha và phép lành toà thánh ĐTC ban cho mọi người. (vietvatican.net)
Linh Tiến Khải