Ngày Giới trẻ Thế giới 2016: Xót thương và Tha thứ
WHĐ (31.07.2016) – Bước sang ngày thứ tư của Ngày Giới trẻ Thế giới 2016, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi các bạn trẻ hướng về lòng thương xót và viết tiếp Tin Mừng tình yêu của của Thiên Chúa. Lời mời gọi này được nói lên qua chương trình cử hành, thăm viếng mục vụ và làm việc của Đức Thánh Cha trong ngày thứ Bảy 30-07:
– Buổi sáng: Viếng Đền thánh Lòng Chúa Thương Xót Lagiewniki – Giải tội cho các bạn trẻ – Dâng Thánh lễ tại Đền thờ thánh Gioan Phaolô II dành cho các linh mục, nam nữ tu sĩ và các chủng sinh.
– Buổi trưa: Dùng cơm trưa với đại diện giới trẻ năm châu.
– Buổi tối: Chủ sự buổi Canh thức Ngày Giới trẻ Thế giới 2016.
Trong bài giảng Thánh lễ cử hành tại Đền thờ thánh Gioan Phaolô II, Đức Thánh Cha Phanxicô đã mời gọi cáclinh mục, các tu sĩ và các chủng sinh suy niệm về lòng thương xót của Chúa qua sự kiện tông đồ Tôma xin Chúa Giêsu cho xem những vết thương của Người.
Sau đây là toàn văn bài giảng.
* * *
Bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe (x. Ga 20,19-31) nói về ba điều: nơi chốn, môn đệ, quyển sách.
Nơi chốn là chỗ các môn đệ họp nhau vào buổi chiều Phục sinh. Nơi ấy các cửa đều đóng (x. câu 19). Tám ngày sau, các môn đệ lại họp nhau cũng tại nơi ấy, và các cửa vẫn đóng (x. câu 26). Chúa Giêsu vào, đứng giữa các môn đệ và ban cho họ bình an của Người, Thánh Thần và ơn tha tội: tóm lại, Người ban lòng thương xót của Thiên Chúa. Đằng sau những cánh cửa đóng kín, vang vọng lời Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ của Người: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” (Ga 20,21).
Chúa Giêsu sai đi. Ngay từ đầu, Chúa đã muốn Giáo hội của Người ở trong tình trạng di chuyển, ra đi, bước vào thế giới. Và Người muốn phải làm như chính Người đã làm. Người đã được Chúa Cha sai đi vào trần gian không phải để nắm quyền bính, nhưng nhận lấy thân phận tôi tớ (x. Pl 2,7); không đến để “được phục vụ, nhưng để phục vụ” (Mc 10,45) và đem Tin Mừng (x. Lc 4,18). Những ai đi theo Người cũng được sai đi như vậy. Sự tương phản thật ấn tượng: khi các môn đệ đóng chặt cửa vì sợ, Chúa Giêsu lại sai họ bước ra ngoài thực thi sứ mạng. Người muốn họ mở toang cửa và đi ra ngoài, với quyền năng của Chúa Thánh Thần, loan truyền sự tha thứ và bình an của Thiên Chúa.
Lời Chúa kêu gọi các môn đệ cũng được gửi đến chúng ta. Làm sao chúng ta lại không nghe lời kêu gọi vang dội của Thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II: “Hãy mở toang cửa”? Vậy mà, trong cuộc sống linh mục và thánh hiến, chúng ta vẫn cứ bị cám dỗ khép kín, vì sợ hãi hoặc muốn an nhàn, rút vào bản thân hoặc trong phạm vi mình sống. Nhưng Chúa Giêsu hướng chúng ta vào con đường chỉ có một chiều để đi, đó là con đường bước ra khỏi bản thân mình. Đó là cuộc lữ hành chỉ có chiều đi, không có vé về. Là thực hiện cuộc xuất hành ra khỏi cái tôi của mình, thí mạng sống mình vì Chúa (x. Mc 8,35), theo đuổi con đường tự hiến. Hơn nữa, Chúa Giêsu không ưa thích những chuyến đi nửa vời, những cánh cửa khép hờ, những cuộc sống chân trong chân ngoài. Người muốn chúng ta khi lên đường đừng gồng gánh nặng nề, đừng lo lắng an toàn cho bản thân, mà hãy ra đi với một mình Chúa là sức mạnh của chúng ta.
Nói cách khác, cuộc sống của những môn đệ gần gũi nhất với Chúa Giêsu –vốn chúng ta được kêu gọi để trở thành những môn đệ đó– được vun đắp từ một tình yêu cụ thể, nói khác đi, đó là tình yêu mang dấu ấn của phục vụ và sẵn sàng phục vụ. Đó là cuộc sống không có không gian khép kín hoặc tài sản riêng chỉ mình sử dụng, hoặc ít nhất cũng không nên dùng riêng cho mình. Những người đã chọn Chúa Giêsu làm mẫu gương trọn đời thì không chọn nơi chốn nào cho riêng mình; họ đến những nơi được sai đi, sẵn sàng đáp ứng lời người đang gọi mình. Kể cả cũng không chọn cho mình thời giờ riêng. Ngôi nhà đang ở không thuộc về họ, vì Giáo hội và thế giới là những không gian mở cho họ thi hành sứ mạng. Sự giàu có của họ là đặt Chúa ở giữa cuộc đời mình và không tìm kiếm điều gì cho mình. Vì thế họ tránh xa việc lấy làm thỏa mãn vì được ở trung tâm thu hút mọi sự; họ không xây dựng trên nền móng lung lay của quyền bính thế gian, cũng không mưu tìm cuộc sống tiện nghi chỉ làm cho việc truyền giáo bị suy yếu. Họ không mất thời giờ vào việc lo cho tương lai được an toàn, không lâm cảnh cô đơn, ảm đạm, giam mình giữa bốn bức tường chật hẹp của sự ích kỷ, không có niềm vui, chỉ có thất vọng. Họ tìm hạnh phúc trong Chúa và không bằng lòng với cuộc sống tầm thường, nhưng bừng cháy niềm khao khát được làm chứng và đến với tha nhân. Họ thích được mạo hiểm và không chịu gò bó trong những nẻo đường rực rỡ, nhưng mở ra đón nhận và trung thành bước đi trên những nẻo đường được Thánh Thần vạch ra. Họ không sống vật vờ nhưng hân hoan truyền giáo.
Thứ hai, Tin Mừng hôm nay giới thiệu với chúng ta với một môn đệ tên là Tôma. Người môn đệ này, vốn phân vân và sốt ruột muốn biết chuyện gì đã xảy ra, có thể nói khá bướng bỉnh, thì cũng có chút gì giống chúng ta và chúng ta thấy thích ông. Ông không biết rằng ông đã tặng chúng ta món quà lớn: ông đưa chúng ta lại gần Chúa hơn, vì Chúa không giấu mình với những ai tìm kiếm Người. Chúa Giêsu cho Tôma xem các vết thương vinh hiển của Người; Người cho tay ông chạm vào sự dịu hiền vô biên của Thiên Chúa, chạm vào những dấu chỉ của biết bao khổ đau Người đã chịu vì yêu thương nhân loại.
Đối với chúng ta là những môn đệ, rất cần phải đặt bản tính nhân loại của mình chạm vào thân xác của Chúa, cần phải hoàn toàn tin tưởng và thành tâm mang đến cho Người toàn thể hiện hữu của chúng ta. Chúa Giêsu nói với thánh nữ Faustina: Người hạnh phúc khi chúng ta kể hết mọi sự cho Người. Chúa không chán nghe chuyện cuộc sống của chúng ta vốn Người đã biết cả. Chúa đợi chờ chúng ta kể về chính những gì xảy đến trong cuộc sống của mình (x. Nhật ký, 6 tháng Chín 1937). Đó là cách chúng ta tìm kiếm Chúa: qua việc cầu nguyện, chúng ta mạnh dạn bày tỏ mọi nỗi niềm để trao hết cho Chúa những lo âu, nhọc nhằn và sự chống trả của mình. Trái tim Chúa Giêsu chịu khuất phục trước việc chúng ta chân thành tỏ hết nỗi lòng, trước những cõi lòng biết nhận ra và khóc lóc vì mình đã yếu đuối, và tin thật Chúa hằng thương xót.
Chúa Giêsu muốn điều gì nơi chúng ta? Người muốn trái tim chúng ta thật sự được thánh hiến, được tiếp lấy sự sống từ ơn tha thứ Chúa ban cho, rồi lấy niềm đồng cảm mà tuôn đổ ơn tha thứ đó cho anh chị em mình. Chúa muốn những cõi lòng biết mở ra và dịu dàng đón nhận người yếu đuối, những cõi lòng không bao giờ trở nên chai đá. Chúa muốn cõi lòng hãy dễ dàng để Người uốn nắn, những cõi lòng sáng trong, không giấu giếm những người có trách nhiệm hướng dẫn chúng ta trong Hội Thánh. Người môn đệ đừng ngần ngại nêu lên những thắc mắc, can đảm đối diện với những điều nghi ngại, rồi trình bày với Chúa, với những vị có trách nhiệm đào tạo, các bề trên mà không tính toán, dè dặt. Người môn đệ trung tín thì không ngừng suy xét một cách tỉnh táo, với ý thức cõi lòng mình cần được đào luyện hằng ngày, bắt đầu bằng thành tâm thiện chí, tránh mọi hình thức trí trá trong thái độ và trong cuộc sống.
Tông đồ Tôma, sau khi đã bộc trực hỏi cho ra lẽ xong, không những bắt đầu tin vào sự phục sinh, mà còn nhận ra Chúa Giêsu là cả kho báu cho cuộc đời mình. Ông nói với Chúa Giêsu: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” (c. 28). Hôm nay cũng như mọi ngày, chúng ta hãy dùng những lời tuyệt vời này để cầu nguyện, và thưa với Chúa: Chúa là cả kho tàng quý giá của con, là đường con phải theo, là trung tâm đời sống của con, là tất cả của con.
Câu cuối trong bài Tin Mừng hôm nay nói về một cuốn sách: đó là sách Tin Mừng, như chúng ta biết, sách này không ghi hết những dấu lạ Chúa đã làm (c. 30). Sau dấu lạ lớn lao về lòng thương xót của Chúa, chúng ta có thể nói được rằng chẳng cần thêm dấu lạ nào khác nữa. Nhưng vẫn còn một thách đố. Đó là còn cần một chỗ cho chúng ta, những người đã lãnh nhận Thánh Thần tình yêu và được kêu gọi loan truyền lòng thương xót, thực hiện những dấu lạ. Có thể nói, sách Tin Mừng, cuốn sách sống động về lòng thương xót của Chúa, cần được đọc đi đọc lại không ngừng. Đồng thời vẫn còn những trang để trống. Nó vẫn còn là quyển sách để ngỏ và chúng ta được mời gọi để viết vào đó, với cùng một lối viết, qua những việc chúng ta làm để thực hiện lòng thương xót. Thưa anh chị em, tôi muốn hỏi anh chị em: Những trang sách của anh chị em thì như thế nào? Chúng có để trắng không? Xin Mẹ Thiên Chúa giúp chúng con trong việc này. Xin Mẹ là Đấng đã hoàn toàn đón nhận Thiên Chúa đi vào đời mình (x. Lc 8,20-21), ban cho chúng con được ơn trở nên những người viết sách Tin Mừng. Xin Mẹ của Lòng Thương Xót dạy chúng con biết cách lưu tâm cụ thể đến những thương tích của Chúa Giêsu nơi những anh em, chị em chúng con đang thiếu thốn, những người thân cận và những người đã lìa xa, người ốm đau và người tản cư, vì qua việc phục vụ những người đang đau khổ, chúng con tôn vinh thân xác của Chúa Kitô. Xin Đức Trinh nữ Maria giúp chúng con biết dành trọn bản thân cho phần ích của những người hết lòng tin cậy chúng con, và biết quan tâm đến mọi người, là anh em, chị em chúng con trong sự hiệp thông của Hội Thánh, người Mẹ thánh thiện của chúng con.
Anh chị em thân mến, mỗi người chúng ta đều giữ trong lòng mình một trang rất riêng tư của cuốn sách về lòng thương xót của Thiên Chúa. Đó là câu chuyện về ơn gọi của mình, về tiếng gọi của tình yêu đã lôi cuốn và biến đổi cuộc sống chúng ta, hướng dẫn chúng ta biết bỏ mọi sự theo lời Chúa gọi và bước theo Người (x. Lc 5, 11). Hôm nay chúng ta hãy đem hết lòng biết ơn mà nhớ lại lời mời gọi của Chúa. Lời mời gọi này mạnh hơn bất cứ trở lực và sự mệt mỏi nào từ phía chúng ta. Tiếp tục cử hành Thánh lễ này, vốn là trung tâm đời sống của mình, chúng ta hãy cảm tạ Chúa đã đem lòng thương xót bước qua những cánh cửa đóng chặt để gọi đích danh chúng ta, như đã gọi Tôma, để ban cho chúng ta ơn được viết tiếp Tin Mừng tình yêu.
(Theo vatican.va)
Thành Thi chuyển ngữ