Khánh thành ngôi nhà thờ mới tại Ankawa dành cho người tị nạn từ Ninivê
WHĐ (03.07.2016) – Hôm 27-06-2016, Đức Tổng giám mục Louis Raphael I Sako, Thượng phụ Công giáo Babylon (nghi lễ Canđê), đã khánh thành một ngôi nhà thờ mới tại Ankawa, ngoại ô thành phố Erbil, nơi có đa số dân là tín hữu Kitô giáo. Nhiều Kitô hữu đã từ các làng nằm trong cánh đồng Ninivê tới đây tị nạn khi xảy ra vụ tấn công của các binh sĩ thuộc tổ chức tự xưng là “Nhà nước Hồi giáo”. Nhà thờ mang tên Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, như tên của bức ảnh thánh mà Đức Chân phước giáo hoàng Piô IX đã ban cho các linh mục Dòng Chúa Cứu Thế, cách nay vừa đúng 150 năm, tức vào năm 1866. Ngôi nhà thờ lớn này được xây dựng nhờ đóng góp tài chính của các tín hữu và sẽ là nơi cử hành các nghi lễ phụng vụ, các bí tích và các hoạt động bác ái đặc biệt gắn với công việc chăm sóc mục vụ cho các người tị nạn.
Tham dự nghi lễ khánh thành có Đức Tổng giám mục Alberto Orega Martin, Sứ thần Tòa thánh tại Iraq và tại Jordan; Đức Tổng giám mục Bashar Warda, Tổng giám mục Erbil, là tu sĩ Dòng Chúa Cứu thế – vốn là Dòng có lòng sùng kính đặc biệt đối với ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, được đặt tại nhà thờ thánh Anphongsô ở Esquilino, Roma.
Theo thông tin chính thức từ Toà Thượng phụ Canđê, trong bài giảng, Đức Thượng phụ. Louis Raphaël I Sako nói rằng việc xây dựng ngôi thánh đường mới là dấu chỉ về mối quan hệ vẫn có giữa các Kitô hữu người Iraq với vùng đất của cha ông họ; đồng thời ngài cũng tái khẳng định rằng việc bỏ xứ ra đi tới các nơi xa xôi “không phải là giải pháp đáng tìm kiếm” đối với những người muốn thực sự gìn giữ ân sủng đời sống Kitô hữu đã lãnh nhận trên quê hương của mình.
Trong một thông cáo phát hành rộng rãi, ông Marc Fromager, giám đốc Văn phòng nước Pháp của Hội giáo hoàng “Trợ giúp các Giáo hội lâm nguy” (KIN), một trong những tổ chức tham gia vào việc xây dựng ngôi nhà thờ này, cho biết:“Dù vẫn cảm thông với ước vọng ra đi của các Kitô hữu – là những người bị xua đuổi khỏi quê hương mình, có khi bị chính những người láng giềng tố giác với quân Daech, nhưng Giáo hội vẫn tìm cách khuyến khích họ ở lại. Bởi vì Giáo hội biết rằng nếu họ ra đi, điều đó sẽ là chấm dứt của sự hiện diện của các Kitô hữu tại Trung Đông. Do đó điều quan trọng là cung cấp cho họ các phương tiện để ở lại, bằng cách xây dựng trường học, nơi ở và nơi thờ phượng”.
Những người tị nạn chạy trốn khỏi quê hương mình vì họ không chịu từ bỏ đức tin; nên “trước hết” phải tạo điều kiện cho họ đến nhà thờ.
Ông Marc Fromager cho biết dự án xây dựng ngôi nhà thờ này đã bắt đầu vào mùa hè năm 2014, ngay cả trước khi có đông đảo người Kitô hữu bị đuổi khỏi vùng đồng bằng Ninivê đến tị nạn. Và dự án lúc ấy chỉ là “kế hoạch phụ”, để có thể đáp ứng các nhu cầu cơ bản cho người tị nạn là thực phẩm, nhà ở và trường học.
Hồi cuối tháng Mười Một năm ngoái, một ngôi nhà thờ khác trong trại tị nạn Aishty là nhà thờ Đức Mẹ Truyền Tincũng đã được khánh thành. Nhà thờ này được người tị nạn xây dựng, đặc biệt nhờ sự giúp đỡ của Hiệp hội Huynh đệIraq.
(Theo Agenzia Fides & La Croix)
Mai Tâm