Đức Thánh Cha tông du Armenia:
gặp giới chức chính quyền Armenia
***
WHĐ (25.06.2016) / Vatican Radio – Trong khuôn khổ chuyến tông du 3 ngày tại Armenia, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp giới chức chính quyền nước này trong ngày đầu tiên đặt chân đến đây. Sau cuộc hội kiến riêng với Tổng thống Armenia, Serzh Sargsyan, tại Dinh Tổng thống, Đức Thánh Cha chia sẻ niềm vui lớn lao của ngài “được có mặt tại đây, đặt chân trên đất Armenia rất thân yêu này, được viếng thăm một dân tộc có nhiều truyền thống vừa lâu đời, vừa phong phú, một mảnh đất đã từng làm chứng lòng tin của mình một cách dũng cảm, đã trải qua nhiều đau khổ, nhưng ngày nay đã có thể đi tới chỗ hồi sinh”. Một năm sau kỷ niệm một trăm năm người Armenia bị người Ottoman tàn sát, Đức Thánh Cha đã lặp lại từ “diệt chủng”.
Trước 240 khách mời của ngoại giao đoàn, của chính quyền, của xã hội dân sự và văn hóa Armenia, Đức Thánh Cha nói lời cám ơn tổng thống Armenia đã mời ngài đến thăm đất nước này. Đức Thánh Cha nhắc lại cuộc gặp gỡ hồi tháng Tư năm ngoái tại Vatican “với các vị Thượng phụ Karekin II, Aram I, Nersès Bedros XIX – vừa qua đời” để cử hành Thánh lễ tại Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô, kỷ niệm “một trăm năm sự kiện Metz Yeghérn, vụ ‘Đại Ác’, đã ập xuống trên dân tộc của anh chị em và đã gây nên cái chết cho biết bao người”.
Cách nay một năm, tại lễ kỷ niệm này, Đức Thánh Cha đã gọi vụ người Ottoman tàn sát người Armenia năm 1915 là “diệt chủng”. Và bây giờ, trước các nhà cầm quyền, Đức Thánh Cha đã nói tới một “thảm kịch”, một “cuộc diệt chủng”, có thể xảy ra được là do những động cơ sai lệch có tính cách chủng tộc, ý thức hệ hay tôn giáo, đã làm cho đầu óc những tên đao phủ ra tăm tối đến cái độ mang ý định tiêu diệt cả một dân tộc”.
Đức Thánh Cha đã tôn vinh toàn thể dân tộc Armenia và lòng trung tín của họ với “Thập Giá”, “ngay trong những giờ phút bi đát nhất của lịch sử của đất nước”. “Điều này cho thấy lòng tin Kitô giáo đã cắm rễ sâu tới mức độ nào, và kho tàng của niềm an ủi và hy vọng chứa chất trong niềm tin này lớn lao đến mức độ nào”, Đức Thánh Cha nhấn mạnh và kêu gọi mọi người hãy rút ra những bài học từ quá khứ mang dấu ấn của “hận thù, thành kiến và ước vọng chế ngự không kềm chế được”. Đức Thánh Cha nhắc lại “người dân Armenia đã đích thân cảm nhận nỗi khổ đau, đã biết đến bách hại”. Ngài tố cáo “những dự án chiến tranh, lạm dụng và bách hại bằng bạo lực” của những kẻ biến danh Thiên Chúa thành công cụ, và nhấn mạnh tới số phận của các Kitô hữu ngày nay, “có thể hơn cả thời các vị tử đạo tiên khởi, đã bị kỳ thị ở một số nơi và bị bách hại vì sự kiện duy nhất là tuyên xưng lòng tin của mình”.
Chính trong ý nghĩa này, Đức Thánh Cha khuyến khích người dân Armenia “đừng làm mất đi sự đóng góp quý báu của cộng đồng quốc tế ”. Ngài cũng cổ vũ các nhà có trách nhiệm chính trị luôn tìm kiếm “hoà bình, việc bảo vệ và tiếp nhận những ai đang là điểm nhắm của các vụ tấn công và bách hại”, tìm cách đề cao đối thoại và hợp tác “để xây dựng một bầu khí tin tưởng thích hợp cho việc ký kết các hoà ước lâu dài”.
Một thời kỳ tái sinh
Nhân dịp năm nay Armenia kỷ niệm 25 năm độc lập, Đức Thánh Cha đã mời gọi các nhà cầm quyền Armenia có mặt “hãy nhớ lại các mục tiêu đã đạt được và đặt ra những mục tiêu mới để hướng tới”. Đây là “một thời khắc đặc biệt”, Đức Thánh Cha nói, cho phép chúng ta “thu thập và kết nối các nguồn sinh lực để tạo thuận lợi cho một sự phát triển dân sự và xã hội của đất nước, công bằng và không loại trừ ai”.
Cuối cùng Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến mối liên kết giữa lịch sử của Armenia và căn tính Kitô giáo của đất nước này, được gìn giữ qua nhiều thế kỷ. “Căn tính này, không hề cản trở tính thế tục được hiểu một cách lành mạnh, nhưng đòi hỏi và nuôi dưỡng tính thế tục ấy, bằng cách cổ võ mọi thành viên xã hội tham gia vào đời sống chung, cổ võ tự do tôn giáo và sự tôn trọng các nhóm thiểu số”. Đức Thánh Cha giải thích: căn tính này, nguồn gốc của sự gắn kết của dân tộc, phải cho phép chúng ta “định ra những con đường hữu ích để vượt qua những căng thẳng với một số dân tộc láng giềng”, để tạo thuận lợi “cho việc thực hiện các mục tiêu quan trọng này, bằng cách mở ra cho Armenia một thời kỳ tái sinh thực sự”. Một sự tái sinh mà Giáo hội Công giáo mong muốn góp phần “dù chỉ hiện diện tại đất nước này với những nguồn lực hạn chế về mặt con người”.
Tổng thống Armenia ca ngợi hoạt động vì hoà bình của Đức Thánh Cha
Trong bài diễn văn đáp từ, Tổng thống Armenia đã nồng nhiệt cám ơn Đức Thánh Cha vì cuộc viếng thăm lịch sử này, một cuộc viếng thăm “rất được chờ đợi tại đất nước chúng tôi”. Tổng thống nhấn mạnh tới sự ngưỡng mộ của dân tộc Armenia đối với Đức Thánh Cha, một người hết mình với “các tư tưởng nhân văn và các giá trị phổ quát của tình yêu, hoà bình và của lòng nhân từ ; và với nỗi bận tâm không ngừng đối với các vấn đề liên quan đến người dân Armenia”.
***
Tổng thống trả lời phỏng vấn của Đài phát thanh Vatican
Trong một diễn biến khác, hôm thứ Sáu 24-06, Tổng thống Armenia đã trả lời các câu hỏi của Đài phát thanh Vatican, vài giờ trước khi Đức Thánh Cha tới Erevan. Trong cuộc trao đổi này, Tổng thống đã tỏ ra vui mừng trước cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha tại Armenia và nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sự gần gũi của Đức Thánh Cha Phanxicô và của Giáo hội Công giáo đối với dân tộc Armenia. Vị lãnh đạo quốc gia này cầu mong dân tộc Armenia “cảm nhận được sự ấm áp và sinh khí” Đức Thánh Cha sẽ đem lại cho họ.
Tổng thống Armenia cũng nhắc lại cuộc viếng thăm của Thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II dịp kỷ niệm 1700 năm Armenia lãmh nhận Phép Rửa tội. Cuộc tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp nối cuộc tông du của thánh Gioan Phaolô II, khi Armenia mừng kỷ niệm 25 năm độc lập trong năm nay.
Tổng thống nhấn mạnh: Armenia và Toà Thánh đang duy trì các mối quan hệ ngoại giao tốt đẹp, “các quan hệ được củng cố vào năm 2013 với việc mở Toà đại sứ Armenia cạnh Toà Thánh”. Một sự kiện khác thắt chặt hơn nữa các quan hệ này, đó là việc Đức Thánh Cha “tôn phong một người con của dân tộc Armenia, thánh Grêgoriô Narek, là Tiến sĩ Hội Thánh” vào ngày 12-04-2016. Tổng thống cũng không quên gợi lại con số đông đảo người Armenia đang sống rải rác trên thế giới. vốn luôn gắn bó với Mẹ Tổ Quốc.
Gợi lại tình hình của các Kitô hữu và các cuộc bách hại tại Trung Đông ngày nay, Tổng thống Sargsyan đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của vai trò của Đức Thánh Cha và các hoạt động của ngài trong việc cổ võ đối thoại, sự tôn trọng và chung sống và hoà bình.
Cuối cùng, trả lời một câu hỏi về tình hình vùng Nagorny-Karabakh, Tổng thống Armenia đã nhắc đến sự cần thiết phải tìm cho ra một giải pháp hoà bình cho cuộc xung đột. Tổng thống mong muốn đi theo con đường đối thoại và ngoại giao, nhấn mạnh rằng “mọi giải pháp phải bao gồm không chỉ các quyền lợi của Armenia hay của Azerbaïdjan, mà trước tiên quyền lợi của dân chúng vùng Thượng Karabakh”.
Mai Tâm