WHĐ (12.03.2016) – Thứ Tư 09-03 vừa qua, Vatican đưa ra tuyên bố, nói: “Các Tổ chức của cộng đồng quốc tế đã thiếu quyết tâm” nhằm giải quyết các cuộc tấn công nhằm vào quyền tự do tôn giáo.
Những ý kiến đánh giá đã được đưa ra trong phiên thảo luận về bản Phúc trình tự do tôn giáo của Đặc phái viên tại cuộc họp Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc.
“Việc hạn chế vai trò thiết yếu của tôn giáo trong tất cả các xã hội sẽ không giải quyết được những thách đố hiện nay về tác động qua lại giữa tự do tôn giáo và tự do ngôn luận”. Đó là phát biểu của Đức ông Richard Gyhra, quyền xử lý thường vụ Phái đoàn Quan sát viên Thường trực của Toà Thánh tại Liên Hợp Quốc và các Tổ chức Quốc tế ở Geneva.
“Chúng ta sống trong một thế giới đang diễn ra ‘quá trình toàn cầu hoá của hệ hình kỹ trị’. Hệ hình này có ý thức nhắm đến việc đồng nhất hoá trong một chiều kích duy nhất, đồng thời tìm cách loại bỏ mọi khác biệt và các truyền thống nhằm đạt cho được sự thống nhất, dù việc đạt được này chỉ hời hợt phiến diện”, Đức ông Richard Gyhra nói.
“Các tôn giáo có quyền và nghĩa vụ phải lên tiếng minh định rằng chúng ta hoàn toàn có khả năng xây dựng một xã hội trong đó chủ nghĩa đa nguyên lành mạnh, tôn trọng mọi khác biệt và giá trị vốn có, chính là một đồng minh quý báu trong việc dấn thân bảo vệ quyền con người… và là đường đưa đến hoà bình trong thế giới nhiễu nhương của chúng ta”, Đức ông Richard Gyhra khẳng định.
“Xu thế toàn cầu hoá không hẳn xấu. Trái lại, nếu nó giúp chúng ta đoàn kết, thì cũng đáng quý. Tuy nhiên, chúng ta đều biết toàn cầu hoá làm cho chúng ta trở thành hàng xóm, chứ không phải anh em với nhau”.
Nhà ngoại giao của Toà Thánh còn đề cập một khía cạnh cốt yếu khác đối với tự do tôn giáo và mối quan hệ của nó với tự do ngôn luận, đó là sự giới hạn do pháp luật tại một số nước đặt ra qua việc không cho phép được công khai thực hành tự do tôn giáo.
“Để khắc phục những vi phạm quyền căn bản này, mọi người thuộc mọi tôn giáo, hoặc không theo tôn giáo nào, phải được đối xử một cách bình đẳng như những công dân với tất cả ý nghĩa trọn vẹn nhất, không được phân biệt đối xử và không được bách hại chỉ vì họ có đức tin, tín ngưỡng”, Đức ông Richard Gyhra mạnh mẽ tuyên bố.
Được biết, phát biểu của Đức ông Richard Gyhra diễn ra trong cuộc họp lần thứ 31 của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, nhằm thảo luận và biểu quyết về bản Phúc trình Tình hình Nhân quyền trên khắp thế giới do Hoàng thânZeid Ra’ad Al Hussein (Jordan), Cao ủy Liên Hợp quốc về Nhân quyền, tường trình.
Cuộc họp lần thứ 31 của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc diễn ra trong bốn tuần, từ ngày 29-02 đến 24-03-2016, tại Geneva (Thụy Sĩ).
Thành Thi