Ngày cuối cùng chuyến tông du Mexico của Đức Thánh Cha Phanxicô:
“Ai đã từng gánh chịu khổ đau, sẽ có thể trở thành ngôn sứ cho xã hội”
***
WHĐ (19.02.2016) – Thứ Tư 16-02 là ngày cuối cùng của chuyến tông du kéo dài năm ngày của của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Mexico. Chương trình làm việc của Đức Thánh Cha trong ngày này gồm:
– Buổi sáng: Thăm các tù nhân tại Trung tâm Tái hội nhập Xã hội (CeReSo) số 3 lúc 10 giờ 30, sau đó gặp gỡ giới lao động tại Colegio de Bachilleres ở bang Chihuahua lúc 12 giờ.
– Buổi chiều: Cử hành Thánh lễ lúc tại Khu Hội chợ Triển lãm của Thành phố Juárez lúc 4 giờ.
Thăm các tù nhân tại Trung tâm Tái hội nhập Xã hội số 3: Ai đã từng gánh chịu khổ đau, sẽ có thể trở thành ngôn sứ cho xã hội
Đến thăm các tù nhân tại Trung tâm Tái hội nhập Xã hội của Thành phố Juárez, trước hết Đức Thánh Cha đã ngỏ lời chào các nhân viên và các linh mục làm mục vụ cho các tù nhân. Ngài cám ơn về những việc tốt họ đã làm và mongmuốn rằng nhờ sự trợ giúp của Đức Trinh Nữ và chiêm ngắm sự mong manh của Chúa Kitô, Đấng đã gánh tội và chịuchết để cứu chúng ta, họ có thể gieo hạt giống của niềm hy vọng và sự phục sinh. Sau đó Đức Thánh Cha cùng đọc kinh Kính mừng và ban phép lành cho họ; ngài cũng không quên xin họ cầu nguyện cho ngài.
Với các tù nhân, Đức Thánh Cha nhắc lại việc ngài mở Cửa Năm Thánh Lòng Thương Xót đầu tiên tại Bangui trong chuyến tông du đến Châu Phi; Đức Thánh Cha nói: “Hôm nay cùng với anh chị em tôi muốn lặp lại điều này: Chúa Giêsu khích lệ chúng ta tin tưởng rằng lòng thương xót ôm lấy tất cả mọi người ở mọi ngóc ngách của trái đất này. Không có nơi nào và không có người nào mà lòng thương xót không thể chạm tới… Cử hành Năm Thánh Lòng Thương Xót với anh chị em là nhớ lại con đường cấp bách mà chúng ta phải đi để phá vỡ cái vòng lẩn quẩn của bạo lực và tội ác. Chúng ta đã mất bao nhiêu thập niên suy nghĩ và tin rằng tất cả đều được giải quyết bằng cách cách ly, giam giữ và loại bỏ các vấn đề, và như thế là thực sự giải quyết các vấn đề. Chúng ta quên tập trung vào điều thực sự đáng quan tâm: đó là cuộc sống của con người, của gia đình họ, của những người đau khổ vì cái vòng bạo lực lẩn quẩn này”.
Đức Thánh Cha khích lệ các tù nhân: “Chúng ta biết mình không thể quay ngược trở lại, chúng ta biết điều gì đã làm là đã xong rồi. Nhưng tôi muốn cử hành Năm Thánh Lòng Thương Xót với anh chị em, để khẳng định rằng chúng takhông loại trừ khả năng viết một câu chuyện mới, một câu chuyện mới để tiến về phía trước. Anh chị em đã chịu nỗi đau thất bại – phải chi tất cả chúng ta đều gánh chịu nỗi lo lắng của những thất bại đang được che đậy hay giấu giếm –anh chị em cảm thấy hối hận về hành động của mình và trong nhiều trường hợp, anh chị em tìm cách làm lại cuộc đời trong nỗi cô đơn, với rất nhiều giới hạn. Anh chị em đã biết đến sức mạnh của đau khổ và tội lỗi, thì cũng đừng quên rằng anh chị em còn có sức mạnh của sự sống lại, sức mạnh của lòng thương xót của Thiên Chúa có thể đổi mới mọi sư. Giờ đây, lòng thương xót này có thể đến với anh chị em ở những nơi khó khăn và khắc nghiệt nhất, nhưng có lẽnhững dịp như vậy cũng có thể mang lại những kết quả thực sự tích cực. Từ bên trong nhà tù này, anh chị em phải nỗ lực để thay đổi những tình huống gây ra sự loại trừ. Hãy nói với những người thân của anh chị em, hãy kể cho họ về kinh nghiệm của anh chị em, giúp họ chấm dứt cái vòng lẩn quẩn của bạo lực và loại trừ. Những ai đã từng gánh chịu nỗi đau lớn nhất, có thể nói “đã nếm mùi địa ngục”, có thể trở thành ngôn sứ cho xã hội. Hãy làm sao cho xã hội đangsử dụng rồi loại bỏ con người sẽ không tạo thêm những nạn nhân mới”.
Gặp gỡ giới lao động: đối thoại và gặp gỡ
Chủ đề chính trong bài nói chuyện với giới lao động – gồm đại diện giới chủ xí nghiệp và các công nhân – là “đối thoại và gặp gỡ”.
Đức Thánh Cha vào đề: “Bất cứ điều gì chúng ta có thể làm để thúc đẩy đối thoại, gặp gỡ, và việc tìm kiếm các giải pháp thay thế và cơ hội tốt hơn đã là một thành tựu đáng giá và quan trọng. Và có hai từ mà tôi muốn nhấn mạnh: đối thoại và gặp gỡ. Rõ ràng có nhiều việc phải làm hơn là đối thoại và gặp gỡ, nhưng ngày nay chúng ta không được phép bỏ lỡ những cơ hội để gặp gỡ, để thảo luận, đối thoại hay tìm hiểu. Đây là cách duy nhất chúng ta có thể xây dựng cho ngày mai, thiết lập các mối quan hệ bền vững có khả năng tạo ra khuôn khổ cần thiết, để dần dần, sẽ xây dựng lại cácmối liên kết xã hội đã bị phá hỏng do thiếu truyền thông và thiếu sự tôn trọng tối thiểu cần thiết cho việc chung sốnglành mạnh. Vì vậy, tôi cảm ơn anh chị em, và tôi hy vọng rằng cơ hội này có thể giúp xây dựng tương lai. Mong sao đây là cơ hội tốt để tạo dựng một đất nước Mexico mà người dân và các con cái của Mexico xứng đáng được hưởng”.
Một câu hỏi tương tự câu hỏi trong Thông điệp Laudato Si’ cũng được Đức Thánh Cha đặt ra cho cử toạ: “Chúng ta muốn để lại cho con cháu chúng ta thế giới nào? Tôi muốn để lại cho con cháu tôi điều gì? Mexico muốn để lại điều gì cho các con cháu của mình? Phải chăng Mexico muốn để lại một kỷ niệm về sự bóc lột, về đồng lương không xứng đáng, về những sự sách nhiễu tại nơi làm việc? Hoặc muốn để lại một nền văn hoá với ký ức về công ăn việc làm xứng đáng, một mái nhà khang trang và đất đai để canh tác? Chúng ta muốn những người đến sau chúng ta được thấy một nền văn hoá nào? Họ sẽ hít thở bầu không khí nào? Một bầu khí ô nhiễm vì tham nhũng, bạo lực, bất an, nghi kỵ, hoặc một bầu khí có khả năng tạo nên sự đổi mới và thay đổi?”.
Thánh lễ tại Khu Hội chợ Triển lãm của Thành phố Juárez: xin ơn biết mở lòng trước lời mời gọi của Chúa qua khuôn mặt đau khổ của biết bao người
Thánh lễ cuối cùng của Đức Thánh Cha trong chuyến tông du Mexico được cử hành tại Khu Hội chợ Triển lãm của Thành phố Juarez, nằm dọc theo biên giới giữa Mexico và Hoa Kỳ.
Đức Thánh Cha mở đầu bài giảng với lời của Thánh Irênê “Vinh quang của Thiên Chúa là con người được sống… Lời ấy vẫn còn vang lên trong lòng Hội Thánh. Vinh quang của Thiên Chúa là con cái mình được sống. Đối với một người cha, không có vinh quang nào lớn hơn là thấy con cái mình thành đạt, không có sự mãn nguyện nào lớn hơn là thấy chúng lớn lên và trưởng thành”. Bài đọc thứ nhất chứng thực điều ấy”.
Đang khi thành Ninivê sắp bị hủy diệt vì đầy bạo lực và bất công, thì Chúa xuất hiện và lay động trái tim của Giôna, vàChúa Cha sai sứ giả của Ngài đến. Giôna được trao một sứ vụ cảnh báo dân Chúa.
“Trong bài đọc này, chúng ta đứng trước mầu nhiệm lòng thương xót của Thiên Chúa. Lòng thương xót vẫn lên án điều ác, nhưng coi trọng con người. Lòng thương xót luôn nhắm đến điều tốt đẹp đang ngủ quên nơi mỗi con người. Không hề triệt hạ như chúng ta rất thường muốn làm, lòng thương xót đến với mọi cảnh huống để biến đổi nó từ bên trong. Đóchính là mầu nhiệm lòng thương xót của Thiên Chúa. Lòng thương xót đến gần và mời gọi ăn năn sám hối. Lòngthương xót mời gọi chúng ta nhìn thấy những thiệt hại lớn nhỏ mà chúng ta gây ra. Lòng thương xót luôn thấm sâu vào cái ác để biến đổi nó… Lòng thương xót của Thiên Chúa là khiên thuẫn của và là sức mạnh của chúng ta”.
“Trong Năm Thánh Lòng Thương Xót này, tôi muốn cùng với anh chị em ở đây khẩn nài lòng Chúa thương xót, tôi muốn cùng với anh chị em xin Chúa ban cho chúng ta ơn biết khóc lóc, ơn hoán cải”.
“Cũng như dân thành Ninivê, chúng ta hãy xin Chúa ban cho chúng ta ơn hoán cải, ơn biết khóc lóc, hãy xin Chúa cho chúng ta biết mở lòng trước lời mời gọi của Chúa qua khuôn mặt đau khổ của biết bao người. Để không còn chết chóc và bóc lột nữa! Luôn có thời gian để thay đổi, luôn có một giải pháp và một cơ hội, luôn có thời gian để cầu xin lòngChúa thương xót”.
Trước bài giảng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ngỏ lời với các tín hữu ở bên kia biên giới đang theo dõi Thánh Lễ trên các màn hình lớn được dựng lên ở sân vận động của Trường đại học El Paso, Đức Thánh Cha nhắc lại rằng không có biên giới nào có thể ngăn cản chúng ta chia sẻ đời sống cộng đoàn của những người anh chị em Kitô hữu.
***
Kết thúc Thánh lễ, Đức Thánh Cha đã ra sân bay quốc tế Ciudad Juárez để trở về Roma, kết thúc chuyến tông du kéo dài năm ngày tại Mexico. Sau nghi lễ tạm biệt lúc 19g00 ở sân bay, máy bay cất cánh lúc 19g15 và Đức Thánh Cha đã về đến sân bay Ciampino tại Roma lúc 14g45, giờ Roma.
Minh Đức