Toà Thánh tham gia
Diễn đàn Đối thoại Liên tôn vùng Ả Rập
***
WHĐ (20.01.2016) – “Đối thoại Liên tôn và Chủ nghĩa cực đoan: nguyên nhân phát sinh và biện pháp giải quyết” là tên gọi Diễn đàn lần thứ nhất của giới Trí thức vùng Ả Rập, được tổ chức tại Trung tâm Nghiên cứu và Khảo sát thuộc Các Tiểu Vương quốc ở Abu Dhabi, từ ngày 17 đến 18 tháng Giêng 2016. Diễn giả duy nhất không thuộc Hồi giáo là linh mục Miguel Angel Ayuso Guixot, Thư ký Hội đồng Toà Thánh về Đối thoại Liên tôn. Cha Ayuso Guixot cùng với Ngài Sheikh Abdul Latif Daryan, Đại Giáo trưởng Hồi giáo Lebanon, đã phát biểu trong phiên hội thảo đầu tiên. Trong các phiên khác, đã có sự đóng góp của các vị thuộc Các Tiểu Vương quốc Ả Rập, Ai Cập và Morocco.
Bài phát biểu của Cha Ayuso Guixot gồm năm điểm chính: chủ nghĩa cực đoan, văn hoá gặp gỡ, vai trò then chốt của các nhà lãnh đạo tôn giáo, cần phải có đối thoại chân thành và tầm quan trọng của cầu nguyện. Cha cho biết mình không có ý định đưa ra nhận xét những nguyên nhân kinh tế, chính trị, xã hội và văn hoá đối với chủ nghĩa cực đoan, vốn các vị đang tham gia diễn đàn hiểu rất rõ, mà muốn tập trung vào những khuyến cáo của Đức Thánh Cha Phanxicô đối với cộng đồng quốc tế về việc làm thế nào kiến tạo một nền hoà bình có thể dùng để chống lại chủ nghĩa cực đoan.
Cha đã nêu ra bài diễn văn của Đức Thánh Cha trong buổi tiếp kiến ngoại giao đoàn cạnh Toà Thánh ngày 11 tháng Giêng vừa qua. Trong bài diễn văn này, Đức Thánh Cha khẳng định: “Chủ nghĩa cực đoan và chủ nghĩa giáo điều tìm thấy mảnh đất màu mỡ không những trong việc khai thác tôn giáo vào mục đích phục vụ cho quyền lực, mà còn tại những nơi trống rỗng lý tưởng và đánh mất căn tính –trong đó có căn tính tôn giáo– có thể nói đang ghi dấu ấn một cách đáng buồn tại phương Tây. Sự trống rỗng này sinh ra nỗi sợ hãi khiến cho nhìn người khác thấy cả một mối đe dọa và kẻ thù, sinh ra tư tưởng khép kín và quyết bảo vệ quan điểm của mình. Tuy nhiên thách thức lớn nhất chúng ta phải đương đầu chính là vượt qua sự thờ ơ để cùng nhau hợp tác xây dựng hoà bình, không ngừng tìm kiếm sự thiện bằng cách cổ võ nền văn hoá gặp gỡ”.
Cha Ayuso Guixot khẳng định: “Đức Thánh Cha Phanxicô tin rằng việc thúc đẩy đối thoại liên tôn phải diễn ra trong việc cùng nhau dấn thân cho hoà bình và công lý, coi đó là những nguyên tắc căn bản cho mọi trao đổi”.
Đề cập đến vai trò then chốt của các nhà lãnh đạo tôn giáo, linh mục Thư ký Hội đồng Toà Thánh về Đối thoại Liên tôn nhấn mạnh: “Các khuynh hướng cực đoan, bất kể có nguồn gốc từ đâu, hiện nằm trong số những mối đe dọa lớn nhất đối với hoà bình và an ninh thế giới”, và chúng không phù hợp với đạo đức tôn giáo đích thực. Do đó cần có một “nỗ lực thực sự từ phía các nhà lãnh đạo tôn giáo và những người tạo nên dư luận để làm rõ những ai đang đưa ra các xác tín và hành vi sai lạc so với tư tưởng của đạo mình”.
Còn các nhà lãnh đạo chính trị, cha Ayuso Guixot cho rằng “họ phải ủng hộ cho cuộc vận động tư tưởng này để ngăn ngừa chủ nghĩa cực đoan trong xã hội và đặt nền móng cho việc kềm hãm chủ nghĩa đó”. Cha nói thêm: “Là những người lãnh đạo tôn giáo, chúng ta có nghĩa vụ phải tố cáo mọi xâm phạm đối với phẩm giá và quyền của con người. Sự sống của con người, hồng ân của Thiên Chúa Đấng dựng nên muôn loài, có tính chất thánh thiêng. Như vậy, mọi thứ bạo lực tìm cách biện minh nơi tôn giáo cần phải bị lên án mạnh mẽ vì Đấng Toàn năng là Thiên Chúa của sự sống và hoà bình”.
Liên quan đến sự cần thiết của đối thoại liên tôn, vị Thư ký Hội đồng Toà Thánh nhấn mạnh các tín đồ được liên kết trên con đường sự sống, bắt đầu từ căn tính riêng của chúng ta hướng đến lợi ích anh chị em mình: “Mỗi người chúng ta đều làm chứng căn tính của mình cho mọi người và bước vào đối thoại với tha nhân. Sau đó cuộc đối thoại tiến đến các vấn đề thần học. Nhưng quan trọng và đẹp hơn chính là đồng hành với nhau mà không phản bội căn tính, cũng không che giấu căn tính, không giả hình”.
Cuối cùng ngài nhắc lại: “Chúng ta, những người có niềm tin, đều không có công thức chế biến sẵn cho những vấn đề này, nhưng lại có một nguồn lực lớn lao, đó là cầu nguyện. Là người có đức tin, chúng ta cầu nguyện. Chúng ta phải cầu nguyện. Cầu nguyện là kho tàng của chúng ta, được rút ra từ truyền thống của đạo mình, để xin những ơn lành nhân loại đang mong mỏi”.
(Nguồn: VIS)
Thành Thi chuyển ngữ