Các Kitô hữu Malaysia nói “không”
với tuyên truyền chia rẽ tôn giáo
***
WHĐ (11.01.2016) – Tại Maysia, một trường đại học công lập đang tổ chức các cuộc hội thảo chuyên đề nhằm cảnh báo các sinh viên Hồi giáo trước điều được coi là chiêu dụ tín đồ. Các nhà giáo dục chỉ ra rằng “khuyến khích hận thùlà mở cửa cho ISIS”.
“Hãy cẩn thận với các Kitô hữu, họ đang muốn cải đạo bạn”: đây là sứ điệp được gửi đến các sinh viên Hồi giáo trong các hội thảo do Trường Đại học Kỹ thuật Mara (UITM) ở Kuala Lumpur tổ chức, cảnh báo họ chống lại những mưu toan “chiêu dụ tín đồ và Kitô giáo hóa”. Trong một quốc gia đa sắc tộc và đa tôn giáo (mặc dù có 60% người Hồi giáo, phần còn lại 40% gồm người Phật giáo, Kitô giáo và Ấn Độ giáo) như Malaysia, sáng kiến này do một trường đại học công lập phối hợp với cảnh sát đề ra, đã gây ra tình trạng báo động và châm ngòi cho những phản đối.
Liên đoàn Kitô giáo Malaysia lên án đây là “một nỗ lực nhằm tuyên truyền và thúc đẩy bạo lực tôn giáo”. Các học giả Hồi giáo đã không tán thành sự kiện một trường đại học dạy Kỹ thuật, Y khoa và Luật lại theo đuổi một chương trình hành động đầy hận thù và bất khoan dung đối với các Kitô hữu nơi các sinh viên Hồi giáo (qua cuộc biểu tình xảy ra vài tuần trước đây). Kitô hữu chiếm một thiểu số có đời sống vững vàng và sống hiền hòa tại quốc gia này (khoảng 9%, một nửa trong số đó là người Công giáo), họ thừa kế di sản của Francesco Saverio, vị thừa sai Dòng Tên đã đến loan báo Tin Mừng tại bán đảo Malacca vào giữa thế kỷ 16.
Người ta biết được thông tin về cuộc hội thảo vì tất cả các buổi nói chuyện đã được đưa lên mạng xã hội. Nó khơi lại một cuộc tranh luận chẳng bao giờ thực sự chấm dứt trong một đất nước mà các cuộc thảo luận về tính mơ hồ của thể chế vẫn chưa được giải quyết, cứ tiếp tục. Mặc dù Hiến pháp của Liên bang Cộng hoà (xây dựng năm 1963) đảm bảoquyền tự do tôn giáo, Hồi giáo vẫn là “tôn giáo chính thức” cũng như là niềm tin bắt buộc đối với tất cả các công dân của dân tộc Malay, vì vậy những ai muốn từ bỏ Hồi giáo cần phải có phép của một toà án Sharia đặc biệt, mà toà án này hiếm khi cho phép.
Azly Rahman, một nhà giáo dục Hồi giáo, chỉ trích sáng kiến trên của trường đại học này như sau: “Chúng ta biết đã có hiện tượng thù ghét Hồi giáo. Vậy tại sao còn thù ghét Kitô giáo? Chúng ta cần phải dạy các giá trị như sự hoà hợp, chung sống hoà bình, khoan dung và tôn trọng lẫn nhau. Tại sao lại thao túng tâm tư của những người trẻ, là những người chưa bị cuốn vào ISIS?”.
Các cơ quan nhà nước đang trên đà sa sút: theo số liệu được Insider Malaysia trích dẫn, có khoảng 200 thanh niên Malaysia được cho là đã tham gia ISIS tại Syria và Iraq. Từ năm 2013, cảnh sát đã bắt giữ ít nhất 120 cá nhân cố gắng tham gia lực lượng Caliphate hoặc trở về nhà sau một thời gian huấn luyện ở Trung Đông. Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Liow Tiong, tại Malaysia dường như có 50.000 người ủng hộ ISIS. Xu hướng đáng lo ngại này đã khiến chính phủ Kuala Lumpur xuất bản một “Bạch thư về chủ nghĩa khủng bố” nói về ảnh hưởng Nhà nước Hồi giáo. Chính phủ cũng nhanh chóng đề ra luật chống khủng bố mới cho phép bắt giữ các cá nhân mà không cần đến toà án, và kiểm duyệt Internet chặt chẽ hơn.
Thủ tướng Najib Razak nhìn nhận rằng chơi với các lực lượng Hồi giáo cực đoan có thể có những hậu quả xấu và trong bài phát biểu dịp Năm Mới, ông khẳng định “đoàn kết là sống còn đối với Malaysia”, đồng thời khuyến khích sự hoà hợp xã hội và tôn giáo. Tuy nhiên, các Kitô hữu nhận thấy chính phủ đã không hành động đủ để ngăn chặn các nhóm phá hoại sự hoà hợp này.
Một nhóm mới có tên gọi “Kitô hữu vì hoà bình và hoà hợp Malaysia” cũng đang tích cực cộng tác với chính phủ để thúc đẩy sự chung sống hoà bình. Nhóm này có những hoạt động nhằm khuyến khích đối thoại, xây dựng một xã hội hoà giải và hoà bình, kể cả tìm kiếm mối quan hệ với các nhóm Hồi giáo cực đoan nhất như Perkasa, là nhóm cáo buộccác Kitô hữu đang tìm cách chiêu dụ người Hồi giáo cải đạo.
Công việc này sẽ giúp chữa lành các vết thương, như một vết thương khoét sâu hồi đầu năm ngoái và hiện đang thànhsẹo hơn sau bảy năm tranh cãi: một năm trước đây, Toà án Tối cao đã bác bỏ kháng cáo của Giáo hội Công giáo, liên quan đến việc tuần báo Herald của Công giáo sử dụng từ Allah để gọi “Thiên Chúa”. Toà án sơ thẩm phán quyết phần thắng thuộc về Giáo hội, nhưng Toà án Tối cao lại ủng hộ chính phủ Malaysia, cấm Herald sử dụng từ Allah trong phiên bản tiếng bahasha malaysia, là phiên bản trong đó tín hữu sử dụng thuật ngữ Allah.
Mặc dù phán quyết này bị xem là bất công, Đức cha Julian Leow, Tổng giám mục Kuala Lumpur, vẫn kêu gọi các Kitô hữu ở Malaysia “cứ trung thành trong nỗ lực thúc đẩy đối thoại và hoà hợp giữa các sắc tộc và tín ngưỡng. Chúng ta hy vọng rằng sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau sẽ luôn tạo nền tảng cho sự chung sống về mặt xã hội và tôn giáo ở Malaysia”.
(Theo Vatican Insider)
Minh Đức