Kỷ niệm 50 năm Nostra Aetate,
Bản Đại hiến chương Đối thoại liên tôn
***
WHĐ (30.10.2015) – Trong những ngày cuối tháng Mười 2015, các đại diện các tôn giáo trên thế giới đã quy tụ về Roma để tham dự Hội nghị kỷ niệm 50 năm Tuyên ngôn Nostra Aetate của Công đồng Vatican II về mối quan hệ giữa Giáo hội Công giáo với các tôn giáo khác. Hội nghị diễn ra trong ba ngày từ 26 đến 28-10 do Hội đồng Toà Thánh về Đối thoại Liên tôn và Uỷ ban Toà Thánh phụ trách các quan hệ với người Do Thái tổ chức.
Các diễn giả cho biết, mặc dù là ngắn nhất trong các văn kiện của Công đồng, nhưng ảnh hưởng của Nostra Aetate vẫncòn được nhận thấy trong đời sống của Giáo hội ngày nay.
Cha Miguel Angel Ayuso Guixot, thư ký Văn phòng đối thoại liên tôn, nói rằng dù đã có rất nhiều điều được thực hiện kể từ khi Tuyên ngôn được công bố, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm để thúc đẩy quan hệ giữa Giáo hội Công giáo và các tôn giáo ngoài Kitô giáo.
Cha Ayuso nói: “Biết bao lời lẽ đã được phát biểu nhưng vẫn còn nhiều im lặng. Con đường Nostra Aetate vạch ra vẫn là rất thích đáng và, như đã nói trong Tuyên ngôn, hôm nay chúng ta vẫn còn được khuyến khích nhìn nhận, gìn giữ và thúc đẩy tất cả các giá trị tinh thần, đạo đức và văn hoá xã hội nơi các tôn giáo”.
Đức hồng y Jean-Louis Tauran, Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh về Đối thoại Liên tôn, nói rằng: “Một trong những thành tựu cơ bản của Nostra Aetate là Giáo hội nhìn nhận những gì là chân thật và thánh thiện nơi các tôn giáo khác. TrongTuyên ngôn này, lần đầu tiên, huấn quyền đã nhìn nhận sự thánh thiện cũng có thể hiện diện nơi các tôn giáo khác và điều này có thể dẫn đến một ‘tia sáng chân lý soi chiếu tất cả nhân loại’”.
Ngài nói: “Thật là thú vị khi đọc văn kiện này vào 50 năm sau và thấy rằng Tuyên ngôn đã không hề mất đi tính thích đáng của nó. Chắc chắn Tuyên ngôn đã truyền cảm hứng cho các thành viên của Giáo hội Công giáo ở nhiều cấp độ để thúc đẩy mối quan hệ tôn trọng và đối thoại với các tín đồ của các tôn giáo khác, và tiếp tục là một điểm tham chiếu vững chắc cho các mối quan hệ này”.
Tuyên ngôn được Chân phước Phaolô VI ban hành ngày 28-10-1965, nhưng dự thảo đầu tiên của Nostra Aetate đãđược Thánh Gioan XXIII uỷ thác cho Đức hồng y Augustin Bea hướng dẫn. Đức hồng y Tauran cho biết, dự thảo ban đầu mang tên Decretum de Iudaeis (Sắc lệnh về người Do Thái), chỉ đề cập vấn đề trách nhiệm của các Kitô hữu trongvụ Thảm sát người Do Thái.
Kết quả, Tuyên ngôn gồm 5 số, trong đó hai số cuối đề cập đến mối quan hệ của Giáo hội Công giáo với dân Do Thái,và ba số đầu nêu bật mối quan hệ của Giáo hội với các tôn giáo khác trên thế giới.
Đức hồng y Kurt Koch, Chủ tịch Uỷ ban Toà Thánh phụ trách các quan hệ với người Do Thái, cho biết việc nói đếnmối quan hệ của Kitô giáo với Do Thái giáo trong văn kiện không chỉ là điểm khởi đầu “nhưng còn là bản lề của toàn bộ Tuyên ngôn”.
“Số 4 của Nostra Aetate có thể được coi là Bản Đại hiến chương đối thoại Do Thái-Công giáo. Lần đầu tiên trong lịch sử, Công đồng đại kết diễn đạt một cách rành mạch và tích cực như thế về mối quan hệ giữa Giáo hội Công giáo và Do thái giáo”.
Đức hồng y Koch cũng lưu ý rằng Nostra Aetate không chỉ đề cập đến “triển vọng mang tính thực tế và thực dụng”, nhưng đặt mối quan hệ giữa Công giáo và Do Thái giáo vào trong một “bối cảnh thần học” dựa trên “nền tảng ThánhKinh vững chắc”.
Đức hồng y Koch nói, Nostra Aetate đánh dấu một sự thay đổi quyết định trong trong các mối tương quan giữa Giáohội Công giáo và Do Thái giáo, và cho thấy “chính nó là chiếc la bàn hữu ích hướng tới sự hoà giải giữa các Kitô hữu và người Do Thái, có giá trị cho cả hiện tại lẫn tương lai”.
Và Đức hồng y kết luận: “Vì thế, cử hành một kỷ niệm quan trọng không phải là lý do để nhìn lại quá khứ nhưng là một cơ hội quý giá để nhìn đến tương lai”.
(Theo Junno Arocho Esteves, CNS)
Minh Đức
Nguồn: WHĐ