Thiên Chúa muốn các vị sứ giả của Ngài
phải có lòng thương xót
***
Chúng ta hãy cảnh giác đừng để trái tim ra chai đá, vì như thế tình thương xót của Thiên Chúa không để đi vào. Đây là điều được Đức Thánh Cha nói đến trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện thánh Marta, trước khi ngài tham dự Thượng Hội Đồng nhóm họp tại Hội Trường Thượng Hội Đồng Giám Mục Vatican. Đức Thánh Cha cũng nói thêm đừng cưỡng lại lòng thương xót của Thiên Chúa, vì lòng thương xót ấy quan trọng hơn những suy nghĩ của chúng ta, quan trọng hơn hàng tá điều răn mà chúng ta phải tuân giữ.
Đức Thánh Cha đã triển khai bài giảng của ngài từ Bài Đọc Một, trích sách Giô-na. Tiên tri Giô-na đã cưỡng lại ý muốn của Thiên Chúa, nhưng cuối cùng ông đã học để biết thế nào là vâng phục. Ni-ni-vê là một thành phố cực kỳ rộng lớn và dân chúng trong thành đã biết hoán cải nhờ lời công bố của Giô-na. Đức Thánh Cha nói: “Thực sự đã có một phép lạ xảy ra, vì Giô-na đã từ bỏ được sự cứng lòng và vâng phục ý Chúa. Ông đi và thực hiện điều Thiên Chúa đã truyền dạy cho ông.”
Dân thành Ni-ni-vê cũng đã ăn năn hoán cải. Nhưng đứng trước sự hoán cải này, Giô-na – người “không ngoan ngoãn vâng nghe Thần Khí” – đã nổi giận: “Ông Giô-na bực mình, bực lắm và ông nổi giận.” Đức Thánh Cha nói: “Thậm chí, ông còn trách mắng Thiên Chúa.”
Lòng thương xót của Thiên Chúa không thể đi vào một con tim chai đá
Đức Thánh Cha nói, chuyện xảy giữa tiên tri Giô-na và thành Ni-ni-vê được chia thành ba phần. Phần một, tiên tri Giô-na chống lại sứ mạng Thiên Chúa ủy thác cho ông. Phần hai là sự vâng phục, và khi ông vâng phục, phép lạ xảy ra: dân thành Ni-ni-vê đã hoán cải. Trong phần ba, tiên tri Giô-na, một lần nữa, cưỡng lại lòng thương xót của Thiên Chúa. Ông đã nói với Thiên Chúa rằng: “Ôi, lạy Đức Chúa, đó chẳng phải là điều con đã nói khi còn ở quê nhà sao? Con đã làm tất cả những gì có thể để công bố cho dân thành Ni-ni-vê lời tuyên cáo của Chúa. Con đã hoàn thành việc đó thật tốt đẹp. Nhưng tại sao Ngài lại là một Thiên Chúa từ bi nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương? Tại sao Ngài lại hối tiếc và tha thứ cho thành ấy?” Như vậy, tiên tri Giô-na thực sự không thấu hiểu được lòng thương xót của chúa. Đức Thánh Cha nói, một trái tim với sự cứng cỏi, chai đá như thế sẽ không để cho lòng thương xót của Thiên Chúa đi vào.
Người ta cũng không hiểu được lòng thương xót của Đức Giêsu
Những Tiến Sỹ Luật khổng hiểu tại sao Đức Giêsu lại bênh vực người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình và không để chị bị ném đá cho đến chết. Họ cũng không hiểu tại sao Ngài lại đến dùng bữa với những người thu thuế và quân tội lỗi. Họ không hiểu được. Nói khác đi, họ thật sự không thể hiểu được lòng thương xót: “Ngài là Thiên Chúa từ bi nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương”. Đức Thánh Cha nói thêm: “Thánh Vịnh mà chúng ta đã cùng cầu nguyện với nhau ngày hôm nay nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta hãy kiễn nhẫn chờ đợi Thiên Chúa vì Ngài là Đấng giàu lòng thương xót, nơi Ngài luôn chứa chan hồng ân cứu độ.”
Không hề có những sứ giả cứng đầu, bướng bỉnh; Thiên Chúa mời gọi chúng ta biết xót thương
Đức Thánh Cha kết luận rằng: “Ở đâu có Thiên Chúa, ở đấy có tình xót thương”. Và thánh Ambrogio nói thêm: ‘Ở đâu có những sứ giả, ở đó có sự cứng đầu, bướng bỉnh.’ Chính sự bướng bỉnh này dẫn tới việc không vâng lời trong sứ mạng, và vì thế thách thức lòng thương xót.
Cuối cùng, Đức Thánh Cha nhắn nhủ: “Năm Thánh Kính Lòng Thương Xót Chúa đã gần kề, chúng ta hãy cầu xin Thiên Chúa giúp chúng ta thấu hiểu được trái tim của Chúa và ý nghĩa của “lòng xót thương” là gì. Đặc biệt, Thiên Chúa có ý gì khi nói: ‘Ta muốn lòng nhân chứ không cần lễ tế.’ Trong lời nguyện Nhập Lễ, chúng ta đã cầu nguyện nhiều với một câu rất đẹp: ‘Xin tuôn đổ trên chúng con lòng thương xót của Chúa.’ Như thế, chúng ta chỉ hiểu lòng thương xót của Thiên Chúa một khi lòng thương xót ấy tuôn đổ tràn trề trên chúng ta, trên tội lỗi của chúng ta và trên những đau khổ của chúng ta…” (SD 06-10-2015).
Anh Phương
Nguồn: RV.