Sức mạnh của “lời cầu nguyện”
***
WGPSG — Nguyên văn bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong chuyến viếng thăm mục vụ tại Ostie, Nam giáo phận Rôma, ngày 03/5/2015.
Có một lời mà Chúa Giêsu thường lặp đi lặp lại, đặc biệt trong bữa Tiệc ly: “Hãy ở lại trong Thầy, đừng lìa khỏi Thầy, hãy ở lại trong Thầy”. Đời sống Kitô hữu là như thế đó: ở lại trong Chúa Giêsu. Và để giải thích rõ cho chúng ta hiểu Người muốn nói gì, Chúa Giêsu dùng hình ảnh tuyệt vời của cây nho: “Thầy là cây nho và anh em là cành”. Và cành nào không gắn liền với cây sẽ chết đi, không sinh hoa trái; và bị ném ra ngoài làm củi. Rồi chúng được dùng để đốt lửa – chúng cũng có ích đấy, nhưng không phải để sinh hoa trái. Ngược lại, những cành gắn chặt vào cây, có thể đón nhận nhựa sống và phát triển, có thể lớn lên và sinh hoa trái, hình ảnh rất là đơn sơ. Ở lại trong Chúa Giêsu có nghĩa là kết hiệp với Chúa để đón nhận từ Chúa sự sống, tình yêu, Chúa Thánh Thần. Thật vậy, tất cả chúng ta đều là kẻ có tội, nhưng nếu chúng ta ở lại trong Chúa Giêsu, như là cành nho với cây nho, Chúa đến cắt tỉa chúng ta, để chúng ta có thể sinh nhiều hoa trái hơn. Ngài luôn chăm sóc chúng ta. Nhưng nếu chúng ta tự tách ra khỏi Chúa, nếu chúng ta không ở lại trong Chúa, chúng ta chỉ là người Kitô hữu bằng lời nói suông, nhưng không sống là Kitô hữu; chúng ta là Kitô hữu nhưng là Kitô hữu chết, vì chúng ta không sinh hoa trái gì, như cành nho lìa khỏi cây nho.
Ở lại trong Chúa Giêsu nghĩa là muốn đón nhận sự sống của Chúa, cả sự tha thứ, sự cắt tỉa nữa, ở lại trong Chúa Giêsu là muốn đón nhận từ Chúa tất cả những điều đó. Ở lại trong Chúa Giêsu nghĩa là: tìm kiếm Chúa Giêsu; cầu nguyện và cầu nguyện. Ở lại trong Chúa Giêsu nghĩa là đến với các bí tích: bí tích Thánh Thể, bí tích Hoà giải. Ở lại trong Chúa Giêsu nghĩa là – và điều này là khó nhất – làm những gì Chúa Giêsu đã làm, xử sự giống như Chúa. Ví dụ khi chúng ta ruồng rẫy người khác, hoặc nói xấu về ai, chúng ta không ở lại trong Chúa Giêsu: Chúa Giêsu không bao giờ làm như thế. Khi chúng ta nói dối, chúng ta không ở lại trong Chúa Giêsu: Chúa Giêsu không bao giờ làm như thế. Khi chúng ta buôn bán lừa đảo, chúng ta là những cành nho chết, chúng ta không ở lại trong Chúa Giêsu. Ở lại trong Chúa Giêsu là làm như Chúa đã từng làm: làm điều tốt, giúp đỡ người khác, cầu nguyện với Chúa Cha, chăm sóc kẻ đau ốm, nâng đỡ kẻ nghèo khó, tràn đầy niềm vui của Chúa Thánh Thần.
Một câu hỏi hay mà người Kitô hữu chúng ta nên đặt ra cho mình là: “Tôi đang ở trong Chúa Giêsu hay tôi đang ở xa Chúa? Tôi có gắn liền với cây nho ban sự sống hay tôi là một cành nho chết không thể sinh hoa trái, không thể làm chứng?”
Và còn có những cành nho khác mà Chúa Giêsu không nói đến ở đây nhưng Người nói đến ở chỗ khác: những người tỏ ra mình là môn đệ của Chúa Giêsu nhưng lại làm ngược với những gì mà một môn đệ của Chúa Giêsu làm, những người ấy là những cành nho giả hình. Có thể ngày chủ nhật nào họ cũng đi lễ, họ tỏ ra mình là người đạo đức, mặt nghiêm nghị như hình nộm, và rồi cuối cùng họ lại sống như người ngoại đạo. Những người đó, trong Tin Mừng, Chúa Giêsu gọi họ là “cành nho giả hình”. Chúa Giêsu rất nhân từ, Chúa gọi chúng ta ở lại trong Chúa. Chúa ban cho chúng ta sức mạnh và nếu chúng ta bị sa vào tội lỗi – tất cả chúng ta đều là kẻ có tội – Chúa tha thứ cho chúng ta, vì Chúa giàu lòng thương xót. Nhưng Chúa muốn hai điều này: là chúng ta ở lại trong Chúa và chúng ta không giả hình. Với hai điều này, đời sống Kitô hữu có thể tiến triển.
Và Chúa cho chúng ta điều gì nếu chúng ta ở lại trong Chúa? Chúng ta đã nghe thấy đó: “Nếu anh em ở lại trong Thầy và Lời Thầy ở lại trong anh em, thì muốn gì, anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý”. Đây là sức mạnh của cầu nguyện: “Hãy xin tất cả những gì anh em muốn”, nói cách khác là phải cầu nguyện khẩn thiết, để Chúa Giêsu làm những gì chúng ta xin. Nếu chúng ta cầu nguyện cách hời hợt – nếu chúng ta không thật sự cầu nguyện trong Chúa Giêsu – cầu nguyện sẽ không sinh hoa trái, vì cành nho không được kết hiệp với cây nho. Nhưng nếu cành nho được gắn liền với cây nho, nghĩa là “nếu anh em ở lại trong Thầy và Lời Thầy ở lại trong anh em, thì muốn gì, anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý”. Cầu nguyện có sức mạnh toàn năng. Sức mạnh toàn năng này đến từ đâu? Đến từ việc ở lại trong Chúa Giêsu, kết hiệp với Chúa, như cành nho với cây nho. Nguyện xin Chúa ban cho chúng ta ơn này.
(ltd chuyển ngữ theo bản pháp ngữ của Zenit.org)
Nguồn: WGPSG