Tiếng Latinh có phải là ngôn ngữ chết?
***
WHĐ (28.04.2015) – Linh mục Daniel Gallagher –45 tuổi, thuộc bang Michigan, Hoa Kỳ– điều hành Văn phòng Toà Thánh về tiếng Latinh nói rằng Latinh sẽ là một ngôn ngữ chết nếu Giáo hội đã không tồn tại.
Ai giỏi tiếng Latinh nhất? “Đó là Đức nguyên giáo hoàng Bênêđictô. Ngài nói tiếng Latinh trôi chảy và hoàn hảo”. Còn Đức giáo hoàng Phanxicô thì sao? “Bảo rằng ngài không thích tiếng Latinh thì không đúng, trái lại ngài hiểu rõ tiếng Latinh và còn sửa tiếng Latinh nữa, nhưng ngài ít dùng ngôn ngữ này”. Đó là nhận định của cha Daniel Gallagher, người chịu trách nhiệm dịch các dòng tweet của Đức Thánh Cha sang ngôn ngữ của Cicero.
Cùng với sáu linh mục khác, cha Gallagher phụ trách Văn phòng Toà Thánh về tiếng Latinh thuộc Phủ Quốc vụ khanh Tòa Thánh. Đây là văn phòng duy nhất trên thế giới mà các nhân viên nói chuyện với nhau bằng tiếng Latinh. Cha Gallagher cho biết, trong một cuộc phỏng vấn với tờ Famiglia Cristiana, đây cũng là nơi viết và dịch các tài liệu của Toà Thánh sang tiếng Latinh.
Trả lời câu hỏi: tiếng Latinh có phải là một ngôn ngữ chết hay không, cha Gallagher quả quyết: “Tiếng Latinh sẽ chết nếu không có chúng tôi và nếu Giáo hội Công giáo đã không tồn tại”.
Ngay cả tác phẩm dành cho trẻ em bán chạy nhất của tác giả Jeff Kinney: Nhật ký chú bé nhút nhát (đã bán được hàng triệu bản trên khắp thế giới, trong đó có tiếng Việt) cũng đã được cha Gallagher dịch sang tiếng Latinh và đã được bày bán tại thành phố Bologna.
Cha nói: Các giáo viên giúp cho chúng tôi quen nói và suy nghĩ bằng tiếng Latinh, khám phá các từ ngữ, quy tắc, cấu trúc trong kho tàng vĩ đại của các bản văn cổ điển và các bản văn Kitô giáo, còn nếu không tìm được trong các bản văn này, chúng tôi sẽ tạo ra [các từ mới].
Cha còn nói, một ngôn ngữ cần phải có tính nhân văn (humanitas) và nhấn mạnh: nếu bảo tiếng Latinh là một “ngôn ngữ thánh”, nghĩa là “bất biến” là không đúng. Sở dĩ nó thánh thiêng vì người ta sử dụng nó, chứ không phải vì Thiên Chúa đã bỏ nó vào một cái hộp rồi thả từ trời xuống. Nhưng chúng ta đã làm cho nó mất đi tính thánh thiêng từ nhiều thế kỷ nay. Theo cha, đó là một sai lầm. Tại sao? Vì Giáo hội chẳng phải của riêng ai, Giáo hội không phải của Barnabahay của Phêrô, và tiếng Latinh tượng trưng cho tính phổ quát, tiếng Latinh không phải là tiếng mẹ đẻ của ai cả.
Mối quan tâm của cha là giữ cho tiếng Latinh được sống, mặc dù ngày càng ít được sử dụng trong Giáo hội. Trên thế giới chỉ có 5.000 người nói tiếng Latinh trôi chảy. Và không phải tất cả những người ấy đều là linh mục. Chỉ có khoảng 200 linh mục và một ít vị hồng y nói được tiếng Latinh.
Ngay cả Đức nguyên giáo hoàng Bênêđictô XVI là người rất giỏi tiếng Latinh, cũng đã mắc lỗi trong bài diễn văn tuyên bố từ nhiệm, một lỗi mà cho đến nay người ta vẫn còn tranh luận sôi nổi. Có người bảo rằng vì thế lời tuyên bố từnhiệm và việc Đức hồng y Bergoglio được bầu làm giáo hoàng là không hợp lệ. Cha Gallagher mỉm cười giải thích: “Đức nguyên giáo hoàng đã nhầm khi nói: “declaro me ministerio … commissum rinuntiare”; đúng ra phải là“commisso”; đây không phải là một lỗi nghiêm trọng và ai cũng có thể mắc lỗi này”.
Phiên bản tiếng Latinh của trang Twitter của Đức giáo hoàng Phanxicô hiện có 343.000 follower. Cha Gallagher cho biết: “Chúng tôi nghe nói rằng nhiều giáo viên dạy Latinh ở các trường học trên khắp thế giới đã dùng các tweet này như một công cụ giáo khoa. Đặt một câu với 140 ký tự là một bài tập hữu ích. Đối với chúng tôi cũng thế”. Thực tế,còn hơn cả một bài tập, đó là một thách đố, bởi vì trước hết bạn phải quyết định về ngữ pháp và cấu trúc ngôn ngữ màbạn sử dụng”. Cha Gallagher nói thêm: “Tiếng Latinh không phải lúc nào cũng giống nhau và chúng ta có thể sử dụng tiếng Latinh của Cicero, của Virgil, của Plautus hay của Terence. Tiếng Latinh của Terence thì thích hợp hơn cho các cụm từ ngắn hoặc hình thức mang tính pháp lý hơn. Đối với các tweet chúng tôi có xu hướng lấy cảm hứng từ Terence, đôi khi chúng tôi lại lấy ý tưởng của Martial. Phong cách dí dỏm của Martial khiến cho các tweet như được viết vào thời của ông”.
(Theo Vatican Insider)
Minh Đức