ỦY BAN GIÁO DÂN
trực thuộc HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM
VP: J10 Hương Giang, P.15, Q.10, TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam
(08) 3970 3252 – ubgm.giaodan@gmail.com
Thứ bảy, ngày 07 tháng 3 năm 2015
BÀI TƯỜNG THUẬT
V/v Hội nghị Giám mục về Tông đồ Giáo dân Lần thứ 10
về “Vai trò và sứ mệnh của giáo dân trong thế kỷ thứ 21”
tại Bangkok, Thái Lan, từ ngày 02 đến ngày 06 tháng 3 năm 2015
Kính gửi:
– Đức cha Giuse Trần Xuân Tiếu, Chủ tịch Ủy ban Giáo dân trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam
– Quý cha và quý thành viên thuộc Ủy ban Giáo dân (HĐGMVN).
Trọng kính Đức cha Chủ tịch, Quý cha và Quý thành viên thuộc Ủy ban Giáo dân,
Tại Trung tâm Mục vụ Camilô ở Latkrabang (Bangkok, Thái Lan) vừa qua, từ ngày 02 đến ngày 06 tháng 3 năm 2015, đã có cuộc gặp gỡ giữa 43 thành viên tham dự Hội nghị Giám mục về Tông đồ Giáo dân Lần thứ 10 (The 10thBishops Institute on Laity Apostolate) (BILA X) bàn về “Vai trò và sứ mệnh của giáo dân trong thế kỷ thứ 21”. Ủy ban Giáo dân (HĐGMVN) có gửi ba thành viên giáo dân đi tham dự. Vừa trở về Việt Nam từ Hội nghị BILA X, ba thành viên trực tiếp tham dự hội nghị đã cùng với con, Lm. Giuse Tạ Huy Hoàng, Thư ký Ủy ban Giáo dân (HĐGMVN), soạn bài tường thuật này để kính trình.
Vài nét về ba thành viên tham dự hội nghị
Phái đoàn đại biểu lần này của Ủy ban Giáo dân (HĐGMVN) gồm ba thành viên tương đối trẻ với tiềm năng phục vụ rất tốt: (1) Ô. Giuse Cao Văn Quang (sanh 1973), MA, thuộc Giáo xứ Tân Thành, Giáo hạt Tân Sơn Nhì, TGP. TP. Hồ Chí Minh; (2) B. Maria Ngô Thị Ngọc Huyên (sanh 1983), Ph.D. (Cand.), thuộc Giáo xứ Thánh Tống Viết Bường, Giáo hạt Phú Thọ, TGP. TP. Hồ Chí Minh; và (3) B. Têrêxa Đinh Thị Thu Hà (sanh 1974), BA, thuộc Giáo xứ Tân Thành, Giáo hạt Tân Sơn Nhì, TGP. TP. Hồ Chí Minh. Cả ba đều rất tích cực tham gia vào các sinh hoạt của hội nghị (như lịch trình sẽ nói đến ít nhiều sau đây; trong đó có Bà Maria Ngô Thị Ngọc Huyên được chọn làm thành viên trong nhóm linh hoạt viên-hướng dẫn. Nhóm này gồm bốn người (2 steerings và 2 writers), có nhiệm vụ đưa ra nhận xét chung, đóng góp ý kiến xây dựng ngay cuối ngày làm việc.
Mục tiêu cụ thể của hội nghị
Khai mạc Hội nghị Giám mục về Tông đồ Giáo dân Lần thứ 10, Đức Tổng Giám mục Patrick D’Rozario (Chủ tịch FABC OLF) trong bài phát biểu chào mừng, đã nhắc lại những mục tiêu và tầm nhìn của Giáo hội Chúa tại Á Châu. Theo đó, nội dung các bài trình bày và thảo luận của cả ba ngày hội nghị bao gồm những mục tiêu sau: (1) Giáo dân và Công đồng Vaticanô II: lượng giá vai trò và sứ mệnh của giáo dân (Chúng ta đã làm như thế nào; hiện chúng ta đang ở đâu và chúng ta cần phải làm gì?); (2) Giáo dân và thế giới: tìm hiểu tác động của sứ mệnh giáo dân trong đời sống xã hội; (3) Giáo dân trong Giáo hội: tìm hiểu tác động của những cộng đoàn Kitô hữu nhỏ (SCCs: small Christian communities): gia đình, mục vụ cho nữ giới và giới trẻ để giúp họ tham gia vào sứ mệnh của Giáo hội; (4) Giáo dân trong sứ mệnh: đề xuất các khuyến nghị cho sứ mệnh loan báo Tin mừng của giáo dân.
Tiến trình ngày hội đầu tiên (03-3-2015)
Với bài phát biểu “Giáo dân dưới ánh sáng của kỷ niệm 50 năm Công đồng Vaticanô II: lực đẩy chính của Công đồng”, Cha Jacob Teckanath đã gợi lại những hướng dẫn của Công đồng Vaticanô II. Ngài nhấn mạnh: “Đối với người Kitô hữu, xao nhãng bổn phận trần thế tức là xao nhãng bổn phận đối với người lân cận và hơn nữa đối với chính Thiên Chúa, gây nguy hại cho phần rỗi đời đời của chính mình” (DV, số 43).
Sau đó, các thành viên tham gia thảo luận nhóm (gồm hai nhóm: Đông Á và Đông Nam Á), lượng giá sự đồng trách nhiệm của giáo dân (co-responsibility of the laity) trong thực tế mục vụ tại các khu vực hoặc trong nước với định hướng “Sứ mệnh Phúc âm hóa, chứng nhân và loan báo Tin mừng”: (1) Bạn muốn chia sẻ điều gì ở hội nghị này? (2) Bạn có thể đóng góp xây dựng việc gì? (3) Điều gì là mối quan tâm chính trong những mối quan tâm của bạn? (4) Bạn muốn mang điều gì về?
Các diễn giả tại hội nghị sôi nổi chia sẻ về các hoạt động tham gia tích cực thuộc sứ mệnh giáo dân. Đặc biệt, sự trình bày của diễn giả Charles Bertille (Asian Coordinator, Fondacio) trở nên rất ý vị khi ông kể lại một câu chuyện vui: số là có vị giáo sĩ nọ thấy giới trẻ cùng nhau đi lễ thì rất thích, nhưng quan sát kỹ thì thấy hiếm khi các bạn trẻ cầu nguyện cùng nhau. Vị giáo sĩ buồn! Ngài bèn chất vấn “lệch pha” về vai trò trách nhiệm của ai đó mà ngài gọi là “họ”: “Thế ‘họ’ đã làm gì cho những người này (hoặc cho chính họ)?” (What did they do for these?). “Họ” đây là ai, là chính các bạn trẻ hay các thành viên đặc trách giáo dân, chủ yếu là giáo dân?
Theo ý của Charles Bertille, vấn đề thật không đúng hoặc chưa rốt ráo. Bởi vấn đề sẽ tốt hơn nhiều khi đặt câu hỏi: “Thế ‘chúng ta’ đã làm gì cho những người này?” (What did we do for these?). Thật vậy, vấn đề hệ tại chỗ người hỏi hay dùng từ “they” (“họ”) – có lẽ tất cả chúng ta cũng thường hỏi như vậy – chứ không phải là “we” (“chúng ta”) để nhìn nhận vai trò của chính mình trong Giáo hội như một toàn thể. Diễn giả nhấn mạnh, cần coi “đó là trách nhiệm của tất cả chúng ta”. Để đúc kết phần chia sẻ của mình, diễn giả nói: “Cũng đừng đổ lỗi cho cơ cấu tổ chức bởi vì chúng ta chính là cơ cấu đó”.
Tiếp đến là phần phát biểu của Cha Athur Leger, Giám đốc Học viện Mục vụ Đông Á (EAPI): “Một trong những nét đẹp của hội nghị là sự ‘hiện diện cùng’ cũng như ‘chia sẻ chung’ của các vị giám mục và các thành viên khác thuộc nhóm, nhưng hôm nay tiếc quá một số vị đã không thể đến”. Tuy nhiên, theo ngài, Chúa Thánh Thần vẫn đang kể tiếp câu chuyện về Chúa Giêsu Kitô qua các chứng nhân. Vậy, ngài nói, chúng ta kể câu chuyện ấy như thế nào, chúng ta cần xác định chúng ta là ai, đang làm gì, thậm chí có ý thức đủ mình là người môn đệ (giám mục, linh mục, giáo dân) của Chúa Giêsu và đang kể tiếp câu chuyện về Người hay không? Cha Athur Leger cũng nhắc đến phần chia sẻ của một thành viên thuộc phái đoàn Việt Nam trong buổi thảo luận nhóm trước đó: “… không thể đo lường hết các kết quả trong hoạt động tông đồ ‘kể tiếp câu chuyện về Chúa Giêsu Kitô’ của một ai đó, khi nhờ ơn Chúa Thánh Thần mà ra sức tham gia vào các công việc trong Giáo hội. Bởi không chỉ không dễ gì để cân đo đong đếm mà còn quan trọng hơn rất nhiều: tất cả cần ý thức sâu xa rằng, chính Thánh Thần Chúa mới là tác giả thực sự của những hoa trái thành tựu tông đồ”.
Bài chia sẻ của ngài còn khéo léo nhắc nhở mọi người đừng tự giới hạn trách nhiệm loan báo Tin mừng chỉ vỏn vẹn vào công việc bổn phận như: còn phải đi làm, không có thời gian, bận việc gia đình không thể tham gia (và rất nhiều lý do khác). Lời khuyên mạnh mẽ: đừng phân chia và đừng đặt mình vào những chọn lựa hạn hẹp như thế bởi vì toàn bộ cuộc sống của ta đều phải là ra đi loan báo Tin mừng. Đó cũng chính là sứ mệnh Tân Phúc âm hóa. Ở bất cứ nơi đâu, trong bất cứ môi trường nào, cuộc sống dù phức tạp đến đâu vẫn cứ luôn luôn hăng say với sứ mệnh “Tân Phúc âm hóa”. Đó là cách thể hiện tích cực nhất mà Kitô hữu phải làm và là phương kế khả thi tất yếu trong môi trường sống của mọi người, trong đó chắc chắn có vai trò và sứ mệnh hết sức cần thiết của từng người giáo dân.
Đức Tổng Giám mục Patrick D’Rozario (Chủ tịch FABC OLF) cũng đã dành thời gian giải đáp những thắc mắc, chia sẻ những tâm tư nguyện vọng của các thành viên tham dự Hội nghị BILA X lần này. Ngài nói, nếu chúng ta thật sự nhận ra ơn gọi nơi mỗi người, chúng ta sẽ ý thức được sự thôi thúc, đánh động tâm hồn của ơn Chúa Thánh Thần, sẽ cảm nhận được niềm vui, niềm vui của Tin mừng.
Tiến trình ngày hội thứ hai (04-3-2015)
Ngày thứ hai có nhiều sinh hoạt dành cho nhóm, cùng nhau thảo luận những chủ đề: (1) Các cộng đoàn Kitô hữu nhỏ (SCCs) và sự tác động của các cộng đoàn này đối với giáo dân (Tiến sĩ Bibiana Ro và Linh mục Rohan Dominic); (2) Đào tạo giáo dân và các phong trào (Linh mục Arthur Leger và Diễn giả Charles Bertille) (Maria Ngọc Huyên tham gia vào nhóm này); (3) Giáo dân, gia đình và công cuộc Phúc âm hóa (Linh mục Jyoti Costa, Linh mục Jacob Teckanath) (Têrêxa Thu Hà và Giuse Quang tham gia vào nhóm này).
Trong ngày thứ hai này có Anh Babu Marcus Gomes (đến từ Bangladesh), Chủ tịch Quỹ Tín dụng Dhaka Christian Coop & Credit Union, đã chia sẻ về hoạt động của quỹ tín dụng do anh phụ trách để minh họa việc giáo dân có thể tham gia hợp tác vào việc gây quỹ phát triển kinh tế xã hội. Anh đã chia sẻ những bài học kinh nghiệm rất bổ ích trong việc đối thoại với người nghèo, đến với họ và chia sẻ những khó khăn tài chính của họ. Đây là cách để rao giảng lời Chúa mà Quỹ Tín dụng Dhaka Christian Coop & Credit Union đang nỗ lực thực hiện với những hoạt động cụ thể. Cuối cùng, Đức Giám mục Silvio Siripong (Thái Lan) có bài phát biểu rất ý nghĩa về “Giáo dân trong sự hiệp thông và sứ vụ của Giáo hội (Laity in the communion and mission of the Church).
Tiến trình ngày hội thứ ba (05-3-2015)
Trong ngày cuối cùng tại hội nghị, các thành viên tham dự cùng nhau lượng giá kết quả từ những buổi thảo luận theo chủ đề, những bài học kinh nghiệm rút ra qua kỳ họp này, những thiếu sót và những việc tốt việc hay cần phát huy. Theo đánh giá chung của hội nghị, vì không có đủ thời gian mong muốn nên trọng tâm chia sẻ về vai trò và sứ mệnh của giáo dân vẫn chưa được thảo luận đến nơi đến chốn. Các buổi thảo luận gần như chỉ dừng lại ở mức cố gắng hiểu biết lẫn nhau về bối cảnh mục vụ nói chung của giáo dân (ở các nước có đại biểu tham dự).
Trong thực tế, với sự đa dạng thuộc bối cảnh chung các nước Á châu còn nhiều khó khăn cần tiếng nói đồng nhất hơn, giáo dân vẫn đang phải chấp nhận thực tại: vẫn nói “okay” mà thực sự vẫn thấy trong hiện tại và tương lai còn đó rất nhiều thách đố (chưa có thêm nhiều lượng giá cụ thể cùng những giải pháp khả dĩ nào khác). Tuy nhiên, có một hỗ trợ cơ bản và lâu dài là các tài liệu sách vở phong phú – với lời giới thiệu được trình bày trong hội nghị (cách đặc biệt từ các đại biểu thuộc các đoàn Philippines và Malaysia) – đối với các môn học đặc biệt dành cho dân Chúa mà giáo dân rất cần biết như: Truyền sự tự tin cho giáo dân Á châu (Empowering Asia’s Laity), Quản trị mục vụ (Pastoral Management), Lãnh đạo mục vụ (Pastoral Leadership)…. Tiếp đó, Ban Thư ký do Đức Giám mục Joel Bong Baylon (Philippines) đứng đầu, trình bản ghi nhận những ý kiến và toàn bộ quá trình diễn ra tại các buổi thảo luận (biên bản lần I). Biên bản này trong buổi thảo luận sau đó được Đức Giám mục Don Norbert Andrali đúc kết (biên bản lần II). Biên bản cuối sẽ do cô Wendi Louis (Tổng Thư ký FABC OLF) tổng hợp.
Lượng giá về vai trò và sứ mệnh của giáo dân
Căn cứ vào mục đích và những mong đợi của hội nghị: (1) Những chia sẻ do chính các giám mục và nhóm của các ngài nêu ra về chính sách và cơ cấu để hỗ trợ giáo dân phát huy vai trò, sứ mệnh của giáo dân đồng thời giúp hình thành cộng đoàn các tín hữu giáo dân thật năng động; (2) Thấu hiểu hơn về giáo dân là những thành tố quan trọng trong công cuộc Tân Phúc âm hóa và hướng đến những hỗ trợ cụ thể giúp bảo đảm việc thực thi vai trò tích cực dấn thân của giáo dân; (3) Các nhóm theo khu vực cần có kế hoạch cho một cuộc hội thảo cấp khu vực vào cuối năm 2015 hoặc đầu năm 2016 (xem lại tiến trình thực hiện); (4) Tầm nhìn của giáo dân trong việc phụng sự Chúa, phục vụ Giáo hội và xã hội…, chúng tôi cho rằng hội nghị vẫn luôn kỳ vọng rất nhiều về sự thích ứng tốt hơn của giáo dân trong vai trò và sứ mệnh rất vinh dự của chính giáo dân: “chuyên biệt trong lãnh vực trần thế”. Trong bối cảnh hiện nay tại Việt Nam, ta có thể đặc biệt nghĩ đến dụ ngôn về những người thợ được mời gọi vào làm việc trong vườn nho.[1] Chính Tông huấnKitô hữu giáo dân (Christifideles laici)[2] đề cập rất hay về vai trò thiết yếu của người tín hữu giáo dân trong Giáo hội hiện nay với định hướng “Nước Trời giống như chuyện gia chủ kia, vừa tảng sáng đã ra mướn thợ vào làm việc trong vườn nho của mình…”.[3]
Đôi điều mong đợi trong công việc mục vụ của giáo dân
Vẫn đang đợi bản đúc kết chính thức (biên bản cuối) như một tuyên bố chung từ Hội nghị BILA X, chúng ta có thể tin chắc rằng hội nghị đã đề cập đến mục tiêu giáo dân và sứ vụ, vấn đề quan trọng mà trong Thư Chung của Hội đồng Giám mục Việt Nam gửi cộng đoàn Dân Chúa vào năm 2013 cũng đã nói tới trong kế hoạch mục vụ ba năm (2014–2016) là Phúc-Âm-hóa đời sống gia đình; Phúc-Âm-hóa đời sống giáo xứ và các cộng đoàn; và Phúc-Âm-hóa đời sống xã hội. Có thể nói, tất cả đều cho thấy vai trò nòng cốt của giáo dân.
Những đề nghị của Ủy ban Giáo dân đối với sứ mệnh Phúc âm hóa giáo dân
Để thực hiện mục tiêu kép ba trong đối thoại (triple dialogue), đối với sứ mệnh Phúc âm hóa của giáo dân: với người nghèo, với các tôn giáo và với các nền văn hóa (with the poor, religions and cultures), Ủy ban Giáo dân mạo muội đề nghị một giải pháp kép đôi cho các tín hữu giáo dân: (1) thêm phần ý thức công cuộc loan báo Tin mừng là sứ mệnh thiết yếu thuộc bản chất của Giáo hội và là bổn phận dành cho mọi tín hữu như nhau (giáo sĩ cũng như giáo dân); (2) thêm cơ hội “được huấn luyện” (passive) và tham gia vào việc “huấn luyện” (active) để tăng cường năng lực dấn thân và thực sự hăng say thi hành sứ mệnh Phúc âm hóa cách chuyên biệt trong lãnh vực trần thế.
Theo đó, đặc biệt trong năm “Tân Phúc âm hóa đời sống các giáo xứ và các cộng đoàn sống đời thánh hiến” này, để giáo dân có thể trưởng thành hơn và chủ động dấn thân hơn trong nhiều lãnh vực, giáo dân cần tham gia nhiều hơn vào các khóa học cần thiết cho mục vụ giáo dân, cho công cuộc loan báo Tin mừng (cũng rất nên có nhiều giáo dân tham gia vào việc giảng dạy những khóa học này). Giáo dân rất cần được tạo bầu khí đối thoại nhiều hơn: giáo sĩ được kỳ vọng luôn chu toàn thật tốt các trách nhiệm mục vụ của mình (theo giáo luật), đồng thời vẫn luôn tin tưởng mời gọi sự tham gia tối đa và tích cực hơn của giáo dân trong các công việc mục vụ, cách riêng trong các lãnh vực chuyên môn của giáo dân, để mọi thành phần dân Chúa mãi luôn nỗ lực đưa Tin mừng đến với người nghèo, với các tôn giáo và với các nền văn hóa.
Viết tại Việt Nam, ngày 07-3-2015,
từ các văn kiện liên quan của Hội nghị BILA X
và từ các báo cáo trực tiếp của Ô. Giuse Cao Văn Quang,
B. Maria Ngô Thị Ngọc Huyên và B. Têrêxa Đinh Thị Thu Hà
Lm. Giuse Tạ Huy Hoàng
Thư ký Ủy ban Giáo dân (HĐGMVN)
–––––––––––––––––––––––––––
[1] x. Mt 20.
[2] Gioan Phaolô II, Tông huấn Kitô hữu giáo dân (về ơn gọi và sứ mạng của giáo dân trong Giáo hội và thế giới), ban hành ngày 30 tháng 12 năm 1988.
[3] Mt 20,1.
Lm. Giuse Tạ Huy Hoàng