Đức Thánh Cha liên đới
với Giáo Hội và nhân dân Ucraina
***
VATICAN. Trong buổi tiếp kiến sáng 20-2-2015, dành cho 32 GM Công Giáo Ucraina, ĐTC tái bày tỏ tình liên đới với nhân dân nước này đang chịu đau khổ vì xung đột bạo lực và ngài kêu gọi các phe liên hệ tôn trọng hiệp định đình chiến.
21 GM Công Giáo Ucraina nghi lễ đông phương và 11 GM Công Giáo la tinh, về Roma hành hương, viếng mộ hai thánh Tông đồ Phêrô Phaolô và thăm Tòa Thánh trong tuần này.
Ngỏ lời trong buổi gặp gỡ các GM, ĐTC ghi nhận Ucraina đã chịu cảnh xung đột từ nhiều tháng nay và tiếp tục gây nên nhiều nạn nhân vô tội, tạo ra đau khổ cho toàn dân. Ngài cầu nguyện cho những người quá cố và tất cả những người bị thương tổn vì bạo lực, xin Chúa sớm ban ơn hòa bình. ĐTC kêu gọi tất cả những phe liên hệ hãy áp dụng các thỏa hiệp đã cùng nhau đạt tới, đồng thời tôn trọng nguyên tắc của công pháp quốc tế, đặc biệt là tuân hành cuộc đình chiến mới ký kết, và thi hành tất cả những cam kết như điều kiện để tránh cho xung đột khỏi tái diễn.
ĐTC nhắc nhở các GM Ucraina tránh đưa ra những câu trả lời trực tiếp về chính trị, vì đó không phải là ơn gọi của các vị, tuy nhiên có những thực tại xã hội văn hóa và thảm trạng con người đang chờ đời đóng góp trực tiếp và tích cực của các GM.
Trong chiều hướng này, ngài cổ võ các GM Ucraina quan tâm đối với những giá trị về phương diện mục vụ như: gặp gỡ, cộng tác, khả năng giải quyết những tranh chấp, tóm lại là tìm kiếm nền hòa bình có thể.
Trong bài huấn dụ, ĐTC cho biết Tòa Thánh luôn hỗ trợ các GM Ucraina, kể cả nơi các tổ chức quốc tế, để giúp các giới chức hữu trách hiểu về các quyền lợi, những lo âu và các giá trị Tin Mừng là động lực hoạt động của các vị.
ĐTC không quên tố giác tình trạng một thiểu số người ở Ucraina rất giầu sang, gây thiệt hại cho đại đa số dân sống trong lầm than. Tình trạng này cũng làm ô nhiễm các cơ quan công quyền, tạo nên tình trạng nghèo đói tại một phần đất quảng đại và phong phú.
Sau cùng, ĐTC cổ võ sự hiệp nhất giữa các GM Công Giáo nghi lễ đông phương và la tinh ở Ucraina và khẳng định rằng ”Sự hiệp nhất của hàng GM không những làm gương sáng cho dân Chúa, nhưng còn là một việc phục vụ vô giá dành cho đất nước và dân tộc, trên bình diện văn hóa và xã hội, và nhất là bình diện tinh thần. Tôi thấy một điều rất quan trọng là những cuộc họp chung giữa tất cả các GM thuộc mọi Giáo Hội tự quản ở Ucraina. Anh em hãy luôn quảng đại trong việc nói với nhau như anh em. Các tín hữu Công Giáo nghi lễ đông phương cũng như Công Giáo la tinh, đều là con của Giáo Hội Công Giáo, cả nơi phần đất của anh em vốn đã chịu cuộc tử đạo lâu dài” (SD 20-2-2015)
Đức TGM Shevchuk
Cũng liên quan tới Ucraina, trong cuộc phỏng vấn dành cho hãng tin Công Giáo Hoa kỳ hôm 19-2-2015, trước khi gặp ĐTC, Đức TGM trưởng KIev-Halych, Sviatoslav Shevchuk, Giáo chủ Công Giáo Ucraina nghi lễ đông phương, nói rằng: ”Chúng tôi đến đây là trình bày sự thật cho ĐTC về tình hình Ucraina và đó cũng là mục tiêu cuộc viếng thăm của chúng tôi nơi mộ các thánh Tông Đồ. Và sự thực là dân tộc Ucraina là nạn nhân.. Bổn phận của chúng tôi là trình bày sự thật, chứ không phải là bó buộc ai phải thay đổi ý kiến. Đây không phải là một cuộc nội chiến tại Ucraina, nhưng là một cuộc gây hấn trực tiếp từ một nước láng giềng.
Trong thời gian qua đã có sự xôn xao và phê bình trong dư luận báo chí ở Ucraina, sau khi ĐTC ứng khẩu kêu gọi hòa bình cho Ucraina trong buổi tiếp kiến chung ở Vatican ngày 4-2 và tố giác cuộc chiến ”huynh đệ tương tàn” ở miền đông nước này giữa các tín hữu Kitô với nhau.
Báo chí Ucraina phê bình Tòa Thánh theo lập trường của Nga để giữ quan hệ tích cực về đại kết với Giáo Hội Chính Thống Nga. Cha Lombardi Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh đã bác bỏ giải thích này.
Cộng hòa Ucraina rộng 603.500 cây số vuông trước khi miền Crimea bị biến thành lãnh thổ của Nga sau cuộc trưng cầu dân ý tại đây. Ucraina có hơn 45 triệu 370 ngàn dân cư trong số này 78% là người Ucraina, 17% là người Nga. Đa số dân nước này theo Chính Thống giáo chia làm 3 Giáo hội khác nhau. Giáo Hội Công Giáo, chiếm 10% dân số Ucraina, có khoảng 4 triệu 900 ngàn tín hữu, trong đó có 800 ngàn thuộc Công Giáo la tinh và phần còn lại theo nghi lễ Đông phương Bizantine (CNS 19-2-2015)
G. Trần Đức Anh OP (RV.)