Bài diễn văn từ biệt đầy cảm hứng của ĐHY Tagle
***
Cuộc tông du mục vụ tại Phi Luật Tân cuả Đức Thánh Cha chứa đầy cảm hứng cho tới những giây phút cuối cùng.
Đức Thánh Cha đã như bị thôi miên và đôi mắt long lanh ngấn lệ khi nghe Đức Hồng Y Tagle, tổng giám mục Manila nói : “Ngày mai ĐTC sẽ ra đi. Mọi người Phi Luật Tân cũng muốn đi theo ĐTC (ngưng…) – không phải đến Rome – nhưng là đến những vùng ngoại vi (ngưng…)”
Chúng ta biết ĐHY Luis Antonio Gokim Tagle là một vị Hồng Y còn rất trẻ, mới có 58 tuổi, và thường được đồn đoán sôi nổi rằng Ngài là một người Á Châu có thể làm giáo hoàng.
Cũng như ĐTC Phanxicô, ĐHY Tagle vẫn giữ một cuộc sống đơn sơ nghèo khó, từng đi một chiếc xe đạp cũ khi mới lên làm giám mục, thường xử dụng xe buýt và thường mời các người vô gia cư vào ăm cơm trưa với mình.
Ông John L. Allen Jr., một phóng viên cao cấp của tờ National Catholic Reporter, mô tả Ngài như là “có một năng khiếu giao tiếp đặc biệt, là một diễn giả được săn lùng bởi các hệ thống truyền thông. Tại Đại Hội Thánh Thể Quốc Tế tại Quebec năm 2008, Ngài đã thu hút khán thính giả đến nỗi làm cho toàn bộ cử toạ của sân vận động phải rơi nước mắt.”
Ngày nay nhờ những phương tiện truyền thông tối tân, chúng ta có thể tham dự những giây phút đặc biệt của sự tương ứng giữa hai vị, ĐGH và ĐHY, trong bài diễn văn từ biệt sau đây.
Theo đài Vatican (ở giây phút thứ 1:54:09)
Kính thưa Đức Thánh Cha,
Nhân danh Tổng Giáo Phận Manila, và những người đã làm việc không mệt mỏi cho chuyến viếng thăm mục vụ của ĐTC, và những người Phi Luật Tân mà ĐTC đã củng cố đức tin trong những ngày qua, Chúng con một lần nữa xin nói lời cảm ơn. Chúng con nói “Maraming Salamat po” (Cảm ơn ĐTC nhiều) là để thay mặt cho các trẻ em ngoài đường phố, cho những trẻ mồ côi, người góa bụa, người định cư không chính thức vô gia cư, người lao động, nông dân, ngư dân, người bệnh, người già bị bỏ rơi, các gia đình nạn nhân của những người mất tích, các nạn nhân phân biệt đối xử, bạo lực, lạm dụng, khai thác, buôn bán người, những người lao động nhập cư và gia đình của họ, những người sống sót qua thiên tai và qua các xung đột vũ trang, người Công Giáo ngoài Kitô giáo, (tức là) các tín đồ của các tôn giáo khác ngoài Kitô giáo, những người cổ động cho hòa bình đặc biệt ở Mindanao và những thụ tạo đang rên rỉ (có ý nói tới những bào thai bị phá bỏ?). Một lần nữa Chúng con xin nói, “Maraming salamat po, Santo Padre.”
ĐTC thường kết thúc cuộc gặp gỡ với mọi người bằng một câu nói rằng, “Tôi xin quý vị cầu nguyện cho tôi.” Chúng con hứa sẽ cầu nguyện cho ĐTC. Nhưng chúng con cũng muốn đảm bảo với ĐTC rằng Chúa Giêsu đang cầu nguyện cho ĐTC. Chúa Giêsu đã nói với Phêrô: “Ta đã cầu nguyện cho con để con được vững mạnh trong đức tin.” (Luca 22:32). Thưa Đức Thánh Cha, ĐTC thật là may mắn. Chúa Giêsu cầu nguyện cho ĐTC. Những người Phi Luật Tân yêu quý của ĐTC cũng đang hiệp thông với Chúa Giêsu trong lời cầu nguyện cho ĐTC lên Đức Chúa Cha.
ĐTC đến Phi Luật Tân cách đây ba ngày. Ngày mai ĐTC sẽ ra đi. Mọi người Phi Luật Tân cũng muốn đi theo ĐTC – không phải đến Rome – nhưng là đến những vùng ngoại vi, đến những khu ổ chuột, những nhà tù, bệnh viện, đến tới thế giới chính trị, tài chính, nghệ thuật, khoa học, văn hóa, giáo dục và truyền thông xã hội. Chúng con sẽ đi đến thế giới để mang tới ánh sáng của Chúa Giêsu, Chúa Giêsu là trung tâm của chuyến thăm mục vụ của ĐTC và là nền tảng của Giáo Hội. Chúng Con sẽ đi tới những nơi mà ánh sáng của Chúa Giê-su đang cần thiết ở đó. Ở đây tại công trường Luneta (Còn gọi là Rizal Park), trên khán đài Qurino này, nơi mà các anh hùng được tôn kính, nơi mà các tổng thống tuyên thệ nhậm chức và các vị giáo hoàng gặp mặt các tín hữu Phi Luật Tân, là nơi của những khởi đầu mới, xin hãy sai chúng con đi loan truyền ánh sáng. Vậy trước khi ra đi, Đức Thánh Cha hãy sai chúng con đi loan toả ánh sáng của Chúa Giêsu. Bất cứ nơi nào có ánh sáng của Chúa Giêsu, ĐTC và người Phi Luật Tân sẽ luôn luôn hợp nhất. Mabuhay, Santo Padre! Mabuhay si Kristo! Hãy để cho ánh sáng của Chúa Kitô tỏa sáng!
Trần Mạnh Trác