Đức Thánh Cha Phanxicô
tông du Thổ Nhĩ Kỳ:
Ngày thứ ba
***
WHĐ (1.12.2014) – Sau hai ngày viếng thăm Thổ Nhĩ Kỳ, sáng Chúa nhật 30-11, Chúa nhật I Mùa Vọng 2014, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bắt đầu ngày thứ ba, cũng là ngày cuối cùng của chuyến tông du, với Thánh lễ riêng được cử hành tại Toà Khâm sứ Toà Thánh tại Istanbul, nơi Thánh Gioan XXIII đã từng làm việc trên cương vị Khâm sứ Toà Thánh (1934-1944) cách nay vừa đúng 80 năm (30/11/1934 – 2014).
Chương trình ngày thứ ba của Đức Thánh Cha tại Thổ Nhĩ Kỳ, như đã dự định, gồm: Cử hành Phụng vụ Giờ kinh tại Nhà thờ Chính thống giáo Thánh George cùng Đức Thượng phụ Bartholomaios I; ký Tuyên bố chung với Đức Thượng phụ Bartholomaios I; kết thúc chuyến tông du và trở về Roma.
Ngoài chương trình được dự định, cuối cùng, Đức Thánh Cha đã gặp một số bạn trẻ đến từ nhiều nơi, hiện đang tị nạn trên đất Thổ Nhĩ Kỳ.
Gặp gỡ và cầu nguyện cho nhau phải đi trước đối thoại thần học, trao đổi tư tưởng
Tại nhà thờ Thánh George của Chính thống giáo ở Phanar, Istanbul, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tham dự Phụng vụ Giờ Kinh do Đức Thượng phụ Chính thống giáo Bartholomaios I chủ sự.
Trong bài phát biểu trước khi kết thúc Phụng vụ Giờ Kinh, Đức Thánh Cha cho biết hồi còn là Tổng giám mục Buenos Aires (Argentina), ngài vẫn thường cử hành Phụng vụ Giờ Kinh với cộng đoàn Chính thống giáo. Riêng dịp này, trong khuôn khổ chuyến tông du Thổ Nhĩ Kỳ, ngài nhận thấy “được Chúa ban ơn riêng là được có mặt tại nhà thờ Thánh George của Giáo hội Chính thống để mừng lễ Thánh Anrê, vị tông đồ tiên khởi, anh của Thánh Phêrô và là Bổn mạng của Toà Thượng phụ Constantinopolis”.
Đức Thánh Cha nhấn mạnh “những khía cạnh cốt yếu của hành trình tiến đến việc khôi phục hoàn toàn sự hiệp thông”:
“Gặp gỡ nhau, nhìn nhau mặt đối mặt, trao hôn bình an và cầu nguyện cho nhau, là những khía cạnh cốt yếu của hành trình tiến đến việc khôi phục hoàn toàn sự hiệp thông. Tất cả những điều này đi trước và luôn luôn đồng hành với những khía cạnh cốt yếu khác, chẳng hạn đối thoại về thần học, của hành trình hiệp thông. Trong mọi trường hợp, cuộc đối thoại đích thực phải là sự gặp gỡ giữa những con người có một tên gọi, một khuôn mặt, một dĩ vãng cụ thể, và hoàn toàn không đơn thuần chỉ là sự gặp gỡ giữa những ý tưởng”.
Tiếp đến, Đức Thánh Cha gợi lại những “kinh nghiệm gặp gỡ”: Thánh Anrê đã gặp gỡ Đấng yêu thương và cứu độ, sau đó đã đưa em mình là Phêrô đến với Chúa Giêsu; cuộc gặp gỡ giữa Đức Thượng phụ Athenagoras với Chân phước giáo hoàng Phaolô VI, cách nay đúng 50 năm, đã mở ra nhiều triển vọng cho hành trình hiệp thông; và mới đây, ngài và ĐứcBartholomaios I đã gặp nhau tại Jerusalem, tại “thành phố Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, đã chết và sống lại”.
Đức Thánh Cha lưu ý, kinh nghiệm gặp gỡ của Thánh Anrê với Chúa Giêsu đã cho thấy “mọi cuộc đối thoại của các Kitô hữu không thể cắt đứt lôgich của việc gặp gỡ cá nhân”.
Trong dịp này, Đức Thánh Cha bày tỏ niềm vui mừng nhận ra chuyến viếng thăm Giáo hội Chính thống giáo tại Thổ Nhĩ Kỳ trùng với dịp kỷ niệm 50 năm ban hành Sắc lệnh Unitatis Redintegratio (Tái lập sự Hiệp nhất) của Công đồng chung Vatican II. Đức Thánh Cha nói: “Đây là văn kiện nền tảng mở ra những đại lộ cho việc gặp gỡ giữa những người Công giáo với anh chị em thuộc các Giáo hội và những cộng đoàn Hội Thánh khác”.
Đức Thánh Cha bày tỏ điều được Giáo hội Công giáo mong mỏi, và giám mục Roma thiết tha tìm kiếm, là “sự hiệp thông với các Giáo hội Chính thống giáo”, “tình yêu thương huynh đệ nói lên mối dây thiêng liêng và siêu việt liên kết chúng ta là những môn đệ của Chúa Kitô”.
Chính ý thức “làm người môn đệ của Chúa” sẽ thúc đẩy các tín hữu Công giáo và Chính thống giáo lắng nghe tiếng kêu cầu đang cất lên khắp mọi nơi trên thế giới. Đó là tiếng kêu của người nghèo, của nạn nhân các cuộc xung đột hiện nay và của người trẻ. Tinh thần “làm người môn đệ của Chúa”, lắng nghe những tiếng kêu cầu của thế giới, sẽ là động lực giúp hai Giáo hội xích lại và hiệp nhất cùng nhau.
Tuyên bố chung: Tình yêu và sự thật là con đường vượt qua mọi chia rẽ
Sau khi cùng nhau cử hành phụng vụ Giờ Kinh, hai vị lãnh đạo Giáo hội Công giáo và Chính thống giáo đã từ nhà thờ Thánh George qua Toà Thượng phụ Constantinopolis để ký bản Tuyên bố chung.
Trong Tuyên bố chung, hai vị “cảm tạ Thiên Chúa đã ban cho chúng tôi ơn được gặp gỡ nhau (…), được cùng nhau mừng lễ thánh Anrê, người đầu tiên được Chúa kêu gọi và là anh của Tông đồ Phêrô. Chúng tôi nhớ đến các Thánh Tông đồ: các vị đã dùng lời rao giảng và chứng từ tử đạo để loan báo Tin Mừng cho thế giới, củng cố nơi chúng tôi niềm khát khao được tiếp tục cùng nhau tiến bước, biết nhờ tình yêu và sự thật để vượt qua những trở ngại đang chia cắt chúng tôi”.
Đức Thánh Cha Phanxicô và Đức Thượng phụ Bartholomaios I đồng khẳng định những mối quan tâm và nỗ lực chung, qua những điểm chính sau đây:
– “Tăng cường mọi nỗ lực nhằm cổ võ sự hiệp nhất toàn vẹn mọi Kitô hữu, trước hết là sự hiệp nhất giữa Công giáo và Chính thống giáo. Như vậy, chúng tôi sẽ hỗ trợ việc đối thoại về thần học do Uỷ ban Phối hợp quốc tế xúc tiến. Uỷ ban này được Đức Thượng phụ Dimitrios và Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II thiết lập cách nay đúng 35 năm, ngay tại Phanar này, hiện đang giải quyết những vấn đề khó khăn nhất do lịch sử cuộc chia cắt của chúng ta để lại và cần được xem xét cẩn trọng và nghiên cứu kỹ lưỡng”.
– “Chúng tôi bày tỏ mối quan tâm chung về tình hình hiện nay tại Iraq, Syria và toàn vùng Trung Đông. Chúng tôi hiệp nhất với nhau trong niềm khao khát hoà bình và sự ổn định, trong ý muốn cổ võ việc giải quyết các xung đột qua đối thoại và hoà giải”.
– “Chúng tôi nhận thấy cần phải cổ võ cuộc đối thoại mang tính xây dựng với Hồi giáo, đặt trên nền tảng tôn trọng và làm bạn với nhau”.
– “Chúng tôi không thể không nói đến các Kitô hữu tại Trung Đông, những người đã tuyên xưng Danh Chúa Giêsu hai ngàn năm nay. Nhiều anh em, chị em của chúng tôi đang chịu bách hại và buộc phải lìa bỏ nhà cửa của mình”.
– “Chúng tôi cầu nguyện cho nền hoà bình tại Ukraina, đất nước có truyền thống Kitô giáo lâu đời, đồng thời kêu gọi các bên có liên quan hãy theo đuổi con đường đối thoại và tôn trọng luật pháp quốc tế nhằm chấm dứt cuộc xung đột và cho mọi người Ukraina được sống trong sự hoà hợp”.
“Chúa không bao giờ quên con cái mình”
Trước khi kết thúc chuyến tông du Thổ Nhĩ Kỳ, tại Nhà thờ chính toà Công giáo Istanbul, Đức Thánh Cha đã gặp khoảng 50 người trẻ tị nạn đang được các tu sĩ Salêdiêng chăm sóc, phục vụ tại trại tạm cư Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ). Đây là các bạn trẻ đại diện cho những người tị nạn đến từ nhiều nơi, như Iraq, Syria, Trung Đông và một số quốc gia châu Phi.
Đây là hoạt động ngoài chương trình chuyến tông du của Đức Thánh Cha, và cũng là hoạt động được Đức Thánh Cha mong ước thực hiện.
Ngỏ lời với những người tị nạn trẻ, Đức Thánh Cha nói: “Các con đừng nản lòng. Hãy luôn trông cậy Chúa sẽ giúp các con có được một tương lai tốt đẹp hơn, dù cho lúc này các con phải đương đầu với những khó khăn, trở lực”.
Đức Thánh Cha bảo đảm Thiên Chúa, qua Giáo hội của Ngài, luôn ở bên mọi người đau khổ, nhất là các bạn trẻ đang sống cảnh tị nạn:
“Các con hãy nhớ Chúa không quên con cái mình, và những ai bé mọn nhất, những người đang chịu đau khổ nhất thì ở gần bên trái tim Chúa Cha hơn cả”.
Đức Thánh Cha không quên cảm ơn chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã nỗ lực giúp đỡ những người tị nạn, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế hãy quan tâm hơn nữa đến tình cảnh của biết bao người khốn khổ vì các cuộc xung đột, mau chóng tìm cách chấm dứt tình trạng bi thảm này trên thế giới.
Sau khi gặp các bạn trẻ tị nạn, Đức Thánh Cha đã ra phi trường Istanbul, lên đường về Roma, kết thúc chuyến tông du ba ngày tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Thành Thi
Nguồn: WHĐ