Trước chuyến viếng thăm Thổ Nhĩ Kỳ
của Đức Thánh Cha Phanxicô,
bàn về đối thoại đại kết
+++
WHĐ (24.10.2014) – Đức hồng y Kurt Koch, Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh Hiệp nhất Kitô giáo đã bày tỏ hy vọng rằng chuyến tông du sắp tới của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Thổ Nhĩ Kỳ sẽ giúp tăng cường các mối quan hệ Công giáo-Chính Thống giáo hiện nay.
Hôm 22-10, Đức hồng y đã phát biểu với hãng tin Công giáo CNA: “Đối với tôi, quan điểm đại kết của Đức Thượng phụ Bartholomaios là rất hữu ích bởi vì chúng ta có một số hướng đi trong cuộc đối thoại để tránh các vấn đề thần học và bàn về các vấn đề khác”.
Ngài nhận định: “Đức Thượng phụ giúp tôi luôn tin rằng chúng ta có nhu cầu đối thoại thần học giữa Giáo hội Chính thống và Giáo hội Công giáo, và trong ý nghĩa này, tôi nghĩ rằng chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha có thể làm cho mối quan hệ của chúng ta thêm sâu sắc”.
Đức hồng y Koch đưa ra ý kiến trên đây một ngày sau khi Toà Thánh công bố chương trình chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Thổ Nhĩ Kỳ.
Chuyến đi sẽ diễn ra từ ngày 28 đến 30-11, chỉ vài ngày sau khi Đức Thánh Cha Phanxicô đến thăm và đọc diễn văn tạiNghị viện và Hội đồng châu Âu ở Strasbourg vào ngày 25-11 sắp tới.
Chuyến viếng thăm của Đức giáo hoàng Phanxicô chủ yếu là để đáp lại lời mời của Đức Thượng phụ Bartholomaios I, mời ngài tham dự lễ kính Thánh Anrê, bổn mạng của Chính thống giáo.
Vì mối quan hệ giữa hai Giáo hội Công giáo và Chính thống giáo đang tốt đẹp, Đức hồng y giải thích rằng chuyến đi của Đức giáo hoàng sẽ là một cơ hội để đẩy mạnh hơn nữa những mối quan hệ này thông qua đối thoại về những điểm bất đồng trong thần học.
Đức hồng y Koch nhận định: “Đây là một cuộc đối thoại rất khó khăn vì hiện nay chúng ta đang thảo luận về chủ đềquyền tối thượng trong Giáo hội và trước hết là quyền tối thượng của giám mục Roma”; và vì những chia rẽ trong lịch sử, tiến trình hiệp nhất là một thách đố rất lớn.
Ngài cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đối thoại với người Hồi giáo, và nói rằng mặc dù cuộc đối thoại không ngừng giữa Công giáo và Chính thống vẫn luôn cần thiết, Hồi giáo là một chủ đề đặc biệt quan trọng trong các cuộc thảo luận của Giáo hội ngày nay.
Để thiết lập cuộc đối thoại mang tính xây dựng, Đức hồng y nói rằng những người Hồi giáo ôn hoà phải cho thấy rõ ràng họ khác biệt với các nhóm cực đoan, để giúp đỡ các Kitô hữu và các nhóm thiểu số đang bị đàn áp khác trong giai đoạn căng thẳng hiện nay.
“Tôi nghĩ rằng điều hết sức quan trọng là không làm phương hại đến cuộc đối thoại với người Hồi giáo, nhưng họ phải xác nhận họ đang đứng ở đâu, và trên hết tôi nghĩ rằng điều rất quan trọng là đạt được thông điệp chung rằng bạo lực không phải là người chị em của tôn giáo”.
“Người chị em của tôn giáo là sự bình an thánh thiêng”, đây là một sứ điệp rõ ràng và mạnh mẽ của Đức BênêđictôXVI khi ngài còn tại nhiệm giáo hoàng, và nay được Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp nối.
Đức hồng y Koch giải thích: “Chúng tôi có kinh nghiệm của điều mà Thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nói đến, đó là đại kết tử đạo, bởi vì tất cả các Giáo hội: Giáo hội Chính Thống, Giáo hội Tin Lành, Giáo hội Công giáo ở Trung Đông đều có các vị tử đạo”.
Thánh Gioan Phaolô II đã hướng mọi người lưu tâm đến việc Giáo hội thường nói rằng máu của các vị tử đạo là hạt giống sinh ra các Kitô hữu như thế nào, và bày tỏ hy vọng rằng máu của rất nhiều vị tử đạo ngày nay sẽ là “hạt giống làm nảy sinh sự hiệp nhất mới giữa các Kitô hữu”.
Trước chuyến viếng thăm Thổ Nhĩ Kỳ sắp diễn ra, Đức Thánh Cha Phanxicô và Đức Thượng phụ Bartholomaios I đã gặp nhau nhiều lần. Các ngài đã đưa ra một tuyên bố chung trong chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha đến Thánh Địa hồi tháng Năm, và cùng tổ chức một buổi Cầu nguyện cho hoà bình Trung Đông tại Vườn Vatican vào ngày 8 tháng Sáu.
Đức Thượng phụ Bartholomaios I cũng có kế hoạch triệu tập một Thượng Hội đồng Toàn Chính thống giáo, dự địnhdiễn ra vào năm 2016, trong một nỗ lực hàn gắn những chia rẽ trong các Giáo hội Chính Thống và hướng tới một sự hiệp nhất nội bộ cổ võ việc đối thoại với Roma.
Mối quan hệ thân thiết giữa Đức Thánh Cha Phanxicô và Đức Thượng phụ Bartholomaios khiến nhiều người cho rằng hai vị đang hợp tác về thông điệp sắp tới của Đức giáo hoàng về sinh thái, và sẽ dùng làm tuyên bố chung về chủ đề này.
(Theo CNA)
Minh Đức (Nguồn: WHĐ)