Hội đồng Toà Thánh về Đối thoại Liên tôn lên án
“chủ nghĩa khủng bố nhân danh tôn giáo”
***
WHĐ (13.08.2014) – Đức hồng y Fernando Filoni với vai trò đặc sứ của Đức Thánh Cha đã rời Roma vào ngày 12 tháng Tám để bay tới Iraq trong một nỗ lực nhằm chấm dứt cuộc tàn sát các Kitô hữu của các chiến binh Hồi giáo.
Trong khi đó, trước tình hình bạo lực ngày càng gia tăng tại Iraq, Hội đồng Toà Thánh về Đối thoại Liên tôn đã ra một tuyên bố kêu gọi các nhà lãnh đạo tôn giáo, những người đang tham gia trong lĩnh vực đối thoại liên tôn và tất cả những người thiện chí mạnh mẽ lên án “chủ nghĩa khủng bố nhân danh tôn giáo”. Hội đồng cũng kêu gọi các nhà lãnh đạo tôn giáo dùng ảnh hưởng của họ với chính quyền để chấm dứt những tội ác này, để trừng phạt những kẻ thủ ác và lập lại các quy định của pháp luật trên khắp đất nước, bảo đảm cho những người bị trục xuất được trở về…
Trong phần kết thúc của tuyên bố đầy cứng rắn này, Hội đồng vẫn tin tưởng vào sức mạnh của đối thoại và hoà giải, đồng thời khẳng định rằng “Bạo lực không bao giờ dập tắt được bạo lực. Chỉ có thể thắng được bạo lực bằng hoà bình”.
Sau đây là toàn văn tuyên bố nói trên:
Cả thế giới đã chứng kiến –mà không tin đó là sự thật– cái đang được gọi là “sự tái lập Nhà Nước Hồi giáo (khilafa)”, vốn đã bị Kamal Ataturk, người sáng lập Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại, bãi bỏ ngày 29-10-1923. Sự phản đối của hầu hết các tổ chức tôn giáovà các nhà chính trị Hồi giáo chống lại “sự tái lập” này đã không ngăn được các chiến binh của “Nhà nước Hồi giáo” phạm và tiếp tục phạm những hành vi tội ác không tả xiết.
Hội đồng Toà Thánh này, cùng với tất cả những người dấn thân trong cuộc đối thoại liên tôn, với các tín đồ của tất cả các tôn giáo, và tất cả những người nam nữ thiện chí, chỉ có thể tố giác và quyết liệt lên án những hành động gây nhục nhã cho nhân loại sau đây:
– tàn sát con người chỉ vì tôn giáo của họ;
– chặt đầu, đóng đinh và treo thi thể ở nơi công cộng;
– buộc các Kitô hữu và người Yezidi phải cải đạo sang Hồi giáo, nộp thuế (jizya) hoặc phải bị trục xuất;
– cưỡng bách trục xuất hàng chục ngàn người, kể cả trẻ em, người già, phụ nữ mang thai và bệnh nhân;
– bắt các thiếu nữ và phụ nữ của các cộng đồng Yezidi và Kitô giáo làm chiến lợi phẩm (sabaya);
– áp đặt biện pháp man rợ khâu bộ phận sinh dục của phụ nữ;
– phá hủy các nơi thờ phượng và các nơi chôn cất của Kitô giáo và Hồi giáo;
– chiếm đóng hoặc xúc phạm đến các nhà thờ và tu viện;
– gỡ bỏ các thánh giá và các biểu tượng tôn giáo khác của Kitô giáo và các cộng đồng tôn giáo khác;
– phá hủy di sản vô giá về tôn giáo và văn hóa của Kitô giáo;
– bạo hành bừa bãi nhằm khủng bố người dân, buộc họ phải chịu khuất phục hoặc trốn đi.
Không có chính nghĩa nào, và chắc chắn không có tôn giáo nào, có thể biện minh cho thói man rợ như thế. Điều đó xúc phạm cực kỳ nghiêm trọng đến nhân loại và đến Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa, như Đức Thánh Cha Phanxicô thường nhắc nhở chúng ta.
Nhưng chúng ta cũng không quên được rằng các Kitô hữu và người Hồi giáo đã sống chung với nhau –tuy có những lúc thăng trầm– qua bao thế kỷ, xây dựng một nền văn hóa chung sống hoà bình và nền văn minh mà họ rất tự hào. Hơn nữa, chính trên nền tảng ấy, trong những năm gần đây, cuộc đối thoại giữa các Kitô hữu và người Hồi giáo vẫn tiếp diễn và đang gia tăng.
Hoàn cảnh bi thảm của các Kitô hữu, của những người Yezidi và các cộng đồng tôn giáo khác cũng như các dân tộc thiểu số ở Iraq đòi hỏi các nhà lãnh đạo tôn giáo phải có một lập trường dứt khoát và can đảm, nhất là các nhà lãnh đạo Hồi giáo, cũng như những người dấn thân trong lĩnh vực đối thoại liên tôn và mọi người thiện chí. Tất cả đều phải đồng thanh lên án quyết liệt những tội ác nói trên và tố giác việc lạm dụng tôn giáo để biện minh cho những tội ác ấy. Nếu không, còn đâu sự khả tín của tôn giáo, của các tín đồ và các nhà lãnh đạo các tôn giáo? Còn đâu sự khả tín của cuộc đối thoại liên tôn mà chúng ta đã kiên trì theo đuổi suốt những năm tháng qua?
Các nhà lãnh đạo tôn giáo cũng được mời gọi dùng ảnh hưởng của họ với các nhà cầm quyền để chấm dứt những tội ác này, để trừng phạt các thủ phạm và để tái lập luật pháp trên khắp đất nước, bảo đảm cho những người bị trục xuất được trở về. Đang khi nhắc nhở rằng cần phải quản trị xã hội loài người một cách có đạo đức, các nhà lãnh đạo tôn giáo ấy cũng đừng quên nhấn mạnh rằng việc trợ giúp, tài trợ và cung cấp vũ khí cho khủng bố là điều phải lên án về mặt luân lý.
Tuy nhiên, Hội đồng Toà Thánh về Đối thoại Liên tôn biết ơn tất cả những người đã lên tiếng cáo giác chủ nghĩa khủng bố, nhấtlà loại khủng bố lợi dụng tôn giáo để biện minh cho mình.
Vậy, chúng ta hãy đồng thanh với Đức Thánh Cha Phanxicô rằng: “Xin Thiên Chúa bình an khơi lên trong mỗi người chúng tamong muốn chân thành đối thoại và hoà giải. Bạo lực không bao giờ dập tắt được bạo lực. Chỉ có thể thắng được bạo lực bằng hoà bình”.
Minh Đức