Tòa Thánh lên án việc tái lập Nhà Nước Hồi Giáo
***
VATICAN. Hội đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn nghiêm khắc lên án việc tái lập Nhà Nước Hồi giáo với những hành vi man rợ và tàn ác đi kèm.
Trong tuyên ngôn công bố hôm 12-8-2014, Hội đồng Tòa Thánh khẳng định rằng:
”Toàn thế giới kinh hoàng chứng kiến cái gọi là ”sự tái lập Nhà Nước Hồi giáo (califat) vốn đã bị Kamal Ataturk, vị sáng lập nước Thổ nhĩ kỳ hiện đại, bãi bỏ ngày 29-10-1923.
”Sự phản đối của đại đa số các tổ chức tôn giáo và chính trị Hồi giáo chống lại sự ”tái lập” này vẫn không ngăn cản những kẻ ”thánh chiến của Nhà Nước Hồi giáo” phạm và tiếp tục phạm những hành vi tội ác khôn tả. Hội đồng Tòa Thánh này, tất cả những người dấn thân trong công cuộc đối thoại liên tôn, tín đồ của tất cả các tôn giáo cũng như những người nam nữ thiện chí chỉ có thể tố giác và lên án quyết liệt những phương thức bất xứng với con người như:
– tàn sát con người chỉ vì họ thuộc về một tôn giáo nào đó;
– chặt đầu người, đóng đanh và treo thi thể trước công chúng;
– bó buộc các tín hữu Kitô và người yézidi phải chọn lựa một là theo Hòi giáo, hay là trả tiền thuế (yizya) hay là phải di cư;
– trục xuất hàng chục ngàn người, trong đó có các trẻ em, người già, phụ nữ đang mang thai và bệnh nhân.
– bắt cóc các thiếu nữ và phụ nữ thuộc cộng đoàn yézidie và Kitô như chiến lợi phẩm (sabaya);
– áp đặt biện pháp man rợ khâu kín cơ phận sinh dục phụ nữ;
– phá hủy các nơi thờ phượng và lăng tẩm của Kitô giáo và Hồi giáo;
– chiếm đóng hoặc xúc phạm đến các nhà thờ và tu viện;
– tháo gỡ các thánh giá và các biểu tượng tôn giáo khác của Kitô giáo và các cộng đồng tôn giáo khác;
– phá hủy gia sản văn hóa và tôn giáo Kitô có giá trị khôn lường;
– bạo hành dã man với mục đích làm cho dân chúng phải kinh sợ để bó buộc họ đầu hàng hoặc phải chạy trốn.
Hội đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn khẳng định rằng: ”Không chính nghĩa nào có thể biện minh cho những hành vi man rợ như vậy và chắc chắn không tôn giáo nào có thể làm như thế. Đó là một sự xúc phạm cực kỳ trầm trọng đối với nhân loại và đối với Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa, như ĐGH Phanxicô thường nhắc nhở.
Nhưng ta cũng không thể quên rằng các tín hữu Kitô và Hồi giáo đã có thể sống chung với nhau, tuy có những lúc thăng trầm, qua bao thế kỷ, kiến tạo một nền văn hóa sống chung và một nền văn minh mà họ hãnh diện. Đàng khác, chính trên căn bản đó mà trong những năm gần đây, cuộc đối thoại giữa các tín hữu Kitô và Hồi giáo đã được tiếp tục và đào sâu.
”Tình trạng thê thảm của các tín hữu Kitô, của những người yézidis và các cộng đồng tôn giáo khác và chủng tộc thiểu số tại Irak đòi phải có một lập trường minh bạch và can đảm từ phía các vị lãnh đạo tôn giáo, nhất là Hồi giáo, những người dấn thân trong cuộc đối thoại liên tôn và tất cả mọi người thiện chí. Tất cả phải đồng thanh liên án quyết liệt những tội ác vừa nói và tố giác việc lạm dụng tôn giáo để biện minh cho những việc làm ấy. Chẳng vậy các tôn giáo, các tín đồ và thủ lãnh của họ có gì đáng tin cậy? Cuộc đối thoại liên tôn đã được kiên nhẫn theo đuổi trong những năm qua còn uy tín nào nữa?
”Các vị lãnh đạo tôn giáo cũng được mời gọi dùng ảnh hưởng của mình nơi các chính quyền để chấm dứt những tội ác ấy, trừng phạt những kẻ phạm tội như thế và tái lập chế độ pháp quyền trên lãnh thổ của mình, đồng thời bảo đảm cho những người bị trục xuất được hồi hương. Khi nhắc nhớ sự cần thiết phải có luân lý đạo đức trong việc quản trị xã hội loài người, cũng các vị lãnh đạo tôn giáo ấy không được quên nhấn mạnh rằng sự hỗ trợ, tài trợ và cung cấp võ khí cho khủng bố là điều bị lên án về luân lý”.
Ngoài những điều trên đây, Hội đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn cám ơn tất cả những người đã lên tiếng tố giác nạn khủng bố, nhất là thứ khủng bố lợi dụng tôn giáo để biện minh cho mình.
Vậy chúng ta hãy hiệp tiếng với ĐGH Phanxicô: ”Xin Thiên Chúa hòa bình khơi lên nơi tất cả mọi người một ước muốn chân thành đối thoại và hòa giải. Không thể thắng bạo lực bằng bạo lực. Chỉ có thể thắng bạo lực được bằng hòa bình!” (SD 12-8-2014)
G. Trần Đức Anh OP (RV.)
(Yézidi hay Yazidi là nhóm bộ tộc tôn giáo nói tiếng Kurde theo đạo Hồi có pha trộn các yếu tố truyền thống địa phương. Phần lớn họ sống tại tỉnh Ninive ở miền bắc Irak. Trên thế giới có khoảng 700 ngàn người Yézidi).