Đức Thánh Cha tái kêu gọi
cầu nguyện và hoạt động
cho hòa bình tại Thánh Địa
***
Trong buổi đọc Kin Truyền Tin với tín hữu và du khách hành hương trưa Chúa Nhật hôm qua Đức Thánh Cha Phanxicô đã lại mời gọi mọi người cầu nguyện cho hòa bình tại Thánh Địa, Ngài khích lệ các giới chức chính trị làm mọi cố gắng có thể để đem lại hòa bình cho dân chúng vùng này. Đức Thánh Cha nói:
”Dưới ánh sáng của các biến cố thê thảm xảy ra trong các ngày vừa qua, tôi tha thiết kêu gọi tất cả mọi người tiếp tục khấn khoản cầu nguyện cho hòa bình tại Thánh Địa. Tôi còn trong ký ức kỷ niệm sống động của cuộc gặp gỡ ngày mùng 8 tháng 6 vừa qua với Đức Thượng Phụ Bartolomaios, tổng thống Peres và tổng thống Abbas, và cùng với các vị chúng ta đã khẩn nài ơn hòa bình và lắng nghe lời mời gọi bẻ gẫy vòng xoáy của thù hận và bạo lực. Có người có thể nghĩ rằng cuộc gặp gỡ ấy vô ích. Trái lại không, bởi vì lời cầu nguyện giúp chúng ta không để cho sự dữ chiến thắng, cũng không chịu trận để cho bạo lực và oán thù thắng trên đối thoại và hòa giải. Tôi khích lệ tất cả những ai có trách nhiệm chính trị trên bình diện địa phương và quốc tế đừng tiết kiệm lời cầu nguyện và bất cứ cố gắng nào để chấm dứt mọi thù nghịch và theo đuổi hòa bình ước mong cho thiên ích của mọi người. Và tôi mời tất cả hiệp nhất trong lời cầu nguyện.”
Đức Thánh Cha và mọi người đã thinh lặng một chút, rồi ngài nói lên lời nguyện sau đây: ”Giờ đây lậy Chúa, xin Chúa giúp chúng con. Xin Chúa ban hòa bình, xin Chúa dậy chúng con hòa bình, xin Chúa hướng dẫn chúng con tới hòa bình. Xin mở mắt và trái tim chúng con và ban cho chúng con sự can đảm nói ”không bao giờ chiến tranh nữa”. Với chiến tranh mọi sự đều bị tàn phá, Xin đổ vào trong chúng con sự can đảm có các cử chỉ cụ thể để xây dựng hòa bình. Xin làm cho chúng con sẵn sàng lắng nghe tiếng kêu của các công dân, xin chúng con biến đổi khí giới thành các dụng cụ của hòa bình, các sợ hãi của chúng con thành niềm tin tưởng và các căng thẳng của chúng con thành sư tha thứ. Amen.”
Trước đó trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã giải thích dụ ngôn người gieo giống mà Chúa Giêsu đã giảng cho dân chúng bên bờ hồ Galilea. Khi thấy dân chúng qúa đông bao quanh, Ngài lên một chiếc thuyền, ra xa bờ một chút và từ đó giảng dậy họ. Chúa Giêsu dùng các dụ ngôn là một thứ ngôn ngữ dễ hiểu đối với tất cả mọi người, với các hình ảnh lấy từ thiên nhiên và các hoàn cảnh cuộc sống thường ngày.
Dụ ngôn dầu tiên dẫn vào các dụ ngôn là dụ ngôn người gieo giống ném hạt vung vãi trên mọi loại đất. Đức Thánh Cha nói:
Và nhân vật chính đích thật của dụ ngôn là hạt giống, sản xuất ra ít nhiều hạt tùy theo mảnh đất mà nó rơi xuống. Ba mảnh đất đầu tiên không sản xuất: dọc theo đường đi hạt giống bị chim trời ăn mất; trên đất sỏi đá các mộng bị khô héo ngay vì không có rễ; giữa các bụi gai hạt giống bị gai làm chết ngộp. Mảnh đất thứ tư là đất tốt và chỉ ở đó hạt giống mới đâm rễ và sinh hạt.
Trong trường hợp ở đây Chúa Giêsu không chỉ hạn chế ở việc trình bầy dụ ngôn, mà cũng giải thích cho các môn đệ nữa. Hạt rơi trên đường ám chỉ những người lắng nghe loan báo Nước Thiên Chúa, nhưng không tiếp nhận nó; như thế Kẻ Dữ đến và lấy mất đi. Thật vậy, Kẻ Dữ không muốn rằng hạt giống Tin Mừng nẩy mầm trong trái tim con người. Đó là so sánh thứ nhất.
So sánh thứ hai là hạt giống rơi trên đá: nó diễn tả những người lắng nghe lời Chúa và tiếp nhận ngay lập tức, nhưng một cách hời hợt, bởi vì họ không có rễ và không kiên trì; khi các khó khăn và bách hại xảy đến, những người này bị đốn ngã ngay. Trường hợp thứ ba là hạt giống rơi vào giữa càc bụi gai: Chúa Giêsu giải thích rằng nó ám chỉ các người lắng nghe lời Người, nhưng vì các lo lắng trần tục và sự cám dỗ của giầu sang nó bị chết ngộp. Sau cùng hạt giống rơi trện đất phì nhiêu diễn tả những người lắng nghe lời, tiếp nhận nó, giữ gìn nó và hiểu nó, và nó sinh bông hạt. Mô thức hoàn thiện nhất của thửa đất tốt này là Đức Trinh Nữ Maria.
Đức Thánh Cha nói tiếp trong bài huấn dụ: Dụ ngôn này nói với chúng ta ngày nay, như đã nói với những người lắng nghe Chúa Giêsu cách đây hai ngàn năm. Nó nhắc nhớ chúng ta rằng chúng ta là thừa đất, nơi Chúa không mệt mỏi ném hạt giống Lời Người và tình yêu của Người. Chúng ta tiếp nhận nó với các sẵn sàng nào? Con tim của chúng ta ra sao? Và chúng ta có thể tự hỏi nó giống thửa đất nào: một con đường, một thửa đất sỏi đá, một bụi gai? Tùy nơi chúng ta trở thành thửa đất tốt không có các bụi gai, không có đá sỏi, nhưng đã đựơc vỡ đất và trồng tỉa cẩn thận, để có thể đơm bông hạt tốt lành cho chính chúng ta và cho các anh chị em khác. Ở đây sẽ tốt cho chúng ta đừng quên rằng cả chúng ta cũng là các người gieo giống. Loại hạt nào ra khỏi con tim và miệng chúng ta? Các lời nói của chúng ta có thể mang lại biết bao thiện ích cũng như biết bao sự dữ! Chúng có thể chữa lành và cũng có thể gây thương tích; chúng có thể khích lệ và có thể đè bẹp. Xin anh chị em hãy nhó điều quan trọng không phải là cái đi vào, mà là cái ra khỏi miệng và trái tim. Với gương của Người xin Đức Mẹ giúp chúng ta đón nhận Lời, giữ gìn nó và làm cho nó phong phú nơi tha nhân”.
Tiếp đến Đức Thánh Cha đã đọc Kinh Truyền Tin và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.
Sau Kinh Tuyền Tin Đức Thánh Cha đã chào mọi người và nhắc tới ”Chúa Nhật Biển”. Ngài nghĩ tới những người sống về nghề biển, các người đánh cá, và gia đình họ. Đức Thánh Cha khích lệ các cộng đoàn kitô, đặc biệt các cộng đoàn vùng duyên hải, để họ lưu tâm và nhạy cảm đối với các anh chị em này. Ngài cũng xin các linh mục tuyên úy và các thiện nguyện viên của tổ chức Tông Đồ Biển tiếp tục dấn thân trong việc săn sóc mục vụ cho các anh chị em này. Đức Thánh Cha phó thác tất cả mọi người, cách riêng những ai đang gặp khó khăn và sống xa nhà, cho sự che chở hiền mẫu của Mẹ Maria Sao Biển.
Chào các tu sĩ nam nữ dòng thánh Camillo de Lellis trong năm kỷ niệm biến cố thánh nhân qua đời ngày mùng 4 tháng 7 cách đây 400 năm, Đức Thánh Cha xin các vị tiếp tục là dấu chỉ của Chúa Giêsu, như người Samaritano nhân lành cúi xuống trên các thương tích thể xác và tinh thấn của nhân loại khổ đau để đổ dầu an ủi và rượu hy vọng. Ngài cầu chúc các tu sĩ cũng như các nhân viên y tế hoat động trong các nhà thương và nhà săn sóc của dòng luôn ngày càng lớn lên trong đặc sủng bác ái bên cạnh các bệnh nhân.
Linh Tiến Khải (RV.)