Bản Kêu gọi chung
của Hội nghị Kitô giáo–Hồi giáo tại Amman
***
WHĐ (16.05.2014) – Một Hội nghị các nhà lãnh đạo Kitô giáo và Hồi giáo ở thủ đô của Jordan đã bế mạc hôm thứ Tư 14-05 với một Bản kêu gọi chung, yêu cầu trả tự do cho các nữ sinh Nigeria bị bắt cóc. Các tham dự viên tại Hội nghị chuyên đề –diễn ra ngay trước chuyến viếng thăm của Đức giáo hoàng Phanxicô đến quốc gia này– cũng kêu gọi cần phải liên đới hơn nữa và có một nền giáo dục tôn giáo tốt hơn cho trẻ em và giới trẻ.
Hội nghị hai ngày được tổ chức dưới sự đồng bảo trợ của Hoàng tử Jordan El Hassan bin Talal, người sáng lập và là Giám đốc Học viện Hoàng gia về Liên tôn; và Đức hồng y Jean-Louis Tauran, chủ tịch Hội đồng Toà Thánh về Đối thoại Liên tôn. Trong một tuyên bố kết thúc, Hội nghị cũng đề nghị một Bản “Thập điều Văn hoá” dành cho tất cả những ai hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, để thúc đẩy việc thông truyền các giá trị tôn giáo và đạo đức cho các thế hệ trẻ.
Bản kêu gọi chung về sự liên đới hơn nữa trên thế giới
Dưới sự đồng bảo trợ của Hoàng tử El Hassan bin Talal và Đức hồng y Jean-Louis Tauran, Học viện Hoàng gia về Liên tôn(Amman, Jordan) và Hội đồng Toà Thánh về Đối thoại Liên tôn (Vatican) đã tổ chức Hội nghị lần thứ ba tại Amman từ ngày 13đến 14-05-2014, với chủ đề “Đáp ứng những thách đố hiện nay nhờ Giáo dục”. Hội nghị diễn ra ngay trước chuyến viếng thăm của Đức giáo hoàng Phanxicô – chuyến viếng thăm này là nguồn hy vọng cho mọi dân tộc tại Thánh Địa và toàn khu vực.
Hội nghị khai mạc với những phút cầu nguyện trong thinh lặng, xin Thiên Chúa trợ giúp và chúc lành.
Các tham dự viên đã mạnh mẽ lên án tất cả các hình thức bạo lực –mà gần đây nhất là vụ bắt cóc các nữ sinh Nigeria– và kêu gọi trả tự do ngay lập tức cho các em, để các em có thể trở về với gia đình và trường học. Các tham dự viên cũng ủng hộ cácgiải pháp hoà bình đối với tất cả các cuộc xung đột đang diễn ra.
Cuộc hội thảo đã diễn ra trong bầu khí thân ái và hữu nghị. Các tham dự viên đồng thuận về những điều sau đây:
– Các cơ chế nền tảng để giáo dục trẻ em và thanh thiếu niên là gia đình và nhà trường;
– Việc giáo dục tôn giáo cách thích hợp thật là quan trọng, đặc biệt trong việc thông truyền các giá trị tôn giáo và đạo đức;
– Việc nhìn nhận phẩm giá của con người là cần thiết, đặc biệt trong các cơ sở giáo dục;
– Tuân thủ các quy định quốc tế nhằm đảm bảo tôn trọng cách hiệu quả các quyền căn bản của con người, đặc biệt là quyềntự do tôn giáo;
– Những thách đố cấp bách nhất phải đáp ứng bao gồm: việc giải quyết các cuộc xung đột hiện nay một cách hoà bình, xóa đói giảm nghèo và cổ vũ chiều kích tâm linh và đạo đức của cuộc sống;
– Tin rằng tôn giáo không phải là nguyên nhân gây ra xung đột, mà sự vô nhân đạo và sự thiếu hiểu biết mới là nguyên nhâncủa các xung đột; do đó việc giáo dục toàn diện là thiết yếu;
– Các tôn giáo, khi được hiểu và được thực hành cách đúng đắn, không phải là nguyên nhân gây chia rẽ và xung đột, nhưng đúng hơn là một yếu tố cần thiết cho hoà giải và hòa bình.
Là những tín hữu, chúng tôi hy vọng rằng sự khôn ngoan của con người sẽ luôn gặp được sự khôn ngoan của Thiên Chúa.
Cuối cùng, vì tương lai nhân loại ở trong tay các thế hệ trẻ, chúng tôi đề nghị với tất cả những ai đang hoạt động trong lĩnh vựcgiáo dục Bản Thập điều Văn hóa sau đây:
1) Không bao giờ từ bỏ sự tò mò tri thức;
2) Can đảm chứ không hèn nhát về phương diện trí thức;
3) Khiêm tốn chứ không kiêu căng về sự hiểu biết.
4) Thực hành đồng cảm về tri thức thay vì mang một tinh thần khép kín;
5) Tuân giữ tính toàn vẹn của tri thức;
6) Giữ sự độc lập về tri thức;
7) Kiên trì đối với sự thiếu hiểu biết chung quanh mình;
8) Tin vào lý trí;
9) Công minh, không thiên vị chứ không bất công về mặt tri thức;
10) Nhìn nhận sự đa dạng là phong phú, chứ không phải là mối đe dọa.
Nếu Thiên Chúa muốn, chúng tôi sẽ tiếp tục cuộc đối thoại sinh nhiều hoa trái này qua các Hội nghị và các sáng kiến khác trong tương lai.
Amman, ngày 14 tháng 5 năm 2014
(Vatican Radio)
Huy Hoàng chuyển ngữ
Nguồn: WHĐ