Đức hồng y Koch nói về sự Hiệp nhất Kitô giáo và mối quan hệ Do Thái giáo–Công giáo
WHĐ (20.01.2014) – Tuần Lễ cầu nguyện cho Hiệp nhất Kitô giáo đang được nhiều Giáo hội ở Bắc bán cầu cử hành từ ngày 18 đến 25 tháng 1, năm nay tập trung vào một câu hỏi đầy thách thức của thánh Phaolô gửi cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi ở Corintô: “Thế ra Đức Kitô đã bị chia năm xẻ bảy rồi ư?” (1Cr 1,13). Tài liệu dùng cho Tuần lễ này do một nhóm đại kết gồm các Kitô hữu ở Canada soạn thảo, và được phổ biến trên các trang web của Hội đồng Toà Thánh về Hiệp nhất Kitô giáo và Hội đồng Thế giới các Giáo hội. Bản tiếng Việt do Văn phòng Toà Giám mục Giáo phận Hải Phòng chuyển dịch và được đăng trên trang web của Hội đồng Giám mục Việt Nam [http://www.hdgmvietnam.org/Images/News/VanKien/FileLocation/GHCGTG_HiepNhat2014_A5.pdf]
Tại Roma, trong tuần này đã diễn ra các hoạt động đại kết, các hội thảo và cử hành phụng vụ, kết thúc bằng Kinh Chiều do Đức giáo hoàng chủ sự tại Vương cung thánh đường Thánh Phaolô Ngoại Thành với các thành viên của nhiều cộng đồng Kitô giáo khác.
Nhưng những cuộc gặp gỡ đại kết quan trọng nhất của Đức Giáo hoàng trong những năm sắp tới là gì? Đức Giáo hoàng Phanxicô có những đóng góp gì trong việc tìm kiếm sự Hiệp nhất Kitô giáo? Và chúng ta đáp ứng ra sao với chủ đề của Tuần lễ cầu nguyện cho Đại kết năm nay? Những câu hỏi này được Đức hồng y Kurt Koch, Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh về Hiệp nhất Kitô giáo, trả lời:
– Chủ đề của Tuần lễ cầu nguyện cho Đại kết năm nay [Thế ra Đức Kitô đã bị chia năm xẻ bảy rồi ư?] trích trong Thư thứ nhất của Thánh Phaolô gửi tín hữu Côrintô. Đây là một thách đố, bởi vì Chúa Kitô không thể bị phân chia […] – nhưng chúng ta lại có nhiều phân cách và chia rẽ trong các Giáo hội, và làm sao vượt qua những chia rẽ này là một thách đố rất lớn cho phong trào đại kết.
– Đức Giáo hoàng Phanxicô đã có ảnh hưởng ra sao trên phong trào đại kết?
– Tất cả các giáo hoàng sau Công đồng Vatican II đều rất quan tâm đến công cuộc đại kết: Đức Phaolô VI, Đức Gioan Phaolô II và Đức Bênêđictô XVI, các ngài đã có nhiều dấn thân trong lĩnh vực đại kết. Tôi nghĩ rằng với Đức Giáo hoàng Phanxicô, chúng ta có một dấn thân mới, một sự dấn thân theo cung cách của triều đại giáo hoàng này: rất cởi mở với các Giáo hội khác. Nhiều vị đã đến thăm Đức Giáo hoàng Phanxicô: Đức Thượng phụ Tawadros II đã gặp Đức Giáo hoàng tại Roma đây, rồi Đức Thượng Phụ Antiôkia và Alexandria cũng như Đức Tổng giám mục Canterbury của Anh giáo. Tất cả các vị lãnh đạo các Giáo hội sẽ đến Roma, và tôi nghĩ rằng đây là một dấu hiệu rất tốt.
– Những điểm nổi bật về đại kết quan trọng nhất của năm 2014 là gì?
– Điểm quan trọng nhất của năm 2014 là kỷ niệm năm mươi năm cuộc gặp gỡ giữa Thượng Phụ Constantinopolis là Đức Thượng phụ Athenagoras I và Giám mục Roma là Đức giáo hoàng Phaolô VI ở Jerusalem. Sau hơn một ngàn năm, cuộc gặp gỡ đầu tiên này tại Jerusalem đã rất thân thiện và chân thành. Tôi nghĩ rằng việc kỷ niệm cuộc gặp gỡ này rất quan trọng: đó là khởi đầu mối quan hệ bằng hữu giữa Constantinopolis và Roma, và khởi đầu cuộc đối thoại trong yêu thương và chân lý. Trong ý nghĩa này, tôi hy vọng cuộc gặp gỡ giữa Đức Thượng phụ Bartholomaios và Đức giáo hoàng Phanxicô sẽ là một cơ hội mới, với nhiều cam kết và tha thiết với sự hiệp nhất như vào năm 1964.
– Một trong những trở ngại đối với mối quan hệ này đó là những khó khăn giữa các Giáo hội Chính thống khác nhau…
– Có rất nhiều căng thẳng giữa các Giáo hội Chính thống. Tôi nghĩ rằng giữa các Giáo hội Chính thống còn có nhiều căng thẳng hơn là giữa Chính thống giáo và Công giáo. Trên hết, hiện nay có tài liệu mới của Toà Thượng phụ Chính thống Nga về quyền tối thượng của giáo hoàng […] Cuộc đối thoại về vấn đề này đang diễn ra, và hiện nay chúng ta có một tuyên bố do thẩm quyền cấp cao, và chúng ta phải tìm ra cách thức mới để tiếp tục cuộc đối thoại này. [ … ] Tôi nghĩ rằng sẽ rất tốt nếu bây giờ chúng ta có cuộc thảo luận công khai giữa Constantinopolis và Moskva, tôi nghĩ rằng đây là một cơ hội rất thuận lợi. Đây là một cuộc thảo luận trong nội bộ Chính thống giáo, và [Giáo hội Công giáo] không được can thiệp vào cuộc thảo luận này; khi Chính thống giáo yêu cầu chúng ta giúp đỡ, thì chắc chắn chúng ta sẽ có mặt. Uỷ ban sẽ họp Hội nghị toàn thể lần tới vào tháng Chín, và tôi nghĩ rằng việc chuẩn bị kỹ lưỡng cho Hội nghị này là rất quan trọng.
– Ngày đầu tiên của Tuần lễ Cầu nguyện cho Hiệp nhất luôn đề cập đến mối quan hệ với tín hữu Do Thái giáo – Đức giáo hoàng Phanxicô đã có ảnh hưởng gì đến mối quan hệ này?
– Đức giáo hoàng Phanxicô có nhiều mối quan hệ bằng hữu [với cộng đồng Do Thái giáo] tại Buenos Aires; trước hết, ngài đã xuất bản chung một quyển sách với Rabbi Skorka – vị này đang có mặt tại Roma trong một Hội nghị tại Đại học Gregoriana. Tôi nghĩ rằng tình bằng hữu này giữa các tín hữu Do Thái giáo và Kitô giáo sẽ được mở rộng hơn nữa trong triều đại giáo hoàng của Đức Giáo hoàng Phanxicô. […] Và ngày nay điều này là rất quan trọng trong một thế giới mà chủ nghĩa bài Do Thái mới và những cuộc đàn áp các Kitô hữu đặt ra nhiều thách đố mới. Tôi nghĩ rằng chúng ta phải cùng nhau làm chứng cho quyền con người và cho nhân phẩm của mọi người trong thế giới này. Tôi rất ấn tượng khi thấy một số giáo đường Do Thái giáo đã kêu gọi cầu nguyện cho các Kitô hữu bị bách hại ở Trung Đông: Tôi nghĩ rằng đây là một dấu hiệu tuyệt vời của tình bằng hữu mới cho tương lai”.
(Vatican Radio)