Sống Như Người Môn Đệ Của Con Chiên Thiên Chúa
VATICAN, Trong bài chia sẻ trước khi đọc kinh Truyền Tin diễn ra vào lúc 12h tại quảng trường Thánh Phêrô, Vatican, Đức Thánh Cha đã chia sẻ về hình ảnh “Con Chiên” mà Gioan Baotixita đã dùng khi giới thiệu về Đức Giêsu cho người khác.
Ngài nói: “Trong Chúa Nhật thứ 2 mùa Thường Niên hôm nay, đoạn Tin Mừng giới thiệu cho chúng ta cảnh tượng gặp gỡ giữa Đức Giêsu và Gioan Baotixita, tại sông Giordan. Thánh Sử Gioan, người đã kể lại cho chúng ta câu chuyện này là chứng nhân tận mắt. Trước khi trở thành môn đệ của Đức Giêsu, thánh nhân là môn đệ của Gioan Baotixita, cùng với anh mình là Giacobe, với Simon và Anre, tất cả đều là người Galilea, là ngư phủ. Gioan Baotixita thấy Đức Giêsu tiến tới giữa đám đông thì nhận biết Người là sứ giả của Thiên Chúa, nên đã nói về Người rằng: “Đây là Chiên thiên Chúa, Đấng xóa bỏ tội trần gian!” (Ga 1,29)”
Đức Thánh Cha cũng chia sẻ rằng Đức Giêsu đến là để cứu con người khỏi ách nô lệ tội lỗi và Người đã làm điều đó bằng tình yêu, một tình yêu hiền lành, sẵn sàng mang lấy tất cả những nỗi thống khổ của chúng ta để cứu thoát chúng ta.
Ngài nói: “…Đức Giêsu đến trong trần gian này với một sứ mạng đặc biệt: giải phóng con người khỏi sự kềm kẹp của tội lỗi. Bằng cách nào? Bằng tình yêu thương. Không có cách nào khác để chiến thắng sự dữ và tội lỗi ngoại trừ tình yêu thúc đẩy người ta đến chỗ trao ban sự sống mình cho người khác. Trong lời chứng của Gioan Tẩy Giả, Đức Giêsu có những dấu tích của Người Tôi Tớ Chúa, ” người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta” (Is 53,4), và chết trên cây thập giá. Người đích thực là con chiên vượt qua, bị nhận chìm trong dòng sông tội lỗi của chúng ta để thanh tẩy chúng ta.”
“Gioan Baotixita nhìn thấy trước mặt mình một người đàn ông xếp hàng với những tội nhân để xin chịu phép rửa dù người ấy không cần, một người mà Thiên Chúa đã sai đến thế gian như một con chiên hiến tế. Trong Tân Ước, thuật ngữ “con chiên” được sử dụng nhiều lần và luôn ám chỉ đến Đức Giêsu. Hình ảnh con chiên này có thể khiến chúng ta ngạc nhiên; quả vậy, một con vật không phải là biểu tượng cho sức mạnh và sự cường tráng lại mang trên vai mình những gánh nặng nề. Một lượng lớn sự xấu bị xóa bỏ và bị mang đi bởi một loài yếu đuối và mỏng manh, biểu tượng của sự vâng phục, hiền lành và tình yêu bất lực, cùng với sự hiến tế chính mình Ngài. Con chiên không thống trị nhưng rất hiền lành, không gây hấn nhưng yêu hòa bình, không nhe nanh vuốt trước bất cứ đối tượng nào tấn công nó, nhưng luôn chịu đựng và phục tùng.”
Cuối cùng, Đức Thánh Cha gợi lên trong lòng mọi người một câu hỏi: “Là người môn đệ của Đức Giêsu, chiên thiên Chúa có nghĩa là gì đối với Giáo Hội, đối với chúng ta ngày hôm nay?”
Và ngài đã trả lời rằng: “Có nghĩa là lấy hiền từ đối lại cái ác, lấy tình yêu thay thế sức mạnh, lấy khiêm nhường bù lại kiêu hãnh, lấy phục vụ đối lại cao danh. Là những người môn đệ của Con Chiên có nghĩa là không sống như một “thành trì bị vây hãm”, nhưng như một thành phố đặt trên núi cao, mở ra, đón nhận và liên đới. Nó có nghĩa là không được có thái độ đóng lại, nhưng mang Tin Mừng đến cho tất cả, làm chứng bằng cuộc sống của chúng ta rằng bước theo Đức Giêsu giúp chúng ta tự do hơn và hoan lạc hơn”
Sau Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nhắc nhớ các tín hữu rằng Chúa Nhật này là ngày Quốc Tế Di Dân và Tị Nạn. Cách đây mấy tháng, Đức Thánh Cha đã cho công bố một sứ điệp của ngài về ngày này với chủ đề ““Những Người Di Dân và Tị Nạn: Hướng Đến Một Thế Giới Tốt Đẹp hơn”. Ngài khuyên mọi người đừng bao giờ đánh mất đi niềm hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn và chúc mọi người, đặc biệt là những ai đang số trong tình cảnh di dân – tị nan, được sống trong hòa bình nơi các quốc gia mà các bạn được đón tiếp, được bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của các bạn.
Sau đó, Đức Thánh Cha đã cùng các tín hữu hành hương dâng lên Đức Mẹ lời Kinh Kính mừng để cầu nguyện cho những người tị nạn và di dân đang sống trong những hoàn cảnh ngặt nghèo và khó khăn.: Kính Mừng Maria…
Cuối cùng, Đức Thánh Cha gửi lời chào đến tất cả các tín hữu đến từ các giáo xứ ở Ý và các nơi khác trên thế giới, cũng như các đoàn hội và các nhóm.
Pr. Lê Hoàng Nam, SJ
Nguồn: R.Vatican