Giới thiệu Sứ điệp Ngày Hoà bình thế giới 2014
WHĐ (13.12.2013) – Sáng thứ Năm 12-12-2013, Phòng Báo chí Toà Thánh đã tổ chức họp báo để giới thiệu Sứ điệp Ngày Hoà bình thế giới 2014 của Đức Thánh Cha Phanxicô. Sứ điệp có chủ đề “Tình huynh đệ: nền tảng và đường dẫn đến hoà bình”, được Đức Thánh Cha ký ngày 08-12-2013.
Chủ trì cuộc họp báo là Đức giám mục Mario Toso, Thư ký Hội đồng Toà Thánh về Công lý và Hoà bình. Đức hồng y Chủ tịch Kodwo Appiah Turkson vắng mặt vì được Đức Thánh Cha cử làm đặc sứ tham dự lễ tang cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela tại Johannesburg.
Sứ điệp gồm 10 số:
1/ Giới thiệu
2/ “Em ngươi đâu?” (St 4,9)
3/ “Tất cả anh em đều là anh em với nhau” (Mt 23,8)
4/ Tình huynh đệ: nền tảng và đường dẫn đến hoà bình
5/ Tình huynh đệ, tiền đề để chiến thắng nghèo đói
6. Tái khám phá tình huynh đệ trong kinh tế.
7/ Tình huynh đệ dập tắt chiến tranh
8/ Tham nhũng và tội ác có tổ chức chống lại tình huynh đệ
9/ Tình huynh đệ giúp giữ gìn và vun đắp thiên nhiên
10/ Kết luận
Sau đây là một số đoạn trích:
***
Tình huynh đệ là một chiều kích thiết yếu của con người, vì con người là một hữu thể có tương quan. Ý thức sâu sắc về các mốitương quan dẫn chúng ta đến việc nhìn nhận và đối xử với mọi người như người anh chị em thực sự; nếu không sẽ không thể xây dựng được một xã hội công bằng, một nền hoà bình vững chắc và lâu dài. Cần phải nhắc lại ngay rằng tình huynh đệ thường bắt đầu học được nơi gia đình, nhất là nhờ những vai trò đầy trách nhiệm và bổ túc cho nhau của tất cả các thành viên, đặc biệt làcủa cha mẹ. Gia đình là nguồn gốc của mọi tình huynh đệ, và vì thế cũng là nền tảng và con đường đầu tiên dẫn đến hoà bình, vìơn gọi của gia đình là chinh phục thế giới bằng tình yêu.
Như Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã nói, toàn cầu hoá làm cho chúng ta xích lại gần nhau, nhưng không làm cho chúng tatrở thành anh em. Ngoài ra, nhiều tình trạng bất bình đẳng, đói nghèo và bất công, không chỉ là sự cảnh báo thiếu vắng tình huynh đệ một cách trầm trọng, mà còn là sự vắng mặt một nền văn hoá của tình liên đới.
Rõ ràng là nền đạo đức đương thời không có khả năng xây dựng những mối tương quan huynh đệ đích thực, vì không thể có một tình huynh đệ không quy chiếu vào một Người Cha chung như nền tảng tối hậu của mình. Một tình huynh đệ thực sự giữa con người giả thiết và đòi hỏi phải có một mối quan hệ phụ tử siêu việt. Dựa trên sự nhìn nhận tình phụ tử này, tình huynh đệ của con người được củng cố: mỗi người trở nên một “người thân cận” chăm lo cho người khác.
Để hiểu biết đầy đủ hơn ơn gọi của con người là sống tình huynh đệ, để nhận ra rõ ràng hơn những trở ngại cho việc sống ơn gọi ấy và tìm cách vượt qua, cần phải nhận biết kế hoạch của Thiên Chúa –như Kinh Thánh đã trình bày rất rõ ràng– và hãy để cho hiểu biết ấy hướng dẫn chúng ta.
Câu chuyện Cain và Abel dạy chúng ta rằng nhân loại được ghi khắc nơi mình một ơn gọi về tình huynh đệ, nhưng đồng thờicũng có thể phản bội tình huynh đệ ấy. Bằng chứng là sự ích kỷ diễn ra hằng ngày, là nguồn gốc của nhiều cuộc chiến và bất công: nhiều người đã phải chết vì bàn tay của anh chị em mình – là những người không biết nhận ra mình là những hữu thể được dựng nên để sống hỗ tương, sống hiệp thông và cho đi.
Gốc rễ của tình huynh đệ ở nơi tình phụ tử của Thiên Chúa. Đây không phải là một tình phụ tử chung chung, lờ mờ và khôngmang lại hiệu quả gì trong lịch sử, nhưng là một tình yêu cá vị, chính xác và hết sức cụ thể của Thiên Chúa dành cho từng người (x. Mt 6,25-30). Vì thế đây là một tình phụ tử sinh ra tình huynh đệ, bởi vì tình yêu của Thiên Chúa, một khi được đón nhận, sẽtrở thành tác nhân mạnh mẽ nhất biến đổi sự hiện diện và các mối quan hệ với người khác, mở lòng con người ra cho tình liên đới và sự chia sẻ.
Ai đón nhận sự sống của Chúa Kitô và sống trong Ngài thì nhận biết Thiên Chúa là Cha và tự hiến hoàn toàn cho Chúa, yêumến Người trên hết mọi sự. Con người đã được giao hoà nhìn nhận Thiên Chúa là Cha của mọi người, và vì thế được thúc đẩysống tình huynh đệ mở ra với mọi người. Trong Đức Kitô, người khác được đón nhận và yêu thương như con Chúa, như anh chị em chứ không phải người xa lạ, càng không phải như đối thủ hay thậm chí là kẻ thù.
Trong gia đình của Thiên Chúa, nơi mà tất cả đều là con của cùng một Cha, và bởi vì được tháp nhập vào Chúa Kitô, là con cáitrong Người Con, không có cuộc đời nào là “cặn bã”. Tất cả đều được hưởng phẩm giá bình đẳng và bất khả xâm phạm. Tất cả đều được Thiên Chúa yêu thương, tất cả đều được cứu chuộc bằng máu của Chúa Kitô, Đấng đã chết và sống lại cho từngngười. Đó là lý do tại sao chúng ta không được dửng dưng với số phận của anh em mình.
Đức Phaolô VI đã khẳng định rằng không chỉ các cá nhân mà các quốc gia cũng phải gặp gỡ nhau trong tinh thần huynh đệ.Ngài giải thích: “Trong sự hiểu biết và tình bạn hỗ tương này, trong sự hiệp thông thiêng liêng này, chúng ta phải […] cùng nhau xây dựng một tương lai chung của nhân loại”. Bổn phận này liên quan trước hết đến những quốc gia được ưu đãi nhất. Nghĩa vụ của họ bắt nguồn từ tình huynh đệ tự nhiên và siêu nhiên, và có ba khía cạnh: nghĩa vụ của tình liên đới, đòi hỏi các nước giàu giúp đỡ các nước kém phát triển; nghĩa vụ công bằng xã hội, đòi hỏi thiết lập lại một cách đúng đắn hơn tương quan giữa các dân tộc mạnh hơn và các dân tộc yếu; và nghĩa vụ làm việc từ thiện chung, bao gồm việc thúc đẩy một thế giới nhân bản hơn cho mọi người, một thế giới mà ai cũng có điều gì đó để cho đi và nhận lãnh, để sự tiến bộ của người này không phải là trở ngại cho sự phát triển của người khác.
Tình liên đới Kitô giáo giả thiết rằng người thân cận được yêu thương không chỉ như “một con người có quyền lợi và quyền bình đẳng cơ bản đối với mọi người, nhưng như hình ảnh sống động của Thiên Chúa Cha, được cứu chuộc nhờ máu của Chúa Kitô và được Chúa Thánh Thần không ngừng tác động”, như một người anh em khác. Vì vậy, –Đức Gioan Phaolô II nhắc nhở– việcnhận biết Thiên Chúa là Cha chung và mọi người là anh em trong Chúa Kitô, là con cái trong Người Con”, nhận biết sự hiện diện và tác động ban sự sống của Chúa Thánh Thần, giúp cho chúng ta biết nhìn thế giới với một tiêu chuẩn mới để giải thích vàbiến đổi thế giới.
Trong Thông điệp Caritas in Veritate, vị tiền nhiệm của tôi đã nhắc cho thế giới nhớ rằng việc thiếu tình huynh đệ giữa các dân tộc và giữa con người là một nguyên nhân quan trọng của đói nghèo như thế nào. Trong nhiều xã hội, chúng ta đang rất nghèo về các mối tương quan do thiếu các mối tương quan gia đình và cộng đồng vững chắc. Chúng ta lo lắng vì ngày càng có thêm những khó khăn, bị gạt ra bên lề, nỗi cô đơn… Loại nghèo này chỉ có thể khắc phục được bằng việc tái khám phá và tăng cường mối tương quan huynh đệ trong gia đình và cộng đồng, qua việc chia sẻ những vui buồn, khó khăn và thành công trongcuộc sống.
Có một cách thúc đẩy tình huynh đệ –do đó vượt qua được đói nghèo– và phải là nền tảng của tất cả những cách thức khác. Đó là sự từ bỏ của những người chọn lối sống giản dị và dựa trên những gì cơ bản, những người chia sẻ sự giàu có của mình, vì thế cảm nghiệm được tình bằng hữu với những người khác. Đây là điều cơ bản để bước theo Chúa Giêsu Kitô và trở nên ngườiKitô hữu đích thực. Đây không chỉ là trường hợp của những người sống đời tận hiến với lời khấn khó nghèo, nhưng còn là củanhiều gia đình và công dân có trách nhiệm, họ tin rằng mối tương quan huynh đệ với người thân cận là gia sản quý giá nhất của mình.
Những khủng hoảng nghiêm trọng về tài chính và kinh tế hiện nay –bắt nguồn từ việc con người càng ngày càng xa cách Thiên Chúa và tha nhân, từ việc say mê chạy theo của cải vật chất, và từ việc làm nghèo đi các mối tương quan giữa cá nhân và cộng đồng– đã khiến cho nhiều người tìm kiếm sự thoả mãn, hạnh phúc và an toàn trong việc mua sắm và kiếm tiền, bất chấp những nguyên tắc của một nền kinh tế lành mạnh.
Những cuộc khủng hoảng kinh tế liên tiếp phải khiến chúng ta kịp thời nghĩ lại về các mô hình phát triển kinh tế và thay đổi lối sống. Cuộc khủng hoảng ngày nay, với di sản nặng nề của nó trong cuộc sống con người, cũng có thể là một dịp thuận lợi để tái khám phá những nhân đức khôn ngoan, tiết độ, công bình và can đảm. Những nhân đức này có thể giúp chúng ta vượt quanhững thời điểm khó khăn và xây dựng lại những mối tương quan huynh đệ nối kết chúng ta với nhau, tin chắc rằng con ngườicòn cần đến và có khả năng làm điều gì đó lớn lao hơn là thu lợi tối đa cho cá nhân mình. Trên hết, những nhân đức này cần thiết để xây dựng và duy trì một xã hội phù hợp với phẩm giá con người.
Trong khi có một số lượng lớn vũ khí đang được trao đổi như hiện nay, người ta có thể luôn tìm ra những cái cớ mới để gây rachiến tranh. Vì thế, thay mặt mọi người, tôi lặp lại lời của các vị tiền nhiệm để kêu gọi đừng phổ biến vũ khí và hãy giải trừ vũ khí, bắt đầu với việc giải trừ vũ khí hạt nhân và vũ khí hoá học.
Chúng ta không thể không thấy rằng những hiệp ước quốc tế và luật pháp quốc gia, mặc dù cần thiết và rất đáng mong muốn,nhưng vẫn chưa đủ để giúp nhân loại tránh khỏi nguy cơ xảy ra những cuộc xung đột vũ trang. Cần có sự hoán cải tâm hồn, giúp mỗi người nhận ra người khác là anh em phải được chăm sóc, phải cùng cộng tác để xây dựng một cuộc sống phong phú chomọi người.
Tình huynh đệ tạo nên hoà bình xã hội, bởi vì nó tạo ra sự cân bằng giữa tự do và công lý, giữa trách nhiệm cá nhân và tình liên đới, giữa thiện ích của cá nhân và công ích. Vì thế một cộng đồng chính trị phải hành động một cách minh bạch và có trách nhiệm để thúc đẩy tất cả các điều ấy. Các công dân phải cảm thấy mình được công quyền đại diện cho trong sự tôn trọng tự do của họ. Ngược lại, các lợi ích của đảng phái thường xen vào giữa công dân và các tổ chức, làm méo mó mối tương quan này,tạo ra một bầu khí xung đột triền miên.
Trong bối cảnh rộng lớn của xã hội con người, liên quan đến tội phạm và hình phạt, chúng ta không thể không nghĩ đến nhữngđiều kiện vô nhân đạo của biết bao nhà tù, nơi tù nhân thường bị đẩy đến tình trạng sống dưới mức của con người, nhân phẩm bị chà đạp, niềm hy vọng và mong muốn phục hồi bị dập tắt. Giáo hội đã làm rất nhiều trong tất cả các lĩnh vực này, và thường làm trong âm thầm. Tôi kêu gọi và khuyến khích làm nhiều hơn nữa, với hy vọng rằng những hoạt động như vậy của biết bao conngười dũng cảm cũng sẽ luôn được các nhà chức trách dân sự trợ giúp, một cách công bằng và trung thực.
Gia đình nhân loại đã nhận được một món quà chung của Đấng Tạo hoá, đó là thiên nhiên. Quan điểm Kitô giáo về thiên nhiên là một nhận định tích cực về tính hợp pháp của các can thiệp vào tự nhiên để rút ra lợi ích, miễn là hành động có trách nhiệm,nghĩa là có thể nói nhìn nhận thiên nhiên có một “ngữ pháp”, và sử dụng tài nguyên một cách khôn ngoan vì lợi ích của mọi người, tôn trọng vẻ đẹp, mục đích và lợi ích của mỗi sinh vật và vai trò của nó trong hệ sinh thái. Tóm lại, thiên nhiên là để cho chúng ta sử dụng, và chúng ta được kêu gọi quản lý thiên nhiên một cách có trách nhiệm. Trái lại, chúng ta thường bị dẫn dắt bởilòng tham, bởi tính kiêu ngạo muốn thống trị, sở hữu, thao túng, trục lợi, chúng ta không bảo vệ thiên nhiên, không tôn trọng, không coi thiên nhiên là món quà tặng không, mà chúng ta phải chăm sóc và dùng để phục vụ anh em mình, trong đó có nhữngthế hệ tương lai.
Chúng ta cần tìm ra những cách thức để mọi người đều được hưởng lợi từ hoa trái của trái đất, không chỉ để tránh sự chênh lệch ngày càng rộng giữa những người có nhiều với những người đang phải bằng lòng với những mẩu bánh vụn, nhưng trước hết vì đây là vấn đề công lý, bình đẳng và tôn trọng từng con người.
Tôi muốn nhắc nhở mọi người về mục đích chung cần thiết ấy của mọi thứ tài nguyên, là một trong những nguyên tắc cốt yếu của học thuyết xã hội của Giáo hội. Tôn trọng nguyên tắc này là điều kiện cần thiết để những tài nguyên cơ bản và chính yếu này màmọi người đều cần đến và có quyền được hưởng, được phân phối một cách hiệu quả và công bằng.
Tình huynh đệ cần được khám phá, yêu mến, cảm nghiệm, loan báo và làm chứng. Nhưng chỉ có tình yêu, được Thiên Chúa ban cho, mới giúp chúng ta đón nhận và sống trọn vẹn tình huynh đệ.
Là Kitô hữu, chúng ta tin rằng trong Giáo hội chúng ta đều là chi thể của nhau, tất cả đều cần thiết cho nhau, vì mỗi người chúng ta đã nhận được ân sủng tuỳ theo mức độ Đức Kitô ban cho, vì ích chung. Chúa Kitô đến trong thế gian để ban cho chúng ta ân sủng của Thiên Chúa, nghĩa là được tham dự vào sự sống của Thiên Chúa. Điều này kéo theo việc xây dựng một mối tươngquan huynh đệ, với tình tương thân tương trợ, tha thứ, vị tha, theo như tình yêu cao cả Thiên Chúa dành cho nhân loại trong Đấng đã chịu đóng đinh và phục sinh, đã lôi kéo nhân loại đến với Người: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới, là anh emhãy yêu thương nhau. Như Thầy đã yêu thương anh em, anh em cũng nên yêu thương nhau. Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biếtanh em là môn đệ của Thầy, là anh em yêu thương nhau” (Ga 13, 34-35).