“Đón nhận tha nhân”: một quan điểm đa tôn giáo về hoà bình
WHĐ (06.12.2013) – Từ ngày 20 đến 22-11, khoảng 600 đại biểu trên toàn thế giới thuộc mọi tôn giáo đã gặp nhau tạiVienna, Áo, để tham dự Hội nghị Thế giới lần thứ 9 của Tổ chức Các Tôn giáo vì Hoà bình.
Chủ đề chính của Hội nghị là “Đón nhận tha nhân”, nhằm đạt đến việc gặp gỡ giữa các tôn giáo, cộng tác với các tác nhân của xã hội dân sự vì mục tiêu hoà bình, liên đới, chung sống với nhau và thúc đẩy việc hiểu biết lẫn nhau cách tốt nhất.
Các tham dự viên đã tập trung thảo luận bốn đề tài chính: (1) ngăn ngừa xung đột, (2) công lý và hoà hợp giữa các xã hội, (3)phát triển nhân văn đồng thời vẫn tôn trọng trái đất và (4) giáo dục tôn giáo và đối thoại liên tôn.
Các nhà lãnh đạo hay người đại diện của các tôn giáo có truyền thống lâu đời và tất cả các tôn giáo trên thế giới đã muốn đối diện với vấn đề gia tăng sự thù nghịch đối với “kẻ khác”. Đây là một thách đố thực sự trong một thế giới mà tiến trình di dân và toàn cầu hoá đã dẫn đến sự gặp gỡ giữa nhiều dân tộc và nền văn hoá khác nhau, nhiều hình thái tín ngưỡng khác nhau và phong tục xã hội khác nhau…
Trong hai ngày Hội nghị, với sự chủ tọa của Nassir Abdulaziz Al- Nasser, Đại diện cấp cao Liên minh các nền văn minh củaLiên hiệp quốc, các tham dự viên đã cùng nhau tìm kiếm cách thức giúp đỡ các cộng đồng tôn giáo “niềm nở đón nhận tha nhân” hầu thăng tiến phẩm giá con người và nâng cao nhận thức về quyền dân sự… Tiến sĩ William Vendley, Tổng thư ký Tổ chức các Tôn giáo vì Hoà bình nói: “Mỗi một trong các truyền thống tôn giáo đa dạng của chúng ta đều mời gọi người có đức tin hãy “đón nhận tha nhân”.
Bằng chứng cho sự đa dạng này là các tham dự viên thuộc một Mạng lưới bao gồm 90 Hội đồng và Tổ chức quốc gia về Liêntôn, trong đó có 5 Hội đồng cấp khu vực, một Hội đồng Thế giới và các Mạng lưới các tu sĩ trẻ. Các đại biểu tham dự Hội nghị thuộc nhiều tôn giáo: Baha’i, Phật giáo, Kitô giáo, Ấn giáo, tôn giáo bản địa, đạo Giaina, Do Thái giáo, Hồi giáo, Thần giáo, đạo Sikh, cũng như các tín đồ Bái hỏa giáo.
Theo Tiến sĩ William Vendley, “Hội nghị này là cơ hội tốt để các cộng đồng tôn giáo khác nhau cùng nhau làm việc chung để đương đầu với sự gia tăng tính thù nghịch đối với ‘tha nhân’ trong xã hội, sự thù nghịch biểu lộ qua thái độ bất khoan dung và thường có bạo lực”. Cha Bernt Besh thuộc Toà Thượng phụ Latinh Jerusalem, nhấn mạnh với các tham dự viên: “Tất cả các nhà lãnh đạo tôn giáo đều khẳng định rằng bạo lực, chiến tranh và khủng bố phải bị loại bỏ” và “não trạng được thay đổi nhờgiáo dục tại gia đình, ở nhà thờ, đền thánh Hồi giáo, nơi hội đường Do Thái, và ở mọi cơ sở phượng tự khác”.
Đó là lý do tại sao các tham dự viên đã thảo luận và trao đổi về bốn đề tài chính nêu trên. Trong một tuyên bố chung, Hội nghị Thế giới lần thứ 9 Tổ chức Các tôn giáo vì hoà bình tại Vienna đã đưa ra một hướng đi mới cho nền hoà bình bền vững giữa cáctôn giáo trong những năm tới. Trong khi các Hội nghị thế giới trước đây nhấn mạnh những yếu tố tích cực của hoà bình, những mối đe doạ chung chống lại hoà bình và sự đồng thuận đa tôn giáo vì hoà bình, Hội nghị lần này cam kết cùng nhau hành động dựa trên những giá trị chung làm nền tảng cho khẳng định của mệnh lệnh “đón nhận tha nhân” – trọng tâm của quan điểm đa tôn giáo về hoà bình.
Đại hội cũng là dịp cho các đại diện tôn giáo của Syria (người Hồi giáo và Kitô hữu) kêu gọi trả tự do cho hai giám mục Syria đã bị bắt cóc tại quốc gia của họ hồi cuối tháng Tư vừa qua: Tổng giám mục Paul Yazigi thuộc giáo hội Chính Thống Hy Lạp vàTổng giám mục Gregorios Yohanna Ibrahim, thuộc giáo hội Chính Thống Syria.
Các đại biểu của nhiều tuyên tín khác nhau trên toàn thế giới cũng đã cùng nhau cầu nguyện cho tất cả những ai đang đau khổ ởSyria.
Ngày hôm sau Hội nghị, các nhà lãnh đạo tôn giáo của vùng Trung Đông và Bắc Phi (MENA) đã lại nhóm họp tại Vienna để thảo luận về các vấn đề tự do tôn giáo, quyền công dân, và việc bảo vệ các dân tộc dễ bị tổn thương. Họ kêu gọi các tín hữuliên kết thành một sức mạnh để có thể buộc các chính phủ phải tôn trọng quyền của mọi người, bảo vệ và phục vụ mọi công dân không trừ một ai.
(Theo Christophe Lafontaine – LPJ)
Nguồn: WHĐ