Tháng Mân côi và con đường thơ ấu thiêng liêng
Trong bài phỏng vấn đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và đăng tải trên nhiều báo in và trang mạng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói về cách cầu nguyện của ngài: buổi sáng ngài cầu nguyện bằng giờ kinh Phụng Vụ, dâng lễ, rồi lần chuỗi Mân côi. Buổi tối chầu Thánh Thể một giờ. Ngài thú tội là có chia trí và đôi khi ngủ gục nữa! (An ủi cho chúng ta đấy, vì Đức Giáo Hoàng cũng có khi chia trí và ngủ gục kia mà! Nhưng nếu chỉ bắt chước chia trí và ngủ gục thôi thì là ăn gian đấy nhé, coi như ăn bánh chưng mà chỉ moi lấy cục nhân đậu và thịt thôi!). Những lúc phải chờ đợi, chờ ở phòng khám của nha sĩ, những lúc không biết làm gì thì ngài cầu nguyện trong lòng…
Đức Thánh Cha lần hạt Mân côi mỗi buổi sáng đấy. Một sự trùng hợp lý thú: khi hàng triệu người đọc bài phỏng vấn này là tháng 10, tháng Mân côi.
Một sự trùng hợp quan trọng hơn là bài Tin Mừng liên tiếp trong ba ngày lễ đầu tháng 10:
– ngày 1/10 lễ thánh Tê-rê-xa Hài Đồng Giêsu: Mt 18,1-5 “nếu không trở lại và nên như trẻ nhỏ…”
– ngày 2/10 lễ các thiên thần bổn mạng: Mt 18,1-5
– ngày 4/10 lễ thánh Phanxicô At-xi-di: Mt 11,25-30: “Cha mặc khải cho những người bé mọn”.
Tinh thần đơn sơ, khiêm nhường, bé nhỏ là nét đặc biệt của Đức Mẹ, nét đầu tiên chúng ta biết về Đức Mẹ khi Đức Mẹ xuất hiện lần đầu trong Sách Tin Mừng Mt 1,18-25 và Lc 1,26-55.
1- Con đường thơ ấu thiêng liêng trong Cựu Ước
Cựu Ước khởi đi từ một kinh nghiệm lịch sử được lặp lại nhiều lần: Thiên Chúa cứu vớt một dân bị áp bức, giải thóat họ khỏi ách nô lệ và cho họ mọi điều kiện để sống độc lập tự do. Nhưng khi họ quên Thiên Chúa thì Thiên Chúa lại để cho họ bị áp bức. Họ hối cải kêu xin thì Thiên Chúa lại cứu. Đó là luận đề của sách Thủ Lãnh.
Khi Thiên Chúa ban Lề Luật để dạy họ sống làm dân của Thiên Chúa thì lại dựa trên việc Thiên Chúa đã giải thóat họ. Họ phải thờ phượng một mình Thiên Chúa vì Thiên Chúa đã giải thóat họ. Họ phải yêu thương nhau, không được áp bức lẫn nhau vì Thiên Chúa đã giải thóat họ khỏi cảnh áp bức: Xh 20,1-17; 22,20: “người ngọai kiều ngươi không được áp bức, vì chính các ngươi đã là ngọai kiều ở đất Ai Cập. Mẹ góa con côi, các ngươi không được ức hiếp…”
Từ kinh nghiệm lịch sử và lời rao giảng của các ngôn sứ, Cựu Ước đã đi tới một hình ảnh về Thiên Chúa: Đấng bênh vực kẻ nghèo hèn, Đấng bảo vệ quyền lợi của dân cùng khổ, của mẹ góa con côi và kẻ ngụ cư. Các ngôn sứ tố cáo những kẻ áp bức kẻ nghèo hèn và công bố lời hứa của Thiên Chúa là bênh vực người nghèo hèn, bị áp bức. Làm vua theo như Thiên Chúa muốn, là “phân xử công minh cho kẻ nghèo hèn túng thiếu” (Gr 22,16).
Chính trong thời kỳ lưu đày Babilon, Dân Chúa đã hoàn thành sự chuyển biến từ kinh nghiệm lịch sử sang thái độ tâm linh: con đường thơ ấu thiêng liêng. Is 58 giảng về cách ăn chay được Thiên Chúa chấp nhận là mở xiềng xích, tháo gông cùm, chia cơm cho người đói… Is 57,15: “Ta ngự chốn cao vời và thánh thiện, nhưng vẫn ở với tâm hồn khiêm cung tan nát, để ban sức sống cho tâm hồn những kẻ khiêm cung và ban sinh lực cho những tấm lòng tan nát”. Xôphônia 3,12: “Ta sẽ cho sót lại giữa ngươi một dân nghèo hèn và bé nhỏ; chúng sẽ tìm nương ẩn nơi Danh Đức Chúa”.
Thánh vịnh 131 tóm tắt tuyệt vời con đường thơ ấu thiêng liêng:
Lòng con chẳng dám tự cao, mắt con chẳng dám tự hào Chúa ơi;
Đường cao vọng chẳng đời nào bước, việc diệu kỳ vượt sức chẳng cầu;
hồn con con vẫn trước sau, giữ cho thinh lặng giữ sao thanh bình.
Như trẻ thơ nép mình lòng mẹ, trong con hồn lặng lẽ an vui.
Thánh vịnh mở đầu bằng bốn chữ “chẳng”, liên quan tới lòng, mắt và chân: theo sát bản văn Hip-ri thì có ba chữ không:
Lòng không tự cao
Mắt không ngước lên cao
[Chân] không bước theo những điều to lớn – và những sự lạ lùng quá sức con.
Tất cả bắt đầu từ trong lòng, như Chúa Giêsu nói: “Từ lòng người phát xuất những ý định xấu… kiêu ngạo ngông cuồng” (Mc 7,21-22). Kiêu ngạo là đầu mọi tính xấu, nên Tv 19,14 có lời cầu xin: “Xin cũng giữ cho tôi tớ Ngài khỏi kiêu ngạo, đừng để tính xấu này thống trị con. Như thế con sẽ nên vẹn toàn không còn vương trọng tội”.
“Con mắt là cửa ngõ của linh hồn”; “mắt có thấy thì lòng mới dấy”. Ngước mắt nhìn lên cao trong Cựu Ước có hai nghĩa đối nghịch vì một đàng nơi cao thường là nơi dân ngọai thờ các thần của họ, nên ngước lên nơi cao là nhìn lên các ngẫu thần của dân ngọai; khi đã có Đền Thờ trên núi Xion thì ngước lên núi cao lại là hướng về Núi Thánh. Ở đây Tv 131 nói đến đưa mắt nhìn lên cao, nghĩa bóng là kiêu căng, nhưng cũng gợi lên nghĩa đen là nhìn lên nơi cao, nơi thờ ngẫu tượng của dân ngọai. Đặt tin tưởng vào bất cứ cái gì ngoài Thiên Chúa đều là thờ ngẫu tượng. Chữ “không” ở đây cho phép hiểu rằng không đưa mắt nhìn lên cao không phải là đồng nghĩa với kiêu căng, nhưng là không nhìn lên nơi thờ ngẫu tượng, không thờ thần nào ngoài Thiên Chúa. “Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta” (Xh 20,3).
Thánh vịnh 120,1 cho biết phải nhìn lên đâu: “Tôi ngước mắt nhìn lên răng núi, ơn phù hộ tôi đến tự nơi nao? Ơn phù hộ tôi đến từ Đức Chúa, là Đấng dưng nên cả đất trời.”
Chữ “không” thứ ba liên quan tới đôi chân: con mắt khơi cho lòng thèm muốn, “con mắt có thấy thì lòng mới dấy”, lòng thèm muốn thì đôi chân đi tìm. Tội đầu tiên của loài người là muốn nên bằng Thiên Chúa. Và từ khi có hai anh em thì thằng anh muốn thống trị thằng em, muốn độc quyền giữ cả Chúa cho riêng mình. Ai cũng muốn những điều to lớn cho mình, ai cũng muốn trở thành “vĩ đại”. Mười hai tông đồ theo Chúa suốt mấy năm trời, cho đến lúc Chúa bảo cái chết đã kề bên tay Chúa“bàn tay kẻ nộp Thầy đang cùng đặt với Thầy trên bàn” thì các ông cũng chỉ có một mối quan tâm: “Các ông còn cãi nhau sôi nổi xem ai trong nhóm được coi là người lớn nhất” (Lc 22,24).
Người ta có thể dùng cả Chúa, cả Hội Thánh, cả Chức Thánh, cả giáo xứ, cả nhà dòng… để làm công cụ cho mình trở nên một ông bà lớn, một nhân vật quan trọng. Đó là điều mà ĐTC Phanxicô đang ra sức loại trừ ngay trong Tòa Thanh Vatican.
Sau ba chữ “không” thì thánh vịnh nói lên thái độ tích cực với hình ảnh trẻ thơ nép mình lòng mẹ. Từ trẻ thơ trong bản văn Hip-ri chỉ về em bé đã cai sữa (chứ không phải như có bản tiếng Việt dịch là “bé no sữa nép mình lòng mẹ”). Khác nhau lắm đấy. Đứa bé còn bế ngửa, khi no sữa rồi nằm yên, ngủ yên trong lòng mẹ là chuyện bình thường. Ở đây là đứa bé đã cai sữa, trong Kinh Thánh là 3 tuổi (x.St 21,8-9;I Sm 1,23-24), có thể chạy chơi, nhưng chưa thể tự đi kiếm đồ ăn, nước uống, chưa thể tự vệ, vẫn hoàn toàn lệ thuộc cha mẹ, khi cần gì hay khi sợ hãi, vui hay buồn đều chạy vào lòng mẹ, hoàn toàn bình an khi dựa vào lòng mẹ.
2- Con đường thơ ấu thiêng liêng trong Tân Ước
Trong Tin Mừng (Mt 18,1-5; Mc 9,33-37; Lc 9,46-48), khi trả lời nỗi thắc mắc hay đúng hơn sửa dạy các môn đệ về chuyện ông nào cũng muốn làm nhân vật số hai sau Chúa Giêsu, Chúa đem một em bé đặt giữa các ông, rõ ràng không phải em bé còn bú đang nằm trong tay mẹ, nhưng là một em bé đang lê la trên vỉa hè hay chơi trong sân nhà thánh Phêrô…
Khi người ta dẫn trẻ em đến với Đức Giêsu (Mt 19,13-15; Mc10,13-16;Lc 18,15-17), các môn đệ xua đuổi, la rầy thì Chúa bảo “Cứ để trẻ em đến với Thầy… vì Nước Thiên Chúa là của những ai giống như chúng”, thì cũng vậy.
Nên giống như trẻ nhỏ không phải là “làm thơ” [làm bộ ngây thơ], nhưng là một sự hóan cải, bởi vì Chúa nhìn tâm hồn chứ không nhìn bề ngoài. Thánh vịnh 131 cũng nói lên thái độ bên trong:
“Hồn con, con vẫn trước sau, giữ cho thinh lặng giữ sao thanh bình,
như trẻ thơ nép mình lòng mẹ, trong con hồn lặng lẽ an vui.
Cậy vào Chúa It-ra-en ơi, từ nay đến mãi muôn đời muôn năm”.
Đức Mẹ chính là mẫu gương của tâm hồn trẻ thơ khi phó nộp hoàn toàn cho Thiên Chúa: “Này tôi Đây là nữ tì của Chúa, xin Người cứ thực hiện cho tôi như lời thiên sứ đã nói” (Lc 1,38).
Kinh Mân côi là một bảng tóm tắt Tin Mừng cho mọi người, từ Đức Giáo Hoàng cho đến bà già quê không hề bíêt đọc bíêt víêt, nhờ đó chúng ta chiêm ngắm ơn cứu độ Thiên Chúa đã thực hiện như lời sứ thần loan báo, và Đức Mẹ có mặt từ mầu nhiệm truyền tin cho tới khi ơn cứu độ hoàn toàn thể hiện nơi Mẹ trong vinh quang của Chúa Kitô phục sinh đang ngự bên hữu Thiên Chúa.
“Xin Mẹ dạy con hai tiếng xin vâng…”
Lm. Nguyễn Công Đoan
Nguồn: tgpsaigon.net