ĐTC Phanxicô Trả Lời Giới Trẻ
trong Chuyên Viếng Thăm Mục Vụ tại Assisi
Dưới đây là bản dịch bài huấn từ của ĐTC Phanxicô trong buổi gặp gỡ giới trẻ của Umbriatại Công Trường của Vương Cung Thánh Đường Santa Maria degli Angeli, Assisi hôm thứ sáu ngày 4 tháng 10, 2013.
“Cha không có vàng hay bạc để tặng các con, nhưng cha có một điều giá trị hơnnhiều, là Tin Mừng của Chúa Giêsu. Các con hãy ra đi với lòng can đảm! Với Tin Mừng trong quả tim và trong tay mình, hãy làm chứng cho đức tin bằng cuộc sống của các con: hãy mang Đức Kitô vào trong nhà các con, hãy rao giảng Người giữa các bạn bè các con, hãy chào đón và phục vụ những người nghèo!”
* * *
Những Câu Hỏi của Giới Trẻ Đệ Trình Đức Thánh Cha
————————————–
1. Gia Đình: Chiara và Nicola Volpi (Perugia – Città della Pieve)
Chúng con là những người trẻ đang sống trong một xã hội đặt trọng tâm vào cảm giác hạnh phúc, thú vui, nghĩ đến mình. Sống đời hôn nhân của các Kitô hữu trẻ thật phức tạp, sẵn sàng đón nhận sự sống là một thách thức và một lo sợ thường xuyên. Như một cặp vợ chồng trẻ, chúng con cảm nhận được niềm vui của cuộc sống hôn nhân, nhưng cũng trải qua những mệt mỏi và thách đố hàng ngày. Làm sao Hội Thánh có thể giúp chúng con, cácmục tử của chúng con có thể giúp chúng con điều gì, và chúng con được mời gọi để đi những bước gì?
————————————–
2. Việc Làm: Danilo Zampolini (Spoleto – Norcia) và David Girolami (Foligno)
Ngay cả Umbria trong cuộc khủng hoảng kinh tế chung của những năm gần đây đã đưađến những tình cảnh khó khăn và nghèo đói. Tương lai không chắc chắn và đe dọa. Nguy cơ là mất thậm chí cả hy vọng cùng với sự an toàn kinh tế. Một Kitô hữu trẻ phải nhìn về tương lai như thế nào? Phải dấn thân vào con đường nào để xây dựng một xã hội xứng đáng với Thiên Chúa và xứng đáng với con người?
————————————–
3. Ơn Gọi: Benedict Fattorini (Orvieto – Todi) và Chiaroli Maria (Terni – Narni – Amelia)
Phải làm gì trong cuộc sống? Phải sử dụng những tài năng mà Chúa đã ban cho con thế nào và ở đâu?
Đôi khi có bị thu hút bởi ý tưởng về thiên chức linh mục hay đời sống thánh hiến. Nhưng giờ dây chúng con thấy sợ hãi. Rồi sau đó, tự hỏi về một cam kết như thế này: “suốt đời”? Làmsao để nhận ra lời mời gọi của Thiên Chúa? ĐTC khuyên những người muốn dâng hiến cuộc đời của mình để phục vụ Thiên Chúa và tha nhân những gì?
————————————–
4. Truyền Giáo: Luca Nassuato (Assisi – Nocera Umbra – Gualdo Tadino), Mirko Pierli (Città di Castello) và Petra Sannipoli (Gubbio)
Thật là tốt đẹp cho chúng con được ở đây với ĐTC và được nghe những lời của ĐTCkhuyến khích và sưởi ấm tâm hồn chúng con. Năm Đức Tin, được kết thúc trong vòng vài tuần nữa, tái đề nghị với tất cả các tín hữu tính cấp bách của việc công bố Tin Mừng.Chúng con cũng muốn tham gia vào cuộc phiêu lưu thú vị này. Nhưng làm thế nào? Chúngcon có thể đóng góp được những gì? Chúng con nên làm gì?
CÂU TRẢ LỜI CỦA ĐỨC THÁNH CHA
Các bạn trẻ của Umbria thân mến, chào các con!
Cảm ơn các con đã đến, cảm ơn các con vì lễ hội này! Thực sự, đây là một lễ hội! Và cảm ơn các con vì những câu hỏi của các con.
Cha rất vui vì câu hỏi thứ nhất đến từ một cặp vợ chồng trẻ. Một chứng từ đẹp! Hai người trẻ, đã chọn, đã quyết định, để bắt đầu một gia đình với niềm vui và lòng can đảm. Phải, đó là sự thật, cần phải có can đảm để bắt đầu một gia đình! Phải có can đảm! Và câu hỏi các con, cặp vợ chồng trẻ, cũng liên quan đến câu hỏi về ơn gọi. Hôn nhân là gì? Hôn nhân làmột ơn gọi đích thực, cũng như ơn gọi linh mục và đời sống tu trì. Hai người Kitô hữu kết hôn với nhau đã nhận ra trong chuyện tình của họ ơn gọi của Chúa, ơn gọi kết hợp hai người, nam và nữ, thành một thân xác, một đời sống. Và bí tích Hôn Phối bao bọc tình yêu này bằng ân sủng của Thiên Chúa, bắt nguồn từ Chính Thiên Chúa. Với hồng ân này, với sự chắc chắn của ơn gọi này, các con có thể bắt đều cách an toàn, không sợ bất cứ điều gì, các con có thể cùng nhau đương đầu với tất cả mọi sự!
Chúng ta hãy nghĩ đến cha mẹ, ông bà của chúng ta hoặc ông các cụ cố của chúng ta: các ngài đã kết hôn trong những điều kiện khó khăn hơn nhiều so với chúng ta, một số trong thời chiến tranh, hoặc trong chiến tranh, một số là di dân, như cha mẹ của cha. Đâu là sức mạnh của các ngài? Các ngài đã tìm thấy sức mạnh trong niềm xác tín rằng Chúa ở cùngcác ngài, rằng gia đình đã được Chúa chúc phúc trong Bí Tích Hôn Phối, và sứ vụ sinh sản cùng dạy dỗ con cái cũng được chúc phúc. Với những xác tín này các ngài đã vượt trênngay cả những thử thách nghiêm trọng nhất. Đó là những xác tín đơn giản, nhưng thực tế, hình thành những cột trụ nâng đỡ tình yêu của các ngài. Cuộc sống của các ngài thật không dễ dàng, và đã có những vấn đề, nhiều vấn đề. Nhưng những xác tín đơn giản này đã giúp các ngài tiến về phía trước. Và các ngài đã cố gằng để tạo nên cho một gia đình tốt đẹp, để trao ban sống và để dưỡng dục con cái.
Các bạn thân mến, chúng ta muốn có nền tảng luân lý và tinh thần này để xây dựng tốt và vững chắc! Ngày nay, nền tảng này không còn được đảm bảo bởi các gia đình và truyền thống xã hội nữa. Thực ra, xã hội mà trong đó các con được sinh ra ưu đãi những quyềncủa cá nhân hơn những quyền của gia đình – những quyền cá nhân này – ưa thích nhữngmối liên hệ chỉ tồn tại cho đến khi khó khăn xảy ra, và vì lý do này mà đôi khi người ta nói về mối liên hệ vợ chồng, gia đình và hôn nhân một cách quá phiến diện và giả trá. Chỉ cầnxem một vài chương trình truyền hình là đủ để các con thấy những giá trị này! Bao nhiêu lần các linh mục – chính cha cũng đã đôi khi nghe được điều này – có lần cha nói với mộtcặp sắp sửa kết hôn: “Các con có biết rằng hôn nhân là việc suốt đời không?” “À, chúngcon yêu nhau rất nhiều, nhưng… chúng con sẽ tiếp tục ở cùng nhau bao lâu còn tình yêu.Khi hết tình yêu, thì đường ai nấy đi.” Và tính ích kỷ: khi tôi không còn cảm thấy yêu thì tôicắt đứt hôn nhân và tôi quên rằng đó là “một thân xác duy nhất” không thể phân chia. Vàlập gia đình là điều nguy hiểm; điều nguy hiểm là tính ích kỷ đe dọa chúng ta, bởi vì nó nằm ở trong tất cả chúng ta, chúng ta có khả năng của một cá tính nhị phân: một cá tính nói:”Tôi, tự do, tôi muốn điều này…”, và cá tính kia nói, “ôi, tôi, cho tôi, với tôi, đối với tôi…”. Ích kỷ luôn luôn, nó quay trở lại với mình và không thể mở lòng ra cho người khác. Khó khăn khác là nền văn hóa này là nền văn hóa của tạm bợ: có vẻ như không có gì là dứt khoát. Tất cả mọi sự chỉ là tạm thời. Như cha đã nói trước đây: Tốt, tình yêu, bao lâu nó còn tồn tại. Tốt, cha đã từng nghe một chủng sinh nói: “Con muốn trở thành một linh mục, nhưngchỉ mười năm thôi. Sau đó con phải nghĩ lại.” Và đó là nền văn hóa tạm bợ. Chúa Giêsukhông cứu chúng ta cách tạm thời: Người cứu chúng ta cách dứt khoát!
Nhưng Chúa Thánh Thần luôn luôn gợi lên những giải pháp mới cho những nhu cầu khẩn cấp mới! Vì thế trong Hội Thánh đã có gấp bội những lớp học cho những cặp đính hôn,những khóa dự bị hôn nhân, những nhóm phu thê trẻ trong các giáo xứ, những phong trào gia đình… Đó là một sự phong phú bao la! Đó là những điểm tham chiếu cho tất cả mọi người: những người trẻ đang tìm kiếm, các cặp vợ chồng đang gặp khủng hoảng, nhữngcha mẹ đang đau khổ vì con cái và ngược lại. Rồi còn có những hình thức đón nhận khác nhau: chăm nuôi, nhận con nuôi, nhà nuôi dưỡng đủ loại… Óc tưởng tượng – cho phép cha nói điều này – óc tưởng tượng của Chúa Thánh Thần thật là vô hạn, nhưng cũng rất thực tế! Sau đó, cha khuyên các con đừng sợ bước những bước dứt khoát: Đừng sợ chúng. Đã bao nhiêu lần cha nghe các bà mẹ nói với cha: “Nhưng, thưa cha, con có một đứa con trai 30 tuổi mà chưa lập gia đình, con không biết phải làm gì! Nó có một bạn gái xinh đẹp, nhưng nó không quyết định.” Nhưng, bà ơi, đừng kéo dãn thêm áo nữa! Đời là thế! Các con đừng sợ bước những bước dứt khoát, chẳng hạn như bước hôn nhân: hãy đào sâu tình yêu của các con, qua việc tôn trọng thời giờ và những cách diễn tả, cầu nguyện và chuẩn bị tốt, nhưng sau đó hãy tin tưởng rằng Chúa sẽ không bỏ các con một mình! Hãymời Người vào trong nhà các con như một người trong gia đình, Người sẽ luôn luôn nâng đỡ các con.
Gia đình chính là ơn gọi mà Thiên Chúa đã viết trong bản tính của người nam và người nữ, nhưng có một ơn gọi bổ sung cho hôn nhân: ơn gọi sống đời độc thân và khiết tịnh vì Nước Trời. Đó là ơn gọi mà chính Chúa Giêsu đã sống. Làm sao để nhận ra nó? Làm sao để theo nó? Đó là câu hỏi thứ ba mà các con đã đặt ra. Nhưng một số trong các con có thể nghĩ, hoan hô (bravo) vị giám mục này! Chúng con hỏi những câu hỏi và ngài đã sẵn sàng trả lời tất cả, bằng văn bản! Cha đã nhận được những câu hỏi này một vài ngày trước đây.Vì thế mà cha biết. Và cha trả lời các con với hai yếu tố quan trọng về việc làm thế nào để nhận ra ơn gọi làm linh mục hay đời sống thánh hiến. Hãy cầu nguyện và bước đi trong Hội Thánh. Hai điều này đi cùng nhau, chúng gắn bó với nhau. Ở nguồn gốc của mọi ơn gọi sống đời thánh hiến luôn luôn là một kinh nghiệm mạnh mẽ về Thiên Chúa, một kinh nghiệm mà các con sẽ không bao giờ quên, tức là các con sẽ nhớ suốt đời! Và đó là kinh nghiệm mà Thánh Phanxicô đã có. Và điều này chúng ta không thể tính toán hay đặtchương trình trước. Thiên Chúa luôn luôn làm cho chúng ta ngạc nhiên! Chính Thiên Chúalà Đấng mời gọi, nhưng điều quan trọng là phải có một mối liên hệ hàng ngày với Ngài, lắng nghe Ngài trong thinh lặng trước Nhà Tạm và trong tận đáy lòng mình, trò truyện với Ngài,đến gần các Bí Tích. Có mối liên hệ gia đình này với Chúa giống như giữ cho cửa sổ của cuộc đời mình mở ra để Ngài làm cho chúng ta nghe thấy tiếng nói của Ngài, những gì Ngàimuốn nơi chúng ta. Thật tốt đẹp khi nghe các con, nghe các linh mục tham dự, các nữ tu…Thật là tuyệt đẹp bởi vì mỗi câu chuyện đều độc đáo, nhưng tất cả đều khởi đầu từ một cuộc gặp gỡ, là cuộc gặp gỡ chiếu soi tận đáy lòng, chạm đến con tim và liên hệ đến toànthể con người: tình cảm, trí tuệ, giác quan, tất cả mọi sự. Mối liên hệ của chúng ta với Thiên Chúa không chỉ là một phần của chính mình, nhưng liên quan đến tất cả mọi sự. Đó là một tình yêu quá cao cả, quá đẹp, quá thật, đáng được tất cả và xứng đáng với sự tin tưởng của chúng ta. Và một điều cha muốn nói hết sức, đặc biệt là hôm nay: trinh tiết vìNước Thiên Chúa không phải là “không” mà là “có”! Tất nhiên, điều ấy ngụ ý là từ bỏ một mối liên hệ hôn nhân và gia đình của mình, nhưng nền tảng là “xin vâng” như một đáp trả lời “có” của Đức Kitô dành cho chúng ta, và lời “có” này làm cho nó sinh hoa trái.
Nhưng tại đây, ở Assisi chúng ta không cần những lời nói! Có Thánh Phanxicô, có ThánhClara ở đây, các con hãy thưa chuyện với các ngài! Đặc sủng của các ngài là tiếp tục tròtruyện với nhiều người trẻ trên toàn thế giới: là những thanh niên thiếu nữ bỏ lại tất cả mọisự để đi theo Chúa Giêsu trên con đường của Tin Mừng.
Đây, Tin Mừng. Cha muốn dùng từ “Tin Mừng” để trả lời hai câu hỏi khác mà các con đãđặt ra cho cha, câu hỏi thứ hai và thứ tư. Một câu hỏi liên quan đến việc dấn thân phục vụxã hội, trong giai đoạn khủng hoảng này, là khủng hoảng đe dọa niềm hy vọng; và câu hỏi kia liên quan đến việc truyền giáo, việc đem sứ điệp của Chúa Giêsu đến cho tha nhân.Các con hỏi cha: chúng con có thể làm gì? Chúng con có thể đóng góp gì?
Ở đây, tại Assisi, gần Portiuncula, cha dường như nghe tiếng của Thánh Phanxicô nhắc lại cho chúng ta: “Tin Mừng, Tin Mừng!” Ngài cũng nói với cha, thực ra, trước hết cho cha:ĐTC Phanxicô, hãy là một tôi tớ của Tin Mừng! Nếu cha có vẻ không thể là một tôi tớ của Tin Mừng, cuộc đời của cha không có giá trị gì cả!
Nhưng Tin Mừng, các bạn thân mến, không chỉ về tôn giáo, mà còn về con người, toàn thể con người, về thế giới, xã hội và nền văn minh của nhân loại. Tin Mừng là sứ điệp cứu rỗicủa Thiên Chúa cho nhân loại. Nhưng khi chúng ta nói “sứ điệp cứu rỗi,” đây không phải là một cách nói bóng gió, không phải chỉ là những ngôn từ hoặc lời nói trống rỗng như có rất nhiều ngày nay! Nhân loại thực sự cần được cứu rỗi! Chúng ta thấy điều này mỗi ngày khilật qua báo chí, hoặc nghe tin tức trên các đài truyền hình, nhưng chúng ta cũng nhìn thấyđiều này chung quanh chúng ta, trong những con người, những hoàn cảnh, và chúng tanhìn thấy điều này trong chính mình chúng ta! Mỗi người chúng ta cần ơn cứu rỗi! Chúng ta không thể tự mình làm điều ấy! Chúng tôi cần ơn cứu rỗi! Cứu khỏi cái gì? Khỏi sự dữ.Sự dữ tác hành, nó làm công việc của nó. Nhưng sự dữ không phải là điều không thể thắng nổi và người Kitô hữu không rút lui khi phải đương đầu với sự dữ. Còn các con, những người trẻ, các con có muốn rút lui trước sự dữ, những bất công và những khó khăn hay không? Các con có muốn hay không? [Những người trẻ thưa: Không!] À, tốt. Như thế này! Bí mật của chúng ta là Thiên Chúa lớn hơn sự dữ: nhưng điều này là sự thật! Thiên Chúa lớn hơn sự dữ. Thiên Chúa là Tình Yêu vô hạn, lòng thương xót vô biên, và Tình Yêu đó đã chinh phục sự dữ tận gốc rễ của nó trong Cái Chết và sự Phục Sinh của Đức Kitô. Đây là Tin Mừng, Tin Mừng: Tình Yêu Thiên Chúa đã chiến thắng! Đức Kitô đã chết trên Thánh Giá vì tội lỗi chúng ta và đã sống lại. Với Người chúng ta có thể chống lại sự dữ và thắngnó mỗi ngày. Các con có tin điều ấy hay không? [Những người trẻ thưa: Có!] Nhưng lời thưa ‘có’ phải đi vào cuộc sống! Nếu tôi tin rằng Chúa Giêsu đã chiến thắng sự dữ và cứu tôi, tôi phải đi theo Chúa Giêsu, tôi phải đi trên con đường dẫn đến cùng Chúa Giêsu suốt đời tôi.
Như vậy, Tin Mừng, sứ điệp cứu độ này, có hai mục tiêu liên hệ với nhau: mục tiêu thứ nhất là khơi dậy đức tin, đó là rao giảng Tin Mừng, và mục tiêu thứ nhì là biến đổi thế gian theo kế hoạch của Thiên Chúa, đó là việc sinh động hóa xã hội của các Kitô hữu. Nhưng chúngkhông phải là hai mục tiêu riêng biệt, chúng là một sứ vụ duy nhất: đem Tin Mừng qua việc làm nhân chứng bằng cuộc sống có sức biến đổi thế gian của chúng ta! Đây là phương thế: đem Tin Mừng qua việc làm nhân chứng bằng đời sống của chúng ta.
Chúng ta hãy nhìn lên Thánh Phanxicô: Ngài đã làm tất cả những việc này, với sức mạnh của một Tin Mừng duy nhất. Thánh Phanxicô đã làm tăng trưởng đức tin, đã đổi mới Hội Thánh, và đồng thời đổi mới xã hội, đã làm cho nó thêm huynh đệ, nhưng luôn luôn với Tin Mừng, bằng việc làm nhân chứng. Các con có biết điều mà Thánh Phanxicô đã từng nói với anh em của Ngài không? “Hãy luôn luôn rao giảng Tin Mừng và nếu cần, cũng bằng lời nói.” Nhưng, làm thế nào? Các con có thể rao giảng Tin Mừng mà không cần lời nói không?Có thể! Bằng việc làm chứng! Làm chứng đi trước, lời nói đi theo sau! Nhưng làm nhân chứng!
Người trẻ Umbria: các con cũng hãy làm điều đó! Hôm nay, nhân danh Thánh Phanxicô,cha nói với các con, cha không có vàng hay bạc để tặng các con, nhưng cha có một điềugiá trị hơn nhiều, là Tin Mừng của Chúa Giêsu. Các con hãy ra đi với lòng can đảm! Với Tin Mừng trong quả tim và trong tay của mình, hãy làm chứng cho đức tin bằng đời sống củacác con: hãy mang Đức Kitô vào trong nhà các con, hãy rao giảng Người giữa các bạn bècác con, hãy chào đón và phục vụ những người nghèo. Những người trẻ, các con hãy đem đến cho Umbria một sứ điệp sự sống, bình an và hy vọng! Các con có thể làm điều ấy!
Đọc Kinh lạy Cha và Phép Lành
Và xin vui lòng, cha xin các con hãy cầu nguyện cho cha!
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ
Nguồn: UBKT-HĐGMVN