Sứ điệp đầu tiên của Đức Thánh Cha Phanxicô
nhân ngày di dân và tị nạn
“Người di dân và tị nạn:
hướng về một thế giới tốt đẹp hơn”
VATICAN. ĐTC Phanxicô kêu gọi cộng đồng quốc tế cộng tác với nhau để cải tiến tình trạng người di dân ngày càng gia tăng trên thế giới. Ngài cũng mời gọi các cơ quan truyền thông góp phần bài trừ những thành kiến khiến do người di dân không được tiếp đón tại các nước họ nhập cư.
ĐTC đã đưa ra lời kêu gọi trên đây trong sứ điệp công bố hôm 24-9-2013 nhân ngày di dân và tị nạn sẽ được cử hành vào ngày 19-1-2014, với chủ đề: “Người di dân và tị nạn: hướng về một thế giới tốt đẹp hơn”. Sau đây là toàn văn sứ điệp của ĐTC.
”Anh chị em thân mến, các xã hội chúng ta đang cảm nghiệm những tiến trình lệ thuộc lẫn nhau và ảnh hưởng trên nhau trên bình diện hoàn vũ chưa từng có trước đây trong lịch sử. Những tiến trình này tuy có những yếu tố gây khó khăn hoặc tiêu cực, nhưng chúng có mục đích cải tiến những điều kiện sống của gia đình nhân loại, không những về mặt kinh tế, nhưng cả trong những khía cạnh chính trị và văn hóa nữa. Vả lại, mỗi người là thành phần của nhân loại và, cùng với toàn thể gia đình các dân nước, cùng hy vọng một tương lai tốt đẹp hơn. Nhận xét này gợi hứng cho đề tài mà tôi đã chọn cho Ngày Thế giới về di dân và tị nạn năm nay, đó là “Những người di dân và tị nạn: hướng về một thế giới tốt đẹp hơn”.
”Trong thế giới đang biến chuyển ngày nay, hiện tượng con người ngày càng lưu động trở nên như ”một dấu chỉ thời đại”, theo định nghĩa của ĐGH Biển Đức 16 (Xc Sứ điệp Ngày Thế giới di dân và tị nạn 2006). Thực vậy, một đàng những cuộc di cư thường cho thấy những thiếu sót từ phía các quốc gia và cộng đồng quốc tế, nhưng đàng khác chúng cũng bộc lộ khát vọng của nhân loại mong sống hiệp nhất trong sự tôn trọng những khác biệt, sự đón tiếp và lòng hiếu khách giúp phân chia đồng đều các tài nguyên của trái đất, bảo vệ và thăng tiến phẩm giá cũng như thế đứng trung tâm của mỗi người”.
Về phương diện Kitô, cả trong việc di cư, cũng như trong các thực tại khác của con người, người ta thấy có sự căng thẳng giữa một bên là vẻ đẹp của công trình sáng tạo, mang dấu vết của ơn thánh và công trình cứu chuộc, và bên kia là mầu nhiệm tội lỗi. Đối nghịch với tình liên đới và sự tiếp đón, những cử chỉ huynh đệ và cảm thông, có sự từ khước, kỳ thị, nạn khai thác bóc lột, đau khổ và chết chóc. Đáng lo hơn cả là những tình trạng trong đó việc di cư không những do sự cưỡng bách, nhưng còn được thực hiện qua nhiều thể thác khác nhau của nạn buôn người và biến thành nô lệ. Nạn lao động như nô lệ là điều thường thấy ngày nay! Tuy có những vấn đề, những rủi ro và khó khăn phải đương đầu, điều làm cho người di dân và tị nạn phấn khởi là niềm tín thác và hy vọng; họ mang trong tâm hồn mong ước một tương lai tốt đẹp hơn không những cho bản thân, nhưng còn cho gia đình và những người thân yêu của họ nữa.
”Việc kiến tạo một ”thế giới tốt đẹp hơn” bao hàm điều gì? Thành ngữ ”một thế giới tốt đẹp hơn” không ám chỉ một cách thơ ngây tới những ý niệm trừu tượng hoặc những thực tại không thể đạt tới được, nhưng đúng hơn nó hướng về sự tìm kiếm một sự phát triển đích thực và toàn diện, hoạt động để có những điều kiện sống xứng đáng cho tất cả mọi người, để họ tìm được những câu trả lời đúng đắn cho những đòi hỏi của các cá nhân và gia đình, để công trình tạo dựng mà Thiên Chúa ban cho chúng ta được tôn trọng, gìn giữ và vun trồng. Đấng Đáng Kính Phaolô 6 đã mô tả những khát vọng của con người ngày nay như sau: ”Được giải thoát khỏi lầm than, bảo đảm cuộc sống của mình một cách chắc chắn nhất, được sức khỏe, công ăn việc làm vững chắc; được tham gia đầy đủ nhất vào các trách nhệm, không bị áp bức nào, tránh được những tình trạng làm thương tổn phẩm giá con người; được hưởng một nền giáo dục đầy đủ hơn; tóm một lời là muốn được hiểu biết và sở hữu nhiều hơn, để sống trọn vẹn hơn” (Thông điệp Phát triển các dân tộc, 23-6-1967, 6).
”Con tim chúng ta mong ước được ”tốt đẹp hơn nữa”, điều này không phải chỉ là được một kiến thức hoặc được sở hữu nhiều hơn, nhưng nhất là được sống sung mãn hơn. Ta không thể thu hẹp sự phát triển vào sự tăng trưởng kinh tế mà người ta thường theo đuổi mà không để ý gì đến những người yếu thế nhất và vô phương tự vệ. Thế giới chỉ có thể được cải tiến tốt đẹp hơn nếu người ta quan tâm trước tiên tới con người, nếu sự thăng tiến con người có tính chất toàn diện, trong mọi chiều kích, kể cả chiều kích tinh thần; nếu không ai nào bị lơ là, kể cả những người nghèo, các bệnh nhân, tù nhân, những người túng thiếu, người ngoại quốc (Xc Mt 25,31-46); nếu ta có khả năng đi từ một nền văn hóa gạt bỏ đến một nền văn hóa gặp gỡ và tiếp đón”.
”Những người di dân và tị nạn không phải là những con cờ trên bàn cờ của nhân loại. Họ là những trẻ em, phụ nữ và đàn ông rời bỏ hoặc bị bó buộc rời bỏ gia cư của họ vì nhiều lý do, họ cùng chia sẻ một ước muốn hợp pháp là được biết, sở hữu, và nhất là được sống trọn vẹn hơn. Thật là đáng ngạc nhiên trước con số những người di cư từ đại lục này sang đại lục khác, cũng như những người di chuyển trong nội địa quốc gia hoặc những vùng địa lý của họ. Làn sóng di dân ngày nay là làn sóng lớn nhất trong lịch sử, họ gồm những cá nhân, nếu không phải là cả dân tộc. Đồng hành với những người di dân và tị nạn, Giáo Hội dấn thân tìm hiểu những nguyên do gây ra hiện tượng di dân, và Giáo Hội cũng hoạt động để khắc phục những hậu quả tiêu cực và đề cao giá trị cũng như hậu quả tích cực của việc di cư đối với các cộng đoàn nguyên quán, cộng đoàn chuyển tiếp hoặc các cộng đoàn định cư trong tiến trình di cư.
”Đáng tiếc là, trong lúc khích lệ sự phát triển hướng tới một thế giới tốt đẹp hơn, chúng ta không thể im lặng trước gương mù nghèo đói trong các chiều kích khác nhau: bạo lực, bóc lột, kỳ thị, gạt ra ngoài lề, những biện pháp thu hẹp tự do cơ bản, của cá nhân cũng như của tập thể, đó là một số yếu tố chính của nghèo đói cần phải vượt qua. Nhiều lần chính những khía cạnh đó là nguyên nhân thúc đẩy sự di cư, gắn liền di cư với nghèo đói. Trong khi trốn chạy những tình trạng lầm than hoặc bách hại để tiến tới một viễn tượng tốt đẹp hơn hoặc để cứu vãn cuộc sống, hàng triệu người lên đường di cư, và trong khi hy vọng được mãn nguyện, thì họ thường gặp phải những nghi kỵ, khép kín hoặc loại trừ và bị những nghịch cảnh, cử những nghịch cảnh trầm trọng nhất và làm thương tổn phẩm giá của họ.
”Thực tại di cư, với những chiều kích mà thời đại hoàn cầu hóa ngày nay đang đòi phải được xử lý và điều hành một cách mới mẻ, công bằng và hữu hiệu, nhất là đòi phải có sự cộng tác quốc tế và một tinh thần liên đới, cảm thông sâu xa. Điều quan trọng là sự cộng tác ở các cấp độ khác nhau, với sự đồng thanh chấp nhận những văn kiện pháp lý bảo vệ và thăng tiến con người. ĐGH Biển Đức 16 đã phác họa khuôn mẫu cho các chính sách và khẳng định rằng ”chính sách như thế cần phải được khai triển từ một sự cộng tác chặt chẽ giữa các nước xuất cư và các nước tiếp cư; cần tháp tùng bằng những qui luật quốc tế thích hợp có khả năng hòa hợp những hệ thống pháp lý khác nhau, trong viễn tượng cứu vãn những đòi hỏi và những quyền của con người và các gia đình di cư, và đồng thời, quyền của các xã hội nơi những người di cư đến ngụ” (Thông điệp Caritas in veritate, 29-6-2009, 62). Cùng nhau làm việc cho một thế giới tốt đẹp hơn đòi phải có sự giúp đỡ lẫn nhau giữa các nước, với thái độ sẵn sàng và tín nhiệm, không dựng lên những hàng rào không thể vượt qua. Một sự hợp lực có thể là khích lệ đối với các chính phủ để đương đầu với những chênh lệch về xã hội và kinh tế, và một sự hoàn cầu hóa không có qui luật nào là những nguyên nhân tạo ra di cư trong đó con người trở thành nạn nhân hơn là người nắm vai chính. Không có nước nào một mình có thể đương đầu với những khó khăn gắn liền với hiện tượng này, nó rộng lớn đến độ liên hệ tới tất cả các đại lục trong hai phong trào nhập cư và xuất cư.
”Tiếp đến, điều quan trọng là nhấn mạnh sự cộng tác ấy đã khởi sự với cố gắng của mỗi người phải làm để kiến tạo những điều kiện kinh tế và xã hội tốt đẹp hơn tại quê hương, để việc xuất cư không phải là sự chọn lựa duy nhất đối với những người tìm kiếm hòa bình, công lý, an ninh và sự tôn trọng đầy đủ phẩm giá con người. Kiến tạo những cơ hội công ăn việc làm trong các nền kinh tế địa phương, sẽ tránh được sự phân rẽ gia đình và bảo đảm những điều kiện ổn định và thanh thản cho cá nhân và cộng đoàn.
”Sau cùng, khi nhìn thực tại những người di dân và tị nạn, có một yếu tố thứ ba mà tôi muốn nêu bật trên con đường xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn, đó là vượt thắng những thành kiến và thiếu cảm thông trong việc cứu xét việc di cư. Thực vậy, nhiều khi những người di dân, tản cư, xin tị nạn và người đã được tị nạn khơi dậy nơi dân chúng địa phương những ngờ vực và đối kỵ. Người ta lo sợ rằng người di dân và tị nạn tạo nên những xáo trộn trong an ninh xã hội, và có nguy cơ làm cho họ đánh mất căn tính và văn hóa, tạo ra cạnh tranh trong thị trường công việc làm hoặc làm cho tội phạm gia tăng. Trong lãnh vực này, các phương tiện truyền thông xã hội có một vai trò trách nhiệm lớn: thực vậy họ có nhiệm vụ vạch trần những thành kiến và cung cấp những thông tin chính xác khi nói về những sai lầm của một số người di dân và tị nạn, và cũng cần mô tả sự lương thiện, ngay chính, tâm hồn đại đảm của nhiều người trong số họ. Trong vấn đề này, cần có một sự thay đổi thái độ từ mọi người đối với những người di dân và tị nạn; đi từ thái độ tự vệ và sợ hãi, không quan tâm, hoặc gạt ra ngoài lề, tương ứng với nền văn hóa loại bỏ, tới thái độ dựa trên nền văn hóa gặp gỡ, là văn hóa duy nhất có khả năng kiến tạo một thế giới công bằng và huynh đệ hơn, một thế giới tốt đẹp hơn. Cả các phương tiện truyền thông xã hội cũng được mời gọi đi vào sự hoán cải thái độ, và cổ võ sự thay đổi thải độ như thế đối với những người di dân và tị nạn.
“Tôi nghĩ đến Thánh Gia Nazareth cũng đã trải qua kinh nghiệm bị chối bỏ vào đầu hành trình của mình: ”Mẹ Maria sinh con đầu lòng, bọc trong tá và đặt trong mang cỏ vì không có chỗ cho họ trong nhà trọ” (Lc 2,7). Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Thánh Giuse đã cảm nghiệm thế nào là rời bỏ quê hương của mình và trở thành người di cư: bị lòng khao khát quyền lực của vua Hêrôđê đe dọa, các vị buộc lòng phải chốn chạy sang Ai Cập (Xc Mt 2,13-14). Nhưng con tim từ mẫu của Mẹ Maria và trái tim ân cần của thánh Giuse, người gìn giữ Thánh Gia thất đã luôn bảo tồn niềm tín thác: Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi. Nhờ lời chuyển cầu của các ngài, ước gì niềm xác tín này luôn kiên vững trong tâm hồn những người di dân và tị nạn.
”Giáo Hội đáp lại mệnh lệnh của Chúa Kitô, ”Các con hãy đi khắp thế gian và làm cho mọi dân tộc thành môn đệ”, Giáo Hội được kêu gọi trở thành Dân Chúa bao gồm mọi dân tộc và mang Tin Mừng cho mọi dân tộc, vì nơi khuôn mặt của mỗi người có in khuôn mặt của Chúa Kitô! Ở đây có cội rễ sâu xa nhất của phẩm giá con người, phải luôn tôn trọng và bảo vệ. Không phải các tiêu chuẩn hiệu năng, sản xuất, giai tầng xã hội, chủng tộc hoặc tôn giáo làm nền tảng cho phẩm giá con người, nhưng là sự kiện con người được dựng nên theo hình ảnh giống Thiên Chúa (Xc St 1,26-27), và hơn nữa là con Thiên Chúa, mỗi người là con của Thiên Chúa! Nơi con người có in hình ảnh Chúa Kitô. Vì thế, vấn đề ở đây là trước hết chúng ta nhìn thấy và giúp người khác thấy người di dân và tị nạn không phải như một vấn đề cần phải đương đầu, nhưng như người anh em, chị em cần tiếp đón, tôn trọng và yêu mến, một cơ hội Chúa Quan Phòng ban để góp phần kiến tạo một xã hội công bằng hơn, dân chủ trọn vẹn hơn, một quốc gia liên đới hơn, một thế giới huynh đệ hơn và một cộng đoàn Kitô cởi mở hơn theo Tin Mừng. Những cuộc di cư có thể làm nảy sinh cơ hội tái truyền giảng Tin Mừng, mở ra những không gian cho sự tăng trưởng một nhân loại mới đã được loan báo trong mầu nhiệm phục sinh: một nhân loại trong đó mỗi phần đất ngoại quốc là quê hgương và mỗi quê hương là đất xa lạ.
”Anh chị em di dân và tị nạn thân mến! Anh chị em đừng mất hy vọng một tương lai chắc chắn hơn cũng được dành cho anh chị em, và trên đường đi anh chị em có thể gặp một bàn tay nâng đỡ, được cảm nghiệm tình huynh đệ liên đới và hơi ấm của tình bạn! Tôi hứa cầu nguyện cho tất cả anh chị em và những người dành trọn cuộc đời và năng lực để ở cạnh anh chị em và tôi ban phép lành Tòa Thánh cho tất cả.
Vatican ngày 5 tháng 8 năm 2013
Phanxicô, Giáo Hoàng
Nguồn: RV