Nhân đức Hy vọng mang tên Giêsu
Đức Cậy, có lẽ ít được hiểu rõ hơn đức Tin và đức Mến. Không nên nhầm lẫn đức Cậy (nhân đức Hy vọng) với sự lạc quan của con người; đây là một nhân đức chứ không phải chỉ là một trạng thái tinh thần. Đối với Kitô hữu, nhân đức Hy vọng là chính Đức Giêsu được cá vị hóa trong Bí Tích Thánh Thể và trong Lời Chúa. Đó là cốt yếu những điều Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói trong Thánh lễ sáng nay (9.9.2013) tại nhà khách Santa Marta ở Vatican.
Nhân đức Hy vọng là một món quà từ Đức Giêsu; nhân đức Hy vọng cũng là chính Đức Giêsu và mang tên Giêsu, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như thế trong bài giảng của mình. Nhưng nhân đức này không phải là loại hy vọng mà bạn tìm thấy nơi một người thường nhìn vào “một ly đầy một nửa ” – đó chỉ đơn giản là “lạc quan”, và “khi là một thái độ của con người, sự lạc quan sẽ phải phụ thuộc vào nhiều thứ.”
Nhắc lại bài Tin Mừng kể về Đức Giêsu chữa lành một người đàn ông bại tay và sau đó bị các kinh sư và Pharisêu chỉ trích, Đức Thánh Cha nói rằng, qua phép lạ này, Đức Giêsu chỉ cho họ thấy họ không có tự do trong cung cách của mình. “Tự do và hy vọng phải đi đôi với nhau: Không có hy vọng, không thể có tự do”. Và Đức Giáo Hoàng nói, với cử chỉ ấy, Đức Giêsu cho chúng ta thấy sức mạnh đổi mới thông qua Ngài.
“Đức Giêsu chính là niềm Hy vọng, một tác nhân đổi mới mọi sự. Bản thân Đức Giêsu là một phép lạ liên tục”. Đức Kitô hiện thực hóa “phép lạ đổi mới” này nơi Giáo Hội, nơi cuộc sống của tôi, của bạn, của chúng ta. “Chúa Kitô là lý do để chúng ta hy vọng và niềm hy vọng này không lừa dối chúng ta.”
Đức Thánh Cha cũng ngỏ lời với các bạn giáo sĩ. Khi lưu ý rằng quả là buồn khi người ta thấy một linh mục không có niềm hy vọng, Đức Thánh Cha nói: “Thật là tốt đẹp khi thấy một linh mục vào cuối đời không còn lạc quan mà vẫn giữ được niềm hy vọng. Linh mục này liên kết với Đức Giêsu Kitô, và dân Chúa cần linh mục chúng ta cung cấp cho họ dấu chỉ của niềm hy vọng, và sống niềm hy vọng này trong Đức Giêsu, Đấng đổi mới mọi sự. “
Và ĐTC chỉ cho mọi người thấy Đức Mẹ đã có niềm hy vọng lớn lao về người con trai của mình; niềm hy vọng của Mẹ là gương sáng cho mọi người noi theo. Ngay cả trong những giờ phút đen tối nhất, Đức Mẹ vẫn có niềm hy vọng. Và niềm hy vọng này đổi mới mọi sự.”