WHĐ (16.07.2013) – “Ngày Chúa nhật Hàng hải” (Sea Sunday) được Tòa Thánh tổ chức hằng năm vào Chúa nhật thứ hai trong tháng Bảy để tưởng nhớ, cầu nguyện và ghi ơn những người làm việc trên biển cả để phục vụ cộng đồng thế giới cũng như bày tỏ lòng biết ơn các tình nguyện viên và các tông đồ biển khơi hoạt động tại nhiều bến cảng trên khắp thế giới.
Năm nay “Ngày Chúa nhật Hàng hải” nhằm ngày 14-07.
Đức hồng y Antonio Maria Vegliò, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về mục vụ cho người Di dân và Du mục, cho biết một Hiệp định mới nhằm cải thiện điều kiện sống của những người làm việc trên biển sẽ có hiệu lực vào tháng Tám sắp tới.
Trên thế giới có khoảng một triệu rưỡi người chịu trách nhiệm vận chuyển hầu hết những gì chúng ta đang có; họ làm việc trên khoảng 100.000 con tàu. Công việc của một thuyền viên, một ngư phủ hay thủy thủ là không dễ dàng. Làm việc trên biển nghĩa là phải đối mặt với hàng ngàn nguy hiểm cũng như cảm thấy cô đơn và chịu nhiều áp lực.
Giáo hội cung cấp sự trợ giúp thông qua các Trung tâm Sao Biển. Các trung tâm mục vụ này có mặt tại hơn 360 bến cảng trên toàn thế giới. Những trung tâm này không phải dễ dàng có được, ở thời điểm mà việc bảo vệ hàng hóa được coi trọng hơn bảo vệ quyền cá nhân của con người. Hồi cuối tháng 11/2012, trong cuộc gặp gỡ các nhân viên mục vụ làm việc với những người sống trên biển, Đức nguyên giáo hoàng Bênêđictô XVI đã lên tiếng cảnh báo: “Thế giới của biển khơi, với sự di chuyển liên tục của con người ngày nay, phải tính đến những tác động phức tạp của toàn cầu hóa và, thật không may, phải hiểu được những tình trạng bất công, đặc biệt là khi thủy thủ đoàn của con tàu bị hạn chế lên bờ, khi họ bị bỏ rơi hoàn toàn cùng với con tàu của họ, khi họ có nguy cơ bị hải tặc tấn công và bị thiệt hại do việc đánh cá bất hợp pháp”.
“Ngày Chúa nhật Hàng hải” năm nay rất đặc biệt, vì trong tháng Tám Hiệp định về lao động hàng hải của ILO (Tổ chức Lao động quốc tế) sẽ có hiệu lực. Hiệp định này đã được ILO thông qua vào năm 2006 và được phê chuẩn bởi 30 quốc gia thành viên của Văn phòng Lao động quốc tế, có nghĩa là nó có tính ràng buộc ở cấp quốc tế. Do đó không ngạc nhiên rằng Sứ điệp “Ngày Chúa nhật Hàng hải” năm nay của Hội đồng Tòa Thánh về Chăm sóc Mục vụ cho người Di dân và Du mục nhấn mạnh đến việc phê chuẩn và buộc phải thực thi Hiệp định quan trọng này. Sứ điệp xem Hiệp định này là “ngọn hải đăng hy vọng soi tỏ trong đêm tối của những vấn đề và những khó khăn mà người đi biển gặp phải”.
Hội đồng Tòa Thánh đặc biệt kêu gọi các chính phủ bảo đảm rằng các điểm nêu ra trong tài liệu sẽ không là những con chữ chết: “Là những tông đồ của biển khơi, chúng tôi chào đón Hiệp định sẽ có hiệu lực và tin tưởng hy vọng sẽ thấy đời sống của người đi biển được cải thiện, nhưng đồng thời chúng tôi vẫn thận trọng và bày tỏ sự lo lắng của mình về việc các thủy thủ làm việc trên tàu cũng được quyền sử dụng các tiện nghi và dịch vụ trên bờ để bảo đảm sức khỏe và hạnh phúc của mình”.
Tòa Thánh Vatican nhắc lại rằng các quốc gia phải có trách nhiệm cụ thể đối với các thủy thủ cập bến cảng của mình. Tòa Thánh cũng khuyến khích các nhà chức trách ở cảng “đưa ra một hệ thống thuế cảng -ngoài các hình thức tài chính khác- để cung cấp một cơ chế đáng tin cậy hầu trợ giúp các dịch vụ phúc lợi xã hội bền vững tại bến cảng”.
Sứ điệp của Hội đồng Tòa Thánh kết luận: “Chúng ta hãy xin Mẹ Maria là Ngôi Sao Biển, soi sáng và đồng hành với chúng ta trong sứ vụ nâng đỡ các tín hữu được kêu gọi làm chứng cho đời sống Kitô hữu trong thế giới hàng hải”.
(Theo Vatican Insider)
Minh Đức